Em sẽ kể anh nghe
Chuyện con thuyền và biển:
“Từ ngày nào chẳng biết
Thuyền nghe lời biển khơi
Cánh hải âu, sóng biếc
Đưa thuyền đi muôn nơi
Lòng thuyền nhiều khát vọng
Và tình biển bao la
Thuyền đi hoài không mỏi
Biển vẫn xa… còn xa
Những đêm trăng hiền từ
Biển như cô gái nhỏ
Thầm thì gửi tâm tư
Quanh mạn thuyền sóng vỗ
Cũng có khi vô cớ
Biển ào ạt xô thuyền
(Vì tình yêu muôn thuở
Có bao giờ đứng yên?)
Chỉ có thuyền mới hiểu
Biển mênh mông nhường nào
Chỉ có biển mới biết
Thuyền đi đâu, về đâu
Những ngày không gặp nhau
Biển bạc đầu thương nhớ
Những ngày không gặp nhau
Lòng thuyền đau – rạn vỡ
Nếu từ giã thuyền rồi
Biển chỉ còn sóng gió”
Nếu phải cách xa anh
Em chỉ còn bão tố
4-1963
Xem thêm: Bài thơ Biển – Xuân Diệu
Nhà nghiên cứu văn học Lưu Khánh Thơ từng nhận xét: Sóng và Thuyền và Biển là hai bài thơ tình vào loại hay nhất của Xuân Quỳnh nói riêng và của thơ hiện đại Việt Nam nói chung. Nó có mặt trong hầu hết gia tài của những đôi lứa yêu nhau.
Và trong bài viết: “Hình tượng ám ảnh trong thơ Xuân Quỳnh” – Tạp chí ĐH Sài Gòn, Bình luận văn học, niên giám 2012, tác giả Đinh Thị Phương Hà đã viết:
Với một tâm hồn nhạy cảm, một khát vọng luôn dâng trào mãnh liệt với tình yêu hạnh phúc, một con tim cuồng nhiệt đam mê để sống và để yêu, thì hình ảnh sóng vỡ bờ, thuyền và biển cũng sôi nổi, nồng nàn như chính tâm hồn của nữ sĩ.
Bằng sự nhạy cảm và tinh tế của người phụ nữ, sự sắc sảo của một nhà thơ, Xuân Quỳnh đã nắm bắt được từng biến động, từng đặc điểm của sự vật thông qua hình ảnh thuyền – biển – sóng để từ đó biến nó thành sự phản ánh những cung bậc tình cảm, những khía cạnh của đời sống con người ở từng trạng thái khác nhau, đặc biệt những xúc cảm của tình yêu.
Không phủ nhận một điều là đã có rất nhiều bài thơ, nhà thơ cổ điển, hiện đại đề cập đến những hình ảnh đẹp này, và cũng có rất nhiều bài thơ thành công khi khai thác về nó (Biển – Xuân Diệu), nhưng có lẽ không quá đáng để khẳng định rằng chỉ đến Xuân Quỳnh, những hình ảnh đó mới trở nên bất tử với thời gian. Xuân Quỳnh đã phát hiện ra trong đó sự biểu hiện tất cả cung bậc của tình yêu: sự cuốn hút và bí ẩn, nỗi thấu hiểu và sự cảm thông, sự ràng buộc và tự nguyện, gặp gỡ và chia xa, khát vọng to lớn và sự bất tận, những hạnh phúc và đau khổ đến tột cùng.
Thuyền – Biển trở thành một cặp không thể thiếu trong cuộc hành trình trên đại dương bao la, đúng là khoảng cách bến bờ của biển chỉ có thuyền mới xác định được bao nhiêu hải lý và cũng chỉ có biển mới theo kịp những chuyến rong ruổi của thuyền trên sóng biển bao la. Chúng trở thành đối tượng hướng về nhau như một quy luật tất yếu của cuộc sống. Và không dừng lại ở chuyện “con thuyền và biển”, Xuân Quỳnh đã khai thác những trạng thái, cảm xúc của con người được ẩn hiện trong hình ảnh đó. Điểm đặc biệt, độc đáo trong thơ Xuân Quỳnh khi xây dựng những hình ảnh ẩn dụ mang ý nghĩa biểu tượng là tính “nửa vời” độc đáo, nửa úp nửa mở một cách có dụng ý của tác giả. Khi mượn hình ảnh để chuyển tải cảm xúc, chủ thể trữ tình vẫn không ẩn đi mà vẫn xuất hiện song song cùng đối tượng so sánh, có khi là soi chiếu, có khi là hòa nhập, hóa thân… tạo thành một sự song hành vừa mơ hồ vừa cụ thể giữa biểu tượng và chủ thể.
Thuyền và Biển không chỉ là đối tượng chủ thể trữ tình mà hình ảnh đó là biểu trưng cho cảm xúc của những đôi lứa yêu nhau. Đó là tâm trạng nhớ nhung, buồn đau của tháng ngày xa cách, là ước nguyện luôn được gắn bó, bền chặt bên nhau. Tình yêu trong Xuân Quỳnh vẫn mãi là biển xanh mênh mông, vẫn mãi nồng nàn, thật say đắm, đồng thời vẫn tiềm ẩn bên trong đó là những bão tố, là rạn vỡ. Song với Xuân Quỳnh, chị luôn khao khát tình yêu của mình là vô tận, tận cùng biển cả mênh mông. Chị muốn vượt qua những giới hạn nhỏ bé của người phụ nữ, chị muốn trải lòng mình với mặt biển bao la, nơi tình yêu hạnh phúc của người phụ nữ với tâm hồn nhạy cảm, thao thức với đời đặt ở đó.
Còn Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã chắp cánh cho Thuyền và Biển bằng những giai điệu trữ tình sâu lắng, những cảm xúc da diết yêu thương như một thông điệp tình yêu gửi đến muôn đời.