Nguyên Hồng, là một nhà văn, nhà thơ không mấy xa lạ với những đóng góp trong văn hoc nước nhà, ông được biết tới với nhiều tác phẩm tùy bút, thơ, truyện ngắn và đặc biệt là các tác phẩm sử thi nhiều tập kể về cuộc đời của những con người khốn khó gần gũi xung quanh mình. Các tác phẩm của ông luôn mang một sắc thái giản dị nhẹ nhàng nhưng lại ăn sâu vào lòng người đọc vì những câu chuyện vừa có phần nhân văn lại vừa có những đường nét rất độc đáo, sâu sắc và hiện thực…

Xem thêm: Những ngày thơ ấu – cuốn hồi ký tự truyện đặc sắc

Nguyên Hồng sinh năm 1918 và mất năm 1982, tên thật là Nguyễn Nguyên Hồng, là một nhà văn, nhà thơ Việt Nam. Thuở nhỏ là kết quả của một cuộc hôn nhân gượng gạo, mẹ ông – một người phụ nữ hiền hậu, giàu đức hi sinh nhưng lại có cuộc hôn nhân không hạnh phúc, chồng trước của bà là người nghiện ngập, mắc bệnh lao, năm Nguyên Hồng 12 tuổi thì mất, không lâu sau đó bà cũng đi thêm bước nữa. Từ đây Nguyên Hồng không chỉ mồ côi cha mà còn thiếu thốn tình thương của mẹ. Chính vì có một tuổi thơ như vậy mà ngay từ những tác phẩm đầu tay, ông đã hướng ngòi bút của mình tới những con người có số phận bất hạnh nằm dưới đáy xã hội, tiêu biểu trong số đó là quyển hồi ký ‘những ngày thơ ấu’, ‘Bỉ vỏ’,… Có thể thấy các tác phẩm của ông thường gắn liền với những cái gần gũi, đời thường pha lẫn nét hiện thực nhằm tố cáo và lên án những điều phi lý bất công của xã hội bấy giờ. Hình ảnh của phụ nữ và trẻ em luôn được ưu ái mà xuất hiện với tần suất cao trong các tác phẩm của Nguyên Hồng nên ông được nhiều người nhận định là một ”nhà văn của phụ nữ và trẻ em”. Điển hình trong đó là truyện ngắn Bỉ Vỏ – kể về cuộc đời của một người phụ nữ tên là Tám Bính.

Là một trong những tác phẩm của dòng văn hiện thực phê phán, Bỉ Vỏ phản ánh một xã hội với màu sắc tối tăm kể về phận đời bi kịch một người con gái tên Tám Bính. Bính, hay Tám Bính, vốn là một cô gái quê hiền lành, chất phác. Thuở đó vì phải thường xuyên gánh gạo lên chợ huyện bán mà chị đã gặp Chung – một gã tham đạc điền, gã này qua vài lần gặp liền bắt đầu tán tỉnh và trêu ghẹo chị. Bính là một cô gái đương ở độ tuổi xuân thì dễ dàng yêu, dễ dàng rung động nên rất nhanh đã mủi lòng trước gã đàn ông ‘ăn mặc chỉn chu, hay nhìn về phía mình’, thế là cô đã cả tin mà trao đi cả đời con gái. Gã Chung này cũng nhanh chóng lộ bộ mặt thật giả dối, gã bỏ đi không một lời từ biệt sau khi làm Bính bụng mang dạ chửa. Những ngày tháng sau đó giống như một địa ngục đối với Bính, căn nhà cô đang sống  giờ chỉ còn lại những tiếng mắng chửi, đay nghiến và nhục mạ. Cô bị cha mẹ mình nhốt vào trong buồng tối, phải ngày đêm chịu những lời la mắng, xỉ vả thậm tệ. Không chỉ vậy, hai ông bà này còn vì sợ làng bắt vạ mà đem bán cả cháu ruột. Quá đau khổ, Bính quyết định bỏ quê đi biệt xứ tìm người tình với hi vọng gã có thể giúp cô chuộc lại đứa con. Nhưng sau khi bỏ nhà lên Hải Phòng, Bính bị một tên thanh niên cưỡng hiếp, lừa bịp rồi lây bệnh lậu. Cô bị bắt đưa vào nhà chứa, từ đây từ một cô gái nhà lành lương thiện, Bính trở thành gái làng chơi, cuộc đời Bính trở nên ê chề, nhơ nhuốc và nhục nhã.

