TÓM TẮT

Bài viết trình bày hình tượng con người nhiễu tâm trong tiểu thuyết Đèn không hắt bóng dưới góc nhìn phân tâm học do Sigmund Freud là người đặt nền móng và phát triển lý thuyết này. Trong khi tiến hành phân tâm nhân vật (khi đó ít nhiều xem nhân vật là những con người thực), những góc khuất tâm lý đã được soi chiếu dưới một ánh sáng mới. Đó là thế giới vô thức được biểu hiện trong tác phẩm qua ẩn dụ và biểu tượng (đi từ bản năng, bản ngã đến siêu ngã) để chuyển tải thực tế nội tâm. Mỗi trang viết là một sự tái hiện các ẩn ức, các ham muốn, xung năng trần trụi của con người.

QUÁ TRÌNH NGHIÊN CỨU VÀ KẾT QUẢ

Qua việc tìm hiểu thế giới nhân vật trong tiểu thuyết Đèn không hắt bóng của nhà văn Watanabe Dzunichi dưới góc nhìn phân tâm học, chúng tôi mong muốn làm rõ những biểu hiện của phân tâm học ứng dụng trên văn bản văn học, mà cụ thể ở đây là đối với hình tượng nhân vật. Đây cũng là cơ sở vững chắc giúp độc giả thực sự thâm nhập vào nội tại tác phẩm để cảm thụ những thông điệp nhân sinh cao cả mà nhà văn gửi gắm. Để thực hiện việc nghiên cứu, chúng tôi sử dụng các phương pháp sau: phương pháp thực chứng (lịch sử, ngữ nghĩa), phương pháp tiểu sử, phương pháp xã hội học, phương pháp trực giác, phương pháp ký hiệu học, phương pháp nghiên cứu liên ngành, phương pháp phân tích và tổng hợp.

Đặt vấn đề

Có thể nói, nhân vật văn học là hồn cốt của văn học nói chung và tiểu thuyết nói riêng. Bởi đó là nơi tập trung hết mọi tư tưởng, tình cảm của nhà văn cũng như giải quyết mọi mâu thuẫn, trăn trở về cuộc đời, về con người mà tác giả gửi gắm. Đặt trong hệ quy chiếu của việc phân tâm và thực tế đời sống, nhân vật văn học sẽ hiện lên một cách chân thật nhất, trần trụi nhất bởi những ngõ tối trong tâm thức dần được phơi lộ. Hơn thế, cái nhìn về con người đầy bao dung trong tác phẩm cũng là bài học tỉnh thức quý báu cho độc giả. Trong tất cả hành vi sai lạc của con người bởi chứng nhiễu tâm, đâu đó vẫn có ánh sáng của sự hy sinh và tình yêu bất diệt. Tất cả đều đáng được trân trọng.

Nội dung

1. Con người ẩn ức

Đời sống con người trải dài từ lúc sinh ra cho đến khi chết đi với rất nhiều thử thách, buộc chúng ta phải đương đầu và cố gắng vượt qua. Quá trình trưởng thành của chúng ta đồng nghĩa với việc hoàn thành tốt (hay không) các bài “kiểm tra” của Vũ trụ. Bắt nguồn từ sự phi lý của cuộc đời, xã hội hay từ chính bản thân con người ấy, sự ẩn ức hình thành nên từ những ám ảnh, dày vò mà con người dùng nó để phản ứng lại các vấn đề mà họ phải đương đầu. Nó luôn muốn hoá giải những ám ảnh đó nhưng càng đi tìm lời đáp càng bế tắc nên nó đã tìm đến các giải pháp, chủ yếu là tiêu cực. Vậy ẩn ức chính là những ức chế ẩn sâu trong tiềm thức, vô thức. Trong đó có ức chế do sự phi lý của cuộc đời, xã hội hay chính bản thân con người và ức chế tính dục.

Những ẩn ức này chủ yếu đến từ tuổi thơ, thường thì cuộc sống bình an, êm đẹp là một liều thuốc bổ tốt nhất để nuôi dưỡng một bộ óc thanh thản. Nhưng không phải ai sinh ra cũng được thượng đế ưu ái cho điều đó. Tuy nhiên, cho dù tuổi thơ của một người có hạnh phúc tột đỉnh hay đau khổ ê chề thì đó cũng là những trải nghiệm không dễ quên, ăn sâu vào tiềm thức của họ, “lén lút” tham gia vào quá trình hình thành tính cách của một con người.

Với một người có tuổi thơ hạnh phúc thì cả đời họ sẽ theo đuổi giấc mơ được quay về tuổi thơ với những ngày vô lo vô nghĩ, những trò chơi vui bất tận. Nếu cuộc sống bằng phẳng ấy vẫn tiếp diễn, những người đó thường ít có cảm xúc được thăng hoa vì họ vốn đã hài lòng với cuộc sống đầy niềm vui. Còn với một số người không được hưởng cuộc sống may mắn trong quá khứ thì lại càng có nhiều lý do để họ mong ước về một tuổi thơ đã xa đầy màu sắc thần tiên..

Với những người có tuổi thơ không được may mắn thì trải nghiệm này thường là những ham muốn được tích tụ rất nhiều lẫn vào sâu trong vô thức. Một cậu nhóc có thể đứng hàng giờ ngắm nhìn vườn hồng nhà hàng xóm và ước ao mình được một lần ngồi dưới những tán cây, được ăn thứ quả ngọt lành, ngồi vắt vẻo trên cành cây và hát bài hát mà mình yêu thích. “Khu vườn tuổi thơ” ấy xuất hiện trở đi trở lại trong mường tượng và trong những giấc mơ của cậu sau này, mãi đến khi trưởng thành, nó vẫn ở trong giấc mơ của cậu, nhưng “cải trang” thành nhiều dạng khác.

Khi con người càng trưởng thành, họ càng đặt cho mình nhiều quy tắc đạo đức hơn, cũng có lúc họ thấy quá mệt mỏi vì sự ràng buộc của những mối dây chằng chịt đó, họ tìm cách để “cởi” mình, tranh cãi, nhưng càng “cởi” thì họ lại càng vướng vào một mớ dây đạo đức khác. Trong khi, con người có quá nhiều ham muốn. Những ham muốn này bị các quy tắc đạo đức và pháp luật ngăn cản, bị dồn nén trong vô thức, cần được giải toả. Tất cả tích tụ lại thành một khối trầm tích nặng nề và một khi bị tác động, nó lập tức cựa mình, quẫy đạp buộc chủ thể vô thức ấy phải giải quyết.

Tuy nhiên, không phải những ẩn ức lúc nào cũng dễ dàng được loại bỏ. Tiểu thuyết Đèn không hắt bóng cho ta nhận thấy rằng những ẩn ức của các nhân vật là một sự khám phá ở tầng sâu vô thức, nó chính là cốt lõi của con người mà thông qua hình tượng nghệ thuật, chúng ta thấy nó mang một thứ ánh sáng khác, phong phú, đa dạng và bí ẩn. Những ẩn ức này tạo ra cú huých cho sự phát triển của con người, có thể dẫn tới những giờ phút chói sáng, nhưng chính nó, ở một chừng mực nào đó cũng có thể kéo con người chìm đắm vào bóng tối của những bế tắc, hỗn loạn và mất phương hướng. Tiểu thuyết của W.Dzunichi, cùng với nhân vật của mình, đã làm một cuộc du ngoạn mạo hiểm và kỳ thú vào cõi thẳm sâu nhất của con người, và điều chắc chắn, dù không thể bao quát toàn bộ được vấn đề con người nhưng nó đã soi sáng một phần, dù rất nhỏ, nhưng cũng quý báu để chúng ta nhận ra sự đa dạng, phức tạp của con người ngày nay. Nhân vật ẩn ức được thể hiện rõ nhất trong Đèn không hắt bóng chính là bác sĩ Naoe, qua ba dạng ẩn ức nổi bật: ẩn ức tàn phế, ẩn ức phạm tội và ẩn ức tình dục.

