Anh không xứng là biển xanh
Nhưng anh muốn em là bờ cát trắng
Bờ cát dài phẳng lặng
Soi ánh nắng pha lê…

Bờ đẹp đẽ cát vàng
– Thoai thoải hàng thông đứng
Như lặng lẽ mơ màng
Suốt ngàn năm bên sóng…

Anh xin làm sóng biếc
Hôn mãi cát vàng em
Hôn thật khẽ, thật êm
Hôn êm đềm mãi mãi

Đã hôn rồi, hôn lại
Cho đến mãi muôn đời
Đến tan cả đất trời
Anh mới thôi dào dạt…

Cũng có khi ào ạt
Như nghiến nát bờ em
Là lúc triều yêu mến
Ngập bến của ngày đêm

Anh không xứng là biển xanh
Nhưng cũng xin làm bể biếc
Để hát mãi bên gành
Một tình chung không hết

Để những khi bọt tung trắng xoá
Và gió về bay toả nơi nơi
Như hôn mãi ngàn năm không thoả,
Bởi yêu bờ lắm lắm, em ơi!

4-4-1962


Biển là một bài thơ tình đặc sắc của Xuân Diệu sau Cách mạng tháng Tám, được sáng tác trên bãi biển Sầm Sơn. Nhưng như chính nhà thơ tâm sự, nguồn thi hứng của ông được gợi lên từ biển Quy Nhơn cát vàng nước biếc dạt dào, tiếng thầm thì của phi lao như lời tâm sự của những tình nhân.

Con người từng được mệnh danh là “ông hoàng của thơ tình” thời Thơ Mới đã nói lên cảm xúc yêu đương nồng nàn từ vọng tưởng về con sóng quê hương thấm đẫm hồn thơ từ thuở hoa niên. Một tình yêu mới mẻ, không còn cảm giác mong manh vì lo sợ “tình yêu đến tình yêu đi ai biết” mà gắn kết vững bền trong quan hệ sóng – bờ.

Vượt ra khỏi phạm vi của tâm tình lứa đôi, bài thơ còn nóng hổi những bồi hồi của đứa con miền Nam những ngày phải xa cách quê hương khi đất nước cắt chia làm hai nửa.

Bắt đầu bài thơ là một lời thú nhận nhưng cũng đồng thời là một khát vọng hóa thân, để được hướng về em bằng tất cả niềm ngưỡng vọng, đắm say:

Anh không xứng là biển xanh
Nhưng anh muốn em là bờ cát trắng

Em – bờ cát trắng, như một biểu tượng của cái đẹp muôn đời, được cảm nhận bằng tất cả sự say mê của một trái tim si tình. Cái nhìn của nhà thơ trước sau vẫn thế, luôn lấy vẻ đẹp con người làm chuẩn mực cho những vẻ đẹp tự nhiên. Sắc nắng pha lê làm nên sắc cát vàng óng ả. Một dáng nghiêng mềm mại “thoai thoải hàng thông” tạo thành vẻ đẹp mang đậm nữ tính. Vẻ đẹp ấy là cái cớ để nhà thơ bộc lộ tình yêu tha thiết với em khi tự nhận: “Anh xin làm sóng biếc”. Cái tôi hóa thân thành con sóng mới tự do và mãnh liệt làm sao!

Có lẽ cho đến nay trong thi ca Việt Nam, kể cả những nhà thơ cách tân mới nhất, chưa ai dám bạo dạn tả cái hôn đắm đuối đến thế: hôn mãi, hôn thật khẽ thật êm, hôn êm đềm, mãi mãi, hôn rồi hôn lại, tan cả đất trời… Ngỡ như cả vũ trụ nghẹt thở bởi những cái hôn nồng cháy đến thế! Thấp thoáng trong câu thơ những ám ảnh dục tính rất đời thường mà không hề vẩn đục bởi những dục vọng thấp hèn.

Và con sóng tình không chỉ dừng lại đó mà rất bạo liệt ào ạt, nghiến nát bờ em. Ta lại gặp một Xuân Diệu – kẻ uống tình yêu dập cả môi thuở nào! Con người đã tìm thấy trong tình yêu sự sống vĩnh cửu, vượt ra khỏi giới hạn đời người trăm năm để quyện chặt với đời bằng nụ hôn ngàn năm không thỏa. Bằng tình yêu ấy, thi nhân đã hòa con sóng biếc tâm hồn góp thành bể biếc cuộc đời – màu tình yêu muôn thuở. Ân tình nhà thơ cũng hòa chung quan niệm của một thời người yêu người sống để yêu nhau (Tố Hữu).

Có lẽ cũng không cần phải bàn nhiều về tính chất của tình yêu hiển hiện trong những vần yêu nồng nàn ấy.

Đó cũng là tình yêu vọng về mảnh đất Bình Định thân thương, nơi đã nuôi hồn thơ cho Xuân Diệu. Biển Quy Nhơn lung linh trong bao thi ảnh bể biếc, cát vàng, thoai thoải bãi bờ… Tình yêu lứa đôi quyện hòa cùng tình yêu quê hương. Để những người yêu nhau ra trước biển Quy Nhơn giờ đây lại có thể ngâm ngợi những vần thơ của người nghệ sĩ đa tình thuở ấy:

Anh không xứng là biển xanh
Nhưng cũng xin làm bể biếc
Để hát mãi bên gành
Một tình chung không hết

Trần Hà Nam