Tao Đàn – Trong muôn vàn phong cách thơ hiện đại, nữ sĩ Xuân Quỳnh để lại một dấu ấn đặc biệt bởi một trái tim hồn hậu, đầy nữ tính và rất nhạy cảm trong thơ. Đó là một hồn thơ đầy trăn trở, khắc khoải, lo âu. Ngay cả khi viết về những điều bình dị nhất hay thể hiện những khao khát đời thường nhất thì thơ chị vẫn mang bao dự cảm về cuộc đời trôi vô định.
Cái tôi trữ tình trong thơ Xuân Quỳnh là cái tôi được xây cất bởi những mảng trạng thái tâm hồn đầy mâu thuẫn của một trái tim đa cảm và tinh tế, cũng có lúc cái tôi ấy tự tách mình, phân lập mình thành những thái cực khác nhau để tự mổ xẻ, để thấu lý đạt tình sự vật hiện tượng và đặc biệt là để nhận ra chính con người mình. Bởi thế những va động từ thế giới bên ngoài luôn được nhà thơ lý giải trong mối tương quan với chính bản thân mình, tìm ra sự cộng hưởng, sự tương đồng giữa mình và thế giới xung quanh.
Xem thêm: Hình tượng ám ảnh trong thơ Xuân Quỳnh
Cái tôi trữ tình trong thơ Xuân Quỳnh hoá thân vào nhiều nhân vật trữ tình khác nhau, có khi là em trong quan hệ với anh, có khi lại là người cháu với những rung động của đôi mắt mở to trước tiếng gà trưa huyền hoặc như trong cổ tích, có khi Xuân Quỳnh thể hiện vai nữ sĩ trong chính bài thơ của mình để diễn đạt đầy đủ và sâu sắc nhất cái khát vọng kiếm tìm sự dũng cảm, tinh lực cho lao động nghệ thuật và cũng hơn hết, cái tôi ấy hoá thân vào người mẹ để ru con, hiểu con, để an ủi vỗ về những linh hồn thơ bé, là người vợ với những lo toan bận rộng hàng ngày… Cũng có lúc, cái tôi ấy ẩn giấu chìm sâu trong những rung cảm, dự cảm về tình yêu, cuộc sống… Mỗi nhân vật trữ tình là một thế giới của sự rung cảm sâu sắc bởi nhân vật ấy không bao giờ chịu khám phá thế giới, bản thân bằng cái nhìn một chiều mà luôn luôn phân lập thành nhiều sắc thái đối nghịch. Bởi thế có thể nói rằng, cái tôi Xuân Quỳnh là cái tôi của sự tương tranh giữa các mặt đối lập: Giữa biến động và yên tĩnh, khao khát và lo âu, quyết liệt và nữ tình, khắc nghiệt và yên lành.
Sinh ra với một số phận bất hạnh, tuổi thơ của Xuân Quỳnh không êm xuôi, trọn vẹn như những em bé khác bởi nơi bình yên nhất – người mẹ – không còn. Xuân Quỳnh phải đơn độc trên hành trình hình thành và tìm kiếm bản ngã, thiếu đi sự chở che yên ủi vỗ về của mẹ và có lúc tủi phận chị đã “úp mặt vào bàn tay khóc mẹ”. Chính hoàn cảnh ấy đã khiến cho hình ảnh người mẹ trong thơ Xuân Quỳnh luôn là người tự nguyện làm miền bình yên cho những đứa con yêu. Ta bắt gặp một thế giới lời ru trong thơ chị: Hát ru chồng những đêm khó ngủ, Lời ru trên mặt đất, Lời ru của mẹ, Hát ru… cũng là vì vậy. Lời ru là nơi vọng về của tâm hồn mong muốn chở che, chia sẻ, là miền cổ tích êm đềm, ngọt ngào và dạt dào tình thương yêu và đó cũng chính là niềm khao khát khôn nguôi của chị.
Thiên nhiên trong thơ Xuân Quỳnh cũng không phải là thiên nhiên thuần tuý mà giống như một người mẹ, người mẹ duy nhất luôn âm thầm che chở bảo vệ con , đón đời con sau những giông bão, sóng gió của cuộc đời. Viết về thiên nhiên Xuân Quỳnh có điểm tựa vững chắc để an ủi để được vỗ về. Do vậy thiên nhiên trong thơ chị trở thành khoảng yên lành, là một phần tổ ấm trong cuộc đời của chị.
