Nguyễn Tuân tái bút viết “Chùa Đàn” sau năm 1945 với hai mưỡu đầu cuối để hợp thành một bản ca trù trọn vẹn: mưỡu đầu – hát nói – mưỡu cuối. Mưỡu đầu và cuối xem như hai mưỡu thêm vào để thuận tiện cho việc xuất bản vì phần chính là hát nói “Tâm sự của nước độc” đã được viết trước đây, theo dòng chuyện “yêu ngôn”. Đánh giá về hai mưỡu thêm vào, Khái Hưng có nhận xét đại khái, đó là “hai viên đường trong chén trà trảm mã”.

Phần chính “Tâm sự của nước độc” có thể tóm gọn: Chuyện kể về một cậu Lãnh Út – chủ nhân của cả một vùng ấp Mê Thảo, vì quá thương nhớ người vợ đã mất vì lật tàu mà đâm ra say rượu say thơ say hát cả ngày đêm và mong mỏi được nghe tiếng hát của cô Tơ – người goá phụ có tiếng hát hay đến độ như “rót cả rừng chim và suối thuỷ tinh”, để quên đi cái nỗi sầu muộn tưởng chừng thiên cổ ấy. Người hầu cận của Lãnh Út là Bá Nhỡ lại là người có tài đàn, đã lặn lội khắp thiên sơn vạn thuỷ để tìm được cô Tơ. Năm xưa, chính cô Tơ cùng chồng là Chánh Thú đã du ngoạn năm bắc, nhạc đàn đuề huề đi khắp các tỉnh để đem cái tiếng hát ra mà phụng sự nghệ, phụng sự tổ.

Nhưng khi Bá Nhỡ tìm gặp thì chồng cô đã mất và cô quyết thề rằng sẽ không đem tiếng hát ấy xướng với ai ngoài người dám cầm cây đàn đáy của chồng cô mà phổ. Nhưng đâu ai biết rằng “cây đàn làm bằng ván gỗ quan tài của người con gái đồng trinh, đêm đêm lại đổ mồ hôi và vật vã phát ra những tiếng thở dài”, nó mang một cái ma lực gớm ghê đến độ một kẻ phương Bắc nào đó đã liệt nửa người khi dám tận mình cho cây đàn ma! Khi Bá Nhỡ tìm đến thì chính hồn của Chánh Thú khi xưa báo mộng cho cô Tơ rằng, phải để cho Bá Nhỡ đánh, đánh từng tơ từng tiếng, đánh cho ngất, cho liệm cây đàn ấy đến chết để thực hiện một cuộc hoán hồn đặng Chánh Thú có thể đầu thai một kiếp người. Bá Nhỡ chỉ mới nghe chuyện người phương Bắc “tử vì nghệ” kia chứ chưa hề hay biết về giấc báo mộng của hồn Chánh Thú.

Bá Nhỡ cùng cô Tơ và cậu Lãnh đã cùng nhau xướng lên một trận hoán hồn, một cơn hầu đồng, một cuộc giao hoan khoái trá: kẻ đàn, kẻ trống còn kẻ lại hát cùng phách. Khi Bá Nhỡ gảy những ngón đàn đầu tiên, y đã gửi thấy cái mùi tanh tanh và hai tay như có chất gì sánh lại. Một lát sau, “mấy đầu ngón tay Bá Nhỡ sưng vù và bật máu. Bá Nhỡ đang chịu một nhục hình bá đao tùng xẻo”. Và cuối cùng, cả thân hình Bá Nhỡ trào máu, như một khối hồng hoa tươi và héo chết lại đúng như cái định nghĩa “tử vì nghệ”. Cậu Lãnh thì rơi vào mê hồn trận giữa tiếng ca của cô Tơ còn cô thì bật khóc trước cơ thể rớm máu của Bá Nhỡ cùng cây đàn rớm tiếng của chồng mình. Thế là, cái nghi lễ hoán thân, hầu đồng văn chương đã tươm tất: kẻ đàn mất hồn nát xác, còn cây đàn – đại diện cho người khuất, vỡ vụn báo hiệu cho một sự hồi sinh.

Cái xác héo von kia của Bá Nhỡ là cái chứng tích còn rơi vãi lại của trận lên đồng kia, cũng là cái minh chứng cho một con người “sinh ư nghệ tử ư nghệ” – sống do nghề mà chết đi cũng do nghề – cái nghề đàn.

Nguyễn Lê Vinh Sơn