Trình Trung Ngộ là một chàng trai đẹp ở đất Bắc Hà, nhà rất giàu, thuê thuyền xuống vùng nam buôn bán. Chàng thường đỗ thuyền ở dưới cầu Liễu Khê rồi đi lại vào chợ Nam Xang [1]. Dọc đường, hay gặp một người con gái xinh đẹp, từ Đông thôn đi ra, đằng sau có một ả thị nữ theo hầu. Chàng liếc mắt trông, thấy là một giai nhân tuyệt sắc. Song đất lạ quê người, biết đâu dò hỏi, chỉ mang một mối tình u uất trong lòng. Một hôm khác, chàng cũng gặp lại, muốn kiếm một lời nói kín đáo để thử khêu gợi, nhưng người con gái đã xốc xiêm rảo bước, và bảo với con hầu gái:
– Ta lâu nay rượu xuân quá chén, mê mệt nằm dài, hầu nửa năm trời, không lên chơi cầu Liễu Khê lần nào cả, chẳng biết giờ phong cảnh ra sao. Đêm nay nên thăm qua cảnh cũ, để được khuây giải chút tình u uất ở trong lòng, vậy em có đi theo ta không?
Con hầu vâng lời.
Trung Ngộ nghe lỏm lấy làm mừng lắm. Tối hôm ấy, chàng đến bên cầu chờ sẵn. Đêm khuya người vắng, quả thấy người con gái cùng ả thị nữ mang theo đến một cây hồ cầm, đi tới đầu cầu, thở dài mà nói rằng:
– Nước non vẫn nước non nhà, cảnh còn như cũ người đà khác xưa, làm sao khỏi cảm động bùi ngùi cho được!
Bèn ngồi tựa vào bức lan can trên cầu, ôm đàn gẩy mấy bài Nam cung, mấy điệu Thu tứ. Một lúc nàng bỏ đàn đứng dậy nói rằng:
– Giải niềm u uất, muốn mượn tiếng đàn; song điệu cao ý xa, đời làm gì có kẻ tri âm hiểu được cho mình, chẳng bằng về cho sớm còn hơn.
Trung Ngộ liền bước rảo tới trước mặt nàng, vái chào mà rằng:
– Chính tôi là người tri âm mà nương tử đã không biết đấy.
Người con gái giật mình nói:
– Vậy ra chàng cũng ở đây ư? Thiếp đã từng nhiều lần được chàng đoái tới, ơn ấy thật vẫn ghi lòng. Chỉ vì ở đường sá vội vàng, không tiện tỏ bày chung khúc. Giờ nhân đêm vắng, dạo bước nhàn du, không ngờ chàng lại đã đến trước ở đây. Nếu không phải duyên trời, sao lại có sự gặp gỡ may mắn như vậy. Song hạt châu hạt ngọc ở bên, thiếp chẳng khỏi tự xét thấy mình nhơ bẩn, thực thấy làm e thẹn vô cùng.
Chàng hỏi họ tên và nhà cửa. Nàng chau mày nói:
– Thiếp họ Nhị tên Khanh, là cháu gái của ông cụ Hối, một nhà danh giá trong làng. Hai thân mất sớm, cảnh nhà đơn hàn. Mới đây bị người chồng ruồng bỏ, thiếp phải dời ra ở bên ngoài lũy làng. Nghĩ đời người ta, thật chẳng khác gì giấc chiêm bao. Chi bằng trời để sống ngày nào, nên tìm lấy những thú vui. Kẻo một sớm chết đi, sẽ thành người của suối vàng, dù có muốn tìm cuộc hoan lạc ái ân, cũng không thể được nữa.
Hai người bèn đưa nhau xuống dưới thuyền, người con gái sẽ bảo chàng rằng:
– Thân tàn một mảnh, cách với chết cũng chẳng bao xa. Ngày tháng quạnh hiu, không người săn sóc. Nay dám mong quân tử quạt hơi dương vào hang tối, thả khí nóng tới mầm khô, khiến cho tía rụng hồng rơi, được trộm bén xuân quang đôi chút, đời sống của thiếp như thế sẽ không phải phàn nàn gì nữa.
Bèn cùng nhau ân ái hết sức thỏa mãn. Nàng có làm hai bài thơ để ghi cuộc hoan lạc như sau:
I
Cùng diêm cửu khốn ngọ miên trì,
Tu đối tân lang ngữ biệt ly.
Ngọc duẩn chỉnh tà châu xuyến tử,
Hương la thoát hoán tú hài nhi.
Mộng tàn bán chẩm mê hồ điệp,
Xuân tận tam canh oán tử quy.
Thử khứ vị thù đồng huyệt ước,
Hảo tương nhất tử vị tâm tri.
