ThS. Vũ Minh Đức
Khoa Ngữ Văn – Trường Đại học Tây Bắc
“…cuộc đời rất hào phóng với người nào chịu theo đuổi vận mệnh mình”
(Paulo Coelho)
1. Đặt vấn đề
Thuật ngữ cổ mẫu (archetype) liên quan trực tiếp tới lí thuyết vô thức tập thể của nhà Tâm phân học người Thụy Sĩ Carl Gustav Jung. Jung coi cổ mẫu như những đơn vị vận hành tạo nên vô thức tập thể, là “những cấu trúc tinh thần đồng nhất mà tất cả đều có” (Toàn tập, đoạn 259) [DT 10;80-81]. Có thể nói, những phát hiện vô thức tập thể và cổ mẫu đã khẳng định những bước tiến vượt bậc C.G. Jung so với người thầy của mình – Sigmund Freud. Song, hướng đi của Jung không hề mâu thuẫn hay phủ nhận vô thức cá nhân trong lí thuyết phân tâm học cổ điển của Freud, mà là kế thừa và phát triển.
Cổ mẫu là những “trung tâm thần kinh – tâm thần bẩm sinh, sở hữu khả năng khởi xướng, kiểm soát và làm trung gian cho những đặc điểm hành vi, những kinh nghiệm điển hình của toàn bộ loài người” [8;35]. Vô thức (unconscious) trước hết được giới hạn trong ý nghĩa chỉ trạng thái của những nội dung bị quên lãng hay bị trấn áp, kìm nén và kiểm duyệt, là “toàn thể những hiện tượng tâm thần mà ý thức không đạt đến một cách tạm thời hay vĩnh viễn” [8;35]. Cả Jung và Freud đều thừa nhận vai trò của vô thức trong hệ tâm thức của con người. Freud mới chỉ khám phá và thừa nhận sự tồn tại của vô thức cá nhân như những xung năng libido bị dồn nén (libido theo cách hiểu của ông đơn thuần chỉ là bản năng tính dục Eros instinct) thì Jung đã thấy, xung năng ở con người còn bao gồm các dạng bản năng khác như bản năng hủy hoại/ bản năng chết (Thanatos instinct)… Nếu Freud coi vô thức cá nhân là yếu tố chi phối mọi hành vi của con người, thì Jung nhận thấy vô thức thập thể mới là nhân tố trung tâm “chịu trách nhiệm hợp nhất toàn bộ nhân cách vào một thể thống nhất” [10;81].
Trong công trình Cổ mẫu của vô thức tập thể, Jung viết: “Dù sao đi nữa, tầng mặt của vô thức dứt khoát thuộc về cá nhân. Tôi gọi nó là vô thức cá nhân (personal unconscious). Nhưng vô thức cá nhân này dựa vào một tầng sâu hơn, tầng này không bắt nguồn từ kinh nghiệm cá nhân và không phải là cái đạt được thuộc cá nhân mà là bẩm sinh. Tầng sâu hơn này, tôi gọi là vô thức tập thể (collective unconscious). Tôi chọn thuật ngữ “tập thể” (collective) bởi phần vô thức này không mang tính cá nhân mà có tính phổ quát” [7;3]. Và “Sự hiện diện tâm thức có thể được nhận ra chỉ bằng sự hiện diện của các nội dung mà những nội dung này có khả năng ý thức được (capable of conscious). Bởi vậy, chúng ta có thể nói về vô thức cá nhân chỉ trong phạm vi ta có thể kiến giải được những nội dung của nó. Những nội dung của vô thức cá nhân chủ yếu là cảm xúc – phức cảm biến hóa đa dạng (the feeling – toned complexes), như chúng được gọi; chúng tạo nên đời sống tâm lí riêng tư và cá nhân. Những nội dung của vô thức tập thể, mặt khác, được biết đến như là những cổ mẫu” [7;4].
Như vậy, Jung không những không phủ nhận vai trò của trải nghiệm cá nhân đối với cấu trúc nhân cách con người mà còn khẳng định vai trò của nó trong quá trình “kích hoạt tiềm năng cổ mẫu” sẵn có trong Ngã. Ông cho rằng, tâm thần con người không đơn thuần chỉ là sản phẩm của trải nghiệm (cá nhân), mà nó được ngập chìm trong đại dương vô thức tập thể của nhân loại, kể cả những gì nằm ngoài sự trải nghiệm của cá nhân.