Và nhắc đến thơ Xuân Quỳnh không thể không nói đến thơ tình. Đó là một trái tim yêu tha thiết, đằm thắm, dịu dàng, đầy nữ tính nhưng vẫn không kém phần quyết liệt và không thôi khao khát. Với chị, được yêu đã là một niềm hạnh phúc thế nhưng từ thẳm sâu tâm hồn, những linh cảm mỏng manh, sợ hãi, trước “xa tắp đường mình” thỉnh thoảng lại dội lên mạnh mẽ. Chị vẫn không thôi lo âu…
Xuân Quỳnh luôn ao ước một cuộc đời bình dị, một hạnh phúc đời thường, đó có khi chỉ cần là sự sóng bước tay trong tay nhưng lại ùa về cả sự ấm áp, thương yêu và đầy yên bình: “Tay ấm trong tay/ Cùng anh sóng bước/ Nắng đùa mái tóc/ Chồi biếc trên cây/ Lá vàng bay bay/ Như ngàn cánh bướm…”.
Xem thêm: Xuân Quỳnh – Tình yêu và số phận
Với một quan niệm như vậy nên Xuân Quỳnh thường tìm thấy trong những điều bình thường, những sự vật bình thường, giản dị ẩn chứa sự gần gũi thân thuộc và vô cùng cần thiết đối với cuộc đời, đó chính là chất thơ thoát ra từ tổ ấm. Lời thơ chị cũng trở nên giản dị, tự nhiên như những gì thoát ra từ chính sự vật, hiện tượng của cuộc sống hàng ngày: “Căn phòng con của chúng mình/ Nước trong phích, hoa trong gốm cũ”. Đó là thế giới yên lành của chị, là nơi gợi ra sự thảnh thơi, ấm cúng của gia đình, đối lập với những lo âu, những biến động bất ngờ của cuộc đời mà nhất là tình yêu – thứ tình cảm thiêng liêng bền chặt nhưng cũng có thể “Hôm nay yêu mai có thể xa rồi”. Đến với Lưu Quang Vũ trong tâm thế của một người đã từng thất bại trong cuộc sống gia đình, Quang Vũ lại là người đầy tài năng và hoà hoa, Xuân Quỳnh bao giờ cũng nơm nớp trong trạng thái: “Anh, con đường xa ngái/ Anh, bức vẽ không màu/ Anh, nhìn nỗi lo âu/ Anh, dòng thơ nổi gió…/ Mà em người đời thường/ Biết là anh có ở!” (Anh). Với trái tim hồn hậu đa cảm của người đàn bà, hơn bất cứ điều gì Xuân Quỳnh cần sự đồng cảm, sẻ chia, yêu thương từ người chồng người yêu người bạn. Hình ảnh bàn tay và trái tim hiện diện nhiều trong thơ chị cũng xuất phát từ cảm quan ấy.
“Tay ấm trong tay”, “Anh chờ em cho em vị bàn tay”, “Tay ta nắm lấy tay người…” và trái tim là sự hiện diện của sự sống, của tình yêu, hạnh phúc; là hiện thân của nỗi khát vọng vô bờ của Xuân Quỳnh: “Trái tim đập những điều không thể nói, Trái tim đập còn cào cơn đói, Ngọn lửa nào le lói giữa cô đơn”. Nhưng cuối cùng, trái tim đa cảm ấy lại trở về với chính quỹ đạo của nó, “Đúng nghĩa trái tim em”, trở về với máu thịt đời thường. Chính sự khao khát đến cháy bỏng của hạnh phúc bình dị đã đem đến cho Xuân Quỳnh nghị lực, niềm tin để vượt qua nỗi lo âu, để những cái cân bằng tạm thời được thiết lập, chống chọi lại những lúc phấp phổng, chông chênh.
Ý thức sâu sắc cuộc sống Xuân Quỳnh cũng đặc biệt nhạy cảm với sự chảy trôi của thời gian nhất là những khoảnh khắc giao thời: “Giấc ngủ vừa chợp qua/ Nắng đã về trước cửa (Tháng năm), “Vừa thoáng tiếng còi tàu/ Lòng đã Nam đã Bắc” (Sân ga chiều em đi), “Có một thời vừa mới bước ra/ Mùa xuân đã gọi mời trước cửa” (Có một thời như thế), “Lối cũ em về nay đã thu” (Hoa cỏ may). Chính cặp quan hệ từ đã – vừa, hay sự đối lập cũ – nay đã gợi lên sự đổi thay, biến chuyển nhanh chóng của thời gian, làm tăng thêm sự gấp gáp, rượt đuổi của cảm xúc lo âu phấp phỏng. Thời gian đổi màu, đổi sắc, thời gian của mùa thu, của quá khứ thay nhau hiện diện đối với Xuân Quỳnh là một sự ám ảnh về tuổi trẻ, số phận, của lòng người, của lòng anh: “Chỉ là em đã khác với em xưa”. Cũng có lúc Xuân Quỳnh tìm thấy sự đồng nhất giữa mình và thời gian: “Chỉ còn anh và em, Là của mùa thu cũ”, để khẳng định tình yêu trường tồn, bất diệt.
Xem thêm: Sắc màu trong thơ Xuân Quỳnh
Xuân Quỳnh thường hay lắng nghe, lắng nghe những âm thanh quen thuộc, gần gũi và cả những âm thanh xa xăm vọng về từ quá khứ, lắng nghe cả những sự chuyển đổi thời gian, những va động của thế giới bên ngoài, kể cả những nhịp điệu của tâm hồn nhạy cảm và đa mang của mình. Có lẽ vì thế mà đọc thơ chị, người đọc tìm thấy những rung động hết sức tế nhị nhưng cũng hết sức nhân bản của chị: “Nghe xao động nắng trưa/ Nghe bàn chân đỡ mỏi/ Nghe gọi về tuổi thơ” (Tiếng gà trưa), “Nhưng hãy nghe hãy nghe/ Trên những cành phượng đỏ/ Trong những đầm sen nở/ Hương tháng năm lan xa/ Màu tháng năm rực rỡ/ Tơ giời giăng ngoài sân/ Cây bàng xoè trước ngõ/ Đêm xanh vời trăng sao”… (Tháng năm), “Nghe trong cái ngủ nồng nàn mùi vôi” (Lời ru trên mặt đất), “Nghe tiếng con đạp thầm” (Chùm thơ cho ba con nhỏ), “Nghe tin đài báo nóng, lại thương con” (Chỉ có sóng và em)…
Cũng không ít trường hợp Xuân Quỳnh tự vẽ lại chân dung của mình, rõ nhất, nhiều nhất là hình ảnh bàn tay, nó trở đi trở lại trong thơ chị: “Bàn tay em ngón chẳng thon dài/ Vết chai cũ, đường gân xanh vất vả/ Em đánh chắt chuyền thở nhỏ/ Hái rau dền, rau dệu nấu canh/ Tập vá may tết tóc một mình/ Rồi úp mặt lên bàn tay khóc mẹ” (Bàn tay em), “Anh chờ em cho em vị bàn tay, Gia tài em chỉ có bàn tay…” nó không chỉ gợi đến sự chở che, dìu dắt mà với Xuân Quỳnh, khi nói đến bàn tay cũng có nghĩa là nhắc đến cả một quá khứ, tuổi thơ đầy mất mát, bất hạnh. Bàn tay vì thế là hiện thân của số phận, của cả cuộc đời của chị.
Người đọc cũng bắt gặp hình ảnh một nữ sĩ đầy đam mê và khát khao nghệ thuật. Sự đối chọi giả tưởng giữa không/ chẳng/ quên và có/ nhớ trong “Nếu ngày mai em không làm thơ nữa” là cả một sự đánh đổi, hi sinh, trả giá cho nghệ thuật nói chung và cho nhà thơ nữ nói riêng. Cũng có lúc nhà thơ tự trào trong vài trò người vợ với “Những lo toan bận rận hàng ngày” nhưng chính cái lúc viết thơ vui để đùa, để khai chiến với đám mày rây ấy, Xuân Quỳnh đã rất thật với mình với thơ và vì thế những cái bình thường, vụ vặt cũng trở nên có ý nghĩa và sức mạnh lạ thường cũng như hình ảnh gia đình – tổ ấm – luôn luôn là niềm tự hào của chị.
Xem thêm: Vẻ đẹp thơ Xuân Quỳnh
Có thể nói, cái tôi trữ tình trong thơ Xuân Quỳnh là một tiếng nói đầy cảm xúc, tinh tế và hồn hậu của nhà thơ, nó chi phối mọi cách cảm, cách nghĩ của nhà thơ về cuộc đời, về nghệ thuật. Thông qua cái tôi trữ tình ấy, đọc giả nhận ra con người thật với một số phận đầy khắc nghiệt của Xuân Quỳnh và vì thế hồn thơ của chị được sự đồng cảm sức vang động, lay động sâu xa.
Nguyễn Thị Tình