Giải Nobel năm 2017 chính thức gọi tên Kazuo Ishiguro, một nhà văn Anh gốc Nhật. Ông rời nước Nhật từ năm sáu tuổi, theo gia đình lưu vong đến định cư ở Anh quốc vào năm 1960. Chính vì thế, Kazuo Ishiguro là một trường hợp tác giả văn học hết sức phức tạp. Sự phức tạp đó của Kazuo Ishiguro được thể hiện rất rõ trên những trang văn ông viết, ngay ở tác phẩm thuộc thời kì sáng tác đầu: Cảnh đồi mờ xám.
Cảnh đồi mờ xám và cuộc khủng hoảng căn cước của những kiếp đời bước ra từ chiến tranh.
Căn cước, theo phiên âm Hán Việt, chỉ gốc rễ của thực vật, nền móng của kiến trúc, cơ sở của sự vật; khi được sử dụng với con người thì chỉ gia thế, xuất thân, lí lịch. Còn khi nằm trong cụm từ “khủng hoảng căn cước” thì đây lại là một thuật ngữ tâm lí học, chỉ sự rối loạn trong tuổi vị thành niên, phải đi tìm ý nghĩa bản ngã và vai trò trong xã hội. Nếu đặt cụm từ này trong hoàn cảnh một quốc gia thì để chỉ tình trạng mất phương hướng, sự trăn trở đi tìm một ý niệm về bản ngã khi quốc gia đối mặt với ngoại bang, bị thực dân cai trị hoặc sa sút khủng hoảng toàn diện trên tất cả phương diện: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội.
Bước ra khỏi Chiến tranh thế giới thứ Hai, Nhật Bản là nước bại trận, chịu tổn thất nặng nề và những đau thương không thể hàn gắn do di chứng chiến tranh, do hai quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống Hiroshima và Nagasaki. Đất nước tiêu điều sau chiến trận nhưng chỉ sau đó không lâu liền bước vào quá trình phát triển thần kì đã kéo theo hệ lụy về sự rạn vỡ trong tâm hồn con người khi đứng trước đổi thay của quê hương, thời cuộc. Và Kazuo Ishiguro cũng không nằm ngoài quy luật chung ấy.
Như đã nói, Kazuo Ishiguro là một trường hợp văn học hết sức phức tạp. Trước khi sang sinh sống, định cư ở Anh quốc, ông là một người dân Nhật Bản. Ông sinh ra ở Nagasaki, thành phố từng bị hủy diệt bởi bom nguyên tử nhưng lại vào những năm nước Nhật bắt đầu có những chuyển mình mạnh mẽ nhất sau thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ Hai. Vì thế, dẫu rời Nhật Bản từ khi còn rất nhỏ và trở thành một nhà văn hải ngoại mãi đến bây giờ thì thẳm sâu vô thức, Ishiguro vẫn không nằm ngoài tâm thức chung của người dân Nhật Bản thời hậu chiến, mang nặng nơi tâm hồn cuộc khủng hoảng căn cước với những vụn vỡ, đau thương, âu lo, khắc khoải, mông lung, bất định cả trong quá khứ, hiện tại hay tương lai. Tâm thức đó, đã thể hiện rất rõ trong sáng tác của Ishiguro ngay từ cuốn tiểu thuyết đầu tay Cảnh đồi mờ xám.
Quả thực, Cảnh đồi mờ xám, ngay tên sách đã gợi về một cảm thức trĩu nặng nỗi buồn, một tâm trạng bất định và sự mơ hồ của con người khi đối diện trước cảnh vật, thiên nhiên. Nguyễn Du từng nói: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Và Cảnh đồi mờ xám, đã mang sắc xám lại nét mờ ảo, là trong ánh nhìn của nhân vật chính Etsuko, một người phụ nữ đã sống qua những năm tháng đau thương nhất của lịch sử nước Nhật và hiện đang lưu vong nơi xứ người mà nhớ về những mảng vụn kí ức; trong cặp mắt vô hồn của người phụ nữ với ước mơ Mỹ tiến Sachiko hay trong đôi mắt vừa cảnh giác vừa bướng bỉnh của cô bé Mariko khi nhìn về cảnh đồi đã từng là thân thuộc, mà giờ đây chỉ còn nơi hoài vọng. Sắc xám mờ ảo, là mây, là sương, là khói hay là những buồn thương quá khứ đã nhuốm màu tang thương lên mảnh đất khu tập thể Etsuko tưng sinh sống, lên vùng đồi núi Inasa; hay vốn rằng, cảnh đồi đấy chỉ là một hình ảnh biểu tượng, cho những ước mơ xa vời, cho những chấp niệm ẩn sâu nơi tiềm thức, cho những vụn vỡ đè nặng lên tâm trí con người từ quá khứ tới hiện tại và có thể mãi về sau.
Để rồi khi đi sâu vào thế giới của Cảnh đồi mờ xám, độc giả mới thật thêm thấm thía và thấu hiểu, dấu ấn của cuộc khủng hoảng căn cước đã thấm sâu vào từng ngõ ngách câu văn, vào góc khuất tâm lý con người, vào từng mảng màu của không gian nghệ thuật mà Kazuo Ishiguro đã xây dựng.
Cảnh đồi mờ xám, được tạo dựng lên từ hai mảng không, thời gian khác nhau: Ngôi nhà nơi Etsuko hiện đang sinh sống tại nước Anh và thành phố Nagasaki với khu tập thể âm u, đổ nát khi xưa cô từng ở với người chồng cũ. Một nơi là hiện tại, một nơi là quá khứ. Một nơi là hiện thực, một nơi là tiềm thức. Nhưng dẫu có là quá khứ hay hiện tại, thực tại hay kí ức, tất cả vẫn nhằm hướng tới, những kiếp người mang nặng trong tâm hồn cuộc khủng hoảng căn cước đã hằn sâu vào vô thức.
Nó ẩn hiện ngay chính mảnh đất Nagasaki với bao kiếp người vừa thoát khỏi chiến tranh, vùng vẫy để thoát khỏi thương đau từ chiến trận, từ đau thương, mất mát của đạn bom. Có người cứ mãi mang nặng vết thương xưa mà sống trong hiện tại, có người đã bắt đầu hướng đến tương lai bằng những hướng đi khác nhau nhưng đến cuối cùng quá khứ vẫn luôn hiện hữu và níu mãi tâm trí họ. Và đó còn là những đứa trẻ, đã chịu tổn thương tinh thần khi phải chứng kiến những mảnh đời nghiệt ngã trong bom rơi đạn lạc, trong cuộc sống khổ cực thời chiến và hậu chiến như cô bé Mariko. Chiến tranh qua đi, không có nghĩa vết thương chiến tranh đã khép miệng, di chứng chiến tranh vẫn ở đó như một vết sẹo nhức nhối tâm can người ở lại. Thứ còn lại cho con người là thương tổn, vụn vỡ, và cũng là những trống rỗng không sao lấp đầy, như căn nhà của người bác chồng Sachiko, rộng lớn mà cô quạnh, rộng lớn mà chẳng thể lưu chứa cho một tâm hồn bé nhỏ. Tất cả, như cứ mãi đi sâu vào một vùng tối mờ xám không lối thoát.
Cuộc khủng hoảng căn cước còn được thể hiện trong những mâu thuẫn giữa quá khứ hiện tại, truyền thống hiện đại thời hậu chiến, khi sau Chiến tranh thế giới thứ Hai, Nhật là nước bại trận và phải để quân đội Mỹ chiếm đóng. Lối sống phương Tây, lối sống Mỹ cùng giấc mơ Tây phương đã len lỏi vào tâm trí con người Nhật Bản và dần phá vỡ cấu trúc gia đình, xã hội của đất nước này: “Kỷ luật, trung thành, đó là những thứ đã từng gắn kết người Nhật thành một khối. Nghe có vẻ to tát, nhưng đúng là như thế. Con người được ràng buộc bởi ý thức trách nhiệm. Với gia đình, với bề trên, với đất nước. Nhưng ngày nay, thay vào đó, ta chỉ toàn nghe người ta nói về dân chủ. Con sẽ nghe tới từ dân chủ bất cứ khi nào người ta muốn ích kỷ, bất cứ khi nào người ta muốn quên đi bổn phận của mình.” Mâu thuẫn thế hệ dần này sinh, chưa bao giờ, mối dây liên kết giữa cha – con, vợ – chồng, mẹ – con, bè bạn lại trở nên mong manh và dễ đổ vỡ đến thế.
Trong muôn vàn mâu thuẫn, giằng xé cùng vụn vỡ, tổn thương kéo dài từ quá khứ đến hiện tại và như mang tinh chất truyền đời, mỗi người lại như càng trở nên cô đơn vô tận trước cuộc sống. Cuộc khủng hoảng căn cước, vì thế còn là cuộc khủng hoảng của cái tôi, của con người trước bao biến động thời cuộc. Chẳng vậy mà, trong văn chương Nhật Bản nói chung, trong Cảnh đồi mờ xám nói riêng, những cái chết cứ trở đi trở lại, xuất hiện rất nhiều như một sự ám ảnh: ám ảnh người còn sống, và ám ảnh cả tâm trí độc giả. Người ta chết đi khi không tìm được lẽ sống, hay tự cảm thấy cuộc đời sống vậy là đã đủ cho một kiếp đời. Nhưng những ai còn ở lại, vẫn đang vật mình tìm lẽ sống giữa cuộc đời, và mang nặng thêm những khắc khoải về cái chết người thân hay những cái chết họ vô tình nhìn thấy. Con người, cứ mãi đứng giữa lằn ranh sống – chết để tìm kiếm lẽ sống, kiếm tìm bản ngã, để thấy được, bản thân đang sống là một con người chứ không đơn thuần chỉ là một sự tồn tại.
Sự đa văn hóa trong Cảnh đồi mờ xám của Kazuo Ishiguro.
Dẫu Cảnh đồi mờ xám có một phần không gian Nhật Bản và dấu ấn của cuộc khủng hoảng căn cước ảnh hưởng rất sâu đậm đến văn chương của Kazuo Ishiguro thì tới cuối cùng, đây vẫn là cuốn sách được viết lên bởi một nhà văn hải ngoại đã rời xa Nhật Bản khi mới 6 tuổi. Bởi vậy, Cảnh đồi mờ xám đã tái hiện lên một nước Nhật không “trọn vẹn”. Mà ở đó có sự đa văn hóa, sự giao thoa giữa một bên là Nhật Bản truyền thống với một bên là chất phương Tây hiện đại. Và chính đây cũng là yếu tố góp phần làm nên sự phức tạp cho hiện tượng văn chương mang tên Kazuo Ishiguro.
Một Nhật Bản truyền thống hiện lên trong Cảnh đồi mờ xám, không đơn thuần chỉ là trong mâu thuẫn thế hệ khi đứng trước sự chuyển giao thời cuộc, mà còn nằm trong cách ông kể, cách ông tả về những con người Nhật Bản hiện lên ở mờ ảo ký ức của Etsuko. Những người phụ nữ Nhật dịu dàng, sống vì gia đình trong trang phục Kimono truyền thống; trong lối sống, sinh hoạt, trong từng hành động, cử chỉ dù có chịu sự ảnh hưởng của văn hóa phương Tây cũng không thể bị xóa mờ: Một đất nước miền biển và một đất nước của núi non; cách Etsuko nấu bữa cơm gia đình, cách Sachiko thưởng trà bằng những bộ ấm chén đắt tiền với phong thái đầy tao nhã; hay trong phong thủy, những nếp nhà được xây dựng đặc trưng cho một đất nước chịu nhiều thiên tai…
Nơi hư ảo vô thức của một nhà văn hải ngoại như Kazuo Ishiguro, Nhật Bản hiện lên không được đánh bóng hay tô hồng mà vẫn mang đầy đủ những đổ vỡ trong hiện thực trần trụi của một đất nước bị tàn phá nặng nề sau chiến tranh. Nhưng đến cuối cùng, ở tâm thức của Ishiguro, ở tâm thức của Etsuko, vẫn gìn giữ lấy một nước Nhật truyền thống tận sâu trong tim, dù đau thương, dù chịu ảnh hưởng bởi văn hóa ngoại bang, vẫn cố giữ lấy cội rễ dân tộc.
Tuy nhiên, dẫu Nhật Bản trên trang văn của Ishiguro có chân thực đến đâu, với những kiếp người chịu thương tổn nghiệt ngã đến đâu, thì đó vẫn là một nước Nhật tạo dựng từ hoài niệm, từ mảnh vỡ thời gian vốn đã không hoàn chỉnh. Nước Nhật đó là quá khứ chứ không phải Nhật Bản thời hiện đại. Etsuko, từ cái chết của con gái mà cô hoài thai với người chồng cũ trước khi sang Anh định cư nhớ lại ký ức đã xa; cũng như chính hiện thân Ishiguro, đang ngược dòng thời gian lần tìm lại những vụn vỡ kỉ niệm. Như một cách, con người ấy tìm lại cân bằng trong cuộc sống. Vì thế, khủng hoảng căn cước trong Cảnh đồi mờ xám, nó còn là sự khủng hoảng một con người xa xứ, đang bước những bước đi vô định nơi xứ người, nhìn lại quê hương, như tìm về một nơi chốn bình yên cho tâm hồn đang dần sa ngã.
Đồng thời, lần nhìn lại quá khứ, con người đó vẫn không thôi hoài tiếc về những vẻ đẹp truyền thống đang mai một cùng ước vọng gìn giữ được những gì là tốt đẹp đã từng tồn tại trước ngày chiến tranh nổ ra, trước khi văn hóa phương Tây tràn vào đất nước này. “Người Mỹ không bao giờ hiểu cách sống của người Nhật. Họ chưa bao giờ hiểu dù chỉ chút ít. Cách sống của họ có thể phù hợp với dân Mỹ, nhưng ở Nhật thì mọi thứ lại khác, rất khác.” Và càng hoài tiếc, con người xa xứ lại càng mong muốn được quay trở về với những giá trị cốt lõi khi xưa, cùng với khát vọng đổi thay một nước Nhật trước sự lai căng văn hóa ngoại bang. Giống như người phụ nữ Etsuko, cô chưa bao giờ tự hào vì đã rời bỏ tổ quốc, và chìm sâu vào vô thức của cô vẫn là bóng hình Nhật Bản thời hậu chiến. Nó như đốm lửa âm ỉ cháy, chỉ cần một cơn gió, là có thể thổi bùng thành ngọn lửa (ý mượn của Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh).
Song hành cùng hình ảnh Kazuo Ishiguro gắn liền với một Nhật Bản thời hậu chiến là một Kazuo Ishiguro, một nhà văn hải ngoại đã chịu và tiếp thu văn hóa phương Tây mạnh mẽ. Chất Tây phương trong sáng tác của Ishiguro, cụ thể tại Cảnh đồi mờ xám thể hiện trước nhất ở nghệ thuật xây dựng tác phẩm của ông. Cảnh đồi mờ xám có một cấu trúc hết sức hiện đại: vừa là thực, vừa là hư; vừa là hiện tại, và cũng lại là quá khứ. Những mảng màu kí ức đan xen với thực tại Etsuko sinh sống; đồng thời là cả những giấc mơ vụn vỡ đã nối kết, đánh thức trong cô những vụn vỡ khi xưa. Đó là sự phân mảnh tầng bậc ý thức của một con người xa xứ, từ đấy mà tạo lên những phân tầng trong không, thời gian của tác phẩm, làm cho cấu trúc Cảnh đồi mờ xám trở lên móc xích, trùng điệp, khó phân định và gây lên sức ám ảnh cuốn lấy độc giả.
Và giữa những hư ảo được tạo lên từ dòng ý thức của người kể chuyện, hiện lên trên trang văn của Kazuo Ishiguro là bóng hình những con người xa xứ, hay cũng chính là bóng hình của một nhà văn hải ngoại như ông. Cô gái Sachiko đã nuôi khát khao mãnh liệt sang Mỹ bằng mọi giá. Rồi giấc mơ đấy có thành hiện thực hay không, tác giả còn bỏ ngỏ cũng như bỏ ngỏ lý do Etsuko đã bỏ lại quê hương, đưa đứa con nhỏ Keiko sang Anh định cư. Nhưng, thực sự với một tiểu thuyết như Cảnh đồi mờ xám, cũng không nhất thiết phải làm rõ đến từng chi tiết trong quá khứ của nhân vật. Bởi tác giả, đã chủ động làm mờ đi căn cước con người, như những cảnh đồi mờ ảo sắc xám, cảnh đồi hay cảnh người, điều đó cũng thật khó để phân định rạch ròi.
Song có một điều vẫn hiện rõ trên trang văn Ishiguro, đấy là tâm thức con người sống lưu vong với hoài niệm khắc khoải về quá khứ và bất định về tương lai. Tâm thức mang tính di truyền, từ Etsuko mà truyền sang người con gái mắc chứng hikikomori như Keiko, để giờ đến Niki, cô con gái mới 20 tuổi có rất ít liên hệ với nước Nhật cũng mang nặng nỗi buồn thế hệ đấy. Và sự xa cách của Etsuko với hai người con gái trong hiện tại, cũng lại như gợi về sự xa cách giữa bố chồng với chồng cô trong quá khứ, giữa Sachiko với đứa con gái nhỏ Mariko. Vậy rằng, dù Etsuko có rời xa nước Nhật, thì đến cuối cùng, cô vẫn là một con người Nhật Bản, nhưng lại không phải một người Nhật “trọn vẹn”. Bởi, con người xa xứ đó, đã mang quá nhiều vụn vỡ trong ký ức, và hiện thực với họ, nước Nhật cũng như Cảnh đồi mờ xám, mờ ảo và xa ngái mà thôi.
Kazuo Ishiguro, nhà văn Anh quốc mang nỗi buồn Phù Tang.
Kazuo Ishiguro được xem là một trong những nhà văn Anh nổi bật nhất hiện nay. Nhưng văn chương của ông, bên cạnh sự hiện đại khi tiếp thu văn hóa phương Tây, vẫn luôn là khắc khoải về ký ức nước Nhật thời hậu chiến, vẫn là nỗi buồn đặc trưng của văn học Nhật Bản nói chung, văn học hiện đại Nhật Bản sau Chiến tranh thế giới thứ Hai nói riêng. Điều đó, thể hiện trong từng sáng tác của ông, bắt đầu ngay từ tác phẩm thời kỳ đầu Cảnh đồi mờ xám.
Và chính sự song hành giữa Ishiguro hiện tại sinh sống ở Anh quốc với quá khứ, trải nghiệm thời 6 tuổi của ông mà làm lên một Kazuo Ishiguro đầy phức tạp, đa ngữ và đa văn hóa. Đồng thời, cũng vì thế chăng, sáng tác của ông lay động được đến đáy sâu trái tim độc giả, thuyết phục được sự “khó tính” của hội đồng trao giải Nobel. Để rồi, giải thưởng Nobel Văn học danh giá năm 2017 đã gọi tên ông, Kazuo Ishiguro, một nhà văn người Anh gốc Nhât.
Mọt Mọt