Thuật ngữ cổ mẫu lúc mới xuất hiện có liên quan tới “Linh tượng” (Imago Dei/ God-image) trong con người. Dấu vết của những linh tượng đó được Jung chỉ ra thông qua trích dẫn: “Đấng Sáng thế không tạo ra thế giới từ chính Người mà phỏng theo những cổ mẫu (hình mẫu sẵn có) bên ngoài Người” (The creator of the world did not fashion these things directly from himself but copied them from archetypes outside himself). Trong Corpus Hermeticum, Thiên Chúa đã được gọi là ánh sáng cổ mẫu (archetypal light), cổ mẫu phi vật chất (immaterial archetypes), đá cổ mẫu (archetypal stone) [7;4]. Như vậy, trong một chừng mực nào đó, cổ mẫu của Jung giống với Tư tưởng (Ideas) của Plato. Về thực chất, thuật ngữ của Plato chỉ là Tư tưởng cổ mẫu (archetypal ideas), là những dạng tinh thần thuần túy tồn tại trong tâm thức của thần linh trước khi có cuộc sống của con người, mang tính chất siêu nhiên bởi chúng nằm ngoài thế giới hiện tượng thông thường và biểu hiện ở mỗi người khác nhau, mang đặc thù cá nhân.
Cổ mẫu có tính chất tự thân, “là một dạng liên kí hiệu bẩm sinh” [2]. Cổ mẫu đi ra từ vô thức tập thể thông qua những trải nghiệm của cả tập thể, cộng đồng, dân tộc được lưu giữ trong kho vô thức. Nó được lưu truyền bền vững thông qua con đường gắn kết với huyền thoại, văn hóa, lịch sử… Do đó, khi một cổ mẫu chưa được kích hoạt bởi trải nghiệm cá nhân, chưa được “đọc lên”, “gọi dậy” thì bản thân cổ mẫu đã “lấm láp” biết bao lớp trầm tích văn hóa thông qua quá trình “tắm gội” ở đại dương vô thức tập thể. Đây chính là dấu hiệu làm nên sự khác biệt của cổ mẫu so với kí hiệu và biểu tượng.
Theo M.H. Abrams: “thuật ngữ cổ mẫu dùng để chỉ kiểu truyện kể trở đi trở lại, các kiểu hành động, nhân vật, chủ đề, và hình ảnh được nhận ra trong vô vàn trạng thái của các tác phẩm văn học, như trong thần thoại, giấc mơ, và cả các nghi lễ xã hội. Sự lặp lại này trở thành kết quả của các hình thái (form) hay mô hình (pattern) cơ bản và phổ biến trong tâm lí con người, mà sự hiện diện hữu hiệu của chúng trong một tác phẩm văn học gợi lên sự hồi đáp mạnh mẽ từ người đọc, bởi anh ta có chung (share) các cổ mẫu được miêu tả bởi tác giả” [1;12].
Trong Tân sổ tay văn học (A new handbook of literary), D. Mikics định nghĩa: “Cổ mẫu là hình ảnh vang vọng của quyền năng huyền thoại, như con người, nơi chốn, hay hoàn cảnh, những nguồn văn hóa đa dạng và các thời kì lịch sử khác nhau” [9;24].
2. Nội dung nghiên cứu
Hành trình (Journey) nghĩa là “chuyến đi xa dài ngày” [6;527]. Ở đó, nhân vật lữ khách thực hiện chuyến đi, “thường là lí trí nhưng đôi lúc cảm tính, trong suốt hành trình, anh/ cô ta nhận thức về chính mình hoặc tìm thấy ý nghĩa cuộc sống của mình như sự công nhận trong xã hội” [5;112]. Nhân vật chấp nhận thực hiện hành trình đồng nghĩa với việc chấp nhận sự thử thách trên suốt chặng đường hoặc kiếm tìm điều gì đó, như: đường về nhà, tìm bản thể (sự tự nhận thức), bí mật của hạnh phúc. Nhà giả kim của Paulo Coelho kể về cuộc hành trình của Santiago, không phải là hành trình của một người anh hùng mà là hành trình của một con người bình thường, chàng thanh niên chăn cừu. Tuy nhiên thông qua hành trình với những trải nghiệm suốt chuyến đi đã khẳng định hành trình của nhân vật là hành trình trở-thành-anh-hùng.
