Dù đã đăng trên các báo trung ương và được in thành sách, nhưng khi truyện ngắn Bóng anh hùng được đăng lại trên báo Phú Yên đã bị một số người cho là tác phẩm độc hại, phản động, khiến ban biên tập báo này phải kiểm điểm.
Ngày 19-3, ông Phạm Ngọc Phi – tổng biên tập báo Phú Yên – cho biết sau cuộc kiểm điểm (ngày 14-3), ông và ban biên tập đang chờ phán quyết của cấp trên về việc có bị kỷ luật hay không.
Độc hại, phản động?
Bóng anh hùng (*) – truyện ngắn của Doãn Dũng – là tự sự về người mẹ, về gia đình và hậu phương của một người lính ngã xuống trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc. Truyện đăng trên tuần báo Văn Nghệ (cơ quan Hội Nhà văn VN) số ra ngày 8-8-2009, đăng trên báo Ðại Biểu Nhân Dân (cơ quan ngôn luận của Văn phòng Quốc hội) số 55 ngày 24-2-2010 và sau đó được in trong tập truyện ngắn cùng tên của tác giả do Nhà xuất bản Thời Ðại ấn hành (tháng 10-2012). Truyện này được in lại trên báo Phú Yên cuối tháng 9 và 10-2012.
Ngay sau khi đăng trên báo Phú Yên, thường trực Tỉnh ủy Phú Yên nhận được nhiều ý kiến, đơn thư của các ông Vũ Văn Thoại – nguyên trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Yên, Nguyễn Tường Thuật – nguyên chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên và các cán bộ hưu trí, cựu chiến binh: Trần Hành Chính, Huỳnh Cửu, Nguyễn Tiến Lẫm… có chung quan điểm cho rằng truyện ngắn Bóng anh hùng là độc hại, phản động và cần phải xử lý những người cho đăng truyện này lên báo tỉnh. Ngoài ra, còn có một “Thư gửi tòa soạn báo Phú Yên – phòng bạn đọc và nữ nhà báo Lâm Vy” (người viết bài Doãn Dũng – nhiều người trong một trên báo Phú Yên) ký tên Mẹ Hòa Hiệp – Ðông Hòa, nội dung mỉa mai và mạt sát nhà báo Lâm Vy.
Ban biên tập báo phải giải trình, Ban tuyên giáo Tỉnh ủy phải giải thích rằng không có cơ sở để nói truyện ngắn Bóng anh hùng là phản động, song những người có đơn thư vẫn tiếp tục có ý kiến đề nghị thường trực Tỉnh ủy phải có kết luận về việc cho đăng truyện ngắn “phản động” này là sai trái và phải kỷ luật ban biên tập báo Phú Yên. Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu báo Phú Yên tổ chức buổi đối thoại với những người phản ứng để giải tỏa dư luận.
Cuộc đối thoại được tổ chức tại phòng họp Tỉnh ủy ngày 19-1-2013 do báo Phú Yên chủ trì, có sự tham dự của lãnh đạo các cơ quan liên quan, các vị nguyên là lãnh đạo tỉnh, những người có đơn thư. Tại cuộc họp, ông Vũ Văn Thoại nhận định: “Một người không còn khả năng nhìn thấy ánh sáng nữa, nhưng khi con cháu họ đọc tác phẩm Bóng anh hùng thì không ai không thấy rằng đây là tác phẩm cực kỳ độc hại, cực kỳ phản động. Tui nói hồi xưa, chiến tranh, nếu đọc cái này thì đem cắt cổ”.
Ông Thoại yêu cầu: “Tôi đề nghị thường trực, thường vụ Tỉnh ủy phải họp, phải nghe chúng tôi và phải có kết luận đúng sai. Còn các anh lấy kết luận ở đâu tùy các anh. Hễ các anh nói đúng là được lòng công luận và tình hình sẽ yên ổn, còn nếu các anh nói sai thì công luận sẽ tiếp tục. Ðừng lấy ở đâu đó về áp tụi tui, áp không thấu đâu. Ðừng áp. Ông này ông kia mặc kệ. Ổng chức tước quyền hành kệ ổng, nhưng mà ổng nói tầm bậy, nói sai là không chấp nhận. Bởi vì sao? Giấy trắng mực đen con chữ không ai chối được. Chết “nhạt toẹt” (chữ trong truyện Bóng anh hùng – PV) là gì, không nguy hiểm à?”.
Không đến dự được buổi đối thoại này, nhưng ông Nguyễn Tường Thuật có gửi ý kiến tham gia cho rằng tổng biên tập báo Phú Yên nên có lời xin lỗi các mẹ VN anh hùng và gia đình liệt sĩ vì cái “bóng anh hùng” kỳ dị đã làm tổn thương họ và xử lý kỷ luật những người dưới quyền có liên quan. “Làm như vậy sẽ tốt và sự việc cũng được thu xếp ổn thỏa. Riêng cá nhân tôi, dù tuổi cao sức yếu vẫn sẵn sàng góp một tiếng nói vào câu chuyện này trên mọi phương diện… Tôi tin chắc những ai bảo vệ Bóng anh hùng đều không thể đứng vững” – ông Thuật quyết liệt.
