Chủ nghĩa lãng mạn là một trường phái, hay nói cụ thể hơn là thái độ và thiên hướng sáng tác đặc trưng của nhiều tác phẩm nghệ thuật như văn học, hội họa, âm nhạc, kiến trúc, phê bình, nghiên cứu lịch sử ở phương Tây trong khoảng thời gian từ thế kỷ 18 đến giữa thế kỷ 19. Chủ nghĩa lãng mạn có thể được coi là sự chối bỏ các giới luật, sự hài hòa, tiết chế, lý tưởng hóa và tính hợp lý mà chủ nghĩa cổ điển đặt ra. Ngoài ra, chủ nghĩa lãng mạn có thể được coi như một cách phản ứng chống lại phong trào Khai Sáng và chủ nghĩa duy lý, chủ nghĩa duy vật diễn ra trong thế kỷ 18. Các tác phẩm lãng mạn thường phản ánh mạnh mẽ đặc tính cá nhân, trí tưởng tượng, cảm hứng, sự siêu việt, sự phiêu lưu thậm chí vượt ra khỏi tính hợp lý.

Thái độ đặc thù của chủ nghĩa Lãng mạn bao gồm: đi sâu vào vẻ đẹp thiên nhiên, đánh giá cao cảm xúc và cảm giác hơn lý trí, những biến đổi tâm lý và sự khám phá nhân cách con người, những đam mê của thiên tài và anh hùng, những đấu tranh nội tâm. Chủ nghĩa lãng mạn đề cao sự sáng tạo của nghệ sĩ và khuyến khích việc bất tuân các quy tắc, vươn tới con người cao cả hơn về mặt tinh thần. Các tác phẩm lãng mạn cho phép sự xuất hiện của các ám ảnh thuộc văn hóa dân gia, sự đa dạng của các văn hóa ở các chủng tộc khác biệt, những hình mẫu người kỳ lạ, những điều huyền bí, kỳ dị, quái dị. Bởi thế, Chủ nghĩa Lãng mạn hay bị quy là mang tính Satanic.

Trong văn chương, các yếu tố lãng mạn đã có từ thế kỷ 18, mà chúng ta được biết với thuật ngữ “Tiền lãng mạn” (Pre-Romanticism). Tương tự như vậy, một phong trào có tên là Phong trào Lãng mạn đã xuất hiện từ thời Trung cổ. Các tác phẩm Tiền Lãng mạn thường có xu hướng kể một câu chuyện tình hoặc một bản ballad về một cuộc phiêu lưu nhấn mạnh vào chủ nghĩa anh hùng cá nhân. Những yếu tố này có thể tìm thấy trong các tác phẩm thuộc thời kỳ Tân Cổ điển tại Pháp.

Chủ nghĩa lãng mạn trong văn chương chỉ thực sự bắt đầu tại Anh vào những năm 1790s với Những bản Ballad trữ tình của William Wordsworth và Samuel Taylo Coleridge. Trong “Lời tựa” của tập “Bllad Lyrical” xuất bản lần thứ hai (1800), Wordsworth đã mô tả thơ như là “sự tràn lan tự phát của cảm xúc mạnh mẽ.” Điều này đã trở thành tuyên ngôn của phong trào lãng mạn tiếng Anh trong thơ. Tiếp sau đó là William Blake với những tác phẩm thơ nhuốm màu sắc siêu nhiên, huyền bí. Tương tự như ở Anh với trường hợp William Blake, phong trào lãng mạn Đức đi vào vấn đề siêu nhiên, huyền bí, tiềm thức với rất nhiều các tài năng như Friedrich Hölderlin, thời kỳ đầu của Johann Wolfgang von Goethe, và Friedrich Schelling… Các tác giả lãng mạn Pháp nhuốm màu lý tưởng hóa dựa trên các tác phẩm mang tính lịch sử với các triết lý mà họ chịu ảnh hưởng, như Vicomte de Chateaubriand và Mé de Staël. Đây chính là giai đoạn đầu tiên của Chủ nghĩa lãng mạn.

Giai đoạn thứ hai của Chủ nghĩa lãng mạn kéo dài từ 1805 đến 1830 với sự lên ngôi của chủ nghĩa dân tộc và nguồn gốc quốc gia. Lúc này, các tác giả bắt đầu thu thập và bắt chước văn hóa dân gian, các bản ballad, thơ ca, âm nhạc dân gian đã bị bỏ qua trong thời Trung Cổ và Phục Hưng. Thậm chí, việc tái hiện lịch sử không quan trọng bằng việc tạo ra các hư cấu lịch sử. Tác giả Anh điển hình cho xu hướng này là Sir Walter Scott mà nổi tiếng nhất là tác phẩm “Ivanhoe”. Sir Walter Scott thường được coi là người đã phát minh ra tiểu thuyết dã sử. Cũng trong khoảng thời gian này, các nhà thơ Anh lãng mạn cũng đạt đến đỉnh cao với John Keats, Lord Byron và Percy Bysshe Shelley. Trong giai đoạn này, xu hướng đối phó với sự siêu nhiên, những thứ khủng khiếp và rùng rợn cũng lên ngôi mà nổi bật là “Frankenstein” của Mary Shelley và tác phẩm “Marquis de Sade” của C.R Maturin. Trong khoảng thời gian này, ở Mỹ xuất hiện cây bút Edgar Allan Poe, nhà thơ và nhà văn Mỹ, chuyên viết các truyện ngắn kinh dị và các bài thơ nhuốm màu kỳ ảo.

Đến những năm 1820s, Chủ nghĩa lãng mạn đã mở rộng và ảnh hưởng đến phong cách văn chương của hầu hết Châu Âu. Càng về sau, phong trào càng ít sự đa dạng trong hình thức thể hiện mà đi sâu hơn vào việc khám phá các di sản văn hóa và lịch sử các quốc gia, sự đam mê, sự đấu tranh với các cây bút như Thomas De Quincey, William Hazlitt, và các chị em Brontë ở Anh; Victor Hugo, Alfred de Vigny, Alphonse de Lamartine, Alfred de Musset, Stendhal, Prosper Mérimée, Alexandre Dumas (Dumas Père) và Théophile Gautier ở Pháp; Alessandro Manzoni và Giacomo Leopardi ở Ý; Aleksandr Pushkin và Mikhail Lermontov ở Nga; José de Espronceda và Ángel de Saavedra ở Tây Ban Nha; Adam Mickiewicz ở Ba Lan; và gần như tất cả các nhà văn quan trọng trong Chiến tranh Nội chiến Hoa Kỳ.

Khái niệm “Romanticism” có gốc từ khái niệm “Romance”. Vào thế kỷ 13, “Romance” có nghĩa là “Một câu chuyện được viết hoặc đọc về những cuộc phiêu lưu của một hiệp sĩ, anh hùng”. Chỉ đến năm 1660, khái niệm này mới bị chuyển thành “một câu chuyện tình yêu”, nhưng đến năm 1801 thì tính chất mạo hiểm lại quay trở lại, rồi sau đó lại biến nghĩa thành “tình yêu” vào năm 1916. Như vậy, nếu chúng ta hiểu “Romance” chỉ gắn liền với câu chuyện tình yêu như cách hiểu thông dụng hiện nay, ta sẽ hiểu sai về Romanticism (Chủ nghĩa lãng mạn).

Minh Phi chuyển dịch (đã diễn đạt lại để phù hợp hơn với văn phong Việt)

Nguồn: Britannica và Etymonline