1.1. Ẩn ức tàn phế

Bác sĩ Naoe xuất hiện trong tiểu thuyết như một ánh hào quang rực rỡ bởi trí tuệ và tài năng đáng ngưỡng mộ của anh. Được miêu tả là một người thành công ở nửa sau ba mươi tuổi, Naoe là bác sĩ nội khoa của bệnh viện Oriental. Ở tuổi ba mươi bảy, anh được phong hàm phó giáo sư và từng giảng dạy, công tác tại trường Đại học Y và bệnh viện của trường. Sự ưu tú của Naoe không chỉ thể hiện ở học hàm, học vị với vốn kiến thức sâu rộng hay vốn kinh nghiệm dày dặn mà còn qua những cuộc phẫu thuật đạt đến “một kỹ thuật thực sự tài hoa, không ai bì kịp.”[2, 75] Ở đầu trang tiểu thuyết, W.Dzunichi đã dành một sự ưu ái đặc biệt cho nhân vật của mình thông qua việc miêu tả khả năng tuyệt vời của Naoe qua nhận xét của Noriko như sau: “Nhưng tài ba của Naoe không phải ở chỗ đường khâu nhỏ và gọn gàng, và thậm chí cũng không phải ở chỗ toàn bộ cuộc phẫu thuật được hoàn thành đúng trong vài phút: ở đây không có một động tác thừa, không bao giờ con dao mổ ấn xuống một cách ngập ngừng, không bao giờ một động tác bắt đầu lại được ngừng lại giữa chừng. Những ngón tay dài và thon của Naoe, giống như những cơ chế cực kỳ chính xác, bao giờ cũng đặt đúng phóc vào nơi cần thiết. Noriko là một nữ y tá chuyên phụ mổ, cô đã được chứng kiến không ít những phẫu thuật, nhưng chưa bao giờ cô được trông thấy một sự hoàn mỹ như vậy.” [2, 75] Một nhân vật được khắc họa hội tụ mọi tinh hoa trên đời, một tài năng chuyên môn đỉnh cao, một phong thái điềm đạm, một khí chất đầy thu hút, Naoe hiện lên như một hình mẫu nhân vật lý tưởng. Thế nhưng, dường như thuyết “tài mệnh tương đố” vốn không chừa một ai. W.Dzunichi đã rất thành công trong việc xây dựng thế giới nhân vật của mình, đặc biệt là nhân vật Naoe với những miền nội tâm đầy bí ẩn và phức tạp. Theo chân nhân vật như thể bước vào mê cung để tìm ra chân tướng sự việc, và rồi có những sự thật được phơi bày làm độc giả không khỏi giật mình kinh ngạc.

Chẳng biết những kẻ tài hoa thường phải gánh chịu sự nghiệt ngã của số phận hay chính vì sự khắc nghiệt của cuộc đời ấy đã buộc họ sớm trở nên thiên tài. Chỉ biết rằng, bác sĩ Naoe đã phải sống những ngày rất trẻ của mình trong sự trớ trêu, oan nghiệt của số phận. Trong thư viết cho Noriko, anh đã nói rất rõ về căn bệnh quái ác đã hoành hành trong cơ thể: “Anh bị ung thư xương. Tên gọi chính xác của bệnh anh là micloma. Anh biết mình có bệnh này cách đây hai năm. Hiện nay y học còn bất lực trước bệnh này, không thể cứu anh được. Thật ra thì cũng có mấy phương pháp điều trị, nhưng tất cả đều chỉ có thể giảm bớt những khổ đau của anh, chứ không thể cứu chữa anh khỏi bệnh được. Anh đã nghiên cứu bệnh này từ lâu, thế rồi vì một sự mỉa mai độc ác của số phận, chính anh đã mắc bệnh ấy. [2, 486]

Mang một nỗi ẩn ức rất lớn từ sự phi lý của cuộc đời và sự oan nghiệt của số phận, trong Naoe luôn tồn tại một sự bất lực trước bệnh tật. Dường như chính anh là người tự tạo vỏ bọc lạnh lùng cố hữu cho mình, Naoe không quan tâm đến bất kì lời phán xét hay để tâm đến sự yêu ghét của bất cứ ai đối với mình. “Một ông thầy thuốc lạnh lùng, không cảm xúc. Với các bệnh nhân cũng như y tá, Naoe ít khi nói chuyện, có chăng cũng chỉ nói về những điều cần thiết nhất; thái độ lãnh đạm của anh nhiều khi gần như thô lỗ.” [2, 74] Trở thành một kẻ đáng ghét dường như là ý muốn có chủ đích của Naoe, khi anh biết rõ hơn ai hết bản thân mình muốn gì. Naoe không muốn những mối quan hệ đời thường lấy đi thời gian còn lại vô cùng quý báu mà anh có. Đồng thời đó cũng là nỗi mặc cảm rất lớn của một người bác sĩ tài hoa lại không thể làm gì khác trước bệnh tật của chính mình. Trượt dài trong nỗi đớn đau về thể xác lẫn tinh thần, Naoe đã phải sống trong những ngày tháng thực sự kinh khủng.

Là một người có vốn kiến thức uyên bác và nỗ lực cống hiến cho y học, Naoe đến khi biết mình mắc căn bệnh ung thư quái ác ấy đã mang trong mình nỗi ẩn ức tàn phế vì không thể tiếp tục công việc tại trường đại học. Anh phải về làm việc tại bệnh viện tư Oriental trong sự thắc mắc của rất nhiều người (thậm chí có cả những kẻ hoài nghi năng lực của anh). Nhưng chỉ có Naoe là người biết rõ nhất: “Anh rời bỏ trường đại học ra đi vì hiểu rằng mình không còn đủ sức làm việc tiếp được nữa. Tốt hơn là nên nhường lớp cho lối trẻ. Ngoài ra, anh lại nhận ma túy của bệnh viện trường đại học, cho nên anh càng phải rời khỏi đó.” [2, 486-487] Lựa chọn một thái độ điềm nhiên trước sự hữu hạn của đời sống, Naoe đã nghĩ suy mọi việc rất thấu đáo. Thế nhưng, cách anh thể hiện ra bên ngoài lại khiến người khác hiểu lầm rất nhiều. Các đồng nghiệp từng cộng sự với Naoe cho rằng: “Naoe tiên sinh đã thay đổi rất nhiều.” [2, 87] Họ nghĩ anh bỏ công việc giảng dạy tại trường đại học là vì bản thân tham mê tiền bạc, không còn tận tâm cống hiến cho công việc (Naoe thường đến quán rượu ngay cả trong ca làm việc của mình),… Những đồng nghiệp tại Oriental lại cho Naoe là kẻ tự cao, ngạo mạn với nền tảng kinh nghiệm và học hàm của mình. Thế hệ hậu bối rất mong muốn học tập từ anh như Kobashi, một người thuộc làu luận án của Naoe và dành một sự ngưỡng mộ cực kỳ lớn cho anh lại nghĩ: “Thật là một con người kỳ quặc!” [2, 86]. Thậm chí Kobashi đã tự huyễn hoặc rất nhiều lý do khiến Naoe xa cách và trở nên khó gần đến thế. Những cô gái xung quanh thì cho rằng Naoe quái đản, lập dị và thô lỗ. Ngược lại, Naoe không có bất cứ lời nào phân minh, giải thích và cũng không hề ngần ngại việc bộc lộ bản chất (mà anh muốn thể hiện).

