Khoảng hơn chục năm trở lại đây, có một hiện thực là các con không thích học Văn, nhiều bạn cho rằng nếu không phải thi thì con sẽ anti với môn Ngữ Văn. Có bạn chia sẻ “Con không thấy tác phẩm hay, mà cô giáo cứ ca ngợi hay, kì cục thật đó cô?” Một số ít em khác chia sẻ: Con có thích học Văn nhưng lại không biết học như thế nào, và làm sao để học giỏi Văn?

Từ khi bảo vệ xong Tiến sĩ Văn học Việt Nam, câu hỏi “Vì sao học sinh không thích học môn Văn?” trong tôi ngày càng lớn!!!!

Cha mẹ biết đấy, trẻ em đương đại khó khăn hơn thế hệ chúng ta và các thế hệ cha ông. Nếu một đứa trẻ của những thập niên trước, khi sinh ra, chỉ kết nối với cộng đồng là xóm, phường, xã, tỉnh, thành phố…..thì một đứa trẻ đương đại, khi sinh ra, đã kết nối với cả thế giới. Vì sao mỗi ngày của thế giới đương đại, chúng ta thấy các con stress nhiều hơn, tự kỉ nhiều hơn, chậm nói nhiều hơn, tỉ lệ trẻ tự tử cũng tăng lên mỗi ngày….? Các con cô đơn cùng cực nhiều hơn và đau khổ hơn, những vết thương tinh thần dường như khó chữa hơn?

Trên facebook của cô gái tên là MiMéo (du học sinh ở Canada) chia sẻ: “Càng ngày càng thấm thế nào là đi du học… Lạc lõng với cô đơn nó cũng không miêu tả hết được cảm xúc của mình…Nhiều lúc đang ngủ, tỉnh dậy mà ko hiểu mình đang ở thế giới nào nữa, xung quanh ko bóng người, ko gian thì quá yên tĩnh. Với mình nó cứ như kiểu tra tấn vậy.”

Anh Phan Thanh Kha, Việt Kiều ở Mỹ cũng bày tỏ: “..Việc phải trải qua cuộc sống mới nơi xứ lạ quê người, sự khác biệt về văn hóa, đặc biệt là ngôn ngữ, phải nói là hết sức khó khăn để thích nghi được…Nhiều đêm còn mộng mị mong về lại cố hương”.

Gần đây khái niệm “công dân toàn cầu” được nhắc đến nhiều, như một khao khát thường trực về sự hội nhập với thế giới toàn cầu – Một khao khát chính đáng nhưng đầy chông chênh và ẩn chứa những nguy cơ không được dự báo. Trong hành trình hội nhập, việc những người trẻ đối diện với cảm giác cô đơn, lạc loài ở thế giới xa lạ là có thật.

NGUYÊN NHÂN Ở ĐÂU?

– Phải chăng, chúng ta đang thiếu vắng những gì thuộc về dân tộc, cội nguồn và bản ngã?

– Phải chăng, chúng ta mải lo bồi đắp kiến thức, kĩ năng mà quên đi mảng ngôn ngữ và văn hóa?

 Chúng ta luôn mặc định rằng học giỏi ngoại ngữ là yêu cầu số 1, học giỏi kỹ năng và kiến thức là những yêu cầu số 2, số 3…. Điều đó không thể đúng hơn! Tuy nhiên, nhiều người giỏi giang vẫn cô đơn cùng cực trong hành trình đi tìm hạnh phúc????

SAO VẬY NHỈ?

– Điểm tựa tinh thần và tâm linh của môt công dân toàn cầu hạnh phúc là đâu? Phải chăng là ý thức khẳng định những giá trị bản ngã, khẳng định niềm tin về bản thân, về dân tộc và đất nước mình trước khi chạm tay vào những giá trị khác của nhân loại? Trở thành một công dân toàn cầu không phải là chuyện ngày một ngày hai mà là một quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, lâu dài. Việc học tiếng Anh là vô cùng cần thiết, song học tiếng Việt và bồi đắp văn hóa Việt có thực sự cần không và có thực sự giúp ích cho các con không?

Người phụ nữ bản lĩnh, tự tin, hạnh phúc và thành đạt ở Mỹ; người phụ nữ mà rất nhiều người trong chúng ta ngưỡng mộ – Lê Duy Loan, trong một lần nói chuyện, đã mở đầu rằng “Mẹ ơi, con là người Việt Nam, con da vàng với dòng máu hiện ngang”;“Tôi làm chuyện gì, cũng nghĩ về đất nước mình sinh ra; ngoài ra, tôi làm chuyện gì, họ cũng nhìn vào đó để phán xét”. Bà hiểu rất rõ những vấn đề tạo nên sức mạnh nội tại của mình, và dù ở Mỹ, bà luôn dạy con tiếng Việt và văn hóa Việt Nam.

BỞI VÌ:

Đối với người gốc Việt, tiếng Việt và văn hóa Việt luôn là gốc rễ, là nền tảng để con người có điểm tựa, có nơi để thuộc về, tránh rơi vào cô đơn, lạc lõng, rơi vào cảm giác mình không thuộc về nơi nào. Trong thế giới hiện đại, đó là cảm thức khá đau đớn của con người, được thể hiện trong văn học rất rõ.

 Văn hóa Việt gắn với sức mạnh nội tại, với bản sắc riêng. Điều đó tạo nên giá trị riêng khi chúng ta ra nước ngoài, làm nên chỗ đứng của ta trong thế giới phẳng toàn cầu hóa. Người Việt hay bất cứ người nước nào – khi không hiểu về chính mình thì khó có thể được thế giới công nhận. Sự thật là người Việt tha hương luôn trăn trở về cội nguồn, về tuổi thơ, về nơi mình sinh ra, về những điều tạo nên bản thể mình, và khi không thấu hiểu được, không giải thích được thì họ cảm thấy lạc lõng, cảm giác mình không thuộc về nơi nào cũng có thể làm ta quỵ ngã. Con người, trong sâu thẳm, luôn có ý thức tìm về cội nguồn như một điểm tựa tâm linh.

 Ngôn ngữ, đó không chỉ là ký hiệu là tiếng nói, mà còn là tư duy và tâm hồn, là văn hóa, là công cụ sẻ chia và kết nối. Chúng tôi quan niệm tiếng nói có linh hồn của nó mới là tiếng nói có sức mạnh. Vì vậy, học tiếng Việt cũng là tắm mình trong đời sống, trong văn hóa, trong ký ức lịch sử để lớn hơn, trưởng thành hơn, bản lĩnh hơn.

Cá nhân tôi luôn tâm niệm và cho rằng, học ngôn ngữ và văn hóa (thông qua môn Ngữ Văn) là cách để trang bị tốt nhất những kiến thức nền tảng cho mỗi học sinh Việt tự tin hơn, có nhiều cơ hội hơn để trở thành công dân toàn cầu.

Từ năm 2013, tôi và TS Diêu Lan Phương đã ấp ủ những dự án về ngôn ngữ cho người nước ngoài. Và, sâu xa hơn, ngôn ngữ và văn hóa cho chính trẻ em người Việt. Chúng tôi cho rằng, chính sự am hiểu ngôn ngữ và văn hóa dân tộc mình là cách tốt nhất để giảm thiểu nhiều nhất cảm giác cô đơn, lạc loài và “thiếu vắng quê hương” khi hội nhập với bạn bè thế giới.

Học Văn nói riêng và học ngôn ngữ Tiếng Việt nói chung, không chỉ có ý nghĩa đơn thuần là công cụ để giao tiếp, là phương tiện để hòa nhập cộng đồng, để làm việc mà còn là cơ hội để tìm hiểu về đất nước, con người, lịch sử và văn hóa của cha ông. Chúng tôi mong muốn trang bị cho các con những hiểu biết đầy đủ về ngôn ngữ, lịch sử, văn hóa Việt Nam, giúp các con có cơ sở để hiểu về chính mình và về sự khác biệt, có thể hội nhập với thế giới một cách dễ dàng và sống hạnh phúc.

VÌ NHỮNG ĐỨA TRẺ HẠNH PHÚC!

Theo TS. Hoàng Mai