Báu vật của đời (nguyên tác tiếng trung là Phong nhũ phì đồn) là một tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Trung Quốc Mạc Ngôn. Mạc Ngôn tức là “không nói”. “Phong nhũ phì đồn” tức là chỉ vú to, mông nần nẫn. Những giấy mác danh từ tưởng như không liên quan ấy lại được tạo hóa xếp vào vị trí mật thiết, ruột thịt là đấng sinh thành và kẻ được khai sinh.
Văn chương của Mạc Ngôn mang đậm nét phồn thực vì cách nhau dăm ba đôi chữ lại có những con chữ nhạy cảm chỉ đến biểu tượng đặc trưng của người phụ nữ. Tín ngưỡng phồn thực nghĩa là biểu hiện của vạn vật sinh sôi, nảy nở như biểu tượng âm dương, đất trời, non nước. Không nói mà thành ra nói quá nhiều, gợi tỏ quá mức trần trụi và thách thức người đọc.
Nói đến đây, bạn có phải thất vọng hay không vì cho rằng tác phẩm giành giải Noben Văn học năm 2000 này mang đậm nét tính sắc dục, không có giá trị văn chương? Nhưng không, có thể bạn đã lầm. Phong nhũ phì đồn đã gói gọn lịch sử văn hóa Trung Hoa ngàn đời trong chính tên gọi của nó. Dẫu bút danh là không nói nhưng ngược lại ông nêu lên quá đĩnh đạc, quá trần trụi vận nước đau thương mà vĩ đại qua cuộc đời một người phụ nữ “phong nhũ phì đồn” mang tính sắc dục ấy.
Chịu ảnh hưởng bởi quan điểm chính trị mạnh mẽ từ Lỗ Tấn và chủ nghĩa hiện thực huyền ảo của Gabriel Garcia Marquez nên những câu chuyện từ tác phẩm của Mạc Ngôn thường có bối cảnh gần quê hương ông, mọc rễ trên mảnh đất hiện thực như thành phố Cao Mật, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ông đọc rất nhiều các tác phẩm từ Faulker, Kafka, Grass đến Kawabata, Kenzaburo…Có lẽ vì vậy mà văn chương của ông không bị giới hạn bởi định kiến quê hương, vừa châm biếm hài hước mà sâu cay về thế giới vừa “thanh” vừa “trọc”, vừa “tình” vừa “dâm”, vừa “chân” vừa “giả”.
Mạc Ngôn tiết lộ ý tưởng về tác phẩm xuất hiện khi ông rời tàu điện ngầm ở Bắc Kinh đi lên bậc tam cấp, gặp một người mẹ gầy đen đang ngồi, ôm hai con nhỏ. Mỗi đứa ngậm một đầu vú day day, tay kia thì sờ ngực mẹ. Ông ứa nước mắt, đứng lặng người một góc, nhìn trân trân mặc kệ những người xung quanh nhìn ông như kẻ điên. Cũng có người đến vỗ vai hỏi vì sao ông khóc? Ông nói là mình nhớ về thời ấu thơ và thương người mẹ sinh nặng đẻ đau ra mình. Mẹ ông đã hi sinh hết mình cho các con sống sót qua cơn đói trong những năm sáu mươi của Trung Quốc. Ông cũng nghĩ ngay lập tức ra cái tên “Phong nhũ phì đồn”. Phong nhũ tức là vú to, phì đồn là mông nần nẫn. Một cái tên tác phẩm vô cùng sinh thực.
Mạc Ngôn viết xong tác phẩm chỉ trong chín mươi ngày, trong khi trước đó ông nghĩ mười năm mới hoàn thành xong cuốn tiểu thuyết kính tặng mẹ này. Ban đầu, tác phẩm tạo ra cơn bão dư luận vì cho rằng nó có tính khêu gợi tình dục quá mức. Họ phê phán chúng với những câu hỏi như tại sao người cộng sản lại xấu, người quốc dân đảng lại tốt rồi đến chia nhau đọc từng chương chỉ trích sai trái trong lập trường tư tưởng của ông khiến cuốn sách vừa xuất bản bị đem đi tiêu hủy. Các nhà văn lão thành cách mạng ra sức phỉ báng cay nghiệt, buông những lời lẽ thóa mạ văn chương của Mạc Ngôn.
