Tao Đàn – Gustave Flaubert là một trong những cái tên tiêu biểu của văn học hiện thực Pháp thế kỷ 19. Tác phẩm “Bà Bovary” của ông được xuất bản năm 1856 vừa khắc họa sâu sắc giấc mộng lãng mạn thời ấy vừa thể hiện cảnh điêu tàn của nó khi bị hiện thực vùi dập. Giống như một bản nhạc bay bổng, “Bà Bovary” đưa người đọc vào tâm hồn đầy thi ca lãng mạn của người Pháp và những nét văn hóa đặc sắc thế kỷ 19.

Văn chương bay bổng và phóng khoáng của Gustave Flaubert

Dù là tác phẩm đại diện cho chủ nghĩa hiện thực Pháp thế kỷ 19, nhưng “Bà Bovary” chứa đựng một phần “con người thứ nhất” của Gustave Flaubert – con người lãng mạn được ảnh hưởng từ Victor Hugo. Trải khắp cả truyện là những dòng văn miêu tả đẹp đẽ, từ con người đến cảnh sắc thiên nhiên nơi họ đi qua, tựa như những khúc nhạc cất lên, khi mềm mại uyển chuyển:

“Không khí lồng lộng bao quanh nàng, lật tung những sợi tóc tơ ở gáy, hoặc lay động những dải buộc tạp dề như những dải cờ. Một lần vào lúc trời tan giá, vỏ cây rỉ nước ngoài sân, tuyết trên mái nhà chảy xuống. Nàng đứng ở thềm; nàng đi tìm cái dù, nàng mở ra. Cái dù bằng lụa xanh biếc, lóng lánh như cổ chim câu khi ánh nắng xuyên qua, đã toả ánh sáng muôn màu vào da mặt trắng trẻo của nàng.”

…lúc lại mạnh mẽ cuồn cuộn:

“Từng đám bóng đen, rải rác đó đây, nổi lên trong đêm tối và, đôi khi, nhẹ nhàng run rẩy theo cùng một động tác, chúng đứng thẳng lên rồi lại ngã xuống như những làn sóng đen mênh mông tiến đến trùm lên họ. Hơi lạnh ban đầu khiến họ ôm ấp nhau chặt hơn; những tiếng thở dài qua môi họ dường như mạnh hơn; đôi mắt họ, mà họ vừa khám phá thấy, tưởng chừng to hơn, giữa cảnh nhà tĩnh mịch có những lời nói thì thầm rơi vào tâm hồn họ với âm thanh trong trẻo và dội lại trong đó thành những rung động tăng lên gấp bội.”

Dường như tâm hồn của những nhà văn người Pháp luôn lãng mạn và đầy thơ mộng như vậy. Độc giả có thể bắt gặp một “Người tình” của Marguerite Duras thấm đượm nữ tính và trữ tình, một “Trà hoa nữ” của Alexandre Dumas với những cảm xúc mãnh liệt mà tuôn trào rất đỗi tự nhiên, và ở đây là một “Bà Bovary” đầy rẫy những hình ảnh so sánh vô cùng đắt giá. Ví dụ như ở đoạn diễn tả tâm trạng chán chường của Emma (tên của bà Bovary) về người chồng thầy thuốc thôn quê tầm thường không chí lớn (là Charles), tác giả đã so sánh nỗi phiền muộn ấy “như những đám mây dày, xoay chiều như cơn gió thổi”. Đám mây dày vừa gợi hình ảnh âm u, xám xịt là cõi lòng nàng, mà lại dày đặc những suy tư chất chồng ngày đêm; còn cơn gió xoay chiều là nỗi phiền ấy không ở yên mà cứ trở đi trở lại, cứ quay quắt và làm hỗn loạn trong nàng mãi không thôi. Đoạn tiếp đó lại là một phép so sánh nữa: nếu chồng nàng quan tâm và hiểu một chút “thì nàng tưởng chừng sẽ phải thổ lộ hết nỗi lòng của nàng như những trái chín từ giàn cây rụng xuống khi người ta đưa tay hái”. Nỗi phiền muộn ấy đã chín rồi và rõ ràng, lồ lộ đến mức chỉ cần vươn tay ra là nắm được, thế nhưng Charles Bovary – chồng nàng – không bao giờ biết, không bao giờ hiểu dẫu đã gần đến thế. Sự sầu úa của tâm hồn, sự tuyệt vọng trong Emma đã được đẩy lên cao trào một cách khéo léo và tinh tế như vậy. Khoảng cách giữa hai con người ở cạnh nhau dưới một mái nhà mà bằng cả nghìn trùng khơi!