Như một mãnh hổ bị trọng thương và chui vào hang đá tự liếm láp vết thương của mình, nhân vật Naoe chính là một kẻ cô đơn đến cùng cực. Nỗi ẩn ức quá sức chịu đựng của một con người luôn ý thức rất rõ sứ mệnh của mình với cuộc đời khiến Naoe tự tạo một bức tường thành ngăn cách bản thân với thế giới. Ngoài phó giáo sư Sanda ở trường đại học thì không một ai biết bệnh tình đã hai năm nay của Naoe, anh đã chịu đựng tất cả nỗi đớn đau trong một niềm kiêu hãnh của sự câm lặng. Anh không muốn phiền lụy đến ai và cũng không mong nhận lấy bất cứ sự thương hại nào.“Anh không để cho một ai nhìn vào tâm hồn mình. Có một đường biên giới mà không ai có thể bước qua được. Đường biên giới ấy rất rõ.” [2, 185] Và lý do duy nhất chỉ có thể là vì căn bệnh quái ác ấy. Những đau đớn về thể xác lẫn tinh thần đã khiến anh không muốn hình thành nên một mối quan hệ xã hội mật thiết nào cả. Ngay cả với người phụ nữ rất mực yêu anh – Noriko, Naoe cũng vô cùng lạnh lùng và khó hiểu.

“Không ai biết rõ hơn chính bản thân anh, người thầy thuốc, bao giờ cái chết sẽ đến với anh. Cái chết không biết nghỉ ngơi. Anh không tin rằng anh sẽ hóa thân vào đức Phật, anh không tin vào sự bất tử của linh hồn.” [2, 487] Suy nghĩ ấy được hình thành nên từ nỗi ẩn ức về sự đối lập giữa quá khứ khỏe mạnh và thực tại bệnh tật của Naoe. Đấu tranh với căn bệnh trong im lặng, cô đơn đến kiệt cùng. Naoe hơn ai hết ý thức rất rõ sự hữu hạn của đời sống vật chất và không tin vào khả năng tiếp nối sự sống ở một thế giới khác. Có lẽ vì thế mà anh đã cố gắng dùng toàn bộ sức lực còn lại của mình, xem căn bệnh như một ân may để nghiên cứu về nó, mang lại một công trình giá trị cho y học. Anh đã thường xuyên chụp lại hình ảnh xương sống của mình, theo dõi diễn tiến bệnh và ghi chép lại vô cùng nghiêm cẩn. Trong thư tuyệt mệnh để lại cho Noriko, anh đã dành ra một đoạn để dặn dò cô tìm và trao lại thành quả làm việc bằng tất cả tài năng, tâm huyết và nước mắt (vì đau đớn) của mình. “Trong cái tủ chìm, ở góc bên trái có ba hộp các tông với những phim chụp X-quang và những điều ghi chép về diễn biến của bệnh. Anh nghĩ rằng đến nay chưa có một công trình nghiên cứu nào chi tiết hơn và khách quan hơn về bệnh u tủy sống. Anh xin em chuyển mấy hộp đó cho phó giáo sư Sanda ở trường đại học.”[2, 488] Cái chết đang đến gần và chắc chắn nó sẽ lấy đi hơi thở, lấy đi hình hài một vị bác sĩ đạo mạo, tài hoa. Thế nhưng, điều quý giá mà anh để lại cho đời là một cái cúi đầu đầy trân trọng của những người ở lại. Nhân vật Naoe thật sự đã để lại một ấn tượng rất sâu sắc trong tâm thức độc giả. 

1.2. Ẩn ức phạm tội

Như ta đã nói ở trên, nếu một ác quỷ tự nhận mình chính là ác quỷ thì hẳn hắn đã có một phần thiện lành (chưa được thể hiện) bên trong. Có những vòng xoay trớ trêu của cuộc đời buộc chúng ta phải làm những việc mà ta hiểu rõ nó không đúng, có những lỗi lầm ta cần phạm phải và có những quy tắc chính ta đặt ra nhưng lại là người phá vỡ nó. Thế mới thấy, mỗi một kiếp người là một tinh hoa của tạo hóa và một tòa thành kì công mà chính ta cố gắng dựng xây từng ngày trong kiếp sống này.

Ẩn ức phạm tội cũng là một dạng ẩn ức nổi bật tồn tại trong nhân vật Naoe, thể hiện rõ nhất ở hai khía cạnh: nhận thức được những hành vi vi phạm quy chuẩn đạo đức xã hội và day dứt vì những nỗi đau đã gây ra cho người yêu mình.

Ở khía cạnh đầu tiên, ẩn ức phạm tội được thể hiện rất rõ khi anh nhận thức được mình đã trở nên suy đồi, trụy lạc trong mắt người khác với những buổi triền miên trong men rượu. Naoe nghiễm nhiên đến quán rượu trong phiên trực của mình. Anh thể hiện với mọi người ở một thái độ bất cần rất rõ, không phải che giấu, ngụy biện.

“- Đấy như hôm qua: Em vừa đi trực về thì có tiếng gõ cửa của Sekiguchi. Bà ấy đến hỏi xem đêm qua có chuyện gì.

Naoe lăng lẽ lấy thuốc lá châm hút.

– Nhân thể bà ta cũng hỏi có phải anh uống rượu trong phiên trực không?

– Thế em trả lời ra sao?

– Em nói là em không biết rõ lắm, nhưng theo em thì không.

Naoe thở khói ra, môi chỉ nhích lên một chút trong một nụ cười khó nhận thấy.

– Sau đó bà ấy lại hỏi Kaoru, và hình như cô ta đã mắc bẫy bà nên phun ra hết.

– Thế đấy! – Naoe cười ngạo nghễ.” [2, 77]

Cái cười ấy làm cả Noriko phải phát cáu vì sự vô ích của việc cô cố che giấu việc làm sai phạm của Naoe trước mặt bà y tá trưởng vì lo sợ bà sẽ mách lại với vợ chồng bác sĩ trưởng. Rõ ràng, Naoe không hề bận tâm, nếu hậu quả là mất việc đi nữa, anh cũng sẽ thản nhiên đón nhận nó. Chính thái độ này lại càng khiến mọi người xung quanh thêm phần ác cảm với anh. Họ cho rằng anh vin vào tài năng của mình, ỷ lại vị trí của mình là khó lòng thay thế mà cậy quyền vi phạm quy tắc làm việc, thậm chí là đạo đức nghề nghiệp vì đã phó mặc bệnh nhân cấp cứu cho các y tá.

Naoe thường xuyên tự mình tiêm ma túy để chống chọi với những cơn đau kinh khủng, mọi loại thuốc giảm đau bấy giờ không còn tác dụng đối với anh nữa. Thế nhưng một khi đã quyết định chiến đấu với bệnh tật trong cô đơn là chấp nhận việc chẳng ai hiểu được nỗi khổ của anh. Ở bệnh viện dần dấy lên tin đồn anh lấy ma túy được cho phép sử dụng cho một vài bệnh nhân đặc biệt để thỏa mãn nhu cầu của mình. Những cơn mệt mỏi kéo đến, những triệu chứng khác lạ xuất hiện trên cơ thể của Naoe càng là cơ sở cho mọi người xung quanh nghi ngờ anh đang dần trở thành một con nghiện. Đáng nói hơn, tội danh lấy cắp ma túy của bệnh viện để dùng là khá nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến nhân cách, y đức của Naoe. Thế nhưng, cách phản ứng của Naoe với tình huống ấy cũng chỉ là bình tĩnh và dửng dưng. Điều khiến anh đắn đo nhất chỉ là sự lo lắng của Noriko dành cho mình, mà sau này anh đã bày tỏ rất rõ trong bức thư: “Anh biết em rất khổ tâm khi nghĩ rằng anh lợi dụng cương vị của mình để lấy trộm ma túy trong bệnh viện, em đừng phiền lòng nữa, không phải thế đâu. Chỉ hạn hữu khi nào trường đại học lâu quá không gửi cho anh, anh mới vay tạm của bệnh viện Oriental.” [9, 487] Kể ra thì thật là thú vị, Naoe là người thấu trải mọi chuyện, quằn quại trong đớn đau thể xác và những đổ vỡ của đời sống tinh thần. Mãi đến lúc kiệt cùng sức lực, Naoe chính là bí mật và cũng chính là chân tướng mọi bí mật.

Dạng ẩn ức phạm tội thứ hai của nhân vật Naoe chính là nỗi day dứt khôn nguôi vì không thể đem lại hạnh phúc cho người con gái một lòng yêu anh, hy sinh và thủy chung với anh. Khoảng thời gian bên nhau, Naoe vẫn giữ một thái độ lạnh lùng và khá kiệm lời với Noriko. Có thể nói, ngoài những lúc đắm say với khoái lạc xác thịt ra, anh là một mẫu hình người yêu khô khan và cục cằn nhất. Anh sẵn sàng cho Noriko tiền, nhưng cách anh làm điều đó cũng khiến cô không mấy dễ chịu. Còn lại, tình yêu (ta vẫn không biết là có hay không) của Naoe vẫn rất “nghèo” xúc cảm.

“Anh đã gây nên nhiều buồn khổ. Nhất là cho em. Anh nghĩ rằng anh chỉ đem lại cho em những nỗi đau mà thôi. Nhưng ngược lại, anh thấy rõ em nhân hậu đối với anh như thế nào. Vậy thì tại sao anh lại làm khổ em? Anh sẽ cố trả lời thật ngắn gọn: chỉ vì cái chết đang theo sát gót anh.” [2, 487] Tận sâu trong tâm khảm, anh thấu hiểu và trân trọng tình cảm của Noriko dành cho mình biết nhường nào. Thế nhưng, cái chết dường như đã buộc anh cắt đi sợi dây liên kết với tình cảm con người, đặc biệt là một cô gái xứng đáng với nhiều điều tốt đẹp hơn thế. Nếu không thể chịu đựng và bao dung, Noriko có thể sẽ từ bỏ để tìm đến một mối quan hệ khác, nâng niu, chiều chuộng và là điểm tựa vững chắc cho cô hơn. Thế nhưng, Naoe không thể đạt được ý nguyện ấy, khi mà người phụ nữ kia vẫn một lòng một dạ bên cạnh anh.

Là người chứng kiến không ít cuộc sinh ly tử biệt, Naoe hơn ai hết hiểu rõ nỗi đau của người ở lại trước một thân thể đơ cứng giã từ cõi tạm. Có lẽ vì thế mà anh không muốn tạo ra bất cứ ràng buộc nào (về mặt pháp lý lẫn tình cảm), Noriko không hề có một danh phận rõ ràng và chuyện hẹn hò của hai người cũng là trong bí mật. Thế nhưng, lý trí tỉnh táo là thế, còn thực tâm thì Naoe vẫn nhen nhóm những khao khát cháy bỏng của một con người trần thế. “Anh muốn để lại phía sau anh một kỷ niệm – những đứa con. Anh mơ ước làm sao khi đã chết đi anh vẫn còn để lại thật nhiều con. Điều này có thể tưởng chừng như ngược đời, nhưng cái chết càng đến gần thì nguyện vọng ấy càng da diết hơn. Vì chẳng bao lâu nữa anh đã phải tan biến trong hư vô… Trong thư này anh muốn xin em tha thứ cho anh, vì không có ai bị anh làm khổ như em. Và thêm một điều này nữa. Có lẽ em sẽ sinh cho anh một đứa con – than ôi, điều đó sẽ xảy ra sau khi anh chết.” [2, 488] Phải sống với những nỗi dằn vặt khôn nguôi, sự đấu tranh giữa lý trí và tình cảm, Naoe đã thấu trải mọi đắng cay, chua chát mà vòng xoay tạo hóa bệnh – tử lăn qua đời mình. Khao khát để lại cho đời giọt máu của mình (sẽ là một con người ưu tú không kém Naoe – có thể chứ), thế nhưng chính anh cũng bất lực trước điều ấy. Anh tự mình mường tượng ra cảnh một bà mẹ trẻ phải nuôi con một mình, trong nỗi nhớ, trong sự ám ảnh về một người tình đã hóa thành tro bụi. Và ngay trong niềm mơ ước nhỏ nhoi ấy vẫn tồn tại rất nhiều sự đấu tranh với chính mình. Naoe có viết: “Em hãy lấy cuốn sổ phiếu ngân hàng ở ngăn kéo bên phải bàn viết. Tiền bạc của anh không có nhiều – chỉ năm sáu triệu, nhưng dù sao… Em có thể sử dụng nó ngay cả trong trường hợp em muốn thoát khỏi đứa con.” [2, 488]

Ngay cả với mơ ước cuối đời, Naoe vẫn đặt nó trong một nỗi ẩn ức phạm tội đầy trăn trở. Liệu khát khao này có khiến Noriko hạnh phúc hay vì sự ích kỷ của anh mà phải chịu nhiều nỗi khổ hơn? Naoe đã trao quyền quyết định lại cho Noriko, bằng một tấm lòng khắc khoải và đớn đau cùng cực của một kẻ bất lực trước cái chết. Ôi, nhọc nhằn biết mấy một kiếp người!

1.3. Ẩn ức tình dục

Như đã nói ở trên, trong con người luôn có một khối ám ảnh dày vò bên trong không giải toả được, nó đến từ sự phi lý của cuộc đời, sự phi lý của bản thân con người tạo thành ức chế, ẩn ức. Một trong những ẩn ức lớn nhất, mang một xung năng rất mạnh đó là tình dục. Trong cõi tha nhân nhập nhoạng và rối ren của Đèn không hắt bóng, các nhân vật hầu như đều mang một nỗi ám ảnh về tình dục. Tuy rằng những dấu hiệu ấy không thể hiện một cách trần trụi và quyết liệt với thế giới dục vọng bản năng. Nhưng người đọc tinh ý sẽ có thể đồng hành cùng tác giả trong việc đi đến tận cùng thế giới nội tâm của nhân vật thông qua các mối tình chóng vánh, nửa vời của họ.

Nhân vật mang ẩn ức tình dục nổi bật nhất trong tiểu thuyết vẫn là Naoe. Có thể nhận định rằng đây là nhân vật có đời sống bên trong vô cùng phong phú và phức tạp. Mọi căn nguyên của những khổ đau mà Naoe thấu trải đều bắt nguồn từ căn bệnh ung thư xương và não trạng tinh anh của người mắc căn bệnh ấy. Càng nhạy cảm, càng hiểu thấu lẽ đời bao nhiêu, ta lại càng dễ rơi vào bi kịch bấy nhiêu. Và bi kịch của Naoe chính là mang một mãnh lực hút rất lớn đối với người khác giới. Từ đó, anh lại trượt dài trong những cuộc ái tình thể xác với những người phụ nữ để giải tỏa phần nào thân tâm vụn vỡ của mình.

Cho dù có cứng cỏi và lý trí đến mấy, Naoe vẫn là một con người trần thế bằng xương bằng thịt. Vì thế, khó tránh khỏi những lúc anh cảm thấy sợ hãi trong cái thế giới cô đơn mà anh cố dựng nên để một mình song hành cùng cái chết. Anh từng quỳ sụp dưới chân Mayumi mà van cô: “Đừng đi!” với “một gương mặt đờ đẫn không còn chút ý chí, một cái nhìn không có linh hồn, một thân thể rũ rượi.” [9, 329-330] Trong những cơn hoan lạc với những người phụ nữ, thứ mà Naoe mong muốn nhất có lẽ là vơi bớt nỗi cô đơn chống chọi với cơn đau tận xương tủy tìm đến anh mỗi ngày. Tình dục đối với Naoe không phải là khát khao, là mong muốn xuất phát từ tính dục bản năng của anh nữa. Tình dục như một cách đối phó, một sự lãng quên nhất thời những đớn đau mà anh phải chịu. Không có bất kỳ ngọn lửa tình yêu nào được nhen nhóm, không có sợi dây vấn vương nào sau những cuộc ái tình, không có sự thay đổi xúc cảm nào Naoe dành cho những người phụ nữ tới với anh. Tất cả đều là sự ngộ nhận tồn tại mà Naoe cần từ dục tình xác thịt.

Sự ngưỡng mộ lẫn tò mò đã khiến Mayumi tìm đến với Naoe, và ngay sau buổi tối hôm ấy, cô đã cảm nhận được phần nào tâm hồn đầy đổ vỡ của Naoe. “Xưa nay Mayumi vẫn có cảm giác là cái vẻ điềm đạm, lạnh lùng ấy che giấu một cái gì đó khác hẳn – sự cô đơn. Một sự cô đơn đắng cay, không lối thoát. Một nỗi buồn tuyệt vọng cần được thông cảm, thương xót. Đối với một người bàng quan, có thể tưởng đâu đó là sự cao ngạo. Rất có thể chính nỗi cô đơn da diết ấy đã thu hút Mayumi.” [9, 329] Chính Naoe đã dựng nên bức tường thành băng giá với mọi người xung quanh, anh vẫn giao tiếp với mọi người bằng thứ ngôn ngữ đơn thuần, nhưng chẳng ai làm được công việc giao tiếp với nội tâm của anh.

Mãi cho đến khi giã từ cõi tạm, anh mới để lại cho Noriko những lời giãi bày sau cùng:“Mấy tháng gần đây anh khao khát đi tìm phụ nữ. Nhưng không phải vì bản chất anh như vậy. Không, anh cần họ để quên lãng. Có vẻ như anh đang tự thanh minh, nhưng dù sao chỉ có họ và ma túy là có thể giúp anh đừng nghĩ đến cái chết. Chỉ với họ, anh mới cảm thấy mình thuộc về mình, còn tất cả những lúc khác anh đều là sở hữu của sự hư vô.” [9, 488] Những dòng trên được chính tay Naoe viết đã phần nào giải tỏa những thắc mắc trong lòng các nhân vật khác, trong lòng độc giả. Phơi bày trên trang viết là nỗi ẩn ức tình dục thẳm sâu trong vô thức bản thể nhân vật, nhà văn đã làm cho họ trở nên gần gũi, chân thật và sống động hơn.

* Tiểu kết: Xây dựng hình tượng nhân vật Naoe với những ẩn ức bị đè nén làm phát lộ những hành vi sai lạc của con người, W.Dzunichi không chỉ đem lại cho độc giả một cái nhìn tỉnh thức mà còn là bài học về thái độ trước bi kịch của đời sống vô thường. Những ẩn ức nảy sinh từ bệnh tật của Naoe vừa lý giải cho hình ảnh một vị bác sĩ tài hoa nhưng lập dị của anh, vừa là nguyên nhân để anh sống trọn vẹn những ngày tháng quý báu còn lại của mình. Bấy giờ, trang tiểu thuyết đang vực dậy trong ta một tinh thần biến đau thương thành hành động và hóa bi kịch thành nghị lực vượt qua mọi chông gai, thử thách của cuộc đời.

2. Con người chấn thương

Định nghĩa về con người chấn thương vẫn còn khá mơ hồ và nó được mô tả rất khác nhau, vậy thì theo định nghĩa phổ biến nhất, chấn thương mô tả một choáng ngợp về những sự kiện đột ngột hay các hiện tượng mang tính chất xâm nhập thường bị trì hoãn và tái diễn một cách không thể kiểm soát được. Con người chấn thương là những con người mang trong mình một khối tổn thương không giải toả được. Xét về phương diện nào đó, con người chấn thương cũng là một phần của con người ẩn ức.

Theo Freud, đó là những vết thương thời thơ ấu khi không được “chữa lành” bằng một sự đền bù của công lý, tự nó sẽ ẩn vào trong vô thức, tiềm thức và trở thành một chấn thương, “mưng mủ” rồi “tấy lên” hành hạ nhân vật. Khi có điều kiện nó sẽ giải toả bằng những hành vi trả thù nhưng không theo quy luật thông thường mà mang màu sắc của cinique, sadism (bạo lực, bạo dâm). Vết thương của con người có rất nhiều nguyên nhân: nguyên nhân chấn thương về thể xác do bị đánh đập, hành hạ tàn nhẫn,… nhưng đặc biệt và nghiêm trọng hơn đó là nguyên nhân về tinh thần, tình cảm như bị lăng nhục, làm nhục, hạ thấp danh dự, bị phụ tình, bị khinh bỉ, coi rẻ,…

Theo Freud, những loại nhân vật này thường có xu hướng phá hoại xã hội, huỷ diệt kẻ khác để thoả mãn dục vọng quái gở bằng những hành vi quái gở. Hơn nữa, để sinh tồn, con người không chỉ lo cho mình những nhu cầu cần thiết về tinh thần cũng như vật chất mà còn cần có hàng loạt những nhu cầu khác như nhu cầu tự vệ, nhu cầu hạnh phúc, nhu cầu khẳng định cái tôi của mình với đồng loại,… Trong cuộc đấu tranh sinh tồn ấy, tất dẫn đến sự cạnh tranh, giành giật, thôn tính lẫn nhau, kẻ này được thì kẻ kia mất… Như thế, trong sự hoạt động để sinh tồn, người luôn luôn gặp những phản động lực. Dù cho người hoạt động một mình hay hoạt động chung với nhiều người khác, bao giờ người cũng gặp những trở lực hay những địch thủ chống lại mình. Điều này đúng cho đến nỗi người ta có thể lấy sự tranh đấu làm đặc điểm cho sự sinh tồn. “Sống, tức là tranh đấu”[1]. Đó là một sự thật có một giá trị tuyệt đối muôn đời. Trả thù là một trong những biểu hiện cao nhất của bản năng tranh đấu. Do vậy, trả thù đã trở thành một bản năng tất yếu của con  người.

Con người chấn thương trong Đèn không hắt bóng được thể hiện một cách vi tế qua phản ứng của các nhân vật với đời sống và với các mối quan hệ xã hội. Không hề có những cú lên gân, các nhân vật của W.Dzunichi mang những nỗi tổn thương giấu kín, họ không trả thù, không đối xử phản trắc với đồng loại, không tha hóa đi vì chấn thương. Họ mang những chấn thương trên hành trình của mình để dũng cảm sống, dũng cảm đương đầu và cải tạo đời sống. Nhân vật trong Đèn không hắt bóng mang chấn thương về mặt tinh thần khá lớn: đó là một bác sĩ trẻ Kobashi bất mãn với thực tại đời sống và nghề nghiệp, là một Noriko tổn thương trong chính tình yêu mà mình dốc lòng vun vén, là một Mikiko với những vụn vỡ trong tình cảm gia đình.

2.1. Bác sĩ Kobashi – sự đổ vỡ những niềm tin

Nhân vật Kobashi là một bác sĩ trẻ, vừa rời ghế giảng đường và bắt đầu công việc thực tế của mình tại bệnh viện Oriental. “Cách đây hai năm, Kobashi đã kết thúc thời gian thực tập và nhận một chỗ ở khoa phẫu thuật trong bệnh viện của trường đại học.”[2, 85] Là một thanh niên trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm, anh đã quen với môi trường làm việc ở bệnh viện trường đại học với sự chuyên tâm nhất mực vào việc chữa bệnh mà thôi. Anh đến bệnh viện tư Oriental với một tinh thần nhiệt huyết và hăm hở của tuổi trẻ, cùng với đó là sự cầu tiến để hoàn thiện chuyên môn của mình.

Là một người mang nhiều lý tưởng tốt đẹp về đời sống và nghề nghiệp, Kobashi đã phải rất hẫng hụt khi bước chân vào thực tế nghiệt ngã. Chính điều này đã khiến anh trở nên bất hòa hoãn với thực tại. Anh không thể chấp nhận được việc một gã lang băm (Yutaro) lại đứng ra làm chủ một bệnh viện mang sứ mệnh cứu người vô cùng lớn lao và cao cả. Hơn thế nữa, chứng kiến cơ chế hoạt động của bệnh viện Oriental dưới sự điều hành của Yutaro, Kobashi càng bất mãn hơn khi kim tiền là thứ được đặt lên hàng đầu. Anh đã thốt lên rằng: Tôi ghê tởm cái tinh thần vụ lợi mà bác sĩ trưởng đã gieo rắc trong bệnh viện này.[2, 235] Kobashi mang một nỗi chấn thương với thực tế trần trụi của cuộc sống, đặc biệt là của nghề nghiệp mà anh một lòng cống hiến. Anh luôn tâm niệm đã là một người thầy thuốc thì phải nhân đạo đến cùng. Đó là khi anh sẵn sàng trả tiền viện phí cho bệnh nhân Kokichi Ueno, ứng trước viện phí cho một gã say rượu du đãng được cấp cứu tại bệnh viện,… và rất đỗi vui mừng khi làm được những việc ấy. Thế nhưng, tinh thần lý tưởng hóa ấy bị cuộc sống hiện đại đầy thực dụng quật ngã không thương tiếc.

– Áo quần, thức ăn, nhà cửa đều phải có tiền mới mong có chất lượng tốt, và ở đây chẳng ai thay đổi gì được. Xã hội của ta là xã hội tư bản. (Naoe)

– Tôi cho rằng khi vấn đề đặt ra là tính mạng và sức khỏe của con người, thì điều kiện phải như nhau đối với mọi người, ở đây mọi người phải được bình đẳng. (Kobashi)

– Bình đẳng ư?…- Naoe bĩu môi khinh bỉ. – Anh đề nghị đánh ngang bằng những người từ thời trẻ đã lao động cật lực với những người suốt ngày say rượu và ăn không ngồi rồi hay sao? [2, 239]

Mang ngọn lửa sục sôi của tuổi trẻ nhiệt huyết và tấm lòng yêu thương con người, nhưng Kobashi đã không cẩn thận làm bỏng rát chính mình. Môi trường “vô trùng” tại trường đại học đã giúp anh bộc lộ rất tốt bản tính bộc trực, thẳng thắn của mình. Cho đến khi va vấp với cuộc đời thực, Kobashi lại bị chính những điều ấy làm cho tâm lý bị tổn thương.

Ngoài bất mãn với đời sống và môi trường làm việc, Kobashi còn mang chấn thương từ sự đổ vỡ những niềm tin đã yên vị từ rất lâu trong não trạng. Anh rất ngưỡng mộ khả năng chuyên môn vào hàng kiệt xuất của Naoe, thậm chí là thần tượng tiền bối của mình. Kobashi thuộc lòng luận án của Naoe và sẵn sàng đứng lên chỉ ra những thành tựu khoa học to lớn mà công trình nghiên cứu của Naoe mang lại cho y học. Một trong những lý do để anh vào bệnh viện Oriental làm việc chính là vì được dịp học hỏi Naoe. “Dù sao chăng nữa thì mình được làm việc với một bác sĩ lỗi lạc như vậy cũng là một điều may mắn lớn lao.” [2, 87] Thế nhưng càng khát khao học hỏi bao nhiêu, Kobashi lại càng phải chịu thất vọng bấy nhiêu. “Anh hết sức khâm phục những tri thức uyên bác cũng như cái nghệ thuật điêu luyện của Naoe, nhưng dù có cố gắng bao nhiêu thì anh cũng không thể khoét được một đột phá khẩu trong bức tường cách biệt mà ông ta đã dựng lên chung quanh mình. Chỉ cần bước một bước thôi qua cái vạch ngăn cấm, thì một cánh cửa vô hình đã lập tức đóng sập lại ngay trước mũi anh.” [2, 86] Kobashi đã phải suy đi nghĩ lại lý do Naoe kiệm lời với anh đến thế, nhưng càng nghĩ anh lại càng bế tắc trong chính suy nghĩ của mình. Không dừng lại ở chuyên môn, Kobashi còn phải học hỏi ở Naoe rất nhiều bài học về cách ứng biến linh hoạt với nhiều cảnh huống khác nhau. Đơn cử như trong việc giữ bí mật cho cuộc phẫu thuật nạo thai của cô ca sĩ Junko, Kobashi đã không thấu đáo được nguyên tắc bảo mật tuyệt đối thông tin của bệnh nhân, gây nên một lỗi lầm nghiêm trọng.

Kobashi là một nhân vật điển hình cho những bác sĩ trẻ đam mê và nhiệt huyết với nghề nghiệp. Niềm tin vào cuộc đời như thế cần được giữ gìn và phát huy với một sự chiêm nghiệm đủ sức chín muồi. Thế nhưng, cần thêm nhiều thời gian và trải nghiệm để rèn giũa lòng tốt nguyên sơ của anh thành lòng nhân ái ở một dạng thức cao hơn, thực tế và sâu sắc hơn. Bởi: “Một người trưởng thành lành mạnh phải học cách xử lý những chướng ngại vật, tự kiểm soát quyền lực của chính mình vào một cường độ đủ dùng và biết cách đương đầu một cách thích đáng với những “quái vật” cuộc sống.” [6, 54]

2.2. Y tá Noriko – người phụ nữ đa mang và khát khao hạnh phúc không thành

Noriko là một y tá chuyên phụ mổ tại bệnh viện Orental. “Mắt Noriko cũng không lấy gì làm đẹp lắm, và khuôn mặt cô có lẽ hơi thô một chút, nhưng hình dáng mảnh dẻ, uyển chuyển và đôi chân thanh tú.” [2, 73] Cô làm việc tại bệnh viện một cách chăm chỉ, dường như vì thế mà bản thân cô được biết quá nhiều thứ tại đây. Chính sự đa mang này cũng là một dạng gánh nặng tâm lý của cô. Mọi vấn đề tại bệnh viện lẫn đời tư của những con người ở đây đều được qua tai Noriko, và bằng cách nào đó, buộc cô phải tìm ra phương án giải quyết chúng.

Chấn thương nghiêm trọng nhất mà nhân vật nữ này gánh chịu bắt nguồn từ chính tình yêu – nơi cô cảm nhận được niềm hạnh phúc (ít ỏi). Có thể xem cô là một người khá dạn dày kinh nghiệm tình trường. Với cuộc dan díu vào ba năm trước với một kẻ tệ bạc, cô đã dặn lòng sẽ không qua lại với đàn ông nữa. Thế nhưng, đến khi gặp Naoe thì cô đã không thể tưởng tượng được cảm giác thiếu vắng anh ta sẽ ra sao. “Ngay cả sự chờ đợi khắc khoải những khi Naoe trễ hẹn – mà đối với Naoe thì đó là chuyện thường xuyên – cô cũng vui lòng chịu đựng.” [2, 76] Cô trở nên gần gũi với Naoe sau một ca phụ mổ và thế là họ đi ăn, uống và lên giường cùng nhau. Rất nhanh chóng, cô cảm nhận mình là người của Naoe và một lòng yêu anh. Noriko thường xuyên đến nhà Naoe để dọn dẹp, chăm sóc anh một cách vô điều kiện. “Trong căn nhà vắng vẻ này đối với Noriko cái gì cũng quen thuộc. Cô biết rõ từng góc một, từng chi tiết vụn vặt, như thể đây là nhà riêng của cô: mấy cái chén cà phê để đâu, đường cất đâu,…” [2, 184]. Thế nhưng, “Noriko không hay biết gì về những ý nghĩ của Naoe, và ngay cả về công việc của Naoe cũng vậy.” [9, 185] Noriko yêu trong thầm lặng, cuộc tình của họ diễn ra trong bóng tối và cảm giác phải giấu giếm các đồng nghiệp trong bệnh viện quả tình không dễ chịu chút nào. Nhưng dường như tình yêu mù quáng dành cho Naoe đã khiến Noriko trở nên dễ hòa hoãn đến nỗi: “Thậm chí cô còn đi đến chỗ tin rằng những mối quan hệ giữa một người đàn ông và một người đàn bà tất nhiên phải như vậy: một sự bột phát ngắn ngủi của dục vọng, và đó là một sự im lặng dửng dưng.” [2, 185] Niềm hạnh phúc với Noriko bấy giờ chỉ đơn giản là: được ở cạnh Naoe mỗi ngày. Điều này dẫn đến một dạng chấn thương, đó là sự lụi tàn của những khao khát chính đáng và dung dị nhất của con người.

Những khoảnh khắc thưởng ngoạn cảnh đẹp hoang sơ tại phương bắc vào những ngày cuối năm (Noriko đã không màng đến việc về thăm nhà để đi cùng Naoe), cô cũng chỉ được cảm nhận trong thời khắc ngắn ngủi. Hơi ấm từ những cái ôm, cảm giác được Naoe chở che, sự thoải mái bỏ lại phía sau cõi tha nhân nhàu nát,… Noriko hẳn sẽ khắc rất sâu trong tâm trí. Tuổi xuân của người phụ nữ chóng tàn như hoa anh đào vậy, thế mà những giờ khắc hạnh phúc mà Noriko thật sự có được lại quá hiếm hoi.

Những tưởng đoạn đường được đồng hành cùng người mình nhất mực yêu thương sẽ còn dài rộng lắm, Noriko không thể ngờ chuyến đi về phương bắc ấy chính là lần cuối cùng hai người ở bên nhau. Đọc xong bức thư tuyệt mệnh mà Naoe để lại cho mình, Noriko tựa hồ như là chết lặng: “Một trạng thái đờ đẫn kỳ lạ bao trùm lên Noriko. Naoe không còn nữa, thì tất cả những gì còn lại – cô sẽ ra sao, người đời sẽ nghĩ gì, – tất cả những cái đó không còn nghĩa lý gì nữa. Không thể thay đổi một cái gì hết. Noriko xưa nay bao giờ cũng phục tùng ý muốn của Naoe: anh nói “trắng” thì cô nghĩ “trắng”, anh nói “đen” thì cô nghĩ “đen”. Và bây giờ cô cũng không mảy may thay đổi: anh ấy không còn nữa, thì cuộc sống lái cô theo hướng nào cô sẽ sống theo hướng ấy.” [2, 490]

Cái chết của Naoe không chỉ để lại một sự mất mát rất lớn trong lòng Noriko, đó còn là một cú sang chấn tâm lý vô cùng nặng nề. Vốn dĩ không biết bất cứ thứ gì về Naoe, cô luôn trong trạng thái mơ – tỉnh về những thứ mà cả hai đang có. Và một bi kịch khác song song: mãi cho đến cuối cùng, cả Noriko cũng không biết Naoe có thật sự yêu cô? Và tình yêu anh ta dành cho cô là gì? – Chúng ta cũng không thể biết.

2.3. Cô gái Mikiko – sự tổn thương từ tình cảm gia đình

Mikiko là con gái lớn của vợ chồng bác sĩ trưởng, cô vừa tròn hai mươi ba tuổi. Năm ngoái cô vừa tốt nghiệp khoa văn học Anh ở trường đại học nữ sinh. “Cô không đi làm, mà ở nhà giúp mẹ trong việc nội trợ và giúp bố ở bệnh viện. Trên thực tế cô là thư ký riêng của cha cô, chuyên lo những công việc văn thư.” [2, 50] Là một cô gái ngây thơ, trong sáng, Mikiko hiện lên vô cùng thánh thiện trên trang viết của W.Dzunichi. Thế nhưng, cô lại mang nhiều tổn thương sâu sắc mà tác nhân chính là gia đình cô.

Tiến sĩ tâm lý học Vũ Phi Yên từng viết: “Từ những nỗi sợ sâu trong vô thức, con người có thể trở nên tàn nhẫn với đồng loại, chọn để mặc sự sống chết của người khác thay vì tương trợ, đôi khi cũng vì sợ hãi mà con người chọn cách xử sự tàn nhẫn hoặc phản trắc.”[2] (Oliver Lockert L’hypnose humaniste pour les nuls. Éditions Fít (2014)). Và đáng buồn thay, Mikiko chính là nạn nhân của một dạng nỗi sợ từ bố mẹ cô. Ông Yutaro và bà Ritsuko là những người không hề có khả năng chuyên môn cũng như đủ tài trí để giữ bệnh viện Oriental phát triển bền vững. Chính nỗi sợ này đã khiến họ nảy sinh ý muốn: tìm một người để làm hộ công việc ấy. Với những kẻ vụ lợi và xảo quyệt như ông bà bác sĩ trưởng, họ chỉ có thể tin tưởng người có ràng buộc huyết thống với gia đình, và phương án duy nhất là tìm một chàng rể. Họ khoanh vùng những bác sĩ giỏi, hào hoa, phong nhã cho Mikiko, mặc cho cô đã nhiều lần tỏ ra không hài lòng về việc đó.

Rõ ràng, bố mẹ Mikiko không hề quan tâm đến cảm nhận của cô trong việc hôn nhân đại sự trọng đại của đời mình. Mikiko bị xem như một kẻ tàng hình trong chính mái ấm của mình. Khát khao hạnh phúc của cô là gì? – không ai quan tâm đến. Có chăng, họ chỉ xem hôn nhân của cô như một phương tiện để đạt được lợi ích cho chính họ, còn phần cô thế nào không quan trọng. Họ sắp xếp buổi ra mắt với một chàng bác sĩ tầm hai mươi lăm tuổi, tốt nghiệp y khoa trường đại học K một cách chỉn chu với cơn đói ngốn miếng mồi thu được từ mồi câu là con gái mình. Mikiko đã quyết định không đến, và tất nhiên cuộc hẹn vỡ toang với sự bực tức của cả hai bên gia đình. Ông Yutaro tức giận: “Lúc nào cũng làm theo ý riêng, lúc nào cũng bày những trò vớ vẩn! Thật là một con liều mạng.” [2, 266]

Họ không hề hiểu được Mikiko – một cô gái ngây thơ nhưng nhạy cảm và giàu cảm xúc khao khát có được một tình yêu thực sự đến nhường nào. Ngay cả khi cô bỏ nhà đi cả đêm thì bố cô vẫn bình thản bên nhân tình và mẹ cô vẫn thản nhiên ngon giấc tại nhà. Chẳng ai lo lắng, để tâm đến cảm nhận của Mikiko, thậm chí là chỉ trách móc cô đã làm bẻ mặt gia đình. Trong cơn bế tắc, Mikiko đã tìm đến Naoe, cô thành thực tâm sự: “Đối với bố mẹ em, quan trọng không phải là em, mà là bệnh viện. Ngay trong lễ xem mắt, bố mẹ em chỉ mời cho kỳ được những ông bác sĩ hoặc những sinh viên y khoa. Mà mấy chàng rể này cũng chỉ nghĩ đến chuyện: “Nếu về làm rể nhà ông bà thì tôi có được phần thừa hưởng cái bệnh viện không? Ai sẽ trả tiền học nghiên cứu sinh trong thời gian chưa có học vị?” Toàn như thế cả. Nghe ra thì chẳng có một người nào tử tế.” [2, 271] Những thương chấn trong tâm hồn ấy đã khiến Mikiko không còn niềm tin vào gia đình, vào bất kỳ ai, ngoài Naoe. Họ đã có những giờ phút mặn nồng, ân ái bên nhau – trong khi bố mẹ cô vẫn nghĩ cô ngủ lại ở nhà một người bạn (gái).

Không dừng lại ở đó, Mikiko còn phải đối mặt với một sự thật tàn nhẫn rằng: bố cô ngoại tình với người con gái khác. Và đau đớn thay, đây lại là câu chuyện được kể ra từ chính miệng cô nhân tình ấy – Mayumi. Mang những tổn thương vì thiếu vắng tình yêu gia đình, thiếu sự thấu hiểu và cảm thông nhau, Mikiko còn phải mang thêm một chấn thương nặng nề từ sự đổ vỡ niềm tin về cuộc hôn nhân hạnh phúc của bố mẹ mình. Một người bố ngày ngày đạo mạo, đĩnh đạc trước mặt cô lại đi nói dối mẹ cô năm lần bảy lượt để ở cạnh người tình. Một người bố nhân danh lo lắng, nghĩ cho hôn sự của cô lại hưởng lạc xác thịt với người phụ nữ chỉ vừa bằng tuổi cô. Đi từ niềm đau này đến nỗi đắng cay khác, Mikiko quả thực là một cô gái đáng thương trong Đèn không hắt bóng.

KẾT LUẬN

Có thể nói, thực tế tình hình nghiên cứu những ảnh hưởng của học thuyết phân tâm học đối với văn học cho thấy nhận thức là một quá trình, đặc biệt là đối với các học thuyết được gieo mầm từ một vùng đất lạ và cách xa ta. Đi từ giới thiệu, khái lược đến áp dụng cứng nhắc và vận dụng sáng tạo lại là một quá trình khác song song. Điều này cũng minh chứng cho sự đắc dụng trong một vài đối tượng cụ thể của mỗi lý thuyết phê bình nhất định. Mỗi phương pháp, góc nhìn phê bình đều có điểm ưu và điểm nhược, chính chỗ thiếu sót ấy là tiền đề cho sự vận hành và phát triển của các góc nhìn mới, chân xác hơn đối với tác phẩm văn học.

Cảm quan phân tâm học đã chi phối cái nhìn nghệ thuật của Đèn không hắt bóng, nhất quán từ nội dung đến hình thức. Tiểu thuyết là một cấu trúc tự sự giàu dữ kiện phân tâm. Những phiến đoạn đứt gãy, những mảnh vụn ký ức của nhân vật đã để họ trượt vào dòng tâm thức hòa trộn giữa tâm cảnh và ngoại cảnh, giữa thực và mơ, giữa hoan hỉ và đớn đau của một kiếp sống con người. Mà ở đó, các nhân vật sống đời sống chân thật nhất bằng việc được lột tả cả những miền ẩn khuất trong nội tại tâm hồn. Họ hiện lên với những dục vọng từ tầm thường đến ti tiện của con người, họ mang những ẩn ức, chấn thương từ cuộc sống đầy nghiệt ngã, họ quẫy đạp trong thế giới vô thức của bản năng và cả những giấc mơ. Tất thảy dường như ẩn chứa bên trong sự dồn nén cái sức mạnh của bộc phá – sức mạnh của thành thực.

Qua việc phân tích thế giới nhân vật trong tiểu thuyết ở chiều sâu tâm lý, chúng ta nhận ra họ là những chiếc gương soi rất tỏ. Họ phản chiếu cuộc đời, phản chiếu con người trần thế và có đôi khi ta cũng được dịp soi lại chính mình. Trang viết vang ngân một niềm khắc khoải tha thiết của tác giả, rằng trên hành trình nhọc nhằn của đời sống, hãy bảo vệ, gìn giữ, trân quý những giá trị người vô cùng quý báu.

Xem thêm: Đọc tác phẩm văn học dưới ánh sáng của Phân tâm học

Giàu Dương

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. S.Clark (1998), Freud đã thực sự nói gì? (Lê Văn Luyện, Huyền Giang dịch), NXB Thế giới, Hà Nội.
  2. Watanabe Dzunichi (2016), Đèn không hắt bóng (Cao Xuân Hạo dịch), NXB Hội Nhà Văn, Tp. Hồ Chí Minh.
  3. Sigmund Freud (1915-1917), Introduction à la Psa (Phân tâm học nhập môn), (Nguyễn Xuân Hiếu dịch), NXB Văn Học, Hà Nội.
  4. Sigmund Freud (2019), Tâm lý đám đông và phân tích cái tôi, (Phạm Nguyễn Trường dịch), NXB Hội Nhà Văn, TP. Hồ Chí Minh.
  5. Đỗ Lai Thúy (biên soạn và giới thiệu), (1999), Phân tâm học và văn hóa nghệ thuật, NXB Tri Thức, TP. Hồ Chí Minh.
  6. Vũ Phi Yên (2019), Mô hình xoắn động – Gien tinh thần hay sự thật về tâm lý con người, NXB Trẻ, TP. Hồ Chí Minh.

[1] Quan niệm của nhà Phật.

[2] Dẫn theo Vũ Phi Yên (2019), Mô hình xoắn động – Gien tinh thần hay sự thật về tâm lý con người, NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh, [trang 43].