Tác giả Muồng Hoàng Yến tên thật là Hoàng Thị Yến, dân tộc Tày, sinh năm 1984, hiện là cô giáo dạy Ngữ văn Trường THCS-THPT Nà Phặc, huyện Ngân Sơn, Bắc Kạn. Tuy là cây bút mới nhưng Hoàng Yến có những dấu ấn riêng trong mảng truyện ngắn và thơ, đặc biệt là những bài thơ dành cho thiếu nhi.

Ra trường năm 2010, cô giáo trẻ Hoàng Thị Yến xung phong lên công tác ở Trường PTDT bán trú THCS Sủng Máng huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Ở bản người Mông, người Dao, nhiều phụ huynh không nói được tiếng phổ thông nên cô giáo Yến phải nhờ đến sự giúp đỡ của Trưởng bản hoặc học sinh đi cùng phiên dịch khi xuống bản thuyết phục học sinh đến trường.

Chị Yến cho biết, thực ra, phụ huynh học sinh đều muốn con em mình đến lớp nhưng kinh tế khó khăn, đường đi lại xa xôi hẻo lánh… Ngay cả giáo viên, nếu không thực sự yêu nghề thì cũng rất dễ nản lòng, bởi cơ sở vật chất ở đây quá khó khăn, thời tiết lại khắc nghiệt.

“Đời sống của giáo viên ở Hà Giang rất vất vả, nhất là chuyện thiếu nước, chỉ trông vào trời mưa. Khi có mưa, cả tập thể thầy cô mang can, thùng, xô, để trữ nước. Có nước cũng không được dùng phung phí, nước rửa rau được dùng để rửa bát, nước xả giặt quần áo tận dụng để rửa chân…”, cô Hoàng Thị Yến nói.

Vất vả là vậy nhưng cô giáo Hoàng Thị Yến vẫn ngày đêm bám điểm trường trên cao nguyên đá. Từ những ngày đầu cô trò còn bỡ ngỡ, xa lạ đến lúc thân thiết như người một nhà thì chị Yến phải chia tay các em về quê, bởi ở đó còn có cha mẹ già thường xuyên đau ốm không có người chăm sóc.

Năm 2015, chị Yến nhận quyết định chuyển công tác về Trường THCS-THPT Nà Phặc, huyện Ngân Sơn, Bắc Kạn, tiếp tục gắn bó với những học sinh tại chính ngôi trường mình đã từng học. Ngoài thời gian dành cho học sinh, chị Yến bắt đầu sáng tác thơ, tản văn với nhiều tác phẩm được đăng trên báo, tạp chí trong nước. Văn, thơ của Hoàng Yến là những bài học nhẹ nhàng về tình yêu quê hương, tình yêu gia đình và tình cảm thầy trò như “Dây điện sợ chim”, “Bụng sách”, “Núi mặc áo bông”, “Mùa nước lũ”…

Lý Thị Tâm Đoan, học sinh lớp 9, Trường THCS-THPT Nà Phặc, huyện Ngân Sơn, Bắc Kạn chia sẻ: Với nhiều lứa học sinh ở vùng đất này, cô Yến như người mẹ tinh thần, đồng hành cùng các em trên con đường đến lớp còn lắm nhọc nhằn.

“Em học với cô Yến từ năm lớp 6, bây giờ đã 4 năm rồi. Cô giúp đỡ em rất nhiều trong học tập. Em chưa hiểu bài, hỏi cô, cô tận tình giảng giải cho em hiểu. Bây giờ, dù không được học cùng cô nữa nhưng em vẫn thường xuyên trao đổi bài, cô đều giúp đỡ em. Có nhiều chuyện hỏi bố mẹ không thể giải đáp, cô là người giúp em vượt qua những khó khăn đó”, em Lý Thị Tâm Đoan tâm sự.

Cô giáo Ma Thị Dụng, đồng nghiệp của chị Yến cũng là người yêu văn chương cho hay những tác phẩm của cô Yến như chính hơi thở của núi rừng mộc mạc, đơn sơ và đầy ắp tinh thần nhân văn.

“Cô Yến rất nhiệt tình giúp đỡ đồng nghiệp, học sinh và bà con các dân tộc ở địa phương. Vì ở bán trú nên cô Yến rất thương yêu học sinh, chăm lo từ chiếc áo, sách vở đến đồ ăn ngon cũng chia sẻ. Cô còn có nhiều tác phẩm hay mà tôi thích như Núi mặc áo bông, Đố con gái, được nhiều giải thưởng lớn nhỏ, báo chí và truyền hình đưa tin. Chúng tôi mong cô Yến có điều kiện phát triển hơn để cống hiến cho quê hương, là bông hoa đẹp của núi rừng”, cô giáo Ma Thị Dụng cho biết.

Cô giáo Nông Thị Thu Hường – Phó Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Nà Phặc, huyện Ngân Sơn, Bắc Kạn cho biết, với hơn 80% là học sinh dân tộc thiểu số, công sức của các thầy cô giáo như cô Hoàng Thị Yến đã giúp các em tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn, nhất là những sáng kiến trong dạy học. Đã có nhiều học sinh của cô Yến sau khi tốt nghiệp Đại học ra trường về công tác tại địa phương, trở thành đồng nghiệp và là người đồng hành với cô trên hành trình gieo chữ ở vùng cao còn nhiều khó khăn.

“Trường Nà Phặc dù ở thị trấn nhưng lại là thị trấn vùng núi nên nhận thức của học sinh không đồng đều, thứ hai là điều kiện hoàn cảnh gia đình các em đại đa số thuộc diện hộ nghèo. Cô Yến chuyển công tác từ Hà Giang về đây dạy môn Ngữ Văn đã truyền cảm hứng cho các em yêu thích môn học này nhiều hơn, bản thân cô có những bài đăng trên tạp chí, các em học sinh đọc rất thích, muốn học tập và noi theo”, cô Nông Thị Thu Hường nói.

Tâm huyết và đam mê của cô giáo Hoàng Thị Yến luôn được đồng nghiệp, tập thể đánh giá xứng đáng. Năm nào chị cũng đạt danh hiệu Lao động tiên tiến, được khen thưởng qua các hội thi Giáo viên của Phòng, Sở Giáo dục. Hoàng Thị Yến còn là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bắc Kạn, Hội viên Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, với bút danh Muồng Hoàng Yến. Chị từng đoạt giải cao nhất Cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật về đề tài “Bắc Kạn xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2018 – 2020, giải Nhì trong cuộc thi “Cha và con gái” (do Tạp chí Gia đình Việt Nam tổ chức) năm 2023 và nhiều giải thưởng khác.

Văn học có mối liên hệ mật thiết với cuộc sống, đặc biệt là thế giới tinh thần của con người. Hoàng Yến tâm niệm: “Văn học luôn rất cần thiết để hướng con người ta sống thiện, biết san sẻ yêu thương nhiều hơn”. Bản thân cô giáo Yến chưa bao giờ hối tiếc về nghề ình đã chọn, gắn với bộ môn Ngữ Văn và cầm bút viết về đề tài dân tộc và miền núi vùng Đông Bắc.

Hoàng Hiền – Công Luận/VOV-Đông Bắc