Dịch:
Giấc xuân mê mệt chốn hoang liêu,
Bỗng sượng sùng thay cuộc ấp yêu.
Măng ngọc [2] vuốt ve nghiêng xuyến trạm,
Dải là cởi tháo trút hài thêu
Mộng tân gối bướm bâng khuâng lạc,
Xuân hết cành quyên khắc khoải kêu.
Đồng huyệt chưa tròn nguyền ước ấy,
Vì nhau một thác sẵn xin liều.
II
Giai kỳ nhẫn phụ thử lương tiêu
Túy bão ngân tranh bát phục khiêu…
Ngọc yến nhiệm dung trâm trụy kế,
Kim thuyền kỳ phạ thúc tiêm yêu.
Yên thư đường ngạc hồng do thấp,
Hãn thối mai trang bạch vị tiêu.
Tảo vãn kết thành loan phượng hữu,
Phong thần nguyệt tịch nhiệm chiêu yêu.
Dịch:
Đêm đẹp này đâu nỡ bỏ hoài,
Ôm tranh nhẹ bấm một đôi bài.
Đầu cài én ngọc [3] hình nghiêng chếch,
Lưng thắt ve vàng [4] dáng ỏe oai.
Đường [5] lúc nở rồi hồng đượm ướt,
Mai khi rã hết trắng chưa phai.
Phượng loan sớm kết nên đôi lứa,
Gió sớm giăng khuya thỏa cợt cười.
Trình vốn là lái buôn, biết ít chữ nghĩa nên nàng giải nghĩa rõ ràng cho hiểu. Trung Ngộ rất khen ngợi mà rằng:
– Văn tài của nàng, không kém gì Dị An [6] ngày xưa.
Nàng cười mà rằng:
– Người ta sinh ở đời, cốt được thỏa chí, chứ văn chương thời có làm gì, chẳng qua rồi cũng nắm đất vàng là hết chuyện. Đời trước những người hay chữ như Ban Cơ, Sái Nữ [7] nay còn gì nữa đâu. Sao bằng ngay trước mắt, tìm thú vui say, để khỏi phụ mất một thời xuân tươi tốt.
Trời gần sáng, nàng từ biệt ra về. Từ đấy đêm nào họ cũng đến với nhau. Trải hơn một tháng, bọn bạn buôn có người biết chuyện bảo với Trung Ngộ rằng:
– Bác ở chỗ đất khách quê người, nên biết giữ mình thận trọng, xa lánh những sự hiềm nghi. Chớ nên giở nết gió trăng quyến phường hoa liễu. Như người con gái ấy chẳng tường duyên do gốc gác, nếu không là cô ả nũng nịu ở chốn buồng thêu, thì tất cũng dì bé yêu chiều ở nơi gác gấm. Nay bác cứ như vậy, lỡ một sớm cơ sự khó giấu, thanh tích lộ ra, trên thì bị hình pháp lôi thôi, dưới không có họ hàng cứu giúp, bấy giờ thì bác tính thế nào. Chi bằng đã trót gian díu thì nên tìm đến gốc tích nhà cửa, rồi hoặc ruồng bỏ như Xương Lê với nàng Liễu Chi [8] hoặc đèo bòng, như Lý Tĩnh với nàng Hồng Phất [9], thế mới là kế vạn toàn được.
Trung Ngộ khen phải, rồi một hôm chàng bảo với nàng:
– Tôi vốn là một người viễn khách, tình cờ kết mối lương duyên, nhưng đối với giai nhân, cửa nhà chưa rõ, tung tích không tường, trong bụng rất lấy làm áy náy.
Nàng nói:
– Nhà thiếp vốn không phải xa xôi là mấy. Nhưng nghĩ chúng mình gặp gỡ, chẳng qua là một cuộc riêng tây. Chỉ thuyền quyên ghen ghét, tai mắt nghi ngờ, đánh vịt mà kinh uyên, đốt lan mà héo huệ. Cho nên thà mang sao mà đến, đội nguyệt mà về, khỏi để mối lo cho lang quân đó thôi.
Song Trung Ngộ cố nài; nàng cười mà rằng:
– Chỉ vì nhà thiếp xấu xa, nên hổ thẹn mà muốn giấu giếm. Nhưng nay chàng đã cố muốn biết, vâng thì thiếp xin đưa về.
Rồi đó canh ba, đêm hôm ấy, nhân lúc đêm đen trời tối, hai người cùng đi đến Đông thôn. Khi đến một chỗ, chung quanh có bức hàng rào bằng gióng tre, thỉnh thoảng chen lẫn vào vài khóm lau khô, trong có túp nhà gianh nhỏ lụp sụp, dây bìm leo đầy lên vách và lên mái, nàng trỏ bảo chàng rằng:
– Đây, nhà của thiếp đây, cứ đẩy cửa vào ngồi chơi để thiếp đi kiếm cái lửa.
