Tao Đàn Được chuyển thể thành series truyền hình năm 2017 mà mùa đầu tiên giành đến tám giải Primetime Emmy, đồng thời cũng thắng giải Quả cầu vàng cho phim truyền hình chính kịch hay nhất, “Chuyện người tùy nữ” là tác phẩm phản địa đàng nổi tiếng và tiêu biểu của nữ nhà văn Margaret Atwood. Câu chuyện theo dòng tự sự của nhân vật “tôi” – tùy nữ Offred – kể về cuộc sống của những người phụ nữ trong xã hội chuyên chế không có tự do.

Sự ngột ngạt của thế giới qua nghệ thuật dẫn truyện và miêu tả

Bao trùm tác phẩm ngay từ đầu là một bầu không khí ngột ngạt và u uất. Người đọc theo chân Offred – một người tùy nữ luôn phải cúi đầu, rất ít khi lên tiếng và muốn nói chuyện thì phải thì thầm rất nhỏ, bị mất đi tên gọi của riêng mình, không được nhắc đến những điều bị cấm như “tự do”, “cô đơn” hay nghe những bài hát về chủ đề đó, phải thể hiện mình như là một “vật nhân tạo” chứ không phải “vật trời sinh”, cam chịu trải qua từ những bài học nhồi nhét đầy vô lý đến nằm im lìm làm bổn phận “được thụ tinh” để sinh con cho các Quân trưởng. Trong đó, tiêu biểu nhất là những bài học nhồi, chẳng hạn như các tùy nữ phải tin rằng một người con gái bị cưỡng dâm là vì lỗi của cô ấy, cô ấy đã khuyến khích điều đó và Chúa để xảy ra điều đó nhằm dạy cho cô ấy một bài học; họ bị ép phải xem những bộ phim khiêu dâm mà trong đó phụ nữ bị trừng phạt vô cùng dã man để khỏi nảy sinh ý định bỏ trốn hay vi phạm quy định. 

Nét nổi bật trong miêu tả là màu đỏ của những bộ đồng phục tùy nữ. Tại sao lại là màu đỏ và tại sao phải mặc đồng phục? Màu đỏ là một màu nổi bật, màu của máu, vừa ám chỉ bổn phận sinh đẻ – bổn phận duy nhất – của những tùy nữ (mà nếu không thì họ sẽ bị coi là Phế nữ và bị vứt bỏ), vừa như một biện pháp tâm lý: màu đó quá nổi bật nên giữa thế giới này họ sẽ không thể chạy trốn được, sẽ luôn bị kiểm soát bởi các Con Mắt. Còn việc cho họ mặc đồng phục là để tạo ra một xã hội đồng nhất, ai cũng giống ai, làm công việc của mình như những cỗ máy trong hệ thống, không thắc mắc, không hoài nghi, không chia sẻ tâm tư tình cảm, chỉ có hành động theo lệnh từ trên (của các dì – tay sai của chế độ trực tiếp huấn luyện, Quân trưởng – các sĩ quan và quan chức cao cấp, và phu nhân). Những bộ đồng phục ấy còn có thêm “cánh tiên” màu trắng ở trên đầu, để những người phụ nữ đó tránh nhìn được ra xung quanh, kìm nén hiểu biết và không thể nhận ra người trong “hội” của mình hay bạn bè mình. Họ luôn ở thế cô độc, sợ hãi và bị kìm nén tư duy.

Dòng tự sự trong truyện không hẳn là một dòng chảy theo thứ tự thời gian. Nét độc đáo của nghệ thuật dẫn truyện nằm ở chỗ, vì con người bị kìm hãm và chịu đựng quá nhiều điều tồi tệ, nên câu chuyện của họ cũng không xuôi chiều, mà đan xen giữa hiện tại và quá khứ, giữa tỉnh và mơ, giữa mong muốn và thực tế. Tác giả mô tả về thế giới tăm tối tình trạng của nhân vật trước, sau đó mới hé lộ sự bắt đầu của quyền lực thể chế mới (Tổng thống bị bắn, Hiến pháp bị đình chỉ, báo chí bị kiểm duyệt, các nhân viên nữ bị đuổi việc) và cuộc vượt biên không thành của gia đình Offred. Sau cuộc chạy trốn ấy gia đình cô ly tán, cô mất liên lạc với chồng và con và bị ném vào “địa ngục trần gian” này. 