Trải qua bao nhiêu chuyện, tưởng như cuộc đời lâm vào bế tắc, Bính đã gặp được Năm Sài Gòn – một tên lưu manh làm cái nghề chạy vỏ (ăn cướp), một ‘anh cả’ khét tiếng ở Hải Phòng. Bính được hắn đưa về nhà chăm sóc, và cô trở thành vợ của hắn. Dẫu trở thành vợ của một tên ăn cướp, Bính vẫn khát khao cuộc sống làm ăn chân chính, lương thiện, cô nhiều lần khuyên Năm Sài Gòn từ bỏ cái nghề bất lương nhưng gã không nghe. Về sau Năm bị bắt, số phận dường như lại lần nữa đang trêu đùa với cuộc đời cô Tám Bính, trải qua rất nhiều biến cố, Bính từ một con người khao khát lương thiện nay trở thành một bỉ vỏ lành nghề, một cô Bính hiền lành nay cũng dần bị xã hội tha hóa mà trở thành một người phụ nữ lưu manh, một kẻ kiếm tiền bằng hành động bất lương dựa trên mồ hôi, xương máu của người khác.

Kết cục của câu chuyện khép lại bằng một cái kết nhân quả gây ám ảnh,  cuối cùng thì cả Bính và Năm Sài Gòn đều bị bắt, cô Bính cũng đã phải trả một cái giá ‘đủ’ đắt cho tội ác đã làm…

Tám Bính mắt ướt đầm đìa trông Năm lắc đầu:

“Thế là hết!”

Thế là hết rồi à? Đây là đoạn kết của câu chuyện, và cũng là đoạn khiến tôi ám ảnh và day dứt nhất. ”Thế là hết!” là câu nói làm tôi ấn tượng nhất, đó là kết thúc và là một cái kết hẳn, không có một nút thắt nào nữa dành cho câu chuyện, và hẳn đó cũng là kết thúc sau bao tội lỗi mà Bính gây ra. 

Trong suốt mạch truyện, ta có thể thấy Bỉ Vỏ luôn được gói gọn trong những motip rất cũ và có phần  kinh điển, nhưng đoạn kết của câu chuyện lại có gì đó rất khác so với những chuyện đương thời. Ví như trong truyện tắt đèn của Ngô Tất Tố, hay Chí Phèo của Nam Cao. Chí Phèo vốn là một người nông dân bình thường nhưng vì sự ghen tỵ của Bá Kiến đã đẩy anh vào cảnh tù túng, từ đây anh ta dần thay đổi, từ một người nông dân hiền lành chất phác  trở thành một con quỷ hung ác, mất đi nhân tính, không sợ đời. Chị Dậu cũng là một người nông dân hiền lành lại bị chèn ép, áp bức đến mức phải bán đi đứa cao thơ dại nhưng vẫn nợ nầng chồng chất, Ngô Tất Tố dùng câu chuyện của mình để khẳng định một sự thật là người nông dân sẽ không có lối thoát nào nếu không chịu đứng dậy đấu tranh. Tuy cả ba câu chuyện đều nói về số phận của những tầng lớp khốn cùng, sự bế tắc tuyệt vọng của họ trước một xã hội đầy u nhọt nhưng đoạn kết của ba cây chuyện này trên cơ bản lại không có sự trùng lặp nào, mỗi nhân vật  có một kết cục rất ‘riêng’ và truyền tải những thông điệp khác nhau.

Nếu nói cái kết của chị Dậu là ‘một màu đen mù mịch y như cái tiền đồ’ của chị, là sự bế tắc khi biết rằng càng hiền lành, càng nhẫn nhục thì lại càng dễ bị chà đạp, đày đọa. Cái kết của Tắt đèn khiến người đọc nhận ra rằng dẫu là ai khi bị áp bức đến đường cùng, cũng sẽ đứng dậy đấy tranh vì chỉ có như vậy mới có thể bảo vệ được quyền của con người. 

Còn cái chết của Chí Phèo là một vòng lặp không hồi dứt, ‘Có Chí Phèo cha rồi sẽ có Chí Phèo con’, hình ảnh cái ‘lò gạch cũ’ lần nữa xuất hiện như đang báo hiệu cho những tấn bi kịch lặp lại tuần hoàn. 

