Colorful (tạm dịch: Sắc màu) là quyển tiểu thuyết nổi tiếng của nữ tác giả Eto Mori, xuất bản năm 1998. Cuốn sách đã đạt giải thưởng Sankei Children’s Book Award lần thứ 46 – một trong những giải thưởng lớn và lâu đời nhất dành cho văn học thiếu nhi của Nhật Bản.

Truyện kể về một linh hồn (nhân vật “tôi”), vì phạm một lỗi tày trời ở kiếp trước nên phải chịu đựng hình phạt nặng nhất: vĩnh viễn không thể tái sinh. Phúc đức thay, linh hồn này tự dưng lại trúng “phiên xổ số may mắn” của thiên đình. Theo đó, “tôi” sẽ trở về trần gian, “ở trọ” trong thân xác của Kobayashi Makoto, một thiếu niên lớp 9 vừa tự tử, và “xử lý mớ hỗn độn” mà người chết để lại, như một trải nghiệm tu hành và tái thử thách. 

Trong thời gian tu hành, nếu linh hồn có biểu hiện tích cực, ký ức về tội lỗi kiếp trước sẽ dần trở về. Khi hồi phục được trí nhớ cũng là lúc quá trình thử thách kết thúc, linh hồn sẽ được đầu thai chuyển kiếp, “thuận lợi bước vào vòng luân hồi”. 

Và như vậy, “tôi” bước vào thân xác của Kobayashi Makoto, hoàn thành nốt bức tranh cuộc đời còn dang dở của cậu.

Đời người là một bức tranh đầy màu sắc

Cuộc đời chúng ta, khi bắt đầu kiếp này, giống như một trang giấy trắng. Mỗi sự việc xảy ra sau đó đều tô lên nó một mảng màu khác nhau. Có những gam màu sáng khiến người ta vui vẻ, hạnh phúc. Cũng có những màu u ám, khi ta lâm vào cảnh bế tắc khốn cùng. 

Nhưng trên hết, bản thân mỗi người đều có một quyền năng tương tự – quyền kiến tạo những màu sắc cho cuộc đời của mình. Khi đời cho ta những mảng màu đen tối, ta vẫn có quyền cầm bút lên, ngăn chặn sự lan tỏa của chúng, và vẽ những tông màu sáng mà ta luôn yêu thích trên phần giấy còn lại. 

Tuy nhiên, điều đó không hề dễ dàng. Chứng kiến quá nhiều gam màu xấu xí trên bức tranh của mình, nhiều người đã không còn thiết đến việc sửa chữa nó nữa. Họ bất lực. Họ không đủ kiên nhẫn để hoàn thành. Và họ chọn vứt bỏ bức vẽ không hoàn hảo ấy. 

Và cũng bằng cách đó, họ đã tước đi quyền được chiêm ngưỡng bức tranh đẹp nhất có thể của mình. 

Giống như Makoto. 

Cuộc sống của Makoto, trước khi tự sát, quả thực là địa ngục với một đứa trẻ chỉ mới mười bốn tuổi. Mẹ ngoại tình với thầy giáo dạy nhảy. Chính mắt cậu nhìn thấy. Cha vui vẻ ăn mừng được thăng chức trong sự đau khổ của cấp trên. Điều này ít nhiều là không thể chấp nhận được trong xã hội phân hóa quyền lực cao như ở Nhật Bản. Anh trai Mitsuru thì luôn coi thường, nói những lời “độc mồm độc miệng” và chế giễu chiều cao khiêm tốn của cậu em thấp bé. Bạn bè chẳng thích chơi với người lúc nào cũng đầu óc trên mây như Makoto. Và tệ nhất là Hiroka, cô bé mà cậu thích, chấp nhận bán thân cho một gã trung niên chỉ để được ăn sung mặc sướng.

Tất cả những điều này xảy ra cùng một lúc khiến một đứa bé nhút nhát và yếu đuối như Makoto nhất thời không chống đỡ được. Cậu nghĩ rằng cuộc đời mình không còn lối thoát. Cậu tự sát để chấm dứt tất cả.

Vậy nên, Makoto đã không biết được, đằng sau những câu chuyện chướng tai ấy, vẫn còn có nhiều uẩn khúc.

Cậu đã không được nghe tâm sự của người mẹ, dù đáng trách nhưng cũng vô cùng đáng thương vì cả đời không tìm được bản thân mình. Cậu đã không biết cha mình đã phải chịu đựng những gì trước khi được thăng lên cái chức trưởng phòng tai tiếng ấy. Cậu không biết Mitsuru, dù ngoài mặt luôn khó chịu, thực ra xem trọng cậu như thế nào. Và cậu cũng không biết mình còn có thể hòa nhập với mọi người, có một người bạn thân vui tính như Saotome, một cô bé Shoko luôn dõi theo nhất cử nhất động và trân quý tình tính kín đáo, lặng lẽ của cậu, cũng sẽ không được ôm Hiroka để an ủi khi cô bé bỗng dưng “mít ướt”, khác hẳn với con người vui vẻ thường ngày.

Tất cả những điều này đều xảy ra sau khi linh hồn “mượn xác” của Makoto. Linh hồn đã thay cậu bé vẽ tiếp bức tranh còn lại.  Với tinh thần tự do và góc nhìn khách quan của một người ngoài cuộc, “tôi” đã thay Makoto tô những tông màu sáng lên cuộc đời cậu, lên bức tranh mà cậu đang vẽ dang dở trước khi chết; thay đổi bản tính nhút nhát của Makoto bằng việc hành xử như một người bình thường. Từ đó, những khúc mắc trong lòng cũng được giải đáp.

Nếu như khi còn sống, Makoto cũng giống như vậy, can đảm một lần phá bỏ những rào cản, mở lòng ra sống thật phóng khoáng tự tại, dũng cảm dùng những gam màu sáng phủ lên cái thực tại u ám của mình, kiên nhẫn chờ đợi để thấy thành quả, thì bức tranh cuộc đời cậu đã trở nên muôn màu muôn sắc, đẹp đẽ như những gì cậu mong muốn, chứ không kết thúc ở những mảng màu đen mà cậu luôn căm ghét.

 “Đời người chỉ là một chuyến ở trọ dài hạn” 

Con người sinh ra vốn chính là thân xác này, chết rồi sẽ về với cát bụi. Hay chỉ là một linh hồn hư ảo, luân hồi từ hình hài này đến hình hài khác? 

Đó là một trong những điều khiến nhiều độc giả của câu chuyện phải trăn trở và suy ngẫm. 

Nếu xem bản thân mình là thân xác này, ta sẽ tự nhiên gắn cái tự tôn và bản ngã của mình vào đó. Ta sẽ “dè chừng”, “bất an” và “keo kiệt”. Không bàn đến những điều trái đạo đức, ta ít nhiều không dám sống thật với bản thân mình, không dám nói những điều muốn nói, làm những điều muốn làm, theo đuổi những ước mơ đáng được theo đuổi, vì những định kiến, vì sợ điều tiếng dị nghị từ thiên hạ. Ta sợ phải tổn thương cái tôi cá nhân của mình. Vậy nên, ta buộc bản thân mình vào quá nhiều quy tắc và đôi khi bỏ qua cái quyền tự do chính đáng mà mình nên được hưởng.  

Nhưng sẽ thế nào nếu thân xác này không phải là chúng ta? Nếu ta chỉ đơn giản là một linh hồn, ở trọ một kiếp người mấy chục năm, rồi lại rời bỏ thân thể này để luân hồi sang thân thể khác? 

Makoto khi còn sống là một tâm hồn mong manh, nhạy cảm, một đứa trẻ nhút nhát, trầm lặng. Cậu không hoạt bát, năng động hay chí ít là mang dấu hiệu nào đó của tuổi trẻ, như người ta vẫn thường nghĩ về một học sinh lớp 9. Bộ dạng luôn thiểu não, tóc tai và quần áo đều không hợp thời, khó tránh cậu chẳng gây được ấn tượng gì đặc biệt với ai. Ngay cả bản thân Makoto cũng luôn nghĩ rằng mình bị “cho ra rìa”. Rào cản đó khiến cậu lựa chọn trốn vào thế giới của mình ở phòng mỹ thuật, dần trở nên xa cách và vô hình trong mắt mọi người. Vậy nên, mặc nhiên là cậu bé không có bạn. Ngay cả cô bé mà cậu thích, cô bé luôn đối xử tử tế và khen tranh cậu vẽ, Makoto cũng không có dũng khí nói ra, hay mạnh dạn ngăn cản cô làm những chuyện sai trái. 

Tuy nhiên, với sự nhập xác của một linh hồn mới, Kobayashi Makoto bỗng chốc trở thành một con người hoàn toàn khác. Linh hồn khiến cậu sử dụng keo vuốt tóc để làm mới hình ảnh của mình; khiến cậu tỉnh táo, khỏe khoắn và nói chuyện dõng dạc hẳn ra. Bạn bè ban đầu nhìn cậu như sinh vật lạ, nhưng dần dần đã nói chuyện với cậu như một người bình thường. Makoto thậm chí còn tìm được một người bạn thân là Saotome; đem số tiền tiết kiệm mua một đôi giày hiệu mà cậu thích, khiến mọi người vây quanh trầm trồ khen ngợi. Đây chính là cuộc sống sinh động, vui vẻ và ý nghĩa mà Makoto-trước-đây đáng ra phải sống, là một con người mới mà những người xung quanh hay thậm chí cả Makoto chưa bao giờ tưởng tượng cậu có thể trở thành.

Tất cả những điều kỳ diệu này đã xảy ra chỉ đơn giản vì linh hồn ở trọ (nhân vật “tôi”) không xem thân xác Makoto là mình. Linh hồn chỉ nghĩ rằng đây là cái xác đi mượn để hoàn thành nhiệm vụ tu hành. Vậy nên, cuộc đời của Makoto, đối với linh hồn ấy, chẳng qua chỉ là cuộc đời của một người xa lạ. Từ vị trí khách quan của một người ngoài, “tôi” hoàn toàn được giải phóng. Dĩ nhiên là linh hồn này có lương tâm nên không dùng quyền tự do này để làm điều sai trái, nhưng cái chính là “tôi” không còn bị mắc vào những rào cản cố hữu luôn đeo đẳng, trói buộc tâm trí Makoto. Linh hồn hành xử như một học sinh lớp 9 bình thường, làm những điều mình thích, sống cuộc đời tự do tự tại. Không còn thiểu não, không còn lo lắng, không còn sợ hãi. 

Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu ta cũng nghĩ về bản thân mình như vậy? Nếu ta xem mình là một linh hồn, mượn hình hài của kiếp này để ở trọ mấy chục năm rồi lại quay về cõi vô hình, đầu thai vào một danh tính khác với một tên gọi khác, hoàn cảnh khác, tính cách khác và cuộc đời khác?

Có thể suy nghĩ này ít nhiều vẫn chưa đủ thuyết phục. Nhưng nghĩ đến nó, dù chỉ là một chút thôi, ta cũng sẽ thấy mình thật tự do và thanh thản. Không phải tự do là để tự tung tự tác, mà là tự do để can đảm sống đúng với bản thân mình, để trở thành phiên bản tốt nhất của mình.

Cốt truyện nhẹ nhàng, tinh tế nhưng đáng suy ngẫm

“Colorful” là một cuốn truyện giản dị, đúng tinh thần light novel (tiểu thuyết nhẹ nhàng) của Nhật Bản. 

Giống như đã trình bày ở phần giới thiệu trên bìa, quyển sách chỉ “men theo những bất thường mà ai cũng gặp phải trong cuộc sống”. Truyện có yếu tố huyền ảo và bao gồm phần nào đó của thuyết luân hồi, nhưng không hề mang nặng triết lý khô khan; cũng không có quá nhiều thuật ngữ, những âm mưu phức tạp hay những cuộc rượt đuổi nghẹt thở. Mạch truyện êm ả như một dòng suối. Vì vậy, thông điệp của quyển tiểu thuyết khá phù hợp và có thể được tiếp thu bởi phần lớn thanh thiếu niên. 

Tuy nhiên, ngay cả trong sự đơn giản đó, người ta vẫn có thể tìm được những thông điệp nhân văn sâu sắc. 

Phần lớn người ta thường có cái nhìn chủ quan về những khó khăn của bản thân. Con người có xu hướng xem việc của mình lúc nào cũng là nghiêm trọng nhất, to lớn nhất, là không thể vượt qua nổi. Tuy nhiên, khi chứng kiến sự việc tương tự xảy ra với người khác, ta lại trở nên vô cùng sáng suốt. Ta luôn đánh giá đúng bản chất vấn đề trên cương vị của một người ngoài. 

Vậy nên, để giải phóng con người khỏi cái nhìn không đúng mực ấy, Colorful đã “trình chiếu một giải pháp khác thường”: khuyên người ta hãy nhìn nhận những vấn đề của chính mình với con mắt của người ngoài cuộc. Bằng cách đó, những khó khăn mà ta vẫn cho rằng rất vĩ đại bỗng dưng trở nên bình thường hơn rất nhiều. 

Và như vậy, ta được giải thoát khỏi những thiên kiến sai lệch, xiềng xích và những rào cản trói buộc, để đối mặt với những mảng màu u ám, để không vứt bỏ nó, mà can đảm vẽ tiếp những tông màu tươi sáng lên bức tranh cuộc đời mình.