2.1. Tiếng gọi lên đường
Nhân vật trung tâm của cuốn tiểu thuyết là một chàng chăn cừu, người từ bỏ cuộc sống ổn định và sung túc để sống một cuộc sống nay đây mai đó khắp các phương trời. Santiago chối bỏ một cuộc sống tầm thường, đơn điệu như cha mẹ cậu – những người nông dân “sống nhờ ăn và uống chẳng khác gì bầy cừu của cậu” [4;22]. Ngay từ nhỏ, Santiago luôn mơ ước được đặt chân lên mọi vùng miền trên khắp trái đất rộng lớn – đây chính là giấc-mơ-thức, giấc mơ khởi đầu cho cuộc hành trình. Bởi vậy, cậu khước từ cuộc sống trong tu viện. Quyết định trở thành người chăn cừu đến với Santiago thật bất ngờ, bản năng, và có phần trẻ con, khi bố cậu nói “Còn ở vùng mình chỉ có người chăn cừu mới phải nay đây mai đó thôi” thì cậu đã có sự lựa chọn cho cuộc sống của riêng mình “Thế thì con sẽ làm kẻ chăn cừu” [4;23]. Rõ ràng cậu không đủ “khôn lớn” nhận ra cách nói của bố mình có ý khinh miệt những người chăn cừu, cái nhìn của ông bố mang quan niệm của xã hội về những con người làm nghề thấp hèn, không nhà cửa. Sự vô tư hồn nhiên của cậu bé mới lớn ở cái tuổi mười sáu nằm ngoài/ vượt qua cái nhìn định vị đem theo những ốc vít quan niệm bắt chặt lên bảng giá trị của người đời. Với cậu, việc trở thành người nào (trong mắt người khác) không quan trọng, mà quan trọng là được sống như mình mong muốn “nay đây mai đó”. Nhân vật chàng trai trẻ chăn cừu mang trong đó hình bóng của kiểu nhân vật trung tâm của thể loại tiểu thuyết mục ca rời bỏ cuộc sống văn minh tìm tới nơi thiên nhiên bao la, rộng lớn. Đó là sự phản ứng của con người trước cuộc sống hiện đại văn minh nhiều phản trắc và đơn điệu, tẻ nhạt, mong muốn trở về với tự nhiên hiểu thấu “tâm linh vũ trụ”. Đó cũng là cách con người gìn giữ bản tính nguyên sơ thánh thiện.
Giống cốt truyện của tiểu thuyết mục ca, chàng trai trẻ trên hành trình lang thang cùng đàn cừu sẽ gặp cô gái, Santiago gặp con gái của người mua lông cừu. Cô gái vùng Andalusia với “mái tóc đen dài và đôi mắt phảng phất nét người Mauren xâm lược” này thoáng chốc hút lấy cái mơ ước đi lang thang khắp mọi nơi của chàng trai mới lớn: “Cậu thấy một cảm giác khác lạ chư từng biết đến: đó là ước mơ được sống ổn định một nơi. Có cô gái này bên cạnh thì sẽ chẳng còn ngày nào là nhàm chán nữa” [4;18]. Dẫu dứt khoát lên đường (xa cô gái), “Nhưng trong thâm tâm cậu biết mình không thể chẳng cần, vì rằng bất cứ người chăn cừu, người thủy thủ hay người khách thương nay đây mai đó nào cũng có ở đâu đó một kẻ khiến cho họ quên mất thú vui được tự do giang hồ đi cùng trời cuối đất” [4;19].
Giấc-mơ-thức/ ước mơ đã đưa bước chân chàng trai trẻ lên đường nhưng có nguy cơ chùng xuống và “quên mất thú vui được tự do giang hồ đi cùng trời cuối đất” bởi tâm lí thích sự ổn định. Giấc mơ biến hóa trong các dạng thức khác nhau nhưng xét về chức năng vẫn không thay đổi. Giấc-mơ-ngủ trở đi trở lại hai lần khiến cậu luôn băn khoăn. Giấc mơ trước hết mang ý nghĩa cổ xưa của nó là dấu hiệu cho những điềm báo, sự giải mộng của bà già Digan đã kiểm chứng điều nay. Hơn nữa, xét từ góc độ tâm lí, giấc mơ chính là “căn phòng u tối” của những ham muốn hay nỗi sợ hãi bị/được khuất nấp, dồn nén nơi vô thức. Nó chỉ có khả năng “vượt ngục” ý thức trong trạng thái ý thức ngủ (quên)/ (mê) – thời điểm mà vô thức và tiềm thức bùng lên và tuôn chảy trong giấc ngủ thành dòng-suối-mơ-mộng.
