Tháng 5 năm 2016, trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tiến sĩ Dương Ngọc Dũng là người được chọn làm người giới thiệu cho vị khách đặc biệt này tại chùa Ngọc Hoàng (quận 1, TP HCM). Là một chuyên gia trong nhiều lĩnh vực: Văn hóa, kinh tế, triết học, tôn giáo… song văn chương cũng không nằm ngoài mối quan tâm của ông…

Xuất hiện từ những thập niên 1920 bên Đức chủ nghĩa hiện thực huyền ảo, vốn bắt nguồn từ hội họa, tiến vào văn học, và thay thế triết học đặt lại câu hỏi về bản chất của thực tại. Trăm năm cô đơn (Cien años de soledad, viết bằng ngôn ngữ Tây Ban Nha, xuất bản lần đầu 1967), của Gabriel Garcia Marquez, nhà văn Columbia, cũng như Hư cấu (Ficciones, tiếng Tây Ban Nha, xuất bản lần đầu 1944) của Jose Luis Borges (nhà văn Argentina), là hai tác phẩm tiêu biểu cho thể loại này. Điều kì lạ là đầu tiên thuật ngữ “hiện thực huyền ảo” xuất hiện, không phải trong tiếng Tây Ban Nha như nhiều người nghĩ, mà là trong tiếng Đức (magischer Realismus), chính những nhà phê bình nghệ thuật Đức (cụ thể là Franz Roh và Gustav Hartlaub) đã đặt ra từ này, sau đó là tiếng Hà Lan, tiếng Tây Ban Nha, rồi mới được dịch sang tiếng Anh là magical realism. Hầu như hiện nay nói đến văn học Tây Ban Nha hay văn học Châu Mỹ La Tinh nói chung mọi người đều nhớ tới một cụm từ duy nhất: Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo (el realismomágico). Nghe tiếng Việt thì thấy hay hay, không có vấn đề gì, nhưng nếu đọc tiếng Anh, hay tiếng Tây Ban Nha, Pháp, Đức, chúng ta thấy ngay một sự nghịch lý: đã là “hiện thực” (realism) thì làm sao mà “mang tính chất huyền ảo, ma thuật” (magical) cho được? Người theo chủ nghĩa hiện thực, hay duy vật triệt để, không thể tin rằng có một thiên thần, một ngày mưa to gió lớn nào đó, gãy cánh rơi từ trên trời xuống và sau đó chung sống với một gia đình trần tục trên trái đất này. Vô lý! Phi hiện thực! Chỉ có trong tiểu thuyết khoa học viễn tưởng! Nhưng thực tế đây chính là điều các nhà văn trong phong trào hiện thực huyền ảo đang nhắm đến theo kiểu gài bom đánh sập những ý tưởng đóng khung sẵn của chúng ta về cái gọi là “thế giới hiện thực”. So sánh nào cũng khập khiễng, nhưng đọc Trăm năm cô đơn thì cũng giống như xem tranh Picasso vậy! Ông này cũng người Tây Ban Nha. Nếu bạn xem tranh Bùi Xuân Phái và “kết” họa sĩ này – chuyên gia vẽ tranh về phố cổ Hà Nội – thì khó lòng mà “hiểu” Picasso muốn nói gì trong các bức tranh kỳ quặc của ông ta. Mọi thứ đều chẳng giống tí ti gì với “hiện thực.” Nhưng câu hỏi mà những nhà văn hiện thực huyền ảo đang hỏi chúng ta chính là: “Chính xác thì khi anh nhìn (look at) vào một bức tranh thì anh muốn “thấy” (see) cái gì?” Thông thường chúng ta muốn “thấy” những thứ mình đã “thấy” rồi. Những thứ mình chưa “thấy” bao giờ dễ làm chúng ta bối rối, và thậm chí kinh hãi, giống hệt như nhìn mặt một tên sát nhân vậy. Câu hỏi muôn đời của triết học: “Hiện thực là gì?” Giờ đây đã được tiếp thu và đặt lại, hình tượng hơn và hấp dẫn hơn, không quá khô khan, trừu tượng như thời còn ẩn náu trong tháp ngà của mấy vị giáo sư triết học nữa. Sử gia nghệ thuật Irene Guenther viết: “Việc đặt hai từ ‘hiện thực’ và ‘huyền ảo’ bên cạnh nhau đã phản ánh tính quái đản và tính huyền bí (nguyên tác Đức ngữ: Unheimlichkeit) trong chính bản chất của con người và trong chính môi trường công nghiệp hiện đại của họ”. Về phương diện nghệ thuật, chúng ta có thể tìm thấy chủ nghĩa hiện thực huyền ảo trong những tác phẩm hội họa của Giorgio de Chirico, nhà danh họa Ý nổi tiếng trong phong trào “nghệ thuật siêu hình” (arte metafisica) chuyên vẽ những vật thể thông thường từ những góc nhìn… bất thường. G.F. Hartlaub, giám đốc Viện Bảo tàng Nghệ thuật ở Mannheim vào những thập niên 1920, chính là người đầu tiên sử dụng thuật ngữ “chủ nghĩa hiện thực huyền ảo” (magischer Realismus) để mô tả tác phẩm của họa sĩ Max Beckmann do chính ông tổ chức triển lãm vào năm 1923. Nhưng sau đó Hartlaub đã đổi ý, sử dụng một thuật ngữ khác là “tính khách quan mới” (neue Sachlichkeit). Đối với những họa sĩ Đức và Ý theo trường phái này thì điều quan trọng nhất trong việc khắc họa “hiện thực” chính là thông qua những nét cọ hết sức hiện thực, người nghệ sĩ phải nắm bắt cho được tính huyền bí kỳ lạ của những sự vật cụ thể, tầm thường, hết sức quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày. Chính vì thế ảnh hưởng của phân tâm học Freud và Jung có thể nhận thấy rất rõ trong tác phẩm của những nhà văn hay nghệ sĩ được xếp vào phong trào hiện thực huyền ảo. Phân tâm học dạy cho chúng ta cách nhìn xuyên thấu qua cái “hiện thực của cuộc sống hàng ngày” để hội thông vào những chiều sâu vô thức bí ẩn của cõi nhân sinh, như nhân vật Gregor Samsa trong truyện ngắn Hóa thân nổi tiếng của Kafka (dieVerwandlung, tiếng Đức, xuất bản lần đầu 1915) đột nhiên thức giấc và thấy mình đã biến thành… một con sâu khổng lồ. Nghệ thuật và văn học cổ điển giúp chúng ta nhìn thấy diện mạo bên ngoài của sự vật, một thứ diện mạo công ước đã bị xã hội hóa đến tận xương tủy, nhưng nhà văn siêu thực và hiện thực huyền ảo chỉ cho chúng ta thấy những chiều sâu thăm thẳm của vô thức, sự kỳ lạ đến rợn người của kiếp nhân sinh, một sự kỳ lạ khủng khiếp đến mức không ai dám nhìn thẳng cái vực thẳm mênh mông đó. Bất kỳ lúc nào trong cuộc sống chúng ta cũng phải đối mặt với câu hỏi căn bản nhất của kiếp người: “Tại sao phải lập đi lập lại công việc hàng ngày, như một cái máy đã được lập trình sẵn, nhàm chán đến mức buồn nôn, để rồi cũng phải đối diện với thần chết lúc nào cũng rình rập xung quanh? Ý nghĩa của cuộc sống thực ra là gì? Con người có sự tự do chọn lựa không? Hay tất cả đều đã được an bài trong số phận?”. Nói như Nietzsche: “Nếu bạn nhìn quá lâu vào vực thẳm, vực thẳm sẽ nhìn lại bạn!” (When you gaze long into the abyss, the abyss also gazes into you). Tất cả những rối rắm trong văn học cổ điển, mối tình tay ba, tình yêu đơn phương, xã hội chiến tranh, vân vân… tất cả đều diễn ra trên một sự giả định hết sức lạc quan rằng mọi sự xung đột rồi sẽ kết thúc trong hòa bình, tình yêu không thỏa mãn trong kiếp này thì sẽ thỏa mãn trong kiếp sau, y hệt như cảnh đại đoàn viên trong hầu hết mọi cuốn tiểu thuyết Trung Quốc cổ điển (trừ Hồng Lâu Mộng). Nhưng các nghệ sĩ và nhà văn hiện thực huyền ảo muốn phá vỡ luôn cái giả định lạc quan ấy. Vấn đề không phải là việc Lương Sơn Bá không lấy được Chúc Anh Đài hay Giả Bảo Ngọc không kết hôn được với Lâm Đại Ngọc. Vấn đề ấy cũng không phải khó giải quyết: Cả hai, Lương Sinh và Chúc tiểu thư, cuối cùng cũng biến thành bướm bay lượn bên nhau không còn bị gia đình hay anh chàng Mã Anh Tài phá thối. Vấn đề nghiêm trọng hơn, sâu sắc hơn, quyết liệt hơn, chính là cái thứ mà chúng ta trân trọng gọi là “ái tình” ấy có thực sự cần thiết không? Có nên sống chết điên loạn vì nó không? Tình yêu có phải thực sự xuất phát từ “con tim” không? Hay đến từ… con khác? Chúng ta quá quen thuộc với những sáo ngữ về tình yêu, cũng như về mọi thứ trên đời, đến mức chưa bao giờ chúng ta hé nhìn thấy “những góc tối bí ẩn” trong những “hiện thực” rất thông thường ấy.

