I. Con người cá nhân công danh, hưởng lạc ngoài khuôn khổ Nho giáo trong thơ văn Nguyễn Công Trứ (1778 – 1858) và Cao Bá Quát (1809 – 1854)
1. Nguyễn Công Trứ là trí thức thành danh vào thời nhà Nguyễn bởi tân triều là thời vận thi thố tài năng của ông. Là nhà nho, Nguyễn Công Trứ biết rõ vị trí và con đường tiến thân của mình (Luận về kẻ sĩ), ý thức rõ sứ mệnh làm trai trong xã hội phong kiến (Vũ trụ chi gian giai phận sự – Nợ công danh,…). Nhưng ông đã không còn ý thức khắc kỷ phục lễ, an bần, lạc đạo, trên kính dưới nhường, nói năng thận trọng, nghiêm túc, mà coi xã hội như một môi trường để mình thi thố tài năng, tự khẳng định mình. Ông ngâm đi ngâm lại câu “Nhân sinh quý thích chí”, nghĩa là đời người quý ở chỗ sống phù hợp với ý muốn, lý tưởng của mình. Chí của ông là muốn lập công để thành danh rồi được nhàn hạ, phú quý. Có thể nói ông có bao nhiêu chí – chí lập công danh, thi thố tài năng cá nhân và chí hưởng thụ thú phong lưu tao nhã.
Cần lưu ý là dưới những danh từ truyền thống như chí, công danh, phận sự,… Nguyễn Công Trứ đã lồng vào đó những nội dung của ý thức cá nhân, ngược với thánh hiền. Khổng Tử nói : “Kẻ sĩ chí ở đạo, nếu xấu hổ về nỗi áo xấu cơm thô thì không thể cùng bàn bạc về đạo” (Lý nhân). Khổng Tử lại nói : “Người quân tử làm việc đời, không có gì là thích hay không thích, hợp với nghĩa thì làm”(Lý nhân). Nguyễn Công Trứ đề cao hai chữ thích chí, và chí của ông là chí được thi thố tài năng cá nhân, “Làm nên đấng anh hùng đâu đấy tỏ”, lấy việc nghèo khổ làm điều xấu xa, nhục nhã (Hàn nho phong vị phú). Khổng Tử đối lập quân tử và tiểu nhân ở chỗ người quân tử chỉ chăm lo đạo đức cao thượng còn tiểu nhân chỉ chăm lo ăn sung mặc sướng. Nguyễn Công Trứ coi trọng cả hai : “Thú vui thú ném ngang vành tráng sĩ”, “Càng tài tử càng nhiều tình ái”,… Khổng Tử chủ trương sống khổ hạnh, xử thế nghiêm trang. Nguyễn Công Trứ xem đời là một cuộc chơi : “Đem ngàn vàng mua lấy tiếng cười – Phong lưu cho bõ kiếp người”. Có thể nói, dưới hình thức ngôn ngữ nhà nho, Nguyễn Công Trứ đã diễn đạt một ý thức cá nhân mới – thích chí, hành lạc.
Trong bài Chí khí anh hùng, cái nổi lên hàng đầu là một vũ trụ dọc ngang, ngang dọc, tự do, không quân thần, cương thường, đối diện với trang nam nhi hùng tâm tráng chí. Hầu như ngoài cái ta của nhà thơ và vũ trụ ra không còn có gì khác nữa. Những nợ tang bồng, chí nam nhi, khát vọng như cánh buồm giữa trận cuồng phong, xẻ núi lấp sông,… không còn mang ý vị của câu thơ Phạm Ngũ Lão (1255 – 1320) : “Nam nhi vị liễu công danh trái – Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu” (Thuật hoài), mà chỉ là ý vị cá nhân : lập công danh cho mình, tự khẳng định mình trong vận hội chung – “Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể”. Đây quả là một tư tưởng mới mẻ của con người thời đại.