Cũng ngay trong cuộc họp, có những quan điểm không đồng ý với những ý kiến trên. TS Nguyễn Thành Quang – nguyên bí thư Tỉnh ủy Phú Yên – cho rằng cốt truyện Bóng anh hùng cảm động, đọc xúc động. “Tôi có nghe báo này báo kia đăng không sao, nhưng báo Phú Yên đăng thì bị quở trách. Tôi không phán xét rằng chuyện đó đúng hay sai nhưng với tư cách là một độc giả, nhận thức, cảm nhận tác phẩm này, tôi thấy trong truyện người mẹ không tự xưng là anh hùng mà chính người đọc tôn vinh bà mẹ là một bà mẹ anh hùng chứ không có gì phỉ báng cả” – ông Quang nhận định.
Ông Huỳnh Như Ngân – phó giám đốc Sở Thông tin – truyền thông Phú Yên – nói rằng lúc đầu đọc truyện thấy ám ảnh khó chịu, nhưng càng đọc thì thấy tính nhân văn của tác phẩm. “Tính nhân văn ở chỗ mọi bà mẹ, mọi người cha, người anh có người thân hi sinh đều mong muốn cuối cùng người thân mình có mồ yên mả đẹp, nếu không tìm được là nỗi băn khoăn day dứt” – ông Ngân phân tích.
Không sai phạm về nội dung
Sau cuộc đối thoại, ngày 6-3-2013 Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Yên có công văn truyền đạt thông báo kết luận của thường trực Tỉnh ủy xử lý việc duyệt, đăng các truyện ngắn, bài viết gây dư luận không tốt trên báo Phú Yên, trong đó có truyện ngắn Bóng anh hùng và giao Ban tuyên giáo chủ trì cuộc kiểm điểm. Tại cuộc kiểm điểm ngày 14-3, tổng biên tập báo Phú Yên đã nhận thiếu sót: “Ðây là một tác phẩm tốt, tuy nhiên khi đăng đã không lường được còn có những phản ứng trái chiều gay gắt của một số độc giả dẫn đến tạo dư luận không tốt”. Cuộc họp có 100% người bỏ phiếu không áp dụng hình thức kỷ luật ban biên tập và tổng biên tập.
Phúc đáp công văn ngày 6-3 của Tỉnh ủy Phú Yên về việc cho ý kiến truyện ngắn Bóng anh hùng, công văn của Ban Tuyên giáo trung ương do ông Nguyễn Thế Kỷ ký ngày 12-3 viết: “Sau khi nghe ý kiến trao đổi của các đơn vị liên quan (Vụ Văn hóa – văn nghệ, Vụ Báo chí – xuất bản, Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật trung ương) và cơ quan chuyên môn (Hội Nhà văn VN), Ban Tuyên giáo trung ương có ý kiến như sau:
“Truyện ngắn này không có gì đặc biệt và sai phạm về nội dung và hình thức. Truyện đề cập đến tình yêu của người mẹ, tuy có phần khắc nghiệt nhưng ẩn giấu trong đó là tình yêu, là ý thức trách nhiệm của một công dân đối với Tổ quốc.
Một trong những đặc trưng của tác phẩm văn học là tính hư cấu. Khi đánh giá xem xét một tác phẩm văn học cần chú ý đến đặc trưng này. Vì thế khi đọc Bóng anh hùng, cần có thái độ khách quan đánh giá tác phẩm, đồng cảm với lao động sáng tạo của nhà văn, tránh sự suy diễn chủ đề, tư tưởng của tác phẩm, hoặc quy kết tác phẩm có nội dung độc hại, phản động. Ðề nghị Tỉnh ủy Phú Yên chỉ đạo, chủ động xử lý việc trên, ổn định tình hình tư tưởng trên địa bàn tỉnh liên quan đến truyện ngắn Bóng anh hùng”.
Trước đó, vụ trưởng Vụ Văn hóa – văn nghệ (Ban Tuyên giáo trung ương) cũng đã có công văn gửi Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Yên nêu ý kiến: “Không nên quy kết tác giả có ẩn ý này khác”.
Dõi theo sự mệt mỏi của báo Phú Yên với truyện ngắn Bóng anh hùng, nhiều người cầm bút ngán ngẩm và lo ngại không biết bao giờ mới hết kiểu đọc văn thơ quy chụp như thế này, bởi đây không phải là chuyện lần đầu xảy ra ở Phú Yên.
Theo Tuổi trẻ