Những rối rắm, xung đột, mâu thuẫn, trong văn học truyền thống, Đông cũng như Tây, đều diễn ra trên một nền tảng “hiện thực” khá vững chắc. Hầu như các nhà văn, nhà thơ, hay nghệ sĩ, ngay cả trong thời Trung Cổ, ít có ai chất vấn cái nền tảng ấy. Nó được triết học, tôn giáo, và lương tri thông thường bảo vệ hết sức kỹ lưỡng. Tất cả những hàng rào phòng vệ ấy khoa học kỹ thuật ngày nay đã đập nát hết và quăng những mảnh vụn vào viện bảo tàng.Tôn giáo vẫn sống sót, sau nhiều trận thập tử nhất sinh từ thời Khai Sáng (thế kỷ 18), và đã quay trở lại sân khấu của lịch sử với một bộ dạng hung hăng hơn bao giờ hết. Nhà văn và nghệ sĩ phản ứng một cách tiêu cực hơn: Họ cố gắng chứng minh, đương nhiên theo một phong cách rất nghệ thuật, rất văn học, rằng cái mà chúng ta gọi là “tổ chức công việc và cuộc sống theo khoa học” thực ra chỉ là một trò băng bó vết thương nhảm nhí, vì những vết thương vẫn đang còn rỉ máu trong cuộc sống không nằm ở ngoài da, mà nằm sâu thẳm bên trong và cần được chữa lành hơn bao giờ hết. Cốt lõi của “ma thuật” (magic) chính là “đánh lạc hướng”, “biến không thành có”, “biến có thành không.” Các ảo thuật gia khiến chúng ta trở thành những con rối trong tay của họ. Chúng ta đã bị đánh lạc hướng, tưởng lầm những thứ mà chúng ta đang theo đuổi thực sự có giá trị, và ném bỏ những thứ thực sự quan trọng vào dòng đời quen thuộc. Tệ hại hơn nữa, chúng ta thậm chí còn không có một sự chọn lựa nào khác. Thông điệp của các nhà văn hiện thực huyền ảo khá rõ ràng: Cái mà các bạn quen tưởng là “hiện thực” thì thật ra đó là “ma thuật.” Cái mà các bạn chê bai là “huyền ảo/ phi hiện thực” cái đó mới chính là hiện thực nhìn từ một viễn cảnh khác thường. Và nếu đẩy sự lý giải này đi xa hơn, chúng ta lại phát hiện thấy rằng chính Trang Tử mới là ông tổ của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo chứ không phải mấy họa sĩ người Đức. Câu truyện “Trang Châu mộng hồ điệp hay hồ điệp mộng Trang Châu?” chính là một câu hỏi triết học đầy thi vị có thể dùng làm đề từ cho toàn bộ tác phẩm của Jose Luis Borges. Khi nhà thơ Hàn Mặc Tử viết:

Tôi ngồi dưới bến đợi nường Mơ,

Tiếng rú ban đêm rạn bóng mờ,

Tiếng rú hồn tôi xô vỡ sóng,

Rung tầng không khí bạt vi lô

(Cô liêu)

“Hiện thực” công ước đã tan vỡ, không còn gì để phân biệt với thế giới hoang liêu bên trong nội tâm của tác giả. Nhà thơ đã nhìn thấy hố thẳm ngàn đời của một kiếp nhân sinh trong sự cô đơn cùng cực.