Công danh là một phạm trù lưỡng tính, vừa mang nội dung quốc gia xã hội, vừa mang nội dung cá nhân. Từ xưa đã nhiều trang anh hùng hào kiệt sát thân để thành danh. Lưu danh là in dấu của mình vào lịch sử, vào nơi bất tử : “Nhân sinh thế thượng thuỳ vô tử – Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh” (Người ở trên đời ai là không chết – Để lại tấm lòng son soi vào sách sử – Chí nam nhi). Lưu danh là hình thức tự khẳng định cao nhất của cá nhân, trước hết là cá nhân lỗi lạc. Nguyễn Công Trứ đã ý thức rõ rệt : “Đã mang tiếng ở trong trời đất – Phải có danh gì với núi sông”, “Không công danh thì nát với cỏ cây”. Ông còn nói thích công danh cũng là đặc tính của con người, hoạ may chỉ có hoá công mới không có ý thức công danh. Nguyễn Du trước đó cũng đã nói “Công danh ai dứt lối này cho qua…“.
Chí công danh có thể tầm thường, mà có thể không tầm thường. “Danh bất phù thực” là tầm thường, đốt đền để thành danh là tầm thường, nhưng lập nên công nghiệp là cái danh cao cả, chính đáng. Nguyễn Công Trứ muốn nên danh trong sự nghiệp dân giàu, nước yên nên ông hăng hái theo đuổi, không trốn tránh, ẩn dật.
Nhưng điều thú vị là Nguyễn Công Trứ không chỉ có chí công danh. Hẳn ông biết rõ công danh là đường vinh nhục. Nguyễn Trãi xưa đã nói : “Dưới công danh đeo khổ nhục”. Đó là điều không ai tránh khỏi. Nguyễn Công Trứ cũng nói : “Làm tài trai chỉ sợ áng công danh”. Nhưng ông xem vinh nhục là sự thường : “Cái vinh nhục, nhục vinh là đắp đổi”. Và xử thế ở đời như một cuộc chơi. Do vậy ngoài công danh, ông chủ trương hưởng lạc. Nếu công danh là cái tự khẳng định bằng “hướng ngoại”, thì hưởng lạc là sự khẳng định bản thể của cá nhân. Nếu công danh là cách tự khẳng định cá nhân trong bất hủ với vô hạn thời gian thì hưởng lạc là việc tự khẳng định mình trong thời gian hữu hạn của đời người. Nguyễn Công Trứ khi nói đến đời người không dùng cụm từ “trăm năm” như mọi người mà nói “ba vạn sáu nghìn ngày” là rất thâm thuý : Sự hưởng lạc phải tính từng ngày, “lúc thái bình hà nhật bất xuân phong”. ý này trong bài Trong trần mấy mặt làng chơi càng thấy rõ :
Trăm năm trong cõi người ta,
Xóc sổ tính ngày chơi đà được mấy.
Muốn thực hiện chí công danh thì phải đợi thời, sớm muộn tuỳ số phận, còn hưởng lạc thì tuỳ mình :
Cuộc hành lạc chơi bao là lãi bấy,
Nếu không chơi thiệt ấy ai bù.
Hơn nữa, muốn công danh thì phải “vào lồng” (Bài ca ngất ngưởng), còn hưởng lạc thì tự do tự tại : “Chen chúc lợi danh đà chán ngắt / Cúc tùng phong nguyệt mới vui sao”.
Hưởng lạc là phạm vi thể hiện tài tình : cầm, kỳ, thi, tửu, tùng, cúc, phong, nguyệt,…
Để tự khẳng định nguyên tắc “quý thích chí” của mình, Nguyễn Công Trứ cũng đứng trên lẽ được mất, khen chê, bất cần đàm luận :
Được mất dương dương người thái thượng,
Khen chê phơi phới ngọn đông phong.
Cái cách về làng cưỡi trên lưng bò vàng, cổ đeo lục lạc, sau lưng theo một đôi cô gái trẻ là hành động chướng tai gai mắt đối với thói tục, là một sự thách thức, buộc người đời phải thừa nhận cái “ngất ngưởng” của cá nhân. Cái ý nghĩa đời người của cá nhân, chỉ có cá nhân biết :
– Thú yên hà trời đất để riêng ta,
Nào ai ai biết chăng là.
– Trần ai ai dễ biết ai
– Trần ai ai có kém ai
– Thú sao dễ mấy ai hay
Nếu so chữ “ai” Nguyễn Du hay dùng trong Truyện Kiều thì Nguyễn Công Trứ nói đến “ai” để khẳng định mình là một cá nhân hơn người, hết sức riêng tư, không được và không cần người đời biết, không khớp với khuôn thước có sẵn.
Tóm lại, với Nguyễn Công Trứ, ý thức cá nhân được khẳng định với ba phạm trù : công danh, hưởng lạc và cái ta hơn người, cái ta riêng tư, tự hào, tự cho là đủ, tự trào. Chúng tạo cho con người một sự hài hoà, tự tin, phong lưu, tự do, đứng trên mọi được mất, khen chê. Đó là bước phát triển cao nhất của ý thức cá nhân mang nội dung phong phú, hài hoà trong văn học Việt Nam.
2. Cao Bá Quát lớn lên vào thời nhà Nguyễn phục hưng Hán học. Khác với Nguyễn Công Trứ chủ yếu sáng tác bằng quốc âm, Cao Bá Quát lại chủ yếu sáng tác bằng chữ Hán. Có tài liệu cho biết ông sáng tác 1353 bài thơ và 21 bài văn chữ Hán([2]). Thơ phú Nôm của Cao Bá Quát chủ yếu là hát nói (nhiều bài chép lẫn lộn với thơ của Dương Khuê), ít câu đối ghi trong các giai thoại (có người nghi ngờ là của người khác gán cho ông). Song nhiều sách vẫn ghi là của họ Cao, bởi có nhiều điểm cũng nhất trí với thơ chữ Hán của ông([3]).
Nhìn chung thơ Cao Bá Quát thể hiện con người của ông, một cá nhân mạnh mẽ, ngang tàng, sống ngoài thói tục. Ông tài cao nhưng chí không ở công danh, dám làm điều cấm kỵ. Khác với Nguyễn Công Trứ, ông thấy mình lạc lõng. Ông không thấy “trời đất dọc ngang ngang dọc” mà thấy “Bãi cát, bãi cát dài – Một bước lại giật lùi… Đường phẳng mờ mịt – Đường hiểm vô cùng” (Bài ca ngắn đi trên bãi cát). Ông thấy đời vô vị : “Sống kiếp gân gà, đời lạt lẽo”, “Bước tới trường danh chẳng cúi đầu”. Ông xuất hiện như một con người không chịu vào khuôn phép và trở thành một con người bi kịch dưới chế độ chuyên chế. Ông tự ví mình với những người sống tự do như Trang Tử, Tô Tử, Khuất Nguyên, v.v. Ông khao khát được “Chắp thêm đôi cánh – Bay lên tận tầng mây tía” để “thoát khỏi lưới trần”. Được đi hiệu lực ở nước ngoài, ông tự thấy : “Vũ trụ bao la, chuyện văn chương trước đây thực là trò con trẻ”, và khi về quê ông nuôi chí giải thoát, bỏ không theo dấu xưa vết cũ. Trong bài Nhàn vịnh, ông viết :
Được cái hơn người : tính khí thô,
Mưu sinh trăm kế chẳng ra trò.
Vạch thuyền tìm kiếm cho thêm mệt,
Đợi thỏ ôm cây cũng thật khờ.
Bởi ngán phong trần ưa đạm bạc,
Há ham danh lợi chịu ngây ngô.
Bạn bè có hỏi đường bay nhảy,
Cười trỏ tầng xanh mây lửng lơ.
Từ khao khát tháo cũi sổ lồng, bay lên trời cao đến hành động nổi dậy ở Mỹ Lương chắc là không xa. Thơ chữ Hán Cao Bá Quát thể hiện một con người tài cao, chí lớn, thâm trầm, đôn hậu, không màng danh lợi, hưởng lạc. Ông tự khẳng định mình cũng kín đáo, không lộ liễu như các giai thoại cho biết về ông. Đối với các bậc anh hùng hào kiệt, các bậc danh nho, ông đều một lòng ngưỡng vọng.
Thơ phú Nôm Cao Bá Quát lại thể hiện một mặt khác của con người Cao Bá Quát. Tài tử đa cùng phú vừa tự khẳng định mình, đề cao mình sánh với các bậc danh nho, danh tướng trong lịch sử, vừa cảm thấy đời chật chội : “trần ai không đếch chỗ”, tầm thường : “mũ cánh chuồn đội trên mái tóc, nghiêng mình đứng chực chốn hầu môn”, cùng khổ : “quyết ném cùng thần ra đến đất Côn Lôn, để ta gánh vác giang sơn, quyết ném thanh khâm sang cẩm tú”, vừa muốn hưởng lạc thú. Ông muốn hưởng phú quý nhưng không muốn lập công danh trong khuôn khổ như Nguyễn Công Trứ, mà muốn xoay lại cơn khí số.
Trong thơ ca trù, Cao Bá Quát khi thì tỏ chí chán đời, khinh đời, muốn quên hết mọi sự đời để đạt đến cõi tự do tinh thần, được giải thoát khỏi mọi ràng buộc của xã hội, hoà nhập với thiên nhiên :
Bóng thiều quang thấp thoáng dưới Nam Sơn,
Ngoảnh mặt lại cửu hoàn coi cũng nhỏ.
Khoảng trời đất cổ kim, kim cổ,
Mảnh hình hài không có, có không,
Lọ là thiên tứ vạn chung.
Có lúc ông lại tự an ủi với chữ mệnh, chữ thì để được thanh thản :
Ngất ngưởng thay con tạo khéo cơ cầu,
Muốn đại thụ hãy ghìm cho lúng túng…
Hẵng bền lòng chớ chút oán vưu,
Thời chí hỹ, ngư long biến hoá.
Thôi đã biết cùng thông là mệnh cả,
Cũng đừng đem hình dịch lại cầu chi,
Hơn nhau cũng một chữ thì.
Rút cục lại, ý thức cá nhân thể hiện trong một thái độ khinh đời, bất cần đời, dùng thái độ ấy để tự khẳng định mình đứng ngoài ràng buộc.
II. Con người cá nhân giải thoát bằng hưởng lạc trong thơ ca trù cuối thế kỷ XIX
Từ Nguyễn Công Trứ trở đi hình thành một dòng thơ ca trù thể hiện lý tưởng hưởng lạc với các tác giả như Dương Lâm (1851 – 1920), Dương Khuê (1839 – 1902), Nguyễn Đức Như, Trần Lê Kỷ,… và một loạt bài khuyết danh khác. Do lý tưởng mất sức kêu gọi, do chế độ hà khắc, con người buộc phải tìm cho mình một cách giải thoát để lấy lại sự cân bằng cho cuộc đời. Đây là những nhà nho không còn ý thức “hữu trách” với thiên hạ, không còn tinh thần “ưu hoạn” cho đời, không còn chí với đạo, chỉ còn biết thoả mãn với thú vui hình hài, trăng gió. Hay nói cách khác, lý tưởng nhà nho đối với họ đã hoàn toàn mất ý nghĩa, không đáng để hy sinh cả cuộc đời. Trần Lê Kỷ tính lại cuộc đời người thấy cái phần dành cho cá nhân rất ít :
Từ lên một đến mười lăm còn trẻ nít,
Bốn mươi năm cút kít đã về già.
Tính trong vòng cắn đá với trăng hoa,
Già cho lắm ba mươi năm là sắp kiệt.
Thế mà còn đi học đi hiệc, đi thi đi thiếc,
khi đỗ khi điệc, làm quan làm kiếc.
Việc đời vấn vít biết bao ngơi,
Trời đã sinh ra kiếp làm người,
Chả chơi nữa người cười ra chú vích.
(Chơi cho thích)
Từ “nợ tang bồng” của kẻ nam nhi truyền thống, Dương Khuê hát khúc “nợ phong lưu”, tức là nợ ăn chơi :
Kho trời chung tiêu phí thấm vào đâu,
Chơi là lãi dẫu chưa giàu nhưng chẳng kiết.
Trả trả vay vay lâu cũng hết,
Co co cảm cảm chắc hơn ai.
(Nợ phong lưu)
“Nợ chơi” không chỉ phải trả bằng ngâm vịnh, thưởng ngoạn các thú thanh tao, mà chủ yếu trả bằng đam mê sắc dục : “… cho phờ râu, cho chớn mắt, cho long dải rút, cho bục dây lưng. Còn tham tiếc lăn lưng vào cuộc dại…” (Cái dại). Đây thực chất vẫn là cái cá nhân bản năng tính dục được che đậy bằng cách kết hợp với các thứ thú vui thanh nhã. Đời nhà Đường, trong giới tài tử văn nhân lưu hành một thứ tiền đồng, một mặt có bốn chữ “phong, hoa, tuyết, nguyệt”, mặt kia đúc bốn hình tả tư thế giao hợp nam nữ. Quan niệm phong lưu – âm dương- tính dục này đã có từ xưa, nhưng bây giờ trở thành một hiện tượng công khai trước ý thức xã hội. Sự đề cao một chiều ý thức này đã làm phai nhạt ý thức xã hội, thậm chí quay lưng với cuộc sống. Đó là một bước lệch của ý thức cá nhân.
III. Con người nhà nho bất lực trước thời cuộc trong thơ Nguyễn Quang Bích (1832 – 1890)
Nhưng bên cạnh tầng lớp trí thức nhà nho quan lại quay lưng lại với thực trạng đất nước, tìm thú vui trong “phong, hoa, tuyết, nguyệt”, một tầng lớp nhà nho khác đứng về phía Tổ quốc, nhân dân, ôm ấp lý tưởng giúp dân cứu nước. Đó là Nguyễn Đình Chiểu (1822 – 1888), Nguyễn Xuân Ôn ( ? – 1889), Nguyễn Quang Bích,…
Đặc điểm của tầng lớp nho sĩ này là vẫn giữ nguyên nhân cách nhà nho, coi mình có trách nhiệm trước thời cuộc với ý thức ưu hoạn, xót xa với tình cảnh nước nhà bị ngoại xâm. Những nhà nho này ca ngợi các anh hùng cứu nước, lên án những người vô cảm trước thời cuộc, hoài niệm lịch sử anh hùng, nhưng ý thức về sự bất lực ngày càng nổi bật, tạo thành nỗi buồn bi phẫn sâu đậm. Chính sự bất lực làm cho ý thức cá nhân thêm sắc nét.
Nhà thơ Nguyễn Xuân Ôn trong bài Cảm thuật viết :
áo mũ trăm quan vẻ đẹp thay,
Ngày cùng lang sói sống chung bầy.
Non sông nước cũ tằm ăn lấn,
Cửa ngõ nhà ai cú lượn bay.
Sợ nóng Ngô ngưu trăng tưởng nắng,
Nhớ nhà Hồ mã gió gào hơi.
ấy loài súc vật còn như thế,
Yến tước trên lầu chết chẳng hay.
(Lê Thước dịch)
Nguyễn Khuyến, Tú Xương cũng có những bài tương tự như vậy, nhưng họ xa rời phong trào Cần vương chống thực dân Pháp.
Nguyễn Quang Bích là nhà nho, vị tướng Cần vương mang trọn lý tưởng sống thanh cao, cao thượng của nhà nho, nhưng ông cảm nhận sự bất lực của chính mình. Một mặt ông thấy các lý tưởng làm người quân tử không còn thực hiện được. Ông muốn về ẩn, giữ mình mà không nỡ. Ông cũng nói chỉ vì trách nhiệm mà chưa nỡ chết : “Thân chưa nỡ thác, nặng nhiều lo”. Mặt khác, nhìn về phía trước, ông thấy tương lai vô vọng : “Trời chẳng chiều người”. ý thức cá nhân càng được khẳng định khi ông cảm thấy đời người ngắn ngủi, bất lực trước thực trạng nghèo khổ, xơ xác, tiêu điều (thiếu gạo, muối, thiếu rượu,…), không còn kế sách để ứng phó với thời cuộc([4]):
Cất chén chán chường bàn việc cũ,
Đời người hổ thẹn bạc đầu râu.
Nằm đây cơm bữa không mưu lạ,
Ngắm mãi gươm thần chiếu Đẩu Ngưu.
(Dời chỗ đến ở Thượng Bằng La, châu Văn Chấn)
IV. Con người cá nhân trống rỗng, mất ý nghĩa trong thơ văn Nguyễn Khuyến (1835 – 1909)
Trước khi lui về ở ẩn, từ khi chưa đỗ đạt cho đến thời làm quan, Nguyễn Khuyến cũng nuôi chí lập công danh như mọi nhà nho. Nhưng dần dần, cho đến khi lui về ở ẩn, ông đã thay đổi hẳn cái nhìn về con người và cuộc đời.
Trước hết ông thấy con người nhà nho được vũ trang bởi các kiến thức Ngũ kinh và quan tước đều trở nên vô nghĩa trước hoạ ngoại xâm :
Sách vở ích gì cho buổi ấy,
áo xiêm nghĩ lại thẹn thân già.
(Ngày xuân dặn các con)
Tất cả các ngẫu tượng thiêng liêng như ông Trời, bà Nữ Oa, ông sư đều trở nên tầm thường, không còn hào quang bí ẩn. Ông quan, bà quan, dưới mắt ông trở thành những con người như không có hồn :
Bà quan tênh nghếch xem bơi trải,
Thằng bé lom khom nghé hát chèo.
(Hội Tây)
Quan chỉ là đồ vật để trưng bày vui mắt :
Xứ tôi xoàng xĩnh không gì khéo,
Tượng gỗ cân đai tạm góp phần.
(Đấu xảo ký văn)
Những người chết được ông làm câu đối, làm thơ phúng viếng hoàn toàn không có công trạng, hành trạng gì đáng để kể :
– Khi ông sống, ông đẻ anh, ông đẻ chị, ông đẻ vợ tôi, nay được sáu tuần thêm tám lẻ.
– Giờ ông chết, ông bỏ cửa, ông bỏ nhà, ông bỏ bà lão, ai ngờ một phút hoá trăm năm.
Cả Dương Khuê, cả bản thân ông, khi nhìn lại hầu như là người vô hành trạng. Ông tiến sĩ cũng vô nghĩa :
Ghế chéo lọng xanh ngồi bảnh choẹ,
Tưởng rằng đồ thật hoá đồ chơi.
(Tiến sĩ giấy – II)
Danh ngôn nhà nho trở thành câu đùa : Nhà hướng Bắc, nền cao cửa rộng, chưa ai rét mình đã rét, chưa ai bức thì mình đã bức, mới gọi là “tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu”.
Nhìn lại mình, con người mờ mịt như không còn bộ mặt :
– Trăm chén hình tặng ảnh,
Nghìn năm ta là ai ?
(Đề ảnh)
– Một giấc hoàng lương thôi cũng mộng,
Nghìn năm bay hạc, tớ là ai ?
(Bài muộn – II)
ý thức về sự bất lực, sự vô nghĩa của cá nhân trong thời cuộc cũng là ý thức về cá nhân. ý thức cá nhân của Nguyễn Khuyến góp phần đánh dấu sự chấm dứt vai trò của mô hình nhân cách truyền thống([5]).
V. Nụ cười giải thoát cá nhân và tự khẳng định trong thơ Tú Xương (1870 – 1907)
Mất năm 1907, Tú Xương thuộc vào số nhà thơ cuối thế kỷ XIX. Sống giữa buổi giao thời đầy nhố nhăng, giá trị đảo lộn, nhà thơ đã đem tiếng cười chế nhạo mọi hiện tượng chướng tai gai mắt đương thời. Ông xứng đáng được gọi là nhà thơ trào phúng lớn. Song không chỉ có thế – Xuân Diệu từng đặt lại vấn đề, nhấn mạnh tính chất trữ tình trong thơ ông. Nhưng xét về phương diện ý thức cá nhân, tiếng cười Tú Xương có một ý nghĩa mới : tiếng cười giải thoát.
Cuộc đời Tú Xương lận đận về danh vọng, không tự khẳng định được mình bằng thi cử, cảm thấy thua lép chúng bạn (“Thua mãi anh em cánh Bắc Kỳ” – Buồn thi hỏng). Đã không làm được quan cho vẻ vang dòng họ và nuôi sống gia đình, lại còn thích ăn chơi : cao lâu, cô đầu, ăn diện thanh lịch, chẳng ra quan, chẳng ra dân, túng thiếu thường xuyên. Tự cảm thấy không phải với vợ và với chính mình, nhà thơ đã dùng tiếng cười tự trào để giải thoát cho mình, tự khẳng định nhân cách mình, tạo thành một thế cân bằng mới. Tú Xương đi ngược lại truyền thống thơ ngôn chí, là thơ làm ra để tự khẳng định cái chí hướng, lý tưởng của mình. ở thời Tú Xương, cái chí cũ đã mất thiêng mà cái chí mới chưa rõ. Chí hướng lại cũng không có điều kiện thực hiện, cho nên “Cứ vui tràn khi hát khi ngâm” (Bần nhi lạc).
Đặc điểm tiếng cười của Tú Xương là: 1. Không mang tính thuần tuý đạo đức, ý thức hệ, mà mang tính chất hài hước, sinh hoạt, cười vui; 2. Có tính chất khá phổ biến : vừa cười người, vừa cười mình, không tự đặt mình ra ngoài đối tượng của tiếng cười; 3. Có tính chất lưỡng tính : vừa phủ định, vừa khẳng định. Chẳng hạn bài Tự cười mình :
ở phố hàng Nâu có phỗng sành,
Mắt thời thao láo, mặt thời xanh.
Vuốt râu nịnh vợ, con bu nó,
Quắc mắt khinh đời, cái bộ anh !
Bài bạc kiệu cờ cao nhất xứ,
Rượu chè trai gái đủ tam khoanh.
Thế mà vẫn nghĩ rằng ta giỏi,
Cứ việc ăn chơi, chẳng học hành.
Rõ ràng nhà thơ tự giễu mình, vẽ ra toàn là các tật xấu của mình : nịnh vợ, khinh đời, bài bạc, ruợu chè, trai gái, không học hành. Nhưng đồng thời xét trên một ý nghĩa nào đó, đấy không phải là các tật hoàn toàn xấu cả, hoặc thậm chí không lấy gì làm xấu như nịnh vợ, khinh đời. Bài bạc, rượu chè, trai gái đã hẳn là không hay, nhưng đó là cuộc sống ngoài quyền môn, không luồn cúi, tự do.
Bài Ba cái lăng nhăng cũng là tiếng cười lưỡng tính như thế :
Một trà, một rượu, một đàn bà,
Ba cái lăng nhăng nó quấy ta.
Chừa được cái gì hay cái nấy,
Có chăng chừa rượu với chưa trà.
“Ba cái lăng nhăng”, cái “quấy” xem ra rất có hại, phải phủ định, nhưng quả thực cũng không dễ phủ định được cái nào !
Bài Hỏng khoa Canh Tý (1900), ông viết :
Có một thầy,
Dốt chẳng dốt nào,
Chữ hay chữ lỏng.
Nghiện chè, nghiện rượu, nghiện cả cao lâu ;
Hay hát, hay chơi, hay nghề xuống lõng.
Quanh năm phong vận, áo hàng Tầu, khăn nhiễu trơn,
ô lục soạn xanh ;
Ra phố nghênh ngang, quần tố nữ, bít tất tơ, giày Gia Định bóng.
Giá cứ chăm nghề đèn sách, thì mười lăm mười sáu đỗ tự bao giờ,
Chỉ vì quen lối thị thành, nên một tuổi một già, hoá ra lóng dóng.
Tú rớt bảng giữa năm Giáp Ngọ, nổi tiếng tài hoa,
Con nhà nghề bỏ đất Vị Xuyên, ăn phần cảnh nọng.
Giọng văn rõ là chế giễu, nhưng không chỉ giễu mà còn khoe, trong cái không hay vẫn có cái gì khả thủ. Đó là tiếng cười lưỡng tính, vừa phủ định, vừa khẳng định. Nhà thơ mở ra một phạm vi mới trong cuộc sống tự do cá nhân mà chỉ thật sự đáng chê khi đi quá giới hạn. Con người nhà thơ như sống trên đường biên của cái khuôn phép và phi khuôn phép. Ông dùng tiếng cười để níu cái ngoài khuôn phép, để nó không được đi quá xa. Còn lập trường đạo đức của Tú Xương rất rõ : ông yêu nước, thương người, ghét vô luân giả dối, nịnh bợ, nhưng không vì thế mà trói buộc con người cá nhân vào các khuôn thước cũ kỹ. Chính vì vậy mà thơ Tú Xương có một giọng ngông, dám nói toạc những điều mà người đời không dám nói.
* *
*
Trở lên chúng tôi đã phân tích một số biểu hiện cơ bản trong một số tác phẩm tiêu biểu của văn học Việt Nam thế kỷ XVIII – XIX. Con người cá nhân trong văn học giai đoạn này trước hết là con người cá nhân tự nhiên được ý thức qua các nhu cầu sống, hưởng thụ và sự hữu hạn, bất lực ; sau đó là cá nhân được ý thức qua mọi khác biệt và xung đột với các thiết chế, chuẩn mực xã hội, giáo lý đạo đức cổ truyền. Cái lý của con người cá nhân Việt Nam là các quyền tồn tại tự nhiên. ý thức này làm cho nhiều quy phạm xã hội tỏ ra giả dối và bị rạn vỡ. Trong lịch sử văn học Việt Nam, con người xã hội, nghĩa vụ, cá nhân tinh thần, siêu nghiệm được ý thức trước ; con người tự nhiên, bản năng được ý thức sau và đòi hỏi một không gian xã hội mới. Đó chính là một bản sắc quan trọng của văn học cổ Việt Nam và cũng là ý nghĩa hiện đại của nó.
(Trần Đình Sử, Về con người cá nhân trong văn học cổ Việt Nam,
NXB Giáo dục, 1997)
[1]
([2]) Thơ chữ Hán Cao Bá Quát, NXB Văn học, H., 1976. Các dẫn chứng thơ chữ Hán Cao Bá Quát đều lấy ở sách này.
([3]) Thơ ca trù và phú của Cao Bá Quát có :
– Văn đàn bảo giám, Mặc Lâm xuất bản, Sài Gòn, 1968.
– Tuyển tập thơ ca trù, NXB Văn học, H., 1987.
– Phú Việt Nam – cổ và kim, NXB Văn hoá, H., 1960.
([4]) Xem thêm: Trần Đình Sử, Cái buồn trong thơ Nguyễn Quang Bích trong sách Nguyễn Quang Bích – nhà yêu nước, nhà thơ, NXB Khoa học xã hội, H., 1993, tr. 236 – 246.
([5]) Xem thêm: Trần Đình Sử, Quan niệm con người trong sáng tác Nguyễn Khuyến trong sách Nguyễn Khuuyến – đời và thơ, NXB Giáo dục, 1992, tr. 129 – 140.