“Bút ký là thế mạnh của Cao Duy Thảo và anh có hàng chục bài ký viết về đất Quảng, và hầu hết được thể hiện khá tinh tế, đầy chất nhân văn. Đặc biệt, những trang bút ký của anh viết về đồng đội thời chiến tranh ác liệt luôn làm bạn đọc xúc động, trong đó có “Bạn ở rừng” viết về nhà văn liệt sĩ Chu Cẩm Phong và các bạn ở chiến khu Trà My, hay “Ngàn xanh” viết về những bạn bè là văn nghệ sĩ đã nằm xuống ở chiến trường Quảng Nam”…

1. Nhà văn Cao Duy Thảo viết bút ký và tùy bút sau 1975 (1), khi ông đã thành danh với thể loại truyện ngắn. Thể ký trong sáng tác của ông là kết quả của sự kết tinh và trải nghiệm lâu dài với vùng đất thân quen, con người thân thương và khi đã có độ lùi về thời gian để suy ngẫm… Những ký ức lắng đọng cảm xúc và những tư liệu được tích lũy qua năm tháng đã được nhà văn Cao Duy Thảo tái hiện qua những tác phẩm ký vừa đậm chất văn chương, văn hóa; vừa mang lại những thông tin có giá trị với những suy tư, suy ngẫm mang vẻ đẹp nhân văn. Tiểu thuyết về nhiều phương diện đã và đang báo trước sự phát triển tương lai của toàn bộ nền văn học; và sự có mặt của các thể ký văn học đã góp phần làm cho nền văn học cân đối, nhiều màu sắc và giàu tính chiến đấu. Ký không nhằm thông tin thẩm mĩ mà thông tin sự thật. Nhưng ngay sự thật cũng có cái thẩm mĩ, và con người có xu hướng khao khát hiểu biết sự thật, từ đó đã tạo nên những quan hệ thẩm mĩ. Bút ký tái hiện con người và sự việc một cách phong phú, sinh động; qua đó biểu hiện khá trực tiếp khuynh hướng cảm nghĩ của tác giả; bút ký, do đó mang màu sắc trữ tình.

“Bút ký là thế mạnh của Cao Duy Thảo và anh có hàng chục bài ký viết về đất Quảng, và hầu hết được thể hiện khá tinh tế, đầy chất nhân văn. Đặc biệt, những trang bút ký của anh viết về đồng đội thời chiến tranh ác liệt luôn làm bạn đọc xúc động, trong đó có “Bạn ở rừng” viết về nhà văn liệt sĩ Chu Cẩm Phong và các bạn ở chiến khu Trà My, hay “Ngàn xanh” viết về những bạn bè là văn nghệ sĩ đã nằm xuống ở chiến trường Quảng Nam”(2)

2. Trong cuốn sách “Cao Duy Thảo – Tuyển truyện ngắn và bút ký văn học”, có 12 tác phẩm bút ký(3) cuốn hút và hấp dẫn độc giả bởi cái tâm và cái tài của người cầm bút. Tôi đã lặng người đi khi đọc bút ký “Ngàn xanh”. Đọc bút ký “Ngàn xanh” của nhà văn Cao Duy Thảo, tôi nhận ra ông là bậc thầy viết thể loại bút ký về chiến tranh. “Có điều lạ, hầu hết văn nghệ sĩ Khu 5 ngã xuống ở chiến trường đều rải dọc theo sông Thu Bồn – đó là nhận xét của nhà văn Nguyên Ngọc”, tác giả đã đưa ra những dẫn chứng sống động: “Ở đầu nguồn có nhà thơ Nguyễn Mỹ. Khoảng giữa là nhạc sĩ Văn Cận, nghệ sĩ múa Phương Thảo, nhà thơ Nguyễn Trọng Định, nhà văn Chu Cẩm Phong. Và đoạn cuối, nhà văn Dương Thị Xuân Quý…” (sđd – tr.287).