Văn phong của Atwood đào sâu sự bí bách và tối tăm của xã hội ấy. Những đoạn văn trần thuật nối tiếp nhau và thoại không những ít mà đa phần còn được trình bày dưới dạng câu trần thuật (không nằm trong dấu ngoặc kép). Cách miêu tả của nữ nhà văn rất chi tiết, sống động với nhiều hình ảnh so sánh đắt giá và chân thực đến ngộp thở. Lắm khi, người đọc phải dừng lại để “lấy hơi” vì những câu kết đoạn hết sức thâm trầm, ví dụ như cảnh vợ chồng Offred phải giết con mèo của mình trước khi vượt biên: “Họ bắt người ta giết, bên trong mình.”

Trong suốt tác phẩm cũng được chèn rất nhiều trích dẫn Kinh thánh để khắc họa sự thâm hiểm của thể chế: “Tôi không còn nữa, áo quần và món tóc (của con). Tôi tự hỏi số phận mọi món đồ của mình ra sao. Bị nẫng, bị quẳng đi, bị lấy mất. Bị tịch biên. […] Dì Lydia bảo, các em sẽ bị trói buộc vào thế giới vật chất này mà quên đi những giá trị tâm linh. Các em cần nuôi dưỡng tâm hồn nghèo khó. Phước thay những kẻ lành hiền. Dì không nói thêm gì về chuyện được đất hứa làm gia nghiệp.”

Nỗi khắc khoải tự do, có còn chăng niềm hy vọng?

Dẫu sống trong hoàn cảnh tăm tối, Offred vẫn không quên đi một thời sống bình yên bên gia đình. Đó là những ký ức ngày thường nhàm chán nhưng bây giờ lại quá đỗi quý giá: những cuộc cãi nhau giữa mẹ và hai vợ chồng cô, dây buộc giày của con cô trang trí những tim là tim, đỏ, hồng, vàng, tía, mặt trời tỏa nắng, da trời xanh, nhà cửa bên đường ấm cúng và bình yên. Bây giờ, cô níu kéo hy vọng bằng cách tưởng tượng ra có một ngày sẽ được cứu nhờ mẩu tin nhỏ được chuyền đi, rồi cô sẽ đoàn tụ với gia đình. Cô bám lấy niềm tin ở dù chỉ một dòng chữ nhỏ viết dưới đáy tủ – dòng chữ cô không biết đọc – mà cầu nguyện hàng ngày, hình dung ra và thấu hiểu nỗi khao khát tự do của người phụ nữ trước kia ở trong căn phòng này. Cô không mong mạnh mẽ được như Moira – người bạn đã trốn thoát được – nhưng hy vọng Moira sẽ làm điều gì đó thật nổi loạn.

Có lẽ cuộc trốn thoát của Moira là tuyên bố rõ nhất về hy vọng trong tác phẩm: dù dưới sự kiểm soát chặt chẽ của các dì, binh lính và bọ theo dõi, cô vẫn có thể lên kế hoạch trốn thoát – mà cô cho rằng “dễ như bỡn”, và được sự giúp đỡ từ những người dân bên ngoài.

Việc Quân trưởng của tùy nữ Offred muốn tìm kiếm lại những cuộc trò chuyện và hoạt động giải trí bị cấm của những quan chức cấp cao cũng là một điều khiến người đọc tin rằng, thể chế giả tạo đang điều hành xã hội ấy có một ngày sẽ sụp đổ. 

Và cuối cùng, “Không ai chết vì thiếu tình dục. Ta chết là vì thiếu tình yêu”. Offred vốn luôn sợ hãi, tuân thủ luật lệ, nhưng nỗi khao khát được yêu thương của cô lại lớn hơn cả nỗi sợ những hình phạt kinh khủng. Cô đạp lên trên hết thảy, không màng dù có bị bắn, để đến với Nick – một viên Vệ binh, người cho cô cảm giác được yêu thương. Cả Nick cũng vậy, dẫu họ vẫn chứng kiến những người bị kết tội phải nhận cái kết kinh khủng nhường nào. Câu chuyện khép lại với một kết thúc mở, giống như một cánh cửa của đêm dài u tối đóng lại sau lưng tùy nữ Offred. Cô sẽ bước ra ánh sáng hay sẽ nhận hình phạt giống như bao tội nhân phản quốc? Câu hỏi này cần sự suy tư và trăn trở của độc giả.

“Chuyện người tùy nữ” giống như “1984 dưới điểm nhìn nữ giới”, là một viễn cảnh tương lai đen tối có thể xảy ra với nhân loại, mà người chịu số phận bi thảm nhất là người phụ nữ. Cuốn tiểu thuyết đến bây giờ vẫn gây nhiều tranh cãi vì những vấn đề nữ quyền và ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa: những người phụ nữ tham gia biểu tình sau đó đã mặc đồng phục màu đỏ.