Santiago coi đó “chỉ là giấc mơ”! Cậu nghĩ do mình mệt nên mới nằm mơ – giấc mơ nhìn ở góc độ sinh lí. Có thể coi đây là lần đâu tiên cậu khước từ tiếng gọi lên đường. Lần nữa, giấc mơ trở lại như sự thôi thúc thực hiện chuyến đi. Và việc không tin lời bà già Digan xuất phát từ động cơ chối bỏ tiếng gọi lên đường. Sự chối bỏ này được “khoác áo” trong lí do không nỡ bỏ đàn cừu lại khi cậu nói chuyện với ông già vua của Salem. Thực chất đó là nỗi sợ hãi trong tâm hồn Santiago.
2.2. Những thử thách
Trong mọi hành trình, nhân vật lữ hành/ nhà thám hiểm luôn được đặt trong những thử thách trên chặng đường thực hiện mục đích của mình. Thử thách càng khó càng chứng tỏ được sức mạnh và bản lĩnh của nhân vật. Khác với nhân vật trong tiểu thuyết hiệp sĩ, anh ta theo tiếng gọi lên đường để lập những chiến công vang dội, những kì tích. Chiến thắng của nhân vật hiệp sĩ là chiến thắng đối với thế lực tự nhiên hay con người – những gì nằm ngoài anh ta. Đến văn học hậu hiện đại, các tác giả chủ yếu khai thác những “lực cản” hiện hữu ở ngay mỗi con người, và con người đang đấu tranh vượt qua sức cản nơi mình. Paulo Coelho không thực sự chú trọng khắc họa những khó khăn, thử thách từ những đối thủ bên ngoài trên đường đi mà ông quan tâm nhiều hơn tới “cái bóng” của chính nhân vật. Đó là nỗi sợ hãi. Nỗi sợ hãi trở thành trở ngại chính đối với Santiago trong suốt cuộc hành trình để đạt được huyền thoại cá nhân. Nỗi sợ hãi có khi được Santiago ý thức cụ thể. Nhưng cũng có khi nỗi sợ hãi ẩn náu sau những “mặt nạ”. Mặt nạ ấy có thể là một lí do nào đó như một sự thoái thác/ biện minh, có thể là giấc mơ…vv. Việc vượt qua/ đối mặt với nỗi sợ hãi là minh chứng chân xác nhất khẳng định sự dũng cảm của con người. Bởi có người đã từng nói, người dũng cảm không phải là không sợ mà là sợ nhưng vẫn làm.
Trước hết là nỗi sợ thời thơ ấu. Khi Santiaho nằm mơ, cậu tìm tới bà lão Digan để giải mộng. Bà lão Digan là nỗi sợ của cậu bé. Santiago đã phải đọc kinh khi bà nắm tay cậu như một cách tự trấn an và cầu mong đấng tối cao che chở cho cậu nếu có nguy hiểm xảy ra. Nỗi sợ của cậu đối với bà lão Digan không chỉ là nỗi sợ của riêng cậu mà là nỗi sợ chung của rất nhiều người: “Người ta còn nói thêm rằng họ liên minh với ma quỷ, rằng họ cướp trẻ thơ, bắt chúng làm nô lệ trong các khu lều âm u của họ. Thuở nhỏ cậu sợ bị người Digan bắt cóc, thành ra khi bà lão nắm tay thì nỗi sợ xưa lại ập đến” [4;27]. Khi bà lão cầm tay, cậu run lên sợ hãi định rụt tay về. Và cậu cảm thấy ân hận vì đã đến đây. Đó là nỗi sợ về những điều bất trắc, rủi ro, sợ ma quỷ, sợ cái ác cái xấu. Nỗi sợ này rất tự nhiên và phổ biến ở những đứa trẻ. Nếu cậu bỏ về đồng nghĩa với việc cậu không bao giờ hiểu được ý nghĩa của giấc mơ.
