Trong tiến trình lịch sử văn học, luôn diễn ra quá trình nối tiếp, kế thừa và phát triển những thành tựu giữa các nền văn học, các giai đoạn, các trào lưu văn học với nhau. Thậm chí kế thừa, tiếp nối và cách tân đó còn thể hiện ở từng tác giả trong cùng một trào lưu hay một dòng văn học. Có thể khẳng định rằng quy luật của kế thừa và cách tân là quy luật sinh thành và phát triển của bất cứ nền văn học nào.
Trong quá trình phát triển, văn học trung đại Việt Nam chịu sự chi phối rất đậm nét của văn học dân gian. Văn học dân gian là cội nguồn gần gũi trực tiếp nhất ảnh hưởng đến văn học trung đại. Chính văn học dân gian đã trở thành nguồn mạch mát lành nuôi dưỡng cho nền văn học viết Việt Nam ngày càng khởi sắc. Văn học dân gian và văn học trung đại tuy là hai bộ phận văn học có phương thức sáng tác khác nhau nhưng lại có quan hệ gắn bó rất mật thiết. Giới nghiên cứu văn học khi tìm hiểu về mối quan hệ này tuy có nhiều ý kiến bàn cãi nhưng họ đều thừa nhận giữa văn học dân gian và văn học trung đại có ảnh hưởng qua lại. Các giáo trình, chuyên luận như “Giáo trình văn học dân gian Việt Nam” của Giáo sư Đinh Gia Khánh (chủ biên), chuyên luận “Tìm hiểu tiến trình văn học dân gian Việt Nam” của Cao Huy Đỉnh,… viết về mối quan hệ này rất rõ ràng, cụ thể. Ngoài các giáo trình, chuyên luận trên thì còn có khoảng gần 30 bài nghiên cứu đăng tải trên các tạp chí văn sử địa, tạp chí nghiên cứu văn học từ trước Cách mạng tháng Tám đến nay đều tập trung vào vấn đề này. Với một số lượng khá lớn các công trình, các bài nghiên cứu cũng chứng tỏ việc tìm hiểu mối quan hệ giữa văn học dân gian và văn học viết trung đại là một vấn đề có tầm vĩ mô của lịch sử văn học nước nhà. Trên cơ sở đó, ta có thể xem xét mối quan hệ giữa hai bộ phận văn học này từ hai góc độ khác nhau.
Từ góc độ văn học dân gian, các nhà nghiên cứu có tên tuổi như: Đinh Gia Khánh, Chu Xuân Diên, Cao Huy Đỉnh, Đỗ Bình Trị, Hoàng Tiến Tựu, Kiều Thu Hoạch, Vũ Ngọc Khánh,… đều nhất trí cho rằng trong mối quan hệ với văn học trung đại Việt Nam thì văn học dân gian đóng vai trò là ngọn nguồn, là nền tảng. Trong một bài viết của mình, nhà nghiên cứu Kiều Thu Hoạch đã từng khẳng định: “Kho tàng truyện kể dân gian có vai trò và ảnh hưởng to lớn đến sự hình thành và phát triển thể loại văn học tự sự về nhiều mặt. Có thể nói kho tàng truyện kể dân gian chính là một trong những nguồn suối trong mát đã nuôi dưỡng cho khu vườn tự sự Việt Nam mãi mãi xanh tươi” [1, 94].
Tìm hiểu tác động ngược lại của văn học trung đại đối với văn học dân gian, các nhà nghiên cứu Nguyễn Lộc, Đặng Thanh Lê, Phan Ngọc,… chỉ ra tác động của văn học trung đại đối với việc tạo nên chất liệu, nguồn cảm hứng làm cho một số hình thức biểu hiện của văn học dân gian được nâng cao lên tầm cao mới.
Quá trình vận động từ văn học dân gian đến văn học trung đại diễn ra trên ba chặng tương ứng với các giai đoạn phát triển của văn học trung đại và những đóng góp to lớn của các tác giả tiêu biểu.
Từ thế kỷ thứ XV trở về trước, sự ảnh hưởng của văn học dân gian đối với văn học trung đại chủ yếu mới chỉ là việc ghi chép truyện dân gian để hình thành thể loại tự sự đầu tiên bằng chữ Hán: “Lĩnh Nam chích quái”, “Việt điện u linh”.
Từ thế XV đến nửa đầu thế kỷ XVIII cùng với sự phát triển chữ Nôm thì sự ảnh hưởng của văn học dân gian đối với văn học trung đại bước đầu có những biểu hiện mới. Tục ngữ, ca dao được đưa vào sáng tác thơ Nôm của Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm. Nguyễn Trãi là nhà thơ đầu tiên có ý thức vận dụng tục ngữ, thành ngữ, ca dao vào trong các sáng tác thơ Nôm của mình. Chẳng hạn như câu thơ:
Ngọc vàng nào có tơ vết
Vàng thật âu chỉ lửa thêu.
là sự vận dụng ý thơ từ câu ca dao:
Thật vàng chẳng phải thau đâu
Đừng đem thử lửa mà đau lòng vàng
Không chỉ vận dụng thành công ca dao, Nguyễn Trãi còn sử dụng rất nhiều tục ngữ vào thơ, chẳng hạn:
Ở bầu thì dáng ắt nên tròn
Xấu tốt đều thì lắp khuôn
Lân cận nhà giàu no bữa cốm
Bạn bè kẻ trộm phải đau đòn
Chơi cùng đứa dại nên bầy dại
Kết với người khôn học nết khôn
Ở đằng thấp thì nên đằng thấp
Đen gần mực đỏ gần son
Bài thơ này, Nguyễn Trãi đã vận dụng sáng tạo một loạt các câu tục ngữ:
– Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài.
– Ở gần nhà giàu đau răng ăn cốm.
– Ở gần kẻ trộm ốm lưng chịu đòn.
– Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.
Nguyễn Trãi còn tiếp thu từ dân gian cách miêu tả, những hình ảnh hết sức bình dị, mộc mạc: ao rau muống, rãnh mồng tơi, bè núc nác. Ông viết:
Tả lòng thanh vị núc nác
Vun đất ải luống mồng tơi
Nhà thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm thì hay dùng lối nói ẩn dụ, lối nói hình ảnh của dân gian vào trong thơ mình làm cho câu thơ dễ hiểu, sinh động, gần với lời ăn tiếng nói của nhân dân:
– Mâm thịt mỡ bùi ruồi muỗi đến
Bát bồ hòn đắng kiến bò chi.
– Tóc đã thưa răng đã mòn
Việc nhà đã phó mặc dâu con
– Giàu ba bữa khó hai niêu
Vô sự là hơn hết mọi điều
Sự ảnh hưởng của văn học dân gian đến văn học trung đại ở chặng này chủ yếu mới là việc tiếp thu chất liệu mà chưa chú ý nhiều đến việc vận dụng các hình thức biểu hiện phù hợp.
Phải đến chặng thứ ba từ nửa sau thế kỷ XVIII đến hết thế kỷ XIX thì sự tác động của văn học dân gian đến văn học trung đại mới đạt đến đỉnh cao toàn diện, sâu sắc cả về nội dung lẫn hình thức biểu hiện. Đại thi hào Nguyễn Du đã vận dụng rất nhiều yếu tố văn học dân gian làm phong phú hơn cho sáng tác của mình. Trong những tác phẩm đầu tiên viết bằng chữ Nôm như: “Thác lời trai phường nón Tiên Điền gửi hai cô gái phường vải Trường Lưu” và “Văn tế sống hai cô gái Trường Lưu”nhà thơ đã sử dụng nhiều thành ngữ, tục ngữ của dân gian như: “chó treo mèo đậy”, “quýt làm cam chịu”, “chó cậy nhà gà cậy vườn”. Đến tác phẩm “Truyện Kiều” thì sự tiếp thu thành ngữ, tục ngữ, ca dao đã được Nguyễn Du nâng lên tầm cao mới. Ví dụ:
– Hạt mưa sá nghĩ phận hèn
Liều đêm tấc cỏ quyết đền ba xuân
– Sợ gì ong bướm giãi đằng
Đến điều sống đục sao bằng thác trong
Những câu thơ trên được Nguyễn Du vận dụng ý thơ từ các câu ca dao sau:
– Thân em như hạt mưa sa
Hạt vào đài các hạt sa ruộng lầy
– Cá buồn cá lội tung tăng
Em buồn em biết giãi đằng cùng ai
Trong “Truyện Kiều”, Nguyễn Du còn vận dụng rất tài tình linh hoạt những câu tục ngữ, thành ngữ như: “trong giá trắng ngần”, “rút dây động rừng”, “thăm ván bán thuyền”, “tiếng lành đồn xa”, “máu chảy ruột mềm”, “kiến bò miệng chén”, “kẻ cắp mà gặp bà già”(tục ngữ) ; “giết người không dao”, “ngứa ghẻ hờn ghen”, “tai vách mạch rừng”…(thành ngữ). Vốn văn học dân gian được Nguyễn Du đưa vào Truyện Kiều vô cùng phong phú và có ý nghĩa rất lớn trong việc chuyển tải nội dung tư tưởng của tác phẩm.
Đến thế kỷ XIX, nhà thơ Nguyễn Khuyến đưa vào thơ mình đề tài về thiên nhiên, cuộc sống đời thường mang đậm chất dân gian. Ông được mệnh danh là “Nhà thơ của quê hương làng cảnh Việt Nam” (Xuân Diệu) là bởi vì ông viết về những đề tài hết sức gần gũi với làng quê, với cuộc sống người dân lao động như: cảnh mùa thu rất đặc trưng cho mùa thu ở đồng bằng Bắc Bộ với ao thu, trời thu rất nên thơ:
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo
(Thu điếu)
hay:
Năm gian nhà cỏ thấp le te
Ngõ tối đêm sâu bóng lập lòe
(Thu ẩm)
Tìm hiểu về con đường vận động từ văn học dân gian đến văn học trung đại Việt Nam, chúng ta thấy được mối quan hệ gắn bó hữu cơ, có tính tất yếu khách quan của văn học dân gian và văn học trung đại. Văn học dân gian tựa như một dòng chảy trong lành, tươi mát nuôi dưỡng cho nền văn học viết và “trong quá trình tích luỹ, văn học viết tuyệt nhiên không đứng ở vị trí học trò trong quan hệ với folklore. Vay mượn folklore những phương tiện diễn tả khác nhau, văn học viết không chỉ chuyển ngay chúng vào bình diện sáng tác cá nhân mà bằng chính cách đó sáng tạo một truyền thống đích thực văn học” (N.I Niculin – Văn học Việt Nam thế kỷ X – XIX, Nauka, Matxcova, 1977).
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Kiều Thu Hoạch “Vai trò chuyện kể dân gian đối với việc hình thành thể loại tự sự trong Văn học Việt Nam”, NXBKHXH,1989
2. Lê Kinh Khiên “Một số vấn đề lý thuyết chung về mối quan hệ văn học dân gian – văn học viết”, Tạp chí văn học số 1, 1980