Thị tại môn tiền náo
Nguyệt lai môn hạ nhàn(1)

So lao tâm lao lực cũng một đàn
Người trần thế muốn nhàn sao được?
Nên phải giữ lấy nhàn làm trước
Dẫu trời cho có tiếc, cũng xin nài
Cuộc nhân sinh chừng bảy tám chín mười mươi
Mười lăm trẻ, năm mươi già, không kể
Thoắt sinh ra thì đà khóc choé
Trần có vui sao chẳng cười khì?
Khi hỷ lạc, khi ái dục, lúc sầu bi(2)
Chứa chi lắm một bầu nhân dục(3)
Tri túc, tiện túc, đãi túc, hà thời túc
Tri nhàn, tiện nhàn, đãi nhàn, hà thời nhàn(4)

Cầm kỳ thi tửu với giang san
Dễ mấy kẻ xuất trần xuất thế(5)
Ngã kim nhật tại toạ chi địa
Cổ chi nhân tằng tiên ngã toạ chi(6)

Ngàn muôn năm âu cũng thế ni
Ai hay hát mà ai hay nghe hát?
Sông Xích Bích buông thuyền năm Nhâm Tuất
Để ông Tô(7) riêng một thú thanh tao
Chữ nhàn là chữ làm sao?

Nguồn: Nguyễn Công Trứ cuộc đời và thơ do Đoàn Tử Huyến chủ biên, NXB Lao động, 2011


* Chú thích:

(1) Chợ ở trước cửa thì huyên náo. Trăng về dưới cửa thì an nhàn.

Ở đây chơi chữ bằng phép chiết tự chữ Hán: chữ náo ngoài là chữ môn, trong là chữ thị; chữ nhàn ngoài là chữ môn, trong là chữ nguyệt.

(2) Hỉ lạc: vui mừng, ái dục: yêu đắm (dục vọng), sầu bi: buồn rầu.

(3) Bầu nhân dục: Túi chứa lòng dục của con người.

(4) Hai câu này trích trong Túy ngữ lục, nghĩa là: Biết đủ là đủ, đợi đủ thì bao giờ mới đủ. Biết nhàn là nhàn, đợi nhàn thì bao giờ mới nhàn.

(5) Xuất trần xuất thế: thoát ra ngoài cõi đời.

(6) Hai câu này ở bài Tựa trong cuốn Tây sương kí của Vương Thực Phủ đời nhà Nguyên, nghĩa là: Tại chỗ đất ngày hôm nay ta ngồi, Từng có người đã ngồi trước ta rồi.

(7) Ông Tô: Tức Tô Đông Pha, một trong tám đại văn hào lớn nhất Trung Quốc suốt bảy thế kỉ từ thế kỉ VII đến XIII, thích ngao du, hát xướng.