Nhìn Mạc Ngôn đột nhiên không hiểu sao ta lại nhớ đến Lỗ Tấn – người dũng sĩ đơn độc múa kích dẫu bị cho là người đã tàn nhẫn chà đạp lý trí và trật tự của các truyền thống Trung Hoa trong các tác phẩm lớn như “AQ chính truyện”, “Nhật ký người điên”, “Khổng Ất Kỷ”. Lỗ Tấn là một người cực kỳ cảnh giác với quyền lực vì ông biết rằng một nền văn nghệ mà chỉ tập trung ca ngợi cách mạng của kẻ cầm quyền ắt sẽ dị dạng.
Xem thêm: AQ chính truyện – Hãy tỉnh táo mà sống
Nói vậy để thấy, tác phẩm của Mạc Ngôn có giá trị vượt thời đại giống như Lỗ Tấn dẫu bị vạn người thóa mạ. Báu vật ở đời của ông đã khái quát trọn vẹn cả một giai đoạn lịch sử hiện tại đầy bi tráng của đất nước Trung Hoa thông qua số phận các thế hệ trong gia đình Thượng Quan. Ngẫu nhiên ta sẽ bắt gặp chút nét đẹp mà buồn như Kawabata từng viết trong “Người đẹp ngủ mê”. Chỉ cần khơi gợi chút ít thôi cũng đủ sức ảnh hưởng dữ dội đến tâm hồn ta. Hình ảnh những người phụ nữ ấy, các biểu tượng phồn thực như những thiên thể có hình dáng ngực và mông tràn đầy sức sống nhưng bị trói nhốt bởi các hủ tục nặng nề, bởi tuổi tác, bởi chính bản thân con người họ đã thâu tóm tròn đầy linh hồn bộ tiểu thuyết đồ sộ hơn một nghìn trang.
Ai bảo ta là đàn bà
Bối cảnh tiểu thuyết bắt đầu từ dòng họ nhà Thượng Quan có đứa con dâu sinh đến đứa con gái thứ bảy vẫn chưa có một đứa con trai. Chồng chị là Thọ Hỉ nổi giận lôi đình đến mức cầm cái chày gỗ ném vào đầu chị, máu vọt lên tường. Cuộc đời của người phụ nữ nông thôn đáng thương ấy nổi bật hẳn lên trong hàng ngàn số phận của những con người vùng đất Cao Mật-Trung Quốc thời bấy giờ. Thượng Quan Lỗ Thị tên thật là Lỗ Toàn Nhi, sinh năm 1990 tại vùng quê Cao Mật, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Toàn Nhi mới sáu tháng đã mồ côi cả cha lẫn mẹ do chiến tranh gây ra. Cô được người cô và ông chú dượng tên Vu Bàn mang về nuôi và theo như tục lệ phải chịu nỗi đau bó chân như bao cô gái khác.
Lên mười sáu tuổi, qua vụ đổi chác tiền bạc giữa người cô và Thượng Quan Lã Thị-mẹ chồng của Toàn Nhi sau này mà cô phải về làm dâu, chịu đựng biết bao đớn đau và tủi nhục. Đặc biệt khi cô lại lấy phải Thọ Hỉ-một ông chồng “bất lực”, “không có khả năng truyền giống” khiến cô phải cắn răng đi “xin giống” của đàn ông khắp thiên hạ.
