Có thể nói, cuộc đời của Đại thi hào dân tộc Nguyễn Trãi là những chuỗi bi kịch lớn: mang khát vọng kinh bang tế thế của một thời tuổi trẻ nhưng không gặp được minh quân, đành ngậm ngùi trong tâm trạng góc thành Nam lều một gian đầy chua chát; là người con chí hiếu nhưng đành ngậm ngùi tiễn cha bị đày về phương Bắc trong cái nhìn bất lực; dâng Bình Ngô sách đầy hào sảng, là cánh tay đắc lực giúp Lê Thái tổ giành lại giang sơn nhưng rồi rốt cuộc lại bị gạt ra ngoài chính sự, sống ngậm ngùi trong thân phận của một kẻ hữu danh vô thực; tấm lòng phò chúa giúp dân lúc nào cũng đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông nhưng cuối cùng lại chịu cảnh rơi đầu thảm khốc dưới lưỡi dao oan nghiệt của chính cái triều đình mà ông đã góp phần gây dựng và phụng sự suốt một đời tận tụy … Song, trong tâm thượng của con người ấy, từ trước đến sau vẫn luôn luôn là một quang Khuê tảo đầy ánh sáng của khát vọng giúp dân, giúp nước. Con người Ức Trai quả đã sống một cuộc đời cống hiến đầy sôi động. Sự nghiệp và những công lao hiển hách của Nguyễn Trãi không chỉ ở nghiệp cầm quân mà nó còn lặng lẽ soi bóng xuống một sự nghiệp thơ văn đồ sộ. Ở đó, người đương thời và những độc giả đi sau có thể thấy ở ông một tấm lòng tha thiết hướng về đất nước và nhân dân. Giữa thế sự thăng trầm, vẫn còn đó một Nguyễn Trãi nặng lòng với quê hương, với con người nước Việt:

Rồi hóng mát thuở ngày trường
Hòe lục đùn đùn tán rợp giương
Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ
Hồng liên trì đã tiễn mùi hương
Lao xao chợ cá làng ngư phủ
Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương
Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng
Dân giàu đủ khắp đòi phương

1. Sự phối trộn giữa âm thanh và sắc màu …

Bài thơ mở ra bằng một thời khắc đặc biệt trong cuộc đời Nguyễn Trãi: rồi – rỗi rãi, nhàn nhã … Dẫu cho thời khắc ấy không lấy gì làm thích thú đối với một con người đầy hăm hở và tích cực nhập thế như ông, nhưng đó cũng là những giây phút hiếm hoi cho trang nam nhi làng Nhị Khê ấy có khoảng lặng cần thiết để lắng lòng, để chia vui với cuộc sống bình dị xung quanh mình. Cái bóng mát bình dị chốn làng quê thân thuộc dường như đã xuất hiện đúng lúc để vỗ về cho một tâm hồn đang chất chứa và trĩu nặng ưu tư:

Hòe lục đùn đùn tán rợp giương
Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ
Hồng liên trì đã tiễn mùi hương

Sự phối trộn màu sắc: hòe lục – lựu đỏ – liên (sen) hồng đã tạo thành một bức tranh đồng quê với đa nét vẽ. Một loạt các động từ xô đẩy nhau xuất hiện: đùn đùn – phun – tiễn (tỏa ngát) đã diễn tả thành công sức sống tuôn trào từ trong nội tại cảnh vật. Dẫu đâu đây vẫn còn những hình ảnh ước lệ trong thơ ca cổ điển: thạch lựu, hồng liên … nhưng bằng sự kết hợp hài hòa với những từ thuần Việt: đùn đùn, phun …, nhà thơ Nguyễn Trãi đã dựng lên một bức tranh quê mang bản sắc và hồn cốt Việt Nam. Bằng sự tinh nhạy của một tâm hồn tha thiết yêu quê hương; sự huy động tổng thể cảm nhận của tất cả các giác quan, nhà thơ đã nắm bắt được những nét thần tình trong bản hòa ca bất tận của cảnh vật. Toàn bộ sự vật, dưới cái nhìn của Nguyễn Trãi, dường như đang phô diễn hết tất cả vẻ đẹp của sắc màu và hương vị. Một cảnh sắc phun trào đầy sức sống; một không gian thẫm đẫm hương thơm thanh khiết của hoa sen giữa đầm lầy, ao chuôm, bờ bãi … Đó quả thực là hồn quê, là tình yêu tha thiết của Ức Trai dành cho quê hương xứ sở. Chính tình yêu quê hương của nhà thơ đã làm sống dậy những cảnh sắc thôn quê bình dị và cũng chính tâm hồn trung trực, trong sáng tựa sao Khuê của Đại thi hào dân tộc Nguyễn Trãi đã làm cho bức tranh quê ấy tỏa ngát hương thơm cả trong khoảnh khắc của một ngày tàn.