Câu chuyện của nhà văn Dương Thị Xuân Quý từng ám ảnh chúng tôi từ cái thời còn ngồi trên ghế nhà trường, cho đến hôm nay tôi mới biết tường tận về cái nơi chị nằm lại trên đất lành Duy Xuyên. Câu chuyện được nhà văn khơi gợi, kể lại bằng thể loại văn học không ràng buộc về yếu tố thẩm mĩ, đề cao sự thật; vậy mà với tài năng của nhà văn thì cái sự thật đó lại hết sức thẩm mĩ, đọc mà không thể rời trang sách. Yếu tố quan trọng nhất là tính chân thực trong giá trị nhận thức của văn học, yếu tố này đã được nhà văn xử lý triệt để. Từ tấm bia đá có khắc hình gương mặt chị dựng lên cạnh nhà anh Võ Bắc (sđd – tr.288) đến chuyện tìm ra hài cốt của chị là những thông tin chính xác đến từng chi tiết (sđd – tr.290). Nhà văn là “thư ký trung thành của thời đại”, phần ghi chép sự thật này sao lại hấp dẫn đến vậy? Có lẽ vì câu thơ của Bùi Minh Quốc vẫn còn vang vọng trong ký ức chúng tôi “Thôi em nằm lại với đất lành Duy Xuyên”…

Câu chuyện về nghệ sĩ múa Phương Thảo cũng vô cùng xúc động, bởi trong kí ức nhà văn còn lưu lại những kỉ niệm với nghệ sĩ thời chuẩn bị vào Nam (năm 1966) – chi tiết – “10 tuổi chị được vinh dự thay mặt thiếu nhi Thủ đô lên quàng khăn đỏ cho Bác Hồ nhân lễ Quốc khánh năm đầu tiên miền Bắc giải phóng” (sđd – tr.291) – chi tiết này đã đánh thức trong tôi ký ức về bức ảnh mà tôi đã từng nhìn thấy trên báo thời đó; cũng vì bức ảnh đó mà trong những năm học ở bậc Tiểu học, tuần nào, tháng nào tôi cũng giành vị trí đứng đầu trường để được ra Hà Nội thăm Bác Hồ; thế rồi khi nghe tin bác mất, cô bé 9 tuổi như tôi đã khóc như mưa vì không thể nào có cái vinh dự gặp Bác Hồ, như cô bé “Thảo” trong ảnh. Đây là giá trị nhận thức lớn lao của văn học, bởi vì sự tồn tại của mỗi cá nhân với không gian và thời gian là hữu hạn. Khám phá và  thể hiện đời sống tâm lí của con người cùng những mối quan hệ đa dạng của nó, văn học giúp người đọc liên tưởng tới cuộc sống của chính bản thân mình. Chỉ một chi tiết nhỏ trong câu chuyện mà nhà văn mà gợi lên biết bao ký ức đẹp của nhiều người.

Câu chuyện hi sinh của nghệ sĩ Phương Thảo được ghi lại bằng lời kể của nhà văn Hồ Duy Lệ, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Nam khiến người đọc không nén nổi cảm xúc, và phải nói là “sởn da gà” khi chị ruột của Phương Thảo kể về giấc mơ là em gái chị muốn về lại Xuyên Thanh; trí nhớ của nhà văn lại lý giải lý do mà người con gái ấy muốn về lại nơi đây: “Tôi từng được đọc trong di cảo những dòng thật tha thiết mà đau đớn của Chu Cẩm Phong viết cho Phương Thảo…” (sđd – tr.293). Đó là điểm nhìn nghệ thuật và nghệ thuật trần thuật hấp dẫn của nhà văn Cao Duy Thảo, tác phẩm vừa như hút hồn người đọc, vừa như gợi ra biết bao suy nghĩ về những con người đã hi sinh trong chiến tranh.