Không chỉ là nỗi sợ hãi vô hình mang màu sắc ma quỷ trong dáng hình bà lão Digan, nỗi sợ có khi được biểu hiện rất cụ thể – nỗi sợ hãi vật chất. Con người càng sống hạnh phúc, đầy đủ, sung túc bao nhiêu thì nỗi sợ bị mất đi những gì mình đang có lớn bấy nhiêu. Santiago đã “sợ” mất đi tài sản của mình khi phải trả một phần mười số cừu mình đang có trả cho ông già vua của Salem để biết được kho báu nằm ở đâu. Đàn cừu là tài sản quý giá nhất có thể coi như sinh mạng của người chăn cừu, song Santiago đã quyết tâm bỏ lại đằng sau “gia tài” của mình để lên đường tới Tangier. Tiếp đó, Santiago được đặt trong những thử thách “sự cám dỗ của vật chất”. Cậu đau xót từ bỏ khoản tiền có được từ việc bán cừu trước đó do bị hai gã thanh niên lừa khi vừa đặt chân tới châu Phi. Và nếu của cải và sự ổn định đã cướp đi ước mơ tới thánh địa Mekka của người chủ bán đồ pha lê thì những khoản tiền ông trả cho Santiago dù có lớn tới đâu cũng không đủ sức cám dỗ cậu ở lại đây mãi. Cậu không khi nào quên tiếng nói của giấc mơ, khát khao tới kim tự tháp Ai Cập luôn thôi thúc cậu bằng mọi cách cố gắng làm việc để sớm có tiền thực hiện tiếp hành trình còn dang dở. Santiago từ biệt người chủ tiệm bán đồ pha lê để tham gia đoàn hành hương tới Ai Cập. Paulo Coelho đã nhấn mạnh sự tương phản giữa hai cách sống, một người mãi mãi ngồi đó với khối tài sản của mình mà nuối tiếc giấc mơ không được thực hiện và một người bỏ lại của cải phía sau để theo đuổi giấc mơ, điều không có gì là chắc chắn.
Cái chết là nỗi sợ hãi không của riêng ai! Ngay từ thuở ấu thơ của loài người, họ đã tự ý thức được sự ngắn ngủi của kiếp người và ao ước được trường sinh bất tử, thậm chí nếu có chết đi sẽ được đầu thai. Đó là khát vọng là mơ ước về một cuộc sống tươi đẹp. Tuy nhiên, thực chất đó cũng có thể coi như là nỗi sợ hãi xác thịt về cái chết. Trên đường tới Ai Cập, đoàn hành hương đã phải dừng lại do trên sa mạc đang xảy ra cuộc xung đột giữa các bộ tộc với nhau. Đặt nhân vật của mình vào hoàn cảnh chiến trận có lẽ sẽ là phép thử hữu hiệu chứng minh lòng dũng cảm của họ. Nhân vật của Paulo Coelho không đánh bại những kẻ thù trên đường như các nhân vật anh hùng trong các tiểu thuyết hiệp sĩ, mà họ chỉ cần đi qua giông tố chiến tranh cũng đã là một kì tích. Bởi nếu sợ sự đau đớn xác thịt, thậm chí là bỏ mạng nơi sa mạc thì họ sẽ bỏ cuộc. Tuy nhiên những con người ấy lựa chọn đi qua cơn bão táp của sa mạc, bão táp cuộc đời và đi tiếp con đường mình đang đi.
Để làm nên những kì tích, con người cần có tinh thần phiêu lưu, chấp nhận mạo hiểm và những rủi ro có thể xảy ra. Hay đơn giản hơn, để hoàn thành một công việc dù lớn hay nhỏ, con người cũng phải bắt tay thực hiện. Trái lại, nếu chúng ta luôn luôn lo sợ công việc chuẩn bị làm sẽ gặp phải thất bại và chúng ta không làm thì mãi mãi chúng ta chỉ nhận được kết quả là con số không, chúng ta thất bại ngay cả khi không làm gì cả. Có một người đã từng phát biểu rằng, nếu chỉ vì sợ ngã mà không dám bước đi thì khác nào cả đời bạn mang theo đôi chân gãy. Có thể nói, sợ thất bại là tâm lí phổ biến ở rất nhiều người, nó thuộc về bản năng trong mỗi chúng ta và để sống chúng ta cần biết vượt qua cái bóng của nó. Đây chính là trở ngại khó khăn nhất đối với Santiago trên hành trình chinh phục “kim tự tháp” và kiếm tìm “kho báu”. Vào giờ phút nguy nan, nhà giả kim đã đặt lên vai Santiago một trọng trách: chứng tỏ khả năng siêu phàm của mình bằng cách gọi gió tới sa mạc. Thử thách này được xem như một phép thử lửa vô cùng quan trọng của nhà giả kim trong việc tinh luyện “khối quặng Santiago” trở thành vàng nguyên chất. Những lời của nhà giả kim đậm chất khải huyền: “Người nào sống trọn đường đời của mình, người đó đã biết tất cả những gì cần biết. Chỉ có một điều khiến không thể nào đạt được ước mơ: đó là sợ sẽ thất bại” [4;187]. Và ông cho rằng nếu chết khi theo đuổi vận mệnh cá nhân, theo đuổi mơ ước “Như thế vẫn hay hơn là phải chết như hàng triệu người không hề biết vận mệnh họ là gì” [4;187]. Santiago, dưới sự trợ giúp của nhà giả kim, đã bừng ngộ sứ mệnh thiêng liêng của mình trong việc theo đuổi huyền thoại cá nhân, nghe thấu tiếng nói trái tim mình và hòa hợp với tâm linh vũ trụ. Cuộc trò chuyện của Santiago với mặt trời, gió và cát trên sa mạc chính là cuộc trò chuyện của Santiago với chính con người mình, là cuộc tìm kiếm bản ngã tinh thần. “Cậu nhập vào Tâm linh vũ trụ và nhận biết rằng nó là một phần linh hồn Hóa công và linh hồn Hóa công là linh hồn của chính cậu. Như thế tự cậu cũng có thể làm được phép lạ” [4;200].
Nỗi sợ hãi có khi được biểu hiện trên bề mặt nhưng cũng có khi chìm sâu sau những vỉa tầng vô thức của con người. Và việc thực hiện hành trình đồng nghĩa với việc vượt qua nỗi sợ như là cái bóng của chính mình là điều quan trọng nhất cần được thực hiện. Ở điểm này, tư tưởng triết lí của Paulo Coelho rất gần với tư tưởng phương Đông: Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình.
2.3. Phần thưởng
Giống truyện kể cổ xưa, sau mỗi một hành trình của nhân vật trong truyện kể phiêu lưu cũng là phần thưởng xứng đáng với những gì nhân vật đã trải qua. Phần thưởng của những chàng dũng sĩ thường là lấy được người đẹp, được sống sung sướng hạnh phúc, được làm vua/quan, được trở thành thần tiên… Khởi đầu cho khát vọng lên đường của Santiago là kho báu dưới chân kim tự tháp được mã hóa thông tin dưới dạng ngôn ngữ của mộng mơ. Sau rất nhiều thử thách, Santiago không ngại nguy hiểm, gian khó để tới được kim tự tháp Ai Cập, và tại đây, cậu đã “thấy” được “dấu hiệu” trong lời nói của hai kẻ lưu manh: kho báu được chôn giấu: “Sau nửa giờ lưỡi xẻng chạm phải vật gì cứng. Một giờ sau cậu đứng trước một cái hòm đầy tiền vàng cổ Tây Ban Nha. Có cả đá quý, mặt nạ vàng đính lông trắng, đỏ và cả những pho tượng cẩn ngọc. Đó là những thứ cướp được trong thời kì xâm lược mà đất nước này đã quên từ lâu và những kẻ đi xâm lược cũng không kể lại cho con cháu họ” [4;216].
