Đặng Anh Đào không chỉ là một chuyên gia lâu năm về văn học Pháp, một dịch giả có kinh nghiệm, một nhà văn viết có duyên, mà còn là một nhà phê bình văn học tài hoa. Bắt đầu từ thời kỳ Đổi mới bà viết một loạt bài thưởng thức và phê bình văn học, thể hiện một lối đọc đa âm mới mẻ. Những tập sách của bà đã tự giới thiệu về một lối phê bình văn bản khác hẳn với lối đọc truyền thống.
Tôi hỏi bà nếu có một cuốn tuyển các bài phê bình của bà thì nên đặt tên gì cho thích hợp? Bà trả lời: “Đọc giữa những dòng đen trắng”. Cái tên ấy đã nói rất nhiều điều.” Những dòng đen trắng” là biểu tượng của văn bản, là thế giới những con chữ của một âm bản mà trải qua hoạt động đọc sáng tạo của người đọc sẽ hiện ra một thế giới muôn màu lung linh. “Những dòng đen trắng” cũng có nghĩa là tuy văn bản viết bằng giấy trắng mực đen, song ý nghĩa của nó không phải là hai năm rõ mười mà ở đó còn có nhiều tính đa âm, phức điệu hàm ẩn.
Một thời gian dài hễ nói tới tác phẩm là ta nghĩ ngay tới nội dung phản ánh hiện thực, đề tài, chủ đề, tư tưởng của tác giả mà ít quan tâm tới giá trị thẩm mỹ của từ ngữ. Nếu có chú ý đến từ ngữ thì cũng chỉ quan tâm từ ngữ như là cái vỏ của hình tượng mà không để ý đầy đủ đến phương diện nghệ thuật riêng, không quan tâm tới tính liên văn bản, tính phức điệu của nó. Định nghĩa hình tượng văn học của L. I Timôpheev trong sách Nguyên lý văn học không hề liên quan tới ngôn từ. Điều đó làm mất đi một phần không nhỏ giá trị thẩm mỹ, nghệ thuật của tác phẩm văn học.
Cũng một thời rất dài, nói tới việc đọc tác phẩm văn học, ta chỉ hiểu khái niệm “đọc” theo quan niệm truyền thống, tức là lối “đọc thánh thư”, một lối đọc đi tìm ý nghĩa của tác phẩm một cách thụ động, chạy theo cái ảo ảnh về nguyên ý của tác giả đã đúc kết, gửi gắm vào văn bản, mà không nhận thấy đọc trước hết là một hoạt động đối thoại, một hoạt động sáng tạo nghĩa của người đọc dựa vào các loại ngữ cảnh, bao gồm ngữ cảnh văn học, văn hoá, truyền thống trong nước hay thế giới, và thị hiếu riêng của người đọc. Một cách đọc “đa âm” như thế trước đây sẽ coi là thiếu cơ sở xã hội lịch sử, chủ quan, hình thức chủ nghĩa…
Tập tiểu luận, phê bình của Đặng Anh Đào đã trình bày cho người đọc Việt Nam một lối đọc mới mẻ với những cơ sở lý luận mới. Những tác giả và tác phẩm khá quen thuộc như Chuyện người con gái Nam Xương, bài thơ Tây Tiến, Ông đồ, bài bút ký Tháng ba rét nàng Bân, các truyện ngắn Tướng về hưu, Nguyễn Thị Lộ, thơ Hồ Chí Minh…. qua lối đọc của tác giả đã hiện ra những đường nét và màu sắc mới bất ngờ đến thú vị. Bạn đọc tinh ý sẽ thấy thấp thoáng trong các bài viết việc sử dụng những khái niệm mới như ” mã”, “tín hiệu”, “liên văn bản”, “biểu tượng”, “grotesque”, “hình thức tự sự hiện đại”, “sự biến thái của hình ảnh”, “tính phức điệu”, “đa âm”…Có thế nói không có quan niệm mới thì không có lối đọc đó. Những khái niệm mới được tác giả vận dụng thích đáng không những không che lấp mà ngược lại còn làm nổi bật lên phẩm chất thẩm mỹ của văn bản. Lối đọc của tác giả sẽ là một gợi mở rất quý báu đáng để các giáo viên trung học tham khảo trong quá trình đổi mới phương pháp dạy học văn học ở nhà trường hiện nay. Những khám phá về hình thức này còn có thể mở rộng ra để tìm hiểu những biến thái về hình thức thơ hay truyện trong cả một thế kỉ.
Nhưng lối đọc của tác giả không giản đơn chỉ đóng khung trong từng tác phẩm được đọc, mà qua đó còn đối thoại với quan niệm văn học và cách đọc, thị hiếu văn chương thịnh hành. Chỉ qua chùm bài đọc truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp như Khi ông tướng về hưu xuất hiện, Biển không có thuỷ thần…. là ta thấy rõ điều đó. Tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp gợi cho ta suy nghĩ lại về vai trò của nhân vật, về khái niệm điển hình, về thị hiếu người đọc. Các bài viết của Đặng Anh Đào cho thấy vấn đề đổi mới văn học không chỉ là đổi mới sáng tác mà còn là đổi mới cả thị hiếu và lối đọc nữa. Bà đã phát biểu quan niệm về phê bình văn học của mình qua bài viết súc tích Hai bí quyết của phê bình văn học, thể hiện một cách hiểu mới, đáng suy nghĩ.
Cùng với phê bình văn học Đặng Anh Đào còn là một nhà nghiên cứu lý luận về tiểu thuyết. Một chùm bài về tiểu thuyết và một chuyên luận Đổi mới nghệ thuật tiểu thuyết phương Tây hiện đại là những công trình đem lại cho bạn đọc những thông tin mới mẻ về tiểu thuyết và những đổi mới của nó. Nghệ thuật tiểu thuyết phương Tây hiện đại là một đề tài lớn. Sự lựa chọn tài liệu và cách viết ở đây trước hết nhằm vào đối tượng sinh viên và học viên cao học Việt Nam, và do vậy cũng sẽ thích hợp với đông đảo độc giả Việt Nam hiện nay. Sự hạn chế về tư liệu không làm giản đơn nội dung vấn đề của chuyên luận. Phải nói rằng một thời gian rất dài trong lý luận tiểu thuyết của ta với tinh thần độc tôn chủ nghĩa hiện thực đã triệt để khai thác lý luận tiểu thuyết hiện thực thế kỷ XIX và hầu như hoàn toàn dị ứng với những tìm tòi hiện đại của các nhà tiểu thuyết phương Tây hiện đại thế kỉ XX. Vì thế công trình của Đặng Anh Đào có tác dụng giúp hiểu thêm về thực chất của những tìm tòi phức tạp đó. Người viết chuyên luận cũng có thái độ phân tích khách quan, không tán dương một chiều. Đó cũng là một tiếng nói đối thoại với tiểu thuyết phương Tây hiện đại. Tất nhiên trong sách của bà đôi khi ta bắt gặp một vài chỗ do đọc chưa kĩ mà dã nhận định vội vàng, nhưng đó là những tiểu tiết.
Đặng Anh Đào đã viết phê bình và chuyên luận với một phong thái tự do thoải mái, hóm hỉnh, mang lại cho những trang viết có nhiều ánh lửa lung linh hấp dẫn, nhẹ nhàng.
Trần Đình Sử