Bút ký “Bạn ở rừng” là những trang văn thấm đẫm sự mến phục của nhà văn Cao Duy Thảo về nhà văn Chu Cẩm Phong – Trần Tiến. Mới 23 tuổi từ Hà Nội vào chiến trường, nhà văn Cao Duy Thảo đã có cái may mắn khi được chuyển vào Tiểu ban Văn nghệ “Không ngờ tôi có hai lần may mắn từ cuộc thuyên chuyển này; Một, được gắn bó lâu dài với văn học và hai, được làm bạn với anh Trần Tiến – Chu Cẩm Phong” (sđd – tr.277). Câu chuyện về văn chương trong chiến tranh được nhà văn kể lại hết sức chân thật, không lên gân: “Thực ra ngày ấy chúng tôi làm gì có nhiều thì giờ dành cho văn chương” (sđd – tr.277);  chuyện vượt qua cái đói của người lính vô cùng cam go (đi lấy gạo, làm rẫy trên đất rừng già…). Điểm tựa cho họ lúc ấy là nhà văn Trần Tiến – một điển hình ngoài đời được đưa vào bút ký hết sức chân thật. Từ miêu tả ngoại hình, đến ngôn ngữ, hành động và suy nghĩ của nhân vật được viết súc tích mà dư ba. Chi tiết gốc cây cổ thụ bị lật nhào và hình ảnh Trần Tiến đã lui về một góc… “thong thả tháo mớ băng vải quấn trên hai bàn tay đã biến dạng sưng vù” (sđd – tr.280) là những nét tương phản độc đáo, khắc sâu ấn tượng về một con người luôn sống và phấn đấu vì lý tưởng. Câu chuyện Trần Tiến vào làng Kà Dong xin lỗi về chuyện bắn nhầm con heo của đồng bào, lại bộc lộ thêm một chút tài năng khác của anh – giỏi tiếng Kà Dong. Giọng điệu trần thuật của nhà văn Cao Duy Thảo trữ tình ấm áp, hồn hậu, thể hiện thái độ trân trọng, niềm tin tưởng và tình cảm yêu thương của tác giả với người anh, người đồng đội, nhà văn kính yêu Chu Cẩm Phong. Chân dung nhà văn Trần Tiến đã là hiện thân của một người anh hùng, bởi anh luôn là người đương đầu nơi mũi tên hòn đạn trước mọi người, cũng là người làm nhiều hơn nói. Cái dự cảm về sự ra đi sớm của tác giả về anh cũng nằm trong chức năng dự báo của văn học và đó cũng là những trải nghiệm trong chiến tranh.

Nhà văn Cao Duy Thảo đã từng tốt nghiệp trường Điện ảnh Việt Nam (năm 1964), làm biên kịch tại xưởng phim Việt Nam, nên việc đặt tên cho mỗi tác phẩm đã thể hiện chủ ý nghệ thuật, như kiểu nhà thơ làm xong bài thơ khi tìm ra cái tứ. “Sóng vỗ mạn thuyền” là tác phẩm bút ký hay khi kể về “Người sĩ quan tình báo từng đặt chân lên hạm đội Mỹ” – “Nguyễn Bá chỉ là nhân vật tình báo “chân đất”, một ngư dân thứ thiệt ưa sống ẩn dật trong các làng chài nghèo” (sđd – tr.309). Người thật, việc thật mà kể có lớp có lang, có chi tiết hấp dẫn, tạo nên sự hồi hộp, mong đợi từ phía độc giả; sức khái quát toát ra từ hình tượng nhân vật quá lớn – đó là sức mạnh chiến tranh nhân dân trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại.

Ngoài nghệ thuật kể chuyện, là nghệ thuật gợi, liên tưởng, các bài bút ký như có sợi dây liên kết nhau, khiến người đọc không muốn rời trang viết. Tài năng của nhà văn bộc lộ bằng cái nhìn đằm sâu và giọng điệu từ tốn, như kể, như khơi dậy, như tái hiện hiện thực với những ấn tượng sâu sắc với “cái tôi nhà văn” (cái tôi tự biểu hiện, cái tôi thẩm mĩ, là yếu tố liên kết tác phẩm, thể hiện tri thức, chiều sâu văn hóa và sự trải nghiệm). Ngoài tính chân xác của sự thật, còn có hư cấu, phần hư cấu là cảm xúc trữ tình đậm chất văn chương, tri thức văn hóa. “Gió Tuy Hòa… Lời chào đầu tiên của thị xã là gió. Ngọn gió chảy xiết, cua tròn, có cảm giác như tất cả hoa lá đều nhất loạt mà rung lên chấp chới, hoa giấy trên hàng rào, hoa xuyên tâm liên, nhân sâm, bạch truật trong các vườn thuốc nam, gió có màu và mùi thơm. Buổi chiều, các cô gái đi học về, trong gió ngược, mắt ràn rụa ánh sáng như thể có giấu lửa ở bên trong. Người Tuy Hòa có được thói quen ngửa mặt đi trong gió” (Cho mỗi gia đình – tr.380). Viết chuyện về “5 dứt điểm về y tế” của thời bao cấp – thời duy ý chí, mà vẫn có những trang văn hay như thế thì quả thật là tài. Ấn tượng về Tuy Hòa đột nhiên thay đổi trong tôi, lúc tôi đến đây dạy, vừa xuống ga tàu, kéo vali ngay vào nơi ở, cuối ngày lên núi Nhạn… mà giờ đọc bút ký của ông, tôi mới biết thêm gió Tuy Hòa có màu, có mùi, người Tuy Hòa ngửa mặt đi trong gió… Sự quan sát, sự ghi nhận và tài miêu tả của nhà văn đã lột tả được thần thái của đất và người nơi đây. Wolfgang Iser gọi văn bản nghệ thuật là một “kết cấu vẫy gọi”, và khi đọc đoạn văn viết về gió Tuy Hòa của nhà văn Cao Duy Thảo, tôi nghĩ nhà văn đã rất thành công khi đã vô tình hay hữu ý tạo ra những “điểm trắng” để bạn đọc tham gia đồng sáng tạo.