Khi Lỗ Thị đẻ con, cảnh mẹ chồng nặng tay rờ rẫm, ấn mạnh, vỗ bồng bộc trên bụng cô như “thử dưa chín”, như “gõ một cái trống da dê bị ẩm, phát những tiếng đùng” khiến chúng ta ám ảnh khôn nguôi. Vừa đỡ đẻ cho người, bà mẹ chồng vừa đỡ đẻ cho lừa bằng bàn tay thô chắc đẩy miết trên bụng nó khiến “con lừa cất tiếng rên, bốn chân đang co quắp duỗi dài ra, bốn móng rung lên bần bật như gõ vào chiếc trống vô hình” và nói: “Lừa ơi, kiên nhẫn nhé! Ai bảo ta là đàn bà?”. Ta chợt nhận ra kiếp người như kiếp ngựa.
Tưởng rằng có con thì cuộc đời Lỗ Thị đỡ khổ nhưng không, cô vẫn phải gánh cái hủ tục nặng nề “trọng nam khinh nữ” như chì ngàn đời trên vai vì không sinh được con trai nối dõi. Người đàn bà trong lịch sử Trung Hoa buộc phải sinh được con trai nối dõi tông đường. Đó là nghĩa vụ. Thật khốn khổ thay khi “mẹ nhận ra một chân lý nghiệt ngã: là đàn bà không lấy chồng không được, lầy chồng mà không sinh con không được, sinh con toàn con gái cũng không được. Muốn có địa vị trong gia đình, dứt khoát phải sinh con trai”. Do đó, việc ăn nằm, thai nghén và sinh nở ra những đứa con của các thành phần xã hội của Lỗ Thị chính là sự thách thức cái xã hội coi rẻ, miệt thị phẩm giá của người phụ nữ của Mạc Ngôn.
Lỗ Thị bị người mẹ chồng “nửa người nửa quỷ” hành hạ, bị người chồng “đầu gối tay ấp” bạo ngược vũ phu, thậm chí đối xử không bằng cả con vật. Cuộc đời cô chỉ sang trang khi cả nhà chồng bị lính Nhật tàn sát, chỉ còn Lã Thị-bà mẹ chồng điên dại và bầy con thơ nheo nhóc. Cô buộc phải trở thành bà chủ gia đình, gánh vác nhà Thượng Quan. Lỗ Thị có tổng cộng chín đứa con riêng, tám gái và một trai.
Trong đó, Lai Đệ, Chiêu Đệ là con với ông chú dượng. Lãnh Đệ là với anh chàng bán vịt dạo. Tương Đệ là với anh chàng bán thuốc rong. Phán Đệ là với lão bán thịt chó. Niệm Đệ là với hòa thượng Trí Thông. Cầu Đệ là với tên lính thất trận. Cặp sinh đôi Kim Đồng và Ngọc Nữ là con của Lỗ Thị với mục sư Malôa. Mỗi đứa lớn lên với con đường khác nhau, xung khắc nhau về tư tưởng chính trị đến mức không nhìn mặt được nhau…nhưng Lỗ Thị vĩnh viễn là điểm tựa vững chắc luôn bao dung, đau thương mà vĩ đại vô ngần.
Không chỉ là người mẹ xứng đáng, Lỗ Thị còn trở thành người bà hiền dịu khi chăm sóc tám đứa cháu ngoại khác nhau. Gia đình Thượng Quan qua bao cơn “tai biến”, hết quân Đức, quân Nhật, Quốc Dân Đảng rồi đến Cộng Sản Đảng với cảnh tang tóc, li tán, nhưng Lỗ Thị mãi mãi vẫn giang tay che chở bảo bọc cho con cháu.
Người phụ nữ ấy là hiện thân cho hình ảnh đất nước Trung Hoa lớn lên trên con đường phát triển với bao thăng trầm, “biển hóa nương dâu”, đau thương nhưng quật cường không gì quật ngã được trong cơn quặn đẻ của toàn dân tộc.