Người viết tiểu thuyết hiện đại đang rơi vào một bi kịch: Nếu anh ta – xin cho phép tôi bước qua chủ nghĩa nữ quyền trong việc sử dụng ngôn từ ở đây – mô tả hiện thực quá tỉ mỉ và quá “chân thành,” anh đang làm thay công việc của nhà báo hay sử gia. Nhưng nếu khăng khăng muốn bỏ qua “hiện thực” trước mắt, anh có nguy cơ trở thành một nhà thơ tự do kém chất lượng. Theo phong cách cổ điển, anh cố gắng tập trung vào những điểm được cho là đặc trưng nhất của hiện tượng: Ví dụ nhân cách hay cá tính của nhân vật, như Julien Sorel của Đỏ và đen, bối cảnh lịch sử rộng lớn theo kiểu Chiến tranh và hòa bình. Samuel Richardson thì chọn đi vào nội tâm nhân vật thông qua những lá thư (Pamela), nghĩa là phản ánh “hiện thực” từ ngôi thứ nhất. Nhưng Don Quixote của Cervantes thì lẫn lộn “hiện thực” và thế giới nội tâm của anh ta. Nhìn từ quan điểm của Sancho Panza rõ ràng anh chàng hiệp sĩ già hết thời kia là một tên dở hơi, mất trí. Phải chăng ý của nhà văn muốn nói rằng tất cả chúng ta đều giống Sancho Panza? Khi Nguyễn Du hạ bút viết: “Tri giao quái ngã sầu đa mộng/ Thiên hạ hà nhân bất mộng trung” (Ngẫu Đề) ông đang đi trong dòng văn học phản hiện thực, theo đúng nghĩa biến cái “hiện thực” của thiên hạ thành “nghi phạm” trong phòng thẩm vấn, nghi ngờ mọi “giá trị” của nó, dù chưa thực sự triệt để. Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo trong văn học như vậy đã phảng phất từ lâu trong văn học thế giới như một luồng hải lưu ngầm chảy song song với dòng văn học chính thống, nhưng trở thành một đặc trưng rõ ràng và sống động thì chỉ có những nhà văn Châu Mỹ La Tinh, với đỉnh cao là Gabriel Marcia Marquez và Jose Luis Borges, là những cây bút tiêu biểu nhất. Công lao chính của họ là phá bỏ sự độc quyền của triết học trong việc truy vấn đời sống và đi tìm chân lý, đặt dấu chấm hết cho một cách nhìn hiện thực giản đơn và phiến diện.

TS DƯƠNG NGỌC DŨNG

_____________

Tiến sĩ Dương Ngọc Dũng sinh năm 1956 tại Sài Gòn. Học trung học Hồ Ngọc Cẩn (1967-1974). Ðại học Khoa học (1974-1975), Ðại học Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh (1976-1980), công tác tại Sở Công an Tp. Hồ Chí Minh (1980-1987). Giảng dạy Khoa Ngữ văn Anh (1987-1989), du học Úc (Ðại học Canberra 1990-1991), du học Mỹ (đại học Harvard và Boston, 1993-2002). Năm 1995, tốt nghiệp Thạc sĩ khoa Ðông Á học tại Ðại học Harvard (Mỹ); tốt nghiệp Tiến sĩ khoa Tôn giáo học tại Ðại học Boston (Mỹ) năm 2001, tốt nghiệp MBA của United Business Institute (Bỉ) năm 2007. Ông từng giữ những vị trí quản lý cao cấp, đào tạo và tư vấn cho những tổ chức lớn như Samsung, LG Vina, Tổng lãnh sự Mỹ, Úc, New Zealand, Bộ Kế hoạch & Ðầu Tư, Bộ Tài chánh, Ðài truyền hình Việt Nam, Tổng lãnh sự Singapore.

Hiện Tiến Sỹ Dương Ngọc Dũng đang giảng dạy tại khoa Ðông phương học, Triết học, Tâm lý học, Quan hệ quốc tế (từ 2002-2021) – Ðại học Khoa học xã hội & Nhân văn – Ðại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh và giảng dạy các môn Quản trị Marketing, Quản trị Nhân sự, Quản trị xuyên văn hóa của Ðại học Quản trị Paris (Paris Graduate School of Management). Ông còn giảng dạy tại các chương trình MBA của Ðại học Bolton (Anh) và Ðại học Northwestern (Thụy Sĩ) ở Việt Nam.