Trong văn học truyền thống, khi xây dựng cốt truyện hành trình, tác giả thường chú trọng tới phần thưởng là những giá trị hiện hữu – sự thay đổi địa vị của nhân vật để hạnh phúc hơn. Tuy nhiên, trong con mắt của các nhà hậu hiện đại, họ thường thấy quá trình thực hiện hành trình quan trọng và ý nghĩa hơn là đích đến. Thự hiện hành trình theo tiếng gọi của trái tim để chinh phục huyền thoại cá nhân, hòa nhập vào tâm linh vũ trụ, Santiago đã tìm thấy nhiều hơn một kho báu…
Santiago vượt thoát khỏi sự ổn định của cuộc sống thường ngày cùng đàn cừu khi bị “níu chân” bởi một người con gái – con của người mua lông cừu. Cậu sớm ý thức được sự cần thiết của tình yêu trong đời sống tinh thần của mỗi người. Tuy nhiên, nếu vứt bỏ sứ mệnh thiêng liêng của mình trong việc thực hiện huyền thoại cá nhân, có thể cậu có được tình yêu với cô bé – con gái của người mua lông cừu – nhưng cậu mất đi rất nhiều thứ khác mà chỉ khi du hành mới có được. Phiêu lưu trên khắp xứ sở, Santiago cũng nhận được phần thưởng xứng đáng như một sự đền đáp cho những gì chàng trai trẻ đã làm: Tình yêu với Fatima.
Có một phần thưởng lớn hơn cả kho báu và tình yêu, đó là qua hình trình, Santiago hiểu hơn về chính mình. Như vậy, hành trình đến với kim tự tháp Ai Cập không chỉ đơn giản là cuộc tìm kiếm sự giàu sang, hạnh phúc mà quan trọng và ý nghĩa hơn cả chính là cuộc tìm kiếm bản nguyên tinh thần trong mỗi một con người. Santiago ý thức được vai trò của mình trong cõi nhân sinh mà nhà giả kim đã khải thị cho cậu: “Bất kể giàu hay nghèo, sang hay hèn, ai cũng đều có một vai trò chính trong lịch sử thế giới. Có điều phần nhiều người ta không biết đó thôi” [4;207]. Trong mỗi một con người luôn tiềm tàng một “trữ lượng” lớn những khả năng phi thường, diệu kì mà không ý thức được, chỉ trong hành trình, nguồn năng lương ấy mới “lộ thiên” và được ý thức. Bởi vậy khi Santiago cảm ơn nhà giả kim vì đã dạy cậu ngôn ngữ của vũ trụ, ông đáp “Ta chỉ gợi cho cậu nhớ lại những gì cậu đã biết từ trước thôi” [4;202]. Và việc lắng nghe tâm linh vũ trụ thực sự không huyền bí mà đơn giản là hãy lắng nghe tiếng nói của chính mình, để hiều về mình hơn, là hướng cái nhìn vào bên trong nội tâm. Nội tâm cũng vô cùng huyền bí và hấp dẫn!
Thuật giả kim thực chất là một ẩn dụ nghệ thuật “biểu trưng cho sự tiến hóa con người từ trạng thái siêu thăng tinh thần; biến hóa các kim loại thành vàng cũng tương đương cải biến con người thành tinh thần thuần túy”, và các thao tác của thuật giả kim được thâu tóm trong định thức nổi tiếng “hãy thanh tẩy và tích hợp”. Sự thanh thẩy và tích hợp “được áp dụng cho sự tiến hóa khách quan cũng như thế giới chủ quan, tức là thế giới của nhân cách trên con đường tự hoàn thiện” [3;542].
2.4. Không bao giờ là cuối…
Điểm khác biệt giữa cốt truyện hành trình trong mô hình truyện kể truyền thống và truyện kể hậu hiện đại nằm ở ý nghĩa của sự kết thúc hành trình. Trong truyện kể truyền thống, kết thúc mang ý nghĩa hoàn kết, nhân vật (đã) thực hiện xong cuộc hành trình. Còn trong truyện kể hậu hiện đại, hành trình ấy vẫn còn tiếp diễn ngay cả khi tác giả đặt dấu chấm hết cho tác phẩm của mình. Bởi vậy, cái kết của hành trình trong Nhà giả kim của Paulo Coelho “không bao giờ là cuối”. Cuộc đời không đơn giản là một cuộc hành trình mà là vô vàn những cuộc hành trình nối tiếp để làm nên một cuộc đời đầy màu sắc và hương hoa. Hành trình sống đem lại cho cuộc đời mỗi người một dấu ấn riêng vì chủ nghĩa hậu hiện đại xem cuộc sống với hai đầu mút Sinh – Tử như những mẫu số chung của tất cả mọi người.
