Bóng hình của gió ( Tên gốc: “La sombra del viento” của Carlos Ruiz Zafón) đem lại cảm giác thật lạ. Quyển sách phảng phất dư vị của cơn gió mùa hạ, trong đó có cái tang tóc của tiết trời mùa đông, có khi cơn gió ấy rất êm đềm, rồi chợt chững lại, vụt mất.

Mỗi quyển sách là một điều rất kì diệu. Giống như một tri âm, đọc sách ta lại thấy chính mình trong những bóng hình xa lạ, rất xa lạ lại rất đỗi thân quen. Mọi quyển sách trên đời được viết từ trái tim của tác giả theo một cách riêng đã là một tuyệt tác. Không giống với phim ảnh là tổng hòa của hình ảnh, âm thanh. Sách chứa đựng ngôn từ, nó nằm gói gọn trong bàn tay mỗi con người nhưng cũng là một vũ trụ huyền bí đủ hình khối, màu sắc, âm thanh, hương vị. Tất cả được chạm trổ, từng đường nét hiện lên, với mỗi bạn đọc đó là một chân trời riêng biệt.

Khởi đầu từ dư âm.

Thành phố Barcelona năm 1945, nơi những bí mật đen tối bị giấu kín, nơi tình yêu, thù hận và sự chết chóc. Kết thúc cuộc nội chiến Tây Ban Nha, nơi đây bị bao trùm bởi không khí ngột ngạt và tang tóc. Cậu bé mười tuổi Daniel tỉnh dậy vào buổi sáng với sự run rẩy, chán nản đến tuyệt vọng. Cậu không nhớ nỗi gương mặt của mẹ mình, người bị dịch bệnh cướp đi nhiều năm trước. Gian nhà chỉ còn hai cha con bị chiếm ngự bởi sự im ắng đến chói tai, sự im ắng không một tiếng ồn nào có thể chế ngự. Ông Sapare, cha cậu muốn kéo con trai thoát khỏi sự ngột ngạt ấy đã dẫn cậu đến Nghĩa Trang Những Cuốn Sách Bị Lãng Quên. Đúng như tên gọi của nó, thư viện ấy là ngôi mộ của những cuốn sách và cả những cuộc đời bị chôn vùi.

Daniel lạc vào thế giới của những linh hồn bí ẩn, cậu dường như cảm nhận hơi thở của từng quyển sách. Phải chăng là một sự tình cờ, tác phẩm “Bóng hình của gió” của Julián Carax đã ở đó từ rất lâu chờ đợi Daniel tới. Cùng với người bạn đồng hành mới, Daniel bắt đầu một cuộc đời mà cậu chưa bao giờ có thể tưởng tượng nổi.

Như nhữ búp bê Matryoshka gồm những con búp bê nhỏ được lồng vào những con lớn hơn, “Bóng hình của gió” của Ruiz Zafón là lớp lớp những câu chuyện được đan cài giữa hiện tại và quá khứ. Trong mạch lớn của tác phẩm là những câu chuyện, những nhân vật được móc xích với nhau bằng sợi dây vô hình. Tác phẩm là lâu đài bí mật cho ta cảm giác thích thú khi lật mở từng cánh cửa của sự thật. Đằng sau mỗi cánh cửa, có khi ta bị chững lại bởi những đau đớn dằn vặt, có khi vui mừng, có khi lại chẳng hiểu nổi lòng mình giữa cái ranh giới yêu và hận.

Đi tìm bản ngã của chính mình.

Tác phẩm mở đầu bằng cuộc phiêu lưu của cậu bé Daniel. Háo hức với người bạn đồng hành “Bóng hình của gió”, Daniel từng bước bước vào cuộc đời của Julián Carax. Truy tìm sự thật bị chôn vùi của vị tác giả kỳ lạ, Daniel không ngờ bản thân tự lúc nào đã rơi vào vòng xoáy của yêu và hận, của những âm mưu và bí mật tăm tối. Đó cũng là quá trình trưởng thành của một chàng thiếu niên, là quá trình trưởng thành của tình cảm gia đình, bạn bè, tình yêu và nhận thức giá trị cuộc sống trong mỗi con người.

Đọc “Bóng hình của gió”, ta bị ám ảnh mãi bởi hình bóng của kẻ vô diện, gương mặt hắn luôn bị bóng tối giấu đi. Và trong đêm đen chỉ có đôi mắt hắn là có thể mường tượng ra, chúng cháy sáng như than hồng. Trong tác phẩm của Carax, đó là một con quỷ. Kẻ vô diện xuất hiện trong đêm, nở một nụ cười không thể nhìn thấy được với Daniel. Hắn là ai? Một kẻ luôn truy tìm và bằng mọi cách muốn xóa sổ tất cả mọi quyển sách của Julián Carax. Hắn đem lại sự sợ hãi, lạnh lẽo. Đối diện với hắn, người ta không cảm nhận được sự sống từ một con người. Đã nhiều năm hắn chỉ đang tồn tại giữa thế giới của con người, vì một lý do nào đó. 

Những sóng gió cuộc đời, chúng vô hình, chúng ập tới cuộc sống của chúng ta để rồi khi đi qua chúng để lại trong lòng của mỗi người là những bóng hình riêng biệt: có đau thương và mất mát, có hi vọng, ước mơ và sự trưởng thành. 

Carlos Ruiz Zafón đã mang đến thứ dự vị của mùa hạ vào quyển sách. Đó là chất nồng nàn của tình yêu mang tên Carax – Penélope, Daniel – Beatriz và cũng là ngọn lửa sôi sục của hận thù, đố kị, căm phẫn. Cơn gió của tác phẩm còn phảng phất cái lạnh đến tê dại, cái sự tang tóc trong tiết mùa đông bởi những oan trái tình yêu, bởi những uất hận, mất mát đau thương đến tột cùng. Và cũng có khi ta lại thấy lòng bình yên, cùng đồng cảm trong câu chuyện của từng nhân vật, cùng vui sướng trước niềm hạnh phúc. 

Trường phái nghệ thuật Gothic đầy ma mị.

“Bóng hình của gió” sinh ra trong lòng chảo phương Tây, mang đậm dấu ấn nghệ thuật Gothic nên không có gì ngạc nhiên khi bạn đọc vừa run sợ vừa bị mê hoặc bởi sự táo bạo mà thoạt đầu xuất hiện đã bị xem là “man rợ”. Nhưng trên hết, khi con người dám vượt qua sự trần trụi và những u ám của cuộc sống, ta sẽ có cái nhìn rất khác về Gothic và yêu hơn câu chuyện.

Hai cuộc đời Carax và Daniel hòa lẫn vào nhau trong mạch truyện cùng những dòng chảy của các nhân vật khác đã tạo cho tác phẩm sự hấp dẫn lạ kỳ. Ở những trang sách cuối, ta chợt giật mình trước gương mặt của kẻ vô diện, vừa đau đớn vừa vỡ òa hạnh phúc khi hắn tìm lại được chính mình. Một thiếu niên Julián được sinh ra, cậu nắm tay cha rảo bước trên con đường tới Nghĩa Trang Những Cuốn Sách Bị Lãng Quên. Cuộc sống vẫn luôn tiếp diễn và những bí mật về những cuốn sách, những cuộc đời, những thử thách thú vị luôn chờ đợi ta đón nhận để trưởng thành.

Giống như một tri âm, đọc sách ta lại thấy chính mình trong những bóng hình xa lạ, rất xa lạ lại rất đỗi thân quen. Vẫn là những ngôn từ ấy nhưng khi đọc lại quyển sách lần thứ hai, lần thứ ba… ta chợt nhận ra những điều thú vị, phải chăng ta đã trưởng thành hơn để hiểu một câu chuyện, một đời người.