Giấc mộng phù phiếm của bà Bovary giữa lòng xã hội Pháp thế kỷ 19

Bà Bovary xuất thân là một thiếu nữ nông thôn được học trong tu viện và đọc rất nhiều tiểu thuyết tình cảm. Bị ảnh hưởng bởi văn chương lãng mạn, nàng những mong được làm vai nữ chính trong đó, được yêu thương bởi một người chồng tài năng, giàu có, hào hoa phong nhã, chí lớn, danh vọng đầy mình, luôn cùng nàng nói về những chủ đề bay bổng diễm lệ. Thế nhưng, nàng vỡ mộng vì lỡ gả cho Charles – người thầy thuốc mà theo nàng là “người đâu mà hèn đến thế”, thô lỗ, vụng về, thiếu hiểu biết, không có thú vui xa hoa trụy lạc. Nàng ngoại tình với hai người đàn ông (Léon và Rodolphe) – tình nhân trong mộng, không lao động nhưng phung phí đến cạn kiệt tài sản của chồng. 

Diễn biến của hai cuộc ngoại tình ấy thật sự hấp dẫn, mặc dù ngay từ đầu truyện người đọc đã bị lôi cuốn bởi lối viết văn cầu toàn. Tạm chưa nói đến sự đáng trách của các nhân vật khi đi ngược đạo đức xã hội, người đọc không khỏi ấn tượng với một Rodolphe cùng kế hoạch từ quyến rũ, nắm bắt tâm lý phụ nữ đến ruồng bỏ người tình đều cực kỳ tinh vi. Kế hoạch ấy, đến hôm nay vẫn có thể áp dụng được, hay nói cách khác, lý do để ngoại tình và tâm lý người trong cuộc có lẽ đều giống nhau qua các thời kỳ. Tác phẩm có giá trị lâu dài và trở thành kinh điển một phần cũng vì thế.

Ngoài Rodolphe, nhân vật Léon cũng đại diện cho một loại đàn ông dễ dàng quyến rũ phụ nữ trong xã hội: một luật sư trẻ trung, phong nhã, vừa có sự nhút nhát đầu đời nhưng lại cũng vừa sẵn sàng bày tỏ ra cái tình cảm mãnh liệt dành cho người phụ nữ. Sống cạnh một người chồng cục mịch khô khan, bà Bovary – vốn có một trái tim rạo rực luôn khao khát yêu đương – bị hấp dẫn bởi Léon âu cũng là một điều dễ hiểu. Sự tài tình trong việc xây dựng nhân vật của tác giả nằm ở đó.

Trong truyện, bà Bovary không chỉ vỡ mộng một, hai mà đến ba lần và cấp độ đau thương cứ tăng lên dần. Càng khát khao tình yêu, nàng ta càng nhận lấy quả đắng gấp bội. Ngoại tình là vậy, làm sao có được kết quả tốt đẹp? Không chỉ giấc mộng phù phiếm của nàng tan vỡ, mà cả cuộc sống người chồng tội nghiệp là Charles cũng bị hủy hoại. Anh đã yêu thương, chiều chuộng nàng hết mực, say mê trong niềm hạnh phúc đơn phương mình anh tưởng tượng, và cho đến cùng khi đau đớn nhận ra mình bị phản bội vẫn không căm hận người vợ hay những gã nhân tình của nàng. Thậm chí, anh chối bỏ luôn bản thân khi nhìn vào gã nhân tình của vợ và ước rằng mình có thể trở thành như thế.

“Đó là định mệnh.” Anh bắt chước cách nói chuyện giả vờ đạo lý văn thơ của Rodolphe.

Không chỉ cái kết đắng bị ruồng bỏ và mất tất cả bao gồm mạng sống của bà Bovary, sự khốn khổ của Charles cũng là biểu hiện rõ nhất cho chủ nghĩa hiện thực trong tác phẩm. Người đàn ông ấy ngay từ đầu đã luôn sống theo sự sắp đặt của cha mẹ, không dám trái ý vợ trước là người phụ nữ góa chồng, xuôi theo dòng chảy của xã hội mà chẳng có cái tôi, bản ngã của riêng mình, bị lừa dối và đến cuối truyện người vợ anh thương dù không còn gì vẫn không cần anh. Cái tên “Bà Bovary” mà Gustave Flaubert đặt cho tác phẩm dường như là một sự châm biếm mỉa mai: cái tên đó khẳng định người phụ nữ ấy thuộc về Charles Bovary, nhưng thực tế thì chưa bao giờ!

Bà Bovary là một nhân vật đáng trách nhiều hơn đáng thương, nhất là đối với thế hệ độc giả thế kỷ 21. Cũng vì tác phẩm mà một thời gian nhà văn Gustave Flaubert phải ra hầu tòa. Và đến tận bây giờ, “Bà Bovary” vẫn gây nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, đây vẫn là một tác phẩm thật sự đáng đọc vì tài năng của nhà văn cùng chủ nghĩa hiện thực. Đọng lại trong độc giả, ngoài giấc mơ tan vỡ của người phụ nữ xinh đẹp kia còn là những đại lộ có cửa hàng bán tranh nghệ thuật, những buổi tiệc nhộn nhịp, những bộ trang phục cầu kỳ lộng lẫy, những điệu nhảy phóng khoáng, những đồng cỏ trải dài ngập nắng, những đêm trăng đẹp, những khu chợ nhiều âm thanh, những buổi tranh luận của giới trí thức… tất cả làm nên một bức tranh xã hội nước Pháp thế kỷ 19 thật sinh động.