Trình cúi đầu qua dưới mái gianh, vào tạm ngồi ở chỗ bờ cửa. Thỉnh thoảng có cơn gió thổi, chàng thoáng thấy một mùi tanh thối khó chịu. Đương kinh ngạc không biết mùi gì, bỗng trong nhà có bóng đèn sáng. Chàng trông vào, thấy ở gian bên phía tả kê một chiếc giường mây nhỏ, trên giường để một cỗ áo quan sơn son, trên quan phủ một tấm the hồng, dùng ngân sa đề vào mấy chữ “Linh cữu của Nhị Khanh”. Cạnh cữu có người con gái nặn bằng đất tay ôm cây hồ cầm đứng hầu.
Trung Ngộ thấy vậy, sởn gai, dựng tóc, tất tả nhảy choàng ra khỏi cái nhà ấy. Song chàng vừa chạy thì người con gái đã cản đường mà bảo:
– Chàng đã từ xa lại đây, quyết không có lý nào còn trở về nữa. Phương chi trong bài thơ bữa nọ, thiếp chả đã từng lấy cái chết mà hẹn hò nhau. Xin sớm theo nhau đi, cho được thỏa nguyền đồng huyệt. Nằm vò võ một mình như vậy, lẽ đâu nay thiếp lại để cho chàng về.
Nói rồi nàng sấn lại nắm vạt áo chàng. Nhưng may vạt áo cũ bở, chàng giật rách mà chạy được thoát; về đến cầu Liễu Khê, hầu như kẻ mất hồn không nói được nữa.
Sáng hôm sau nhân đến Đông thôn hỏi thăm, quả có người cháu gái của ông cụ Hối, mới 20 tuổi, chết đã nửa năm, hiện quàn ở ngoài đồng ngay bên cạnh làng. Từ đấy Trung Ngộ sinh ra ốm nặng. Còn Nhị Khanh cũng thường qua lại, có lúc đứng trên bãi sông gọi eo éo, có lúc đến bên cửa sổ nói thì thào. Trung Ngộ cũng vẫn thường ứng đáp với nàng và muốn vùng dậy để đi theo. Người trong thuyền phải lấy dây thừng trói lại thì chàng mắng:
– Chỗ vợ ta ở có lâu đài lộng lẫy, có hương hoa ngạt ngào, ta phải đi theo chứ không thể luẩn quẩn trong chốn bụi hồng này được; can dự gì đến các người mà dám đem dây trói buộc ta thế này.
Một đêm, người trong thuyền ngủ say, đến sáng thức dậy thì thấy mất Trung Ngộ. Họ vội đến Đông thôn tìm, thấy chàng đã nằm ôm quan tài mà chết, bèn phải thu liệm chôn ngay ở đấy. Từ đó về sau, phàm những đêm tối trời, người ta thường thấy hai người dắt tay nhau đi dạo, khi thì hát, khi thì khóc. Hai người thường bắt người ta phải khấn cầu lễ bái, hễ hơi không được như ý thì làm tai làm vạ. Người làng đấy không thể chịu được mọi nỗi khổ hại, họ bèn đào mả phá quan tài của chàng, rồi cùng cả hài cốt của nàng, vứt bỏ xuống sông cho trôi theo dòng nước.
Trên bờ sông ấy có một cái chùa, chùa có cây gạo rất cổ tương truyền là đã sống được hơn trăm năm. Linh hồn của hai người bèn nương tựa vào cây gạo ấy làm yêu làm quái, hễ ai động đến cành lá cây gạo thì dao gẫy rìu mẻ, không thể nào đẵn phạt được.
Trong năm Canh Ngọ (1330) niên hiệu Khai Hựu nhà Trần, có vị đạo nhân một đêm vào nằm ngủ trong cái chùa ấy. Giữa lúc sông quạnh trăng mờ, bốn bề im lặng, đạo nhân thấy một đôi trai gái, thân thể lõa lồ mà cùng nhau cười đùa nô giỡn, một lát, đến gõ thình lình gọi hỏi trong chùa. Đạo nhân cho là đôi trai gái lẳng lơ đêm trăng dắt nhau đi chơi, khinh bỉ cái phẩm cách của họ, nên cứ đóng cửa nằm im, không thèm đánh tiếng. Sáng hôm sau, đạo nhân đem sự việc trông thấy thuật chuyện với một ông già trong thôn mà phàn nàn sao dân phong tồi tệ như vậy. Ông già nói.
– Ngài không biết, đó là giống yêu quỷ, chúng đến ở nay trên cây gạo đã mấy năm nay; ước sao có thanh kiếm trừ tà, để trừ cho dân chúng tôi giống yêu quỷ ấy.