“Chiếc xe ra khỏi cổng, sau tiếng còi đột ngột tăng tốc, bỏ lại phía sau một vệt khói đen sẫm. Dường như có chút gì đó bịn rịn? Vâng, bến xe chứ đâu phải là nhà, ai đó có thể ghé qua một lần trong đời rồi chẳng bao giờ đặt chân đến nữa” (Bến thức – tr.353). Thời bao cấp, đi lại vô cùng khó khăn, ghi chép lại câu chuyện ở bến xe Nha Trang từ chuyện sắp hàng mua vé, đến chuyện ban quản lý bến xe sắp xếp cho hành khách vừa công bằng, vừa tình cảm… ngỡ như là thông cáo báo chí; mà không, càng đọc càng nhận ra cái nhìn của nhà văn vừa thương yêu vừa trân trọng về thân phận con người. Rồi bất chợt cảm xúc trữ tình đã trở thành triết lý, chiêm nghiệm. Chắc chắn mỗi người trong đời cũng đã từng ghé qua một nơi nào đó trong đời rồi chẳng bao giờ đặt chân đến nữa.

“Ngôi sao số mệnh nào dẫn lối những dân đinh nghèo khổ một vài thế kỉ trước? trên những con thuyền nan mỏng mảnh vượt qua cả đại dương đầy bão tố, họ là những người đầu tiên tìm ra hoang đảo, đặt cột mốc, vẽ địa đồ, là những người đầu tiên cho ta khái niệm về một nền văn hóa biển”… (Khoảnh khắc Trường Sa – tr. 335). Đau đáu nỗi lòng với biển đảo, chuyến ra Trường Sa đã giúp nhà văn có tác phẩm bút ký đầy cảm xúc về các bậc tiền nhân mở cõi; thương yêu từng người lính trên đảo, họ hi sinh cả hạnh phúc cá nhân, ngày đêm thực hiện nghĩa vụ bảo vệ biển đảo. Việc ngợi ca người lính đảo không mới trong văn chương, cái mới là từ góc nhìn, điểm nhìn, giọng điệu trữ tình thấm đẫm cảm xúc ngợi ca. “Giá của sự hi sinh phải đo bằng gì?” (sđd – tr.341) “Và tôi có quyền gì hưởng nhiều may mắn hơn anh, được trọng vọng hơn anh, được “thoải mái” hơn, ít ra là trong lúc này?” (sđd – tr. 347). Những câu hỏi tu từ đọng lại trong lòng độc giả về sự tự vấn lương tâm của một nhân cách đẹp, nhân cách người lính năm xưa sáng ngời trên trang văn.

Có người nói bút ký “Đường đến Krông Trai” là bài ca về thiên nhiên Việt Nam. Đặc sắc của tác phẩm là ở chất trữ tình thấm đẫm bởi cảm xúc dồi dào cùng những rung động trước sự huyền bí của núi rừng; hòa quyện giữa thông tin về người lính năm xưa với những cảm nhận và trải nghiệm về văn hóa. “Krông-pa (tức là sông Ba, sông Đà Rằng tùy theo nơi gọi dài 290 cây số, mang tên là Dairios. Là một dòng quanh co hiểm trở, Krông-pa xuyên đèo lách núi tuôn xuống phương Nam, bao quanh sau lưng Bình Định, xuất hiện ở An Khê rồi xuyên qua Phú Yên, làm thành một đường vòng cung chạy xuống Sơn Hòa, Phú Đức, Đồng Cam, mang theo phù sa màu mỡ bồi đắp cho đồng bằng Tuy Hòa trở nên một vùng phì nhiêu, một vựa lúa…” ( sđd – tr.404). Chỉ vài dòng giới thiệu về con sông mà có cả tri thức địa lý, lịch sử, văn hóa và mang chất du ký.

Viết về một vùng đất thơ mộng với núi rừng và chim thú, chất ký sự, hồi ký, nhật ký; cùng bình luận, cảm nghĩ từ tác giả lồng ghép vào nhau khiến cho mảnh đất và con người nơi đây pha sắc màu huyền thoại. “Câu chuyện cũng giản dị thôi. Anh bị thương trong một trận phục kích… Vốn là sinh viên khoa động vật môi trường đại học trước khi cầm súng, cánh rừng đi qua lập tức thu hút sự chú ý của anh… Tại đây anh được bà con chạy chữa thuốc thang và khi vừa tỉnh lại, anh liền ghi chép những điều quan sát thấy trước đó vào một cuốn sổ tay… Chính nhờ vào tài liệu của anh cung cấp mà Ủy ban Nhân dân tỉnh có quyết định thành lập khu bảo vệ chim thú này”. (sđd – tr.398). “Cảm giác rất lạ: Càng đi sâu vào rừng thì cái con người không tên không tuổi kia như một hình bóng lặng lẽ hiện lên đâu đó ở phía trước – Anh ta, như không hề chú ý đến cảnh ngộ không may của mình, từng bước một đặt chân lên thảm lá, chốc chốc dừng lại hướng tai nghe ngóng, rồi bất giác mỉm cười” (sđd – tr.403). “Có, có một anh bộ đội như thế đến buôn Ea Ba này. Cả buôn Ea Bia nữa cũng có một anh đến sau giải phóng, dự lễ bỏ mả… Bộ đội, cán bộ về đây nhiều lắm – Một ông già khác cầm ống điếu, nhả khói chầm chậm – Hồi đánh đường 7 bộ đội tăng về nằm cùng rừng, làm ngầm cho tăng qua chỗ bến nước mình đi đó… một con người cụ thể bỗng chốc hóa thành nhiều người, như rừng cây, như biển… Con người là thần thoại của chính mình” (sđd – tr.408).

Phát huy sở trường quan sát, ghi nhớ giỏi; cùng biện pháp miêu tả; phép liên tưởng, so sánh; kèm thêm phần bình luận mang tính suy ngẫm những trang viết về khu bảo vệ chim thú ở đây như những trang thơ thấm đẫm chất trữ tình: từ đôi gà rừng “như là biểu tượng yên lành, bền vững của thiên nhiên” đến chuyện đàn công nhảy múa “Chim trống đứng giữa xõa cánh, đuôi xòe hình quạt cong ngược lên phía đầu và toàn thân quay tròn bốn hướng. Chim mái quay thành những vòng tròn chung quanh, con nọ cắn đuôi con kia, nhảy từng bước nhịp nhàng. Có chuyện kể con người thoát thai từ con chim, lần đầu nhìn thấy công múa, tôi cũng nghĩ như vậy…”. “Cả một khu rừng tràn ngập tiếng chim hoan lạc và không ngừng pha trộn sắc độ… và con người đi giữa thiên nhiên, bỗng có cái khao khát được cống hiến trọn vẹn – khao khát tự thể hiện mình thêm một lần nữa” (sđd – tr.399, 400). “Ngoài chim thú, tại đây tồn tại một khu vực đầm thủy sinh mà tiêu biểu là suối Trai ở xã Krông-pa, tiếng địa phương gọi là đầm H’Lam (Hà Lầm), có một lượng cá sấu phong phú…”; “Cá sấu làm khiếp nhược những tâm hồn yếu đuối, đánh động lòng thèm khát của những lái buôn, gây hứng khởi những tính cách ưa phiêu lưu và chuyên đối đầu với sông nước” (sđd – tr.409; 411).

Những tác phẩm bút ký kể về những chuyến đi của nhà văn đến Nga, Trung Quốc và Mỹ thì người đọc lại quan tâm đến nhịp điệu linh hoạt của câu văn, lúc nhanh, lúc chậm, lúc dàn trải mênh mang, lúc dồn dập quyết liệt – đó cũng là nhịp của sự di chuyển, sự gấp khúc trong mỗi chặng đường và cái nhìn, suy tư cũng nhanh như những thước phim lướt qua trên mỗi địa danh. Bởi mỗi nơi, mỗi chi tiết, mỗi địa danh không chỉ là chuyện, nghe, nhìn và biết mà còn là kinh nghiệm, là trải nghiệm; khi đọc đến đoạn nhà văn “Cầm tấm vé chen giữa đám người xa lạ, hết rẽ trái rồi rẽ phải, tới khi ngờ ngợ… nhận ra mình lạc đường…” (sđd – tr.488), tôi nhớ ra, tôi cũng từng suýt nữa bị đi lạc ở sân bay Narita (khi tôi đi tham dự hội nghị khoa học ở Tokyo vào năm 2012), dù trước đó đã có thư hướng dẫn cụ thể, chuyện này tôi đã giấu tiệt vì sợ bị chê cười là “ngu ngơ”; vậy mà chuyện nhà văn kể ra tỉnh như không, đó chính là trong cảm thụ tác phẩm văn học, sự nếm trải cuộc sống được miêu tả trong các hình tượng sinh động có khả năng tạo ra sự chuyển hoá tích cực từ những kinh nghiệm gián tiếp, trừu tượng thành kinh nghiệm cá nhân, trực tiếp.

3. “Thực ra, muốn bộc lộ được mình, muốn đi hết mình cũng không phải là chuyện dễ. Ngoài sự nhạy cảm bẩm sinh còn là sự xả thân trong cách sống và trong lao lực văn học”(4). Đây là những đoạn viết về nhà văn Nguyễn Tuân, nhưng đã phần nào làm sáng tỏ ý đồ sáng tạo nghệ thuật của nhà văn Cao Duy Thảo. Ở nhà văn Cao Duy Thảo không chỉ là tâm và tài mà ông còn nghiền ngẫm, suy tư về con người và cuộc sống, về thiên chức của người cầm bút.

Đọc các tác phẩm với các thể loại (truyện ngắn, tiểu thuyết, ký) của nhà văn Cao Duy Thảo, tôi nhận ra phong cách nghệ thuật của nhà văn “Phong cách là chỗ độc đáo về tư tưởng cũng như nghệ thuật có phẩm chất thẩm mĩ thể hiện trong sáng tác của những nhà văn ưu tú” (5). Với thể ký nhà văn đã phát huy lợi thế về trí nhớ tốt, trí tuệ sắc sảo, mẫn cảm, óc quan sát tinh tế, cảm hứng sáng tạo mãnh liệt, cá tính độc đáo khác biệt, mà trên hết vẫn là trái tim nồng ấm và tính cẩn trọng của một nhà văn chân chính. “Cái hấp dẫn mạnh mẽ những ai ưa đọc ông chính là cái “tôi” bùng nổ từ tâm thức của chính ông, cái đó, nói như Hê-ghen, là cái ast sáng tạo, là hành vi của cái “tôi” sáng tạo vọt lên trên bề mặt ý thức” (Cái tôi của Nguyễn Tuân trong văn tùy bút – tr.100). Mượn lời của nhà văn Cao Duy Thảo viết về Nguyễn Tuân, để khẳng định vẻ đẹp và sự hấp dẫn trong thể ký của ông cũng chính là điều đó.

TS. HOÀNG THỊ THU THỦY

-———————

(1) Xứ bình yên – Tập truyện & Bút ký- Nxb QĐND, 2001, Bút ký văn học – Tập bút ký – Nxb Văn Học, 2004. Sóng vỗ mạn thuyền – Tập bút ký – Nxb Hội Nhà văn, 2012, Tuyển truyện ngắn và bút ký văn học – Nxb Hội Nhà văn, 2012, Đi nhiều thành đường – Tập Tùy bút – Nxb Đà Nẵng, 2017, Ven cánh rừng ký ức – Tập Bút ký – Nxb Hội Nhà văn, 2018.

(2) Nhà văn Cao Duy Thảo: Quảng Nam gần gũi như quê nhà – Hoàng Nhật Tuyên -https://baoquangnam.vn/tac-gia-tac-pham/nha-van-cao-duy-thao-quang-nam-gan-gui-nhu- que-nha-36638.html

(3) “Nơi nuôi dưỡng những giấc mơ”, “Bạn ở rừng, Ngàn xanh”,” Chuyện quê”, “Sóng vỗ mạn thuyền”, ‘Khoảnh khắc trường Sa”, ‘Bến thức”, “Cho mỗi gia đình”, “Đường đến Krông Trai”, “Dưới tán lá phong”, “Kể chuyện đi Trung Quốc”, ‘Một mình đến Mỹ”.

(4) Cái tôi của Nguyễn Tuân trong văn tùy bút – tr.93, 94 – Đi nhiều thành đường, Tùy bút, Cao Duy Thảo, Nxb Đà nẵng, 2017, tr.93, 94

(5) Lý luận văn học, Phương Lựu, Trần Đình Sử, Nguyễn Xuân Nam, Lê Ngọc Trà, La Khắc Hòa, Thành Thế Thái Bình, Nxb GD 1997, tr. 482