Không dám tự mình thay đổi dù biết những điều thay đổi ấy là tốt, trung thành với những cách làm dù biết là quá cũ, quá lạc hậu vẫn đang tồn tại trong giáo dục.
Một thực tế buồn đang tồn tại trong ngành giáo dục hiện nay, giáo án của giáo viên được in ra chỉ để ký và khi ký duyệt xong, bộ giáo án ấy đương nhiên sẽ bị bỏ vào thùng rác.
Ai có thể tính được sự lãng phí thế này?
Một năm, mỗi giáo viên tiêu tốn khoảng vài trăm tờ giấy A4 để in giáo án chỉ để kiểm tra. Vì dù còn mới, dù sang năm thầy cô vẫn dạy khối lớp ấy, dù vẫn chỉ in lại những nội dung đã từng in…thì bộ giáo án ấy vẫn không cho dùng lại.
Nhìn những xấp giáo án mới tinh còn thơm mùi mực, thầy cô giáo nào cũng thấy tiếc, thấy lãng phí.
Một thầy cô bỏ đi vài trăm tờ giấy, một nghìn thầy cô trong một huyện thị thì phải bỏ đi tới hàng trăm nghìn tờ giấy như thế.
Con số này nhân lên với hàng triệu giáo viên ở 63 tỉnh thành thì lượng giấy bỏ đi quả trong một năm quả là không đếm nổi.
Đó là chưa nói đến việc một số thầy cô giáo đi mua giáo án, một năm hết khoảng 2 triệu đồng. Chỉ tính sơ sơ, có vài trăm thầy cô ở một địa phương thì số tiền bỏ ra không hề nhỏ chút nào.
Giáo viên chủ yếu soạn xong để giáo án ngay trong máy tính
Nhiều giáo viên hiện nay (chủ yếu là giáo viên bậc trung học) đi dạy vẫn thường mang theo máy tính trong đó có sẵn giáo án đã được soạn.
Vào tiết dạy, thầy cô bật máy mở bài soạn đã chuẩn bị sẵn để sử dụng khi cần.
Thế nhưng đến kỳ kiểm tra, thầy cô giáo ấy vẫn phải in giáo án ra chỉ để cho tổ trưởng ký duyệt.
Bậc tiểu học, giáo án được soạn đơn giản hơn, chủ yếu chỉ là các bước lên lớp, không có nội dung bài học. Vậy nên, với giáo viên đã có kinh nghiệm đứng lớp vài năm, nhìn vào bài đã có ngay giáo án trong đầu mà chẳng cần nhìn vào giáo án.
Vì thế, giáo án thầy cô soạn xong cũng chẳng cần in ra mang theo vào lớp mới dạy được. Chỉ khi nào có đợt kiểm tra, giáo viên mới in giáo án ra để ký.
Nhiều câu hỏi được đặt ra: “Vì sao nhà trường không yêu cầu giáo viên gửi giáo án vào hộp thư để kiểm tra mà cứ bắt in ra để ký?
Nhiều năm về trước, giáo viên soạn giáo án chủ yếu chép bằng tay thì nhiều năm trở lại đây, các thầy cô giáo đã soạn giáo án bằng vi tính. Thông thường giáo án soạn xong đều được giáo viên lưu trong máy.
Đến kỳ kiểm tra, giáo viên chỉ việc in ra, ký duyệt là bộ giáo án ấy đã hoàn thành vai trò trách nhiệm của mình.
Thường người ta quy định, cứ 2 tuần tổ trưởng ký duyệt giáo án một lần. Một năm nhà trường kiểm tra giáo án 2 lần vào cuối học kỳ 1 và cuối học kỳ 2.
Nhiều giáo viên soạn giáo án xong để luôn trong máy tính chờ đến kỳ nhà trường kiểm tra mới tất tả in ra để duyệt.
Vì sao cứ phải quy định in giáo án ra chỉ để ký một cách vô lý như thế?
Sao không yêu cầu giáo viên gửi giáo án vào hộp thư chung của tổ để tổ trưởng duyệt?
Rồi đến kỳ quy định, nếu nhà trường muốn kiểm tra giáo án của tổ chuyên môn hoặc từng thành viên nào đấy, giáo viên cũng có thể gửi trực tiếp bằng email về hộp thư chung của trường.
Người kiểm tra chỉ cần kích chuột là đã biết ngay giáo viên ấy soạn như thế nào và soạn đến tuần nào?
Chúng tôi đã từng đặt câu hỏi này với khá nhiều thầy cô giáo làm công tác quản lý ở nhiều trường thì nhận được câu trả lời gần giống nhau: “Xưa nay, quy định như thế thì cứ thế mà làm”.
Không dám tự mình thay đổi dù biết những điều thay đổi ấy là tốt, trung thành với những cách làm dù biết là quá cũ, quá lạc hậu vẫn đang tồn tại rất nhiều trong ngành giáo dục của chúng ta hiện nay.