Thượng Quan Lỗ Thị mất ở tuổi chín mươi lăm nhưng đến tận khi chết vẫn bị đào mộ, không thể “khổ tận cam lai” mà nhắm mắt xuôi tay được. Ám ảnh nhất vẫn là hình ảnh những bông hoa nở rộ ngôi mộ của Lỗ Thị và những bầu vú hiện lên dồn dập trong tưởng tượng của Kim Đồng-đứa con trai duy nhất của Lỗ Thị chong đêm canh mộ mẹ, sợ “ông Chính phủ” bắt đào lên dù chôn ở một bãi đất hoang. Loài hoa có mùi thơm, cánh hoa giòn như thịt tôm sống nhưng “khi nhai thì xộc lên mũi toàn một mùi máu. Vì sao hoa nở có máu? Vì trên mảnh đất này thấm đẫm máu người ?”. Máu của hàng ngàn con người đổ xuống sau khi những cuộc đời mang danh chung dòng máu tự giết chết lẫn nhau của đại gia đình, của đại dân tộc.
Xương sườn của Adam
Nét bút của Mạc Ngôn vừa châm biếm vừa xót xa cho số phận của người phụ nữ, số phận của đất nước Trung Hoa sau biết bao cuộc giao thoa, lai tạp giữa các nền văn hóa tựa như hành trình đi “xin giống” của Lỗ Thị với đủ thành phần xã hội. Văn phong của ông rất u tối, nặng nề khi dám miêu tả trần trụi dục vọng dơ bẩn, đớn hèn trong nhân cách mỗi một con người, một cộng đồng, một đất nước lớn.
Tuy nhiên, thông qua đó, ta nhận ra hình ảnh người phụ nữ được phản chiếu dưới con mắt khách quan chứ không phải vì nam quyền hay mẫu quyền. Dẫu rằng Báu vật của đời kể về nỗi khổ trăm bề của dân tộc Trung Hoa thông qua nỗi khổ của người mẹ chứ không phải người cha.
Ở nước ta có mẹ Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng là khởi nguồn cho cả dân tộc Việt. Trước có “chuyện người con gái Nam Xương” (Nguyễn Dữ), người thiếu phụ chờ chồng trong “Chinh phụ ngâm” (Đoàn Thị Điểm), sau có những “mẹ Suốt”, “mẹ Tỏm”, “bà má Hậu Giang” trải dọc đất nước hình chữ S để gò lưng gánh trên vai sức nặng ngàn cân bởi vận nước đang lâm nguy, khốn cùng.
Giống như Mạc Ngôn đã miêu tả Kim Đồng – đứa con không thể rời khỏi vú mẹ qua hình ảnh “báu vật trên đời là vú to mông nẩy”, “những bầu vú khổng lồ lớn dần ra, cao dần lên thành quả núi cao, cao nhất giữa trời và đất, núm vú phủ tuyết trắng, mặt trời mặt trăng xoay quanh như hai con bọ dừa màu nhũ bạc” để khép lại Báu vật của đời. Người phụ nữ ở đất nước nào cũng vậy đều là bầu sữa ngọt ngào và là vòng tay bảo bọc vị tha suốt đời cho đứa con ngờ nghệch, bé bỏng của chính mình.
Giữa những nét tương đồng về tính mẫu của người phụ nữ mỗi đất nước, ta nhận ra chỉ khi nào thoát khỏi hệ quy chiếu giá trị và quan điểm của nam quyền, nữ giới mới trở về đúng nghĩa với cội nguồn khai sinh của nó. Dẫu đôi lúc hay bị nói là “phái yếu” nhưng nó vẫn sống trong hiện thực với một phong thái đầy mãnh mẽ, thoát thai từ lâu khỏi vị trí là chiếc xương sườn bé nhỏ trong lồng ngực Adam. Những Eve ấy sẽ vĩnh viễn được khắc ghi trong bia thờ của ngôi đền văn học thế giới sau một đời đau khổ vì sinh ra là phận “phong nhũ phì đồn” như Mạc Ngôn đã trăn trở, nhức nhối sau hơn một nghìn trăm sách đóng lại.
Xem thêm: Đi tìm cảm hứng – Mạc Ngôn