Nhà văn Võ Thị Xuân Hà có một số lượng tác phẩm khá đồ sộ. Trong số đó, cuốn tiểu thuyết Câu chuyện của Nàng Thê đã giúp độc giả tiếp cận với các triết lý nhân sinh Phật giáo một cách tự nhiên mà thấm thía. Mối quan hệ giữa các nhân vật được xây dựng dựa trên sự tuân thủ triệt để quan niệm của đạo Phật về: duyên nợ, luân hồi, chuyển nghiệp, giải thoát, buông bỏ,… Tác phẩm còn có hình thức biểu hiện mới lạ, ngôn ngữ trau chuốt, hình ảnh ấn tượng, lãng mạn, giàu tính thẩm mỹ.

1. Đặt vấn đề

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà có một gia tài sáng tác khá đồ sộ, đáng nể. Chị là một trong số các nữ văn sĩ đương đại có số lượng truyện ngắn nhiều nhất (trên 200 truyện), ngoài ra còn có 2 tập bút ký, 1 tập khảo cứu liên quan đến đạo Phật và 3 cuốn tiểu thuyết. Câu chuyện của Nàng Thê là cuốn tiểu thuyết thứ ba của chị (sau Tường Thành và Trong nước giá lạnh). Tác phẩm này cùng với cuốn Gia đình Phật tử đã cho người đọc thấy Nhà văn Võ Thị Xuân Hà đúng là có duyên với đạo Phật, hiểu biết thấu đáo về đạo Phật. Những ai chưa hiểu đạo, đọc Câu chuyện của nàng Thê cũng có thể nắm bắt được một số vấn đề về triết lý nhân sinh kiếp cõi. Tiểu thuyết có hình thức biểu hiện rất mới lạ, không giống bất cứ một tiểu thuyết đương đại nào mà tôi từng đọc.

2. Các mối quan hệ được xây dựng theo triết lý đạo Phật: duyên nợ cuộc đời

Trước hết có thể nhận thấy tác phẩm Câu chuyện của Nàng Thê dày đặc những thuật ngữ tôn giáo: cõi thường hằng, cõi không thường hằng, Tiên giới, Thần giới, Linh giới, Trần giới, Yêu giới, Ma giới, Ngục giới; ngọa quỷ, sông Đoạn Hà, bến Tàng Sinh, đầu thai, chuyển kiếp, linh hồn phản chiếu, cõi thế, cõi nhu nhiên, Đấng Tạo Hóa, Đấng Linh Thiêng, Thánh Tiên Đế, Nước Quên, Nước Trời, Trái Đất, Vũ Trụ, Trần Gian, vườn Hài nhi, linh khí hài nhi, các Tiểu Thiên Thần nhập thế, thiên thần hộ mạng, tu tập, an lạc, chấp chước, thiền tâm, sát na,…

Tiểu thuyết xoay quanh nhân vật chính là Nàng Thê, luôn khát khao tìm kiếm một tình yêu đích thực, đi tìm “định mệnh” Twin Flame – linh hồn song sinh hay linh hồn phản chiếu của mình. Đây là một khái niệm mới mẻ từ phương Tây nhưng hoàn toàn trùng khít với cái gọi là “duyên nợ” trong đạo Phật. Nhân vật Nàng Thê trong truyện và Nhà văn Võ Thị Xuân Hà ở ngoài đời giống như một cặp bài trùng, nhân vật đó phải chăng cũng chính là linh hồn phản chiếu của nhà văn.

(Lưu ý trong cuốn tiểu thuyết này còn có một cặp Twin Flame khác, đó là Nam Mộc và chính nhánh cây thứ hai mọc lên từ gốc cây Nam Mộc bị chàng học trò đốn củi chặt. