1.
Trong thơ ca, cái tôi tác giả thường trực tiếp bộc lộ ở nhân vật trữ tình. Ở một số trường hợp, nhân vật trữ tình ngầm ẩn, còn hầu hết bộc lộ mình ở ngôi thứ nhất. Điều này phù hợp với tính chất trữ tình của thơ vốn gắn với nhu cầu được giãi bày, nó khác với tác phẩm tự sự, ở đó nhân vật trữ tình – cái tôi tác giả gần như vắng mặt, chỉ đóng vai trò người quan sát, kể chuyện – bất cứ sự xuất hiện nào của nhân vật trữ tình – nhân vật xưng tôi cũng làm cho tác phẩm mang màu sắc trữ tình đậm nét. Ví như Bộ ba tự thuật của Gorki, Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng, những tác phẩm thuộc loại bút ký, nhật ký,… đều có tính trữ tình cao.

Hệ thống đại từ, nhất là ở ngôi thứ nhất, xét về góc độ thi pháp như là một cách biểu hiện trực tiếp cái tôi – tác giả trong thơ trữ tình. Trong tiếng Việt, hệ thống này hết sức phong phú, đa dạng, phản ánh những khía cạnh tâm lý tế vi của tâm hồn con người. Vai trò của hệ thống này trong thơ hết sức quan trọng nhưng thường bị xem nhẹ và dễ bị bỏ qua. Dù rằng có người đã khen Thuý Toàn khi dịch bài thơ của Puskin đã khéo chọn tiêu đề Tôi yêu em – cặp đại từ này đã góp phần không ít biểu lộ nội dung, ý nghĩa bài thơ, hoặc trong bài thơ Việt Bắc, Tố Hữu đã dùng cặp đại từ sóng đôi ta – mình để thực hiện mối gắn bó keo sơn thắm thiết giữa kẻ ở người đi…

Trong Thơ Mới, hệ thống đại từ này có vai trò rất lớn trong việc xác lập, khẳng định cái tôi đa âm, phong phú – đỉnh cao của văn học thời kỳ này. Hoài Thanh đã ít nhiều chú ý đến đặc điểm này khi ông nhận xét Thế Lữ chỉ xưng tôi và gọi cô em – thoáng xa xôi, vì chưa đủ thân mật để gọi bằng em. Cách xưng hô này thể hiện cá tính của từng người. Mỗi người có cách xưng hô riêng, trở đi trở lại như một nét độc đáo. Xuân Diệu có lối xưng hô hết sức ân tình với cặp từ anh – em sóng đôi ngọt ngào, đằm thắm, như cặp vần – giữa bài thơ dịu. Nó thể hiện phong cách của nhà thơ đắm say – tâm hồn rộng mở, thiết tha, khát khao tìm kiếm sự giao hoà trong quy luật biến sinh của vũ trụ. Với cặp đại từ ấy, Xuân Diệu đã viết nên những vần thơ tuyệt đẹp: Em bước điềm nhiên không vướng chân – Anh đi lững thững chẳng theo gần (Thơ duyên), Anh nhớ em, em hỡi, anh nhớ em! (Tương tư chiều)… Dầu vậy, nhưng nhiều khi “Người tình của cuộc đời” ấy cũng cảm thấy nỗi bất lực trước ranh giới ngăn cách tâm hồn: Nhưng vẫn biết: dẫu chung đời, chung mộng – Em là em mà anh vẫn là anh… (Giận hờn)

Cũng mang đậm cá tính là ta của Huy Thông đượm màu hoài cổ, ta – em của Đinh Hùng rợn ngợp cô đơn và vô vọng kiếm tìm…

Hệ thống đại từ nhân xưng trong thơ Hàn Mặc Tử hết sức đa dạng, có sự hoà điệu và biến điệu trong mỗi thời kỳ, mỗi trạng thái nội tâm của thi sĩ. Nếu xưng hô muôn đời là một hành vi ngôn ngữ thể hiện mối giao cảm giữa người và người thì trong thơ Hàn mối giao cảm ấy có ý nghĩa đặc biệt. Nó khép mở hai thế giới tâm trạng phức tạp: đối thoại và độc thoại, hướng ngoại và hướng nội, giãi bày và ẩn giấu.

2.
2.1 – Ở tập Gái quê, tuổi trẻ tha thiết yêu đời được đánh dấu bằng những vần thơ trong trẻo say mê, phản chiếu một tâm hồn rộng mở đón đợi tình yêu. Giai đoạn này, cũng như Xuân Diệu, trong thơ Hàn Mặc Tử cặp đại từ anh – em chiếm ưu thế. Cùng với xưng anh ở ngôi thứ nhất là ta pha chút kiêu bạc của tuổi trẻ. Chữ tôi lẻ loi chỉ xuất hiện trong tình yêu không toại nguyện, nhưng cũng chỉ là để làm cho tâm hồn thơ thêm tràn đầy, cho cây đàn thêm điệu: Một mai tôi bỏ làm thi sĩ – Em lấy chồng rồi hết ước mơ – Tôi sẽ đi tìm mỏm đá trắng – Ngồi lên để thả cái hồn thơ (Em lấy chồng).

Chứng nan y đã bất ngờ làm thay đổi tận gốc rễ tâm hồn trẻ trung sôi nổi, cánh cửa đời đang mở rộng bỗng chốc đóng sập ngay trước mắt, tình yêu tan vỡ theo. Thế giới nội tâm ẩn vào một chữ tôi bé nhỏ cô đơn. Chữ tôi choán đầy thế giới thơ từ Đau thương trở về sau. Một biến điệu của nó là chữ ta độc tôn vai trò sáng tạo, nhưng cũng là cô độc tự thoại. Tiếng anh – em vọng về như một hồi quang yếu ớt của quá khứ tràn ngập hạnh phúc không đủ để xua tan thực tại hãi hùng mà nhà thơ đang trơ trọi trong một thế giới hoang lạnh đang vỡ ra, tan ra: Một khối tình nở giữa âm u – Một hồn đau rã lần theo sương khói – Một bài thơ cháy tan trong nắng rọi – Một lời run hoi hóp giữa không trung – Cả niềm yêu, ý nhớ, cả một vùng – Hóa thành vũng máu đào trong ác lặn (Trường tương tư).

Trong thế giới ấy, một mình nhà thơ chống chọi với căn bệnh đang từng giây từng phút gặm nhấm đời mình. Tìm kiếm sự sẻ chia nhưng không nghe thấy một tiếng đời, một tiếng người nào vọng lại. Đêm cô tịch chìm đắm trong thanh âm huyền bí, lạnh lẽo như từ một cõi nào: Tiếng rú ban đêm rạn bóng mờ, Cây gì mảnh khảnh run cầm cập,Thu héo nấc thành những tiếng khô… Nhà thơ kêu lên trong nỗi tuyệt vọng âm thầm:Tôi vẫn còn đây hay ở đâu – Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu (Những giọt lệ)

2.2 – Nỗi cô đơn tột cùng đã đẩy Hàn rơi vào tình trạng hoang tưởng. Ngoài hệ thống đại từ nhân xưng quen thuộc anh – em, tôi – em, tôi – họ…trong thơ ông xuất hiện những cặp đại từ, những cuộc đối thoại kỳ dị, kết quả của cuộc phân thân tự ngã: tôi – trăng, tôi – hồn, tôi – ai. Hệ thống biểu tượng này giăng đầy trong ngôn ngữ, hình ảnh, cảm xúc… thi ca đượm nếp tư duy tôn giáo – triết học của Hàn và nhờ đó có cuộc tương thoại giữa cái hữu hạn và cái vô hạn tột cùng trong tâm trí thi nhân.

2.2.1 – Tôi – Trăng:

Dễ nhận ra trong thơ Hàn vầng trăng có một ý nghĩa đặc biệt, như một lăng kính vi diệu soi chiếu thế giới nội tâm đầy biến động. Hàn tỉnh thì trăng là nguồn sáng, Hàn cô đơn thì trăng là tri kỷ, Hàn đau đớn vì không được sống thì trăng là hiện thân của khát khao trần thế, Hàn xót xa cho khát vọng không thành thì trăng là hình ảnh của khát vọng tuyệt đối. Trong thơ Hàn viết hoa Trăng, Chơi giữa mùa Trăng, Say Trăng… Trăng – Hàn là một phân thân cô liêu trong hành trình đi tới tột cùng khát khao hy vọng – tuyệt vọng Cả miệng ta trăng là trăng. Trăng kia vay mượn, phản quang ánh sáng Mặt trời, mà cũng là của lòng Người ấy thôi.

2.2.2 – Tôi – Hồn:

Từ nỗi đau cực độ, Hàn ước ao giải thoát hồn ra khỏi nỗi đau triền miên của thân xác. Hàn tưởng tượng ra những hình ảnh bi thương: Rồi hồn ngắm tử thi hồn tan rã – Bốc thành âm khí loãng nguyệt cầu xa… . Tử cảm nỗi cô đơn lạc lõng của hồn và của chính mình: Hồn cảm thấy bùi ngùi như rớm lệ – Thôi hồn ơi phiêu lạc đến bao giờ…

Hồn đau dẫu đã phân tán hồn lìa khỏi xác, không phải chống mà hòa trong “Nguồn trong trẻo” – “Thanh khiết”. Đó là sự phân ly của trải nghiệm mỹ học vi diệu nâng bổng thi nhân trên đôi cánh ánh sáng tinh khôi ở riêng Hàn. Và cũng là con đường sáng tạo và thưởng thức mỹ học “phi lợi ích” như Schopenhauer đã nhấn mạnh “Kinh nghiệm mỹ học là sự suy tưởng đã thoát xác khỏi ý chí” trong khát vọng truy cầu tái sinh yên bình – ý thiện. Trái tim cô đơn tận dâng, tận hiến Đức Chúa trời.

2.2.3 – Tôi – Ai:

Đại từ phiếm chỉ ai trong tiếng Việt có một điểm hết sức độc đáo là có thể ở ba ngôi: ngôi thứ nhất, ngôi thứ hai và ngôi thứ ba. Nó tạo nên sự lấp lửng, làm tăng thêm ý vị tế nhị đặc biệt cho câu nói, tạo nên vẻ đẹp duyên dáng, rất khó lẫn cho ca dao Việt Nam: Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ – Nhớ ai ai nhớ bây giờ nhớ ai…

Trong thơ Hàn Mặc Tử, đại từ ai được sử dụng với tần số cao (chỉ trong Đau thương và Xuân như ý, ai xuất hiện 36 lần). Một điều thú vị ít ai để ý là, trong bài thơĐây thôn Vĩ Dạ, góp phần làm tăng tính mơ hồ, đa nghĩa cho bài thơ là cách nhà thơ sử dụng đến 4 lần đại từ ai, ở những vị trí quan trọng cuối mỗi khổ thơ: vườn ai, thuyền ai, ai biết tình ai,… khiến không gian nghệ thuật như che khuất sau màn sương mơ hồ của tâm trạng.

Đại từ ai một phần hé lộ thế giới tâm hồn Hàn Mặc Tử, một căn cốt phương Đông sâu thẳm, âm thầm chịu đựng và bao dung. Những lúc cô đơn nhất, vẫn không nhuốm chút than van oán giận nào, câu thơ đau thương nhưng lời thơ hiền lành, hồn hậu, buồn hơn là trách, vì đại từ ai phiếm định và xa xôi: Hôm nay còn một nửa trăng thôi – Một nửa trăng ai cắn vỡ rồi (Một nửa trăng), Ở đây sương khói mờ nhân ảnh – Ai biết tình ai có đậm đà (Đây thôn Vĩ Dạ).

Dẫu cập bờ siêu thực – kỳ ảo nhưng rễ cắm sâu ở hồn người. Dẫu tôi – ai trong sương mù ảo ảnh cô đơn nhưng sao đành tước bỏ. “Tước bỏ ảo ảnh ở tình yêu là tước bỏ chất nuôi dưỡng nó” (Victor Hugo). Nhưng trên hết, ai soi chiếu nỗi niềm cô đơn sâu thẳm, trong cuộc chuyện trò kỳ dị với hư vô, như một bóng ma ám ảnh: Ai đi lẳng lặng trên làn nước – Với lại ai ngồi khít cạnh tôi (Cô liêu), Bóng ai theo dõi bóng mình (Một miệng trăng)… Ấy là bổn phận của kẻ can trường mà ta gọi là … điên. “Con người không chịu gia nhập vào đám đông là kẻ từ chối khoan dung với mình” (Schopenhauer).

3.
Trong cuộc biến hóa vị nhất thể ấy, tôi và trăng, tôi và hồn, tôi và ai có lúc như hòa vào nhau, tan biến vào nhau Tôi cũng trăng mà nàng cũng trăng, Xác của hồn, hồn của xác y nguyên, Ta muốn níu hồn ai đang hiển hiện – Trong lòng và đang tắm máu sông ta (Biển hồn ta) nhưng có lúc phân thân ra hai, ba… vô cùng ảo diệu Tôi dìm hồn xuống một vũng trăng êm – Cho trăng ngập, trăng dồn lên tới ngực. Trong yên lặng nhà thơ hình dung ra bao tiếng cười điệu khóc, của trăng, của hồn, của chính mình, của hư vô, miễn sao còn giữ được mối liên lạc – dù mong manh – với nhân gian. “Cái lớn của một nhà thơ là khả năng tự mình trở thành đối tượng” (Johans Becher). Thế giới thơ đậm chất siêu thực, thăng hoa từ cái tôi cô đơn tuyệt đỉnh. Nhưng cái tôi cô đơn ấy – đến hơi thở cuối vẫn khôn nguôi trìu mến cuộc đời. Ấy là cái lớn của Người thơ… Bảy mươi năm, Hàn đi xa trên hành trình vọng tới tận cùng, trong lời tiễn của Thánh Augustine “Con người có thể đánh mất chính mình trong khát vọng vĩnh cửu của nó để tìm kiếm ánh sáng của chân lý đã sáng tạo ra nó”.

Lê Từ Hiển – Đại học Quy Nhơn