Nếu theo cốt truyện truyền thống, Paulo Coelho sẽ viết tiếp: sau khi Satiago tìm thấy kho báu sẽ trở về với Fatima. Hai người tổ chức đám cưới linh đình, họ sống bên nhau rất hạnh phúc và sinh con đẻ cái…vv. Song Paulo Coelho lại quyết định dừng bút ở những dòng “thuận chiều” nhất. Tác giả dựng lên một mặt của công trình phiêu lưu với hành trình “Ra đi” và mặt kia của công trình ấy còn bỏ trống…ấy là hành trình “trở về”. Hành trình trở về cũng gian nan, hấp dẫn và ý nghĩa không kém hành trình ra đi. Paulo Coelho viết:
“Gió lại thổi, gió Levante từ châu Phi. Lần này gió không mang lại mùi sa mạc hay mối đe dọa xâm lược của người Mauren, mà mang đến một mùi thơm cậu rất quen, và một nụ hôn nhẹ nhàng chạm trên môi cậu.
Cậu mỉm cười. Lần đầu tiên cô ấy hôn mình.
“Fatima ơi, anh đến với em đây,” cậu nói” [4;217].
Kiếm tìm giàu sang, tình yêu, hạnh phúc và bản ngã là hành trình vô cùng gian nan nhưng việc gìn giữ, nuôi dưỡng chúng lại càng trở nên khó khăn gấp muôn phần. Đến đây, bất giác, người đọc không khỏi nhớ lại câu chuyện dụ ngôn được đan cài ở những trang đầu của tác phẩm khi ông già vua của Salem tặng Santiago một bài học miễn phí – câu chuyện về một chàng trai trẻ và hai giọt dầu trong chiếc thìa trên tay. Santiago cũng sẽ tiếp tục những cuộc hành trình tiếp theo trong đời sao cho có thể ngắm nhìn cuộc sống và không đánh rớt hai giọt dầu trên tay…
3. Kết luận
Từ việc chỉ ra nội dung của cốt truyện hành trình trong Nhà giả kim của Paulo Coelho, chúng ta không chỉ thấy những mã trùng khớp với cổ mẫu hành trình trong văn học truyền thống mà còn nhận thấy những mã mới được sáng tạo, thiết lập, đan cài trong mạng lưới văn bản ngôn từ. Bên cạnh ý nghĩa tìm kiếm những giá trị hiện hữu, một khía cạnh mới được đặt ra là sự tìm kiếm bản thể. Hành trình rời bỏ quê hương ra đi đến với xứ sở xa lạ bên Ai Cập thực chất lại gần gũi bởi đó là hành trình trên “đường về bản thể”, chuyến đi giúp Santiago thấy yêu và trân trọng hơn mảnh đất quê hương cậu… Ra đi đồng nghĩa với trở về!
Những trang văn giàu tính triết lí và ý nghĩa khải mông hòa quyện cùng giọng điệu trữ tình của tác phẩm văn học kinh điển này giúp người đọc bừng ngộ, tự ý thức về cuộc sống và chính mình đã làm nên “ma lực” đối với độc giả khắp thế giới.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Abrams M. H.(1999), A Glossary of Literary Terms, Cornell University, United States of America.
- Lê Huy Bắc (2015), “Cổ mẫu như là liên kí hiệu”,Nghiên cứu Văn học, số 12 – 2015.
- Chevalier J. & Gheerbrand A. (2015),Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, Phạm Vĩnh Cư (chủ biên dịch), NXB Đà Nẵng.
- Coelho P. (2015),Nhà giả kim, Lê Chu Cầu dịch, NXB Văn học.
- Herz, Sarah K., and Donald R. Gallo (2005)From Hinton to Hamlet: Building Bridges Between Young Adult Literature and the Classics. 2nd ed. Westport, CT: Greenwood.
- Hoàng Phê (chủ biên) (2008),Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng.
- Jung C.G.(1955), C.G. Jung Collected works, Volume 9, The Archetype and The Collective Unscious, Sir Herbert Read (ed), R.F.C. Hull (trans), Routledge, London.
- Liễu Trương (2011),Phân tâm học và Phê bình văn học, NXB Phụ nữ.
- Mikics D.(2007), A New Handbook of Literary terms, Yale University Press, New Heaven & London.
- Stevens A.(2016), Dẫn luận về Jung, Thái An dịch, NXB Hồng Đức.