Đạo nhân trầm ngâm một lúc lâu rồi nói.
– Ta vốn lấy việc cứu giúp mọi người làm nhiệm vụ, cái việc mắt ta trông thấy, nếu chẳng đem pháp thủ ra tức là thấy người chết đuối mà không cứu vớt.
Rồi đạo nhân vời họp người làng, lập một đàn tràng cúng tế, viết ba đạo bùa, một đạo đóng vào cây gạo, một đạo thả chìm xuống sông, còn một đạo đốt ở giữa trời, đoạn quát to lên rằng:
– Những tên dâm quỷ, càn rỡ đã lâu, nhờ các thần linh, trừ loài nhơ bẩn, phép không chậm trễ, hỏa tốc phụng hành.
Một lúc, mây gió nổi lên đùng đùng, người đứng cách mấy thước không trông thấy nhau, dưới sông thì sóng tung cuồn cuộn vang trời động đất. Sau một hồi, gió lặng mây quang, thấy cây gạo đã bị nhổ bật, cành cây gẫy nát và bị tước như tước dây vậy. Kế nghe thấy trong không có tiếng roi vọt và tiếng kêu khóc. Mọi người ngẩng lên trông có sáu bảy trăm lính đầu trâu gông trói hai người mà dẫn đi.
Người làng đem rất nhiều tiền của để tạ ơn vị đạo nhân, nhưng đạo nhân phất áo đi vào non sâu, không lấy một tí gì cả.
Lời bình:
Than ôi cái giống ma quỷ, tuy từ xưa không phải cái nạn đáng lo cho người thiên hạ, nhưng kẻ thất phu đa dục thì thường khi mắc phải. Trung Ngộ là một gã lái buôn không có tri thức, không đủ trách vậy. Vị đạo nhân kia vì người trừ hại, công đức lớn lao; nhà bình luận công bằng sau này, phải nên biết đến. Không nên lấy cớ huyễn thuật mà cho là chuyện nhảm, bảo rằng dị đoan mà dìm mất cái hay, ngõ hầu mới hợp cái ý nghĩa người quân tử trung hậu đối với người khác.
***
Xem thêm: Chương IV – Chuyện gã trà đồng giáng sinh
Chú thích
[1] Chợ Nam Xang: chợ ở huyện Nam Xang tức huyện Lý Nhân, nay thuộc tỉnh Hà Nam.
[2] Măng ngọc: ngón tay.
[3] é ngọc: chiếc thoa cài đầu chạm hình con chim én.
[4] Lưng thắt ve vàng: lưng mỹ nhân thon, chẽn lại như lưng con ve.
[5] Đường: hoa hải đường, thường ví với vẻ đẹp của thiếu nữ.
[6] Dị An: Lý Thanh Chiếu, vợ của Triệu Minh Thành, Lý Cách Phi, người đất Tế Nam, có tài văn thơ, đặc biệt là thể từ, được coi là một đại thi gia đời Tống. Dị An cư sĩ là tên hiệu, bà có tập Thấu ngọc từ còn truyền ở đời.
[7] Ban Cơ: tên là Chiêu, em gái Ban Siêu đời Hán, có tài học, triều vua Hòa đế được triệu vào cung để dạy học; các hoàng hậu, quý nhân đều phải thờ làm thầy. Có làm ra 7 thiên Nữ giới và làm tiếp sách Hán thư.
Sái nữ : là nàng Sái Diệm, con gái Sái Ung đời Hán, có văn tài và hiểu âm luật, làm ra 18 khúc hát Hồ già.
[8] Hàn Dũ là một văn hào làm quan đời Đường được phong là Xương Lê bá. Hàn có hai người nàng hầu là Giáng Đào và Liễu Chi. Khi Hàn đi vắng, Liễu Chi bỏ trốn, người nhà đuổi theo bắt về được. Sau Hàn về, chỉ yêu dấu Giáng Đào và ruồng bỏ Liễu Chi.
[9] Hồng Phất: phất trần đỏ, tên thật là ứng Trần hầu thiếp của Dương Tố đời Đường. Nàng có nhan sắc và hay chữ; khi đứng hầu thường cầm phất trần đỏ nên thành tên. Một lần Lý Tĩnh vào thăm Dương Tố, Hồng Phất đưa mắt nhìn quyến luyến. Đêm đó nàng mặc áo tía, đội mũ trốn đến nhà Lý Tĩnh gõ cửa. Tĩnh mời vào nàng cởi bỏ áo mũ nói: “Thiếp là người cầm phất trần đỏ ở nhà họ Dương đây mà, xin đem thân cát đằng nương bóng tùng quân”. Rồi hai người đưa nhau lên Thái Nguyên kết làm vợ chồng.