Chủ nghĩa Cổ điển (Classicism) và Tân Cổ điển (Neoclassicism) là hai khái niệm được sử dụng để ám chỉ những tác phẩm, tư tưởng được sáng tác theo phong cách Hy Lạp và La Mã ở Phương Tây. Các tác phẩm thuộc trường phái Tân Cổ điển là những tác phẩm thời sau nhưng lấy cảm hứng từ Hy Lạp và La Mã. Tuy nhiên, hai thuật ngữ Cổ điển và Tân Cổ điển đôi khi lại được sử dụng lẫn lộn với nhau.
Quan điểm thẩm mỹ của Chủ nghĩa cổ điển thường liên quan đến nghệ thuật cổ xưa: sự hòa hợp, tiết chế và thiên hướng duy tâm. Do sự kính ngưỡng với các tác phẩm cổ xưa nên chuẩn mực này được cho là hoàn hảo nhất trong các loại hình nghệ thuật. Theo cách hiểu rộng hơn, “cổ điển” cũng được sử dụng để chỉ một giai đoạn phát triển của nghệ thuật, tuy nhiên việc gán khái niệm này với một giai đoạn nhất thời khiến các nhà nghiên cứu nhìn các tác phẩm một cách khiên cưỡng và vô nghĩa. Các giai đoạn sau của lịch sử nghệ thuật phương Tây nếu cố ý bắt chước các tác phẩm cổ xưa thường được gọi là Tân cổ điển (Neoclassic).
Mặc dù dựa trên các quy tắc của nghệ thuật cổ đại nhưng chủ nghĩa cổ điển thay đổi rất nhiều trong việc giải thích và áp dụng các mô hình đó tùy thuộc vào từng thể loại và từng thời đại. Ví dụ như trong nghệ thuật thị giác, tỉ lệ vàng thời cổ đại được áp dụng nhưng các họa sĩ cổ điển có khuynh hướng ưa thích những chi tiết cụ thể hơn như đường viền màu, đường thẳng qua các đường cong, cách tạo không gian sâu…v…v..
Các giá trị của nghệ thuật cổ đại mặc dù không bị dập tắt trong thời Trung Cổ nhưng chỉ đến giai đoạn Phục Hưng ở Ý vào thế kỷ 15 và 16 thì Chủ nghĩa cổ điển mới được hình thành rõ nét và lan truyền. Nhà kiến trúc Leon Battista Alberti vào kiến trúc thế kỷ 15 đã đánh đồng chủ nghĩa cổ điển với “cái đẹp”, cụ thể hơn là sự xác định cái đẹp trong kiến trúc: “sự hài hòa và sự hòa hợp giữa các bộ phận đã đạt được bằng cách làm theo quy tắc dựa trên nền tảng nghiên cứu từ các tác phẩm cổ đại, không có gì có thể thêm vào hoặc lấy đi hoặc thay đổi ngoại trừ sự xấu xí”. Trong hội họa, các nghệ sĩ tôn vinh con nguoiwf bằng cách mô phỏng thế giới tự nhiên, điển hình là các tác phẩm của Michelangelo, Raphael, Donato Bramante…Thời Phục Hưng ở Ý đã cung cấp tiêu chuẩn cho chủ nghĩa cổ điển. Các họa sĩ và kiến trúc sư sau đó ở Pháp và ở Anh càng đẩy cao chủ nghĩa cổ điển bằng cách tôn vinh phong cách La Mã trong các thế kỷ 17 và 18.
Đến giữa thế kỷ 18, Chủ nghĩa Cổ điển phong cách La Mã bị tấn công bởi hai xu hướng. Một là, phương trình thẩm mỹ về “cái đẹp” của chủ nghĩa cổ điển đã bị thách thức bởi khao khát về “cái siêu tuyệt” do tư tưởng lãng mạn tạo ra. Hai là, các nghệ sĩ ủng hộ Hy Lạp cũng bắt đầu thách thức những người tôn sùng La Mã. Nhà nghiên cứu nghệ thuật cổ đại Johann Winckelmann đã nhìn thấy trong tác phẩm điêu khắc Hy Lạp “một sự đơn giản và cao quý hùng vĩ”, đồng thời ông khuyên các nghệ sĩ mô phỏng thiên nhiên nên bắt chước phong cách Hy Lạp cổ đại.
Các giai đoạn của chủ nghĩa cổ điển trong văn học và âm nhạc thường trùng với giai đoạn Cổ điển trong nghệ thuật thị giác. Trong âm nhạc, chủ nghĩa cổ điển bắt đầu vào thế kỷ 18 và bị chi phối bởi các nhà soạn nhạc nói tiếng Đức như Joseph Haydn, Wolfgang Amadeus Mozart, Christoph Gluck, và Ludwig van Beethoven trẻ tuổi. Âm nhạc của họ được mài rũa, tinh tế và duyên dáng. Nhạc củ trở nên quan trọng hơn trong thanh nhạc, dần dần dẫn đến việc chuẩn hóa các dàn nhạc giao hưởng, thính phòng và hòa tấu.
Trong văn học, sự hồi sinh của các giá trị cổ đại đã xảy ra trong thời Phục Hưng khi các tác phẩm văn xuôi của Cicero được bắt chước. Vào thế kỷ 17, Pháp cũng phát triển một dòng văn chương cổ điển phong phú và đa dạng như các nhà soạn kịch Pierre Corneille và Jean Racine, các triết gia Blaise Pascal và Rene Descartes. Ở Anh, chủ nghĩa cổ điển nảy sinh muộn hơn với đại diện là John Dryden và giáo hoàng Alexandre. Văn chương cổ điển Đức thực sự là đỉnh cao của chủ nghĩa cổ điển với các tác giả lớn như Gotthold Ephraim Lessing, Johann Wolfgang von Goethe và Friedrich Schiller. Vào đầu thế kỷ 20, T.S Eliot và những người đề xướng chủ nghĩa phê bình mới đôi khi được coi là các nhà cổ điển bởi họ nhấn mạnh vào hình thức và niêm luật.
Nguồn: Britannica
Minh Phi chuyển dịch