Và bao giờ cũng vậy, đích đến cuối cùng trong tâm hồn, trong nghĩ suy; trong ánh mắt và trái tim Nguyễn Trãi không có gì khác ngoài đời sống con người, những dân đen con đỏ ông đã dành hết cuộc đời và tâm huyết của mình để đấu tranh, bênh vực:

Lao xao chợ cá làng ngư phủ
Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương

Ngày đã hết, mặt trời đang chiếu những tia sáng cuối cùng để đi đến thời khắc tịch dương, nhưng sự sống vẫn tiếp diễn và không có dấu hiệu bị lấn át bởi bóng tối. Cái nhìn thị giác đã nhường chỗ cho cảm nhận về thính giác, tạo nên sự phối trộn đầy thú vị giữa thanh âm và sắc màu trong bản hòa ca đồng quê nước Việt. Cái âm thanh của lao xao chợ cá không chỉ là cảm giác về sự ồn ào, đua chen, tất bật mà người đọc cảm nhận được nhiều hơn về niềm vui trong tâm hồn Nguyễn Trãi khi lắng nghe những thanh âm quen thuộc. Đó là những âm thanh vọng về từ một cuộc sống nhộn nhịp, đông vui, yên ổn của làng quê. Không gian chợ đã trở thành biểu trưng cho không gian văn hóa làng quê Việt Nam. Chợ đông vui, ồn ào, náo động báo hiệu cho một đất nước yên ổn, hòa bình, thịnh trị. Âm thanh của tiếng ve đã trở thành bản đàn ca ngợi niềm vui cuộc sống. Đất nước thái bình, nhân dân vui vẻ, rộn rã sự sống, còn gì vui hơn cho tâm hồn Nguyễn Trãi? Trái tim, tấm lòng Nguyễn Trãi đã hòa nhịp kì lạ với cảnh sắc thôn quê để cất lên bài ca ca ngợi sự sống, vượt lên trên tất cả những ưu tư giữa thế sự thăng trầm!

2. Nỗi niềm đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông …

Với một con người tích cực nhập thế, coi hành động hướng về đất nước và nhân dân là lẽ sống duy nhất của đời mình, khoảnh khắc rỗi rãi, nhàn tản để hóng mát, ngoạn cảnh, với Nguyễn Trãi quả là kì lạ và hiếm gặp. Đằng sau cụm từ rồi hóng mát (rỗi rãi hóng mát), người đọc thấy thấp thoáng cái mỉm cười pha chút ngạc nhiên của người con sinh ra từ làng Nhị Khê. Con người Nho sinh, mang trên vai và trong tâm tưởng ý thức tề gia, trị quốc, bình thiên hạ ấy, chắc hẳn không ngờ rằng, trong cuộc đời phụng sự triều Lê, mình lại có những giây phút nhàn hạ đến vậy. Bởi thế, cái thanh âm đọng lại ở chữ ngày trường (ngày dài) ở cuối câu thơ mở đầu dường như mang nặng cả tâm tư sầu muộn, cả tiếng thở dài của Ức Trai tiên sinh khi tự nhiên lại có những tháng ngày nhàn hạ bất đắc dĩ. Song ở con người Nguyễn Trãi, cái ưu tư cá nhân (nếu có) thì cũng chỉ thoáng qua rất nhanh như hạt mưa rào mùa hạ. Con người ấy biết vượt qua cái phiền muộn cá nhân để hướng về nhân dân, đất nước. Cái tiên ưu ở Nguyễn Trãi là ở quốc gia, dân tộc chứ không phải là ở con người bản thể nhỏ nhoi trước vũ trụ. Ông đã biết cách vượt lên hoàn cảnh bất đắc chí của bản thân để cùng chung vui với niềm vui của cuộc sống thôn quê bình dị, xôn xao, no ấm. Ông đã dẹp sang một bên những âm thanh từ một cái tôi buồn bã để chia sẻ với những thanh âm nhộn nhịp, giàu sức sống của khung cảnh làng quê nước Việt. Và Nguyễn Trãi cũng đủ dũng khí để rũ bỏ tất cả những vinh hoa hư ảo của chức tước, của ngựa xe, võng áo để lại làm một lão nông tri điền với bản hòa tấu màu sắc của ruộng đồng, rơm rạ:

Hòe lục đùn đùn tán rợp giương
Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ
Hồng liên trì đã tiễn mùi hương

Dẫu cho đó đây, trong thi thoảng của âm thanh và sắc màu, ta vẫn thấy nét ưu tư thoáng chốc trên khuôn mặt của một con người đã từng thảo những trang Đại cáo bình Ngô hừng hực khí thế và khát vọng, thì từ trước đến sau, Nguyễn Trãi vẫn mang trong mình tư tưởng của những triết nhân phương Đông rất thấu hiểu lẽ thăng trầm, thịnh suy của âm dương, vũ trụ. Bởi thế, con người ấy đã trong thoáng chốc gạt qua cái suy tư bản thể để hướng tới cộng đồng, đất nước rộng lớn ngoài kia:

  Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng
Dân giàu đủ khắp đòi phương

Cái ao ước, lẽ ra nên có cây đàn của vua Nghiêu Thuấn ngày xưa, gảy lên một bản nhạc để ca ngợi cuộc sống thanh bình, sung túc ở muôn phương không chỉ là niềm vui của Đại thi hào Nguyễn Trãi trước cảnh thái bình thịnh trị, mà đằng sau sự kết hợp từ dẽ có (lẽ ra nên có), độc giả còn cảm nhận được khát khao cống hiến, phụng sự của người con làng Nhị Khê. Không có khúc Ngu cầm nhưng đã có cây đàn muôn điệu từ tấm lòng Ức Trai tấu lên ngân nga những giai điệu của niềm vui trước cuộc sống no ấm của nhân dân. Cây đàn ấy còn gửi gắm đằng sau những nốt lặng, gửi gắm những hoài bão, những đam mê làm việc, cống hiến tài trí và sức lực của một trang nam nhi vừa bước ra từ cuộc chiến vệ quốc đầy vinh quang. Nếu khoảnh khắc của lịch sử tạo điều kiện cho Nguyễn Trãi hoạt động, cho ông được dâng hiến hết tài năng và tấm lòng tận tụy thì khúc đàn ấy tấu lên chắc hẳn tràn đầy ánh sáng, niềm sung sướng và tự hào viên mãn chứ sẽ không còn những nốt trầm, những khoảng lặng trong bản hòa tấu của âm thanh và sắc màu như vậy!

Lẽ dĩ nhiên, bánh xe thời gian đã kịp viết tiếp những trang mới lên bề dày của lịch sử dân tộc. Trong Cảnh ngày hè, dẫu còn đâu đó những ưu tư thoáng chốc, những phiền muộn ẩn tàng thì bao trùm lên hết thảy vẫn là một con người Ức Trai giao hòa niềm vui với đất trời, con người và vạn vật. Con người Nguyễn Trãi quả thật đã sống một cuộc đời đầy sôi động. Thơ văn ông không chỉ là bản hòa ca ca ngợi cuộc sống thanh bình của muôn dân, mà còn gửi gắm trong đó ý thức về chủ quyền, về văn hóa, về khát vọng xây dựng một nền văn chương mang đậm đà màu sắc và hồn cốt của dân tộc Việt Nam!

Xem thêm: Văn hoá thời gian rỗi trong thơ Nguyễn Trãi

Thái Văn Phú
Giáo viên trường THPT Quỳnh Lưu 2, Quỳnh Văn, Quỳnh Lưu, Nghệ An