Cái kết của Bỉ Vỏ còn tối tăm hơn cả Tắt Đèn và tuyệt vọng hơn cả Chí Phèo. Nếu trong Tắt Đèn, kết cục của chị Dậu dẫu cũng leo loét như ngọn đèn tắt nhưng chí ít đâu đó vẫn tồn tại hi vọng loe lói, Chí Phèo sau khi đâm chết Bá Kiến thì cũng lấy cái chết để giải thoát cho mình. Thì với Tám Bính, sống mà phải dằn vặt, sống mà đáng sợ hơn cả chết…

Nhà văn Nguyên Hồng đã từng nói:

Phải! Chính sự đau khổ tôi phải sống và đang sống ở cái xã hội bấy giờ nên tôi đã tạo ra Tám Bính bị lừa phản, chịu oan ức; bệnh tật phá hoại thể xác, tội ác phá hoại tinh thần; con người cứ vùng lên, dập  xuống, dập xuống lại vùng lên. Trải qua bao nhiêu cảnh đau đớn tủi nhục, tối tăm, tất cả trái tim và linh hồn bị xẻo, bị nướng, bị tan nát… tất cả những ước mơ trong sáng… bị tàn phá… bị xô đi bởi sức mạnh tàn nhẫn và độc ác vô cùng. 

Tám Bính lẻ loi, bơ vơ, trơ trọi ấy, cũng có cả một phần tôi và một phần của bao nhiêu người cùng cảnh. Tôi mượn Tám Bính để đưa ra giữa ánh sáng ban ngày của một sự thật trong những sự thật của một hạng người, một số người. Tôi mượn Tám Bính để làm cho nhiều người thấy có một sự thật trong những sự thật như thế của xã hội”.                       

Bỉ Vỏ ra đời vào khoảng đầu năm 1963, là một tác phẩm vô cùng thành công của nền văn học Việt Nam thời tiền chiến lúc bấy giờ. Bìa sách đầu tiên của quyển sách cũng in đậm hơi thở của những thời đại trước: đơn giản mà thô sơ. Ngày nay Bỉ Vỏ đã được tái xuất bản lại nhiều lần và có nhiều mẫu mã vô cùng đa dạng, sắc màu, tuy vậy vẫn lưu giữ lại được phong vị xa xưa, giao hòa giữa hai nét đẹp hiện đại và cận đại độc đáo.

Bỉ vỏ là một tác phẩm hay, đáng đọc. Cốt truyện mạch lạc sâu sắc dưới bàn tay của cây bút trẻ tuổi dẫu còn non nớt nhưng vẫn toát lên một sự sắc bén cần có của một cuốn tiểu thuyết hiện thực phê phán và đậm chất châm biếm. Từ nhân vật Tám Bính, ta thấy một Chí Phèo, một chị Dậu – đều là những con người sống trong một xã hội đầy bức oách, bị dồn ép đến mức biến chất, tha hóa. Bỉ Vỏ làm hiện lên bức tranh xã hội Việt Nam lúc bấy giờ, cũng như đang tái hiện hình ảnh của những con người sống vật lộn dưới đáy xã hội, nơi mà  người phụ nữ còn chịu những bó buộc định kiến bất công, Bỉ Vỏ tựa như tiếng khóc oán thương cho những kiếp người, là lời giải bày kín đáo cho góc khuất trong cuộc đời một người phụ nữ lưu manh. Những đề tài như thế này thì từ lâu đã đi vào lòng thơ văn của người Việt Nam và trở thành bất hủ.

Đừng quên một nàng Kiều xinh đẹp tài hoa rơi vào cảnh lầu xanh hai lượt, thanh y hai lần là vì đầu? Chính là đồng tiền đã khiến con người ta trở nên bạc ác, không ngại làm ra những việc vô đạo đức mà vu oan giá họa, khiến cho Kiều – một người con hiếu thảo, một người chí nghĩa chí tình lại phải rơi vào cảnh đời lận đận, bạc bẽo ê chề. Cũng đừng quên nàng Vũ Nương, một người phụ nữ dịu hiền thủy chung, luôn thương yêu chồng con hết mực chỉ vì bị chồng nghi cho cái danh ‘thất tiết’ mà phải trầm mình xuống sông tự vẫn! Đừng quên nàng tiểu Thanh tài hoa là thế, nhưng khi chết rồi còn một tập thơ sót lại cũng bị vợ cả ghen mà đốt đi, đến nay trên thế nhân chỉ còn vương lại vài bài. Rõ ràng, nàng tiểu Thanh chết rồi vẫn còn bị đổi xử bất công và tàn ác. Chính cái điều đấy xưa nay đã làm thổn thức con tim biết bao văn nhân, thi sĩ, họ xót thương và đồng cảm cho những số mệnh đắng cay, điển hình là Nguyễn Du từng chua chát mà thốt lên:

Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung

Tám Bính, nhân vật của Nguyên Hồng, so với Kiều, với Vũ Nương hay tiểu Thanh lại càng gần gũi hơn nữa. Vốn xuất thân là một cô gái nhà nông hiền lành, dáng vẻ ưa nhìn, lại vì yêu, vì sự nhẹ dạ của bản thân mà năm lần bảy lượt đưa mình rơi vào cảnh ngộ éo le, đắng chát.  Người ta có thể trách Bính quá nhẹ dạ, khờ khạo đến ngu ngốc vì sự cả tin khiến Bính năm lần bảy lượt bị lừa, lần nào cũng để lại những hậu quả làm thay đổi cả cuộc đời. Người ta chửi Bính hay ghét Bính có lẽ vì cô… ‘dại’ quá! Đặc biệt là trong một xã hội nơi mà cái nhìn về người phụ nữ luôn khắt khe và tù túng hơn cả, thì những việc Bính làm dẫu đặt ở thời đại nào cũng khó chấp nhận. Tuy đáng trách nhưng càng nhiều hơn là đáng thương, vì xét cho cùng Bính cũng chỉ là nạn nhân mà thôi, hơn ai hết cô gái này cũng muốn có một cuộc sống bình dị, trong sạch và hạnh phúc. Dẫu biết những chuyện Bính trải qua chính là ‘cái giá’ phải trả cho sự khờ dại, ngây thơ nhưng liệu cái giá đó có quá đắt hay không? Thiết nghĩ nếu như cha mẹ Bính không vì danh, vì tiền mà bán cháu thì liệu Bính có đi đến bước đường đó? Nếu không bị lừa gạt, bị bán vào nhà chứa thì liệu Bính có gặp Năm Sài Gòn và trở thành một con ăn cắp? Rõ ràng Bính cũng đã từng nhiều lần muốn  tìm ra cho mình một lối thoát cho cuộc đời, nhưng cô càng vùng vẫy, càng chống cự thì lại càng lún sâu hơn xuống hố bùn. Bính từ một con người khao khát được làm ăn trong sạch, chân chính trở thành một bỉ vỏ, cũng giống như ý nghĩa của từ ‘bỉ’ là dơ bẩn, thấp hèn. Cuộc đời Bính sau khi trải qua nhiều bước ngoặt đã  không còn giữ được cả những khát vọng đơn giản nhất….

Mạch truyện đi từ bế tắc cho đến tuyệt vọng, rõ ràng Bính cũng đã từng muốn làm lại cuộc đời, nhưng chính những con người trong xã hội kia lại không ngừng chèn ép, dày xéo lên để rồi cuối cùng không còn tìm thấy một lối thoát nào cho tất cả. Thử hỏi xã hội bấy giờ đã từng mở ra một cánh cổng, một lối ra bao giờ chưa? Hay chỉ biết dồn người ta đến tận chân tường, trói buộc người khác trong những thói điều và hủ tục lạc hậu, cũ kĩ?

Bỉ Vỏ là quyển sách đầu tay của Nguyên Hồng. Nhưng không thể phủ nhận sức hấp dẫn của nó ngay từ những ngày đầu được xuất bản. Thật đáng ngạc nhiên khi Nguyên Hồng đã viết tác phẩm này khi chỉ tầm 18 tuổi. Với cốt chuyện thân thuộc, gần gũi, Bỉ Vỏ đã góp phần bóc trần và châm biếm được những hiện tượng xấu xa tồn đọng trong xã hội bấy giờ…  Đã hủy hoại quyền tự do, quyền sống, cái quyền được hướng tới cái chân, cái thiện của con người.

Bỉ Vỏ thật sự xứng đáng là một tác phẩm kinh điển, đáng đọc của Nguyên Hồng. Đã phán ánh được mặt tối của một xã hội bất lương, tàn ác, chèn ép con người, qua đó cũng bày tỏ nỗi xót thương, đồng cảm của tác giả dành cho những con người nhỏ bé, đáng thương nằm dưới đáy xã hội cũ.

Xem thêm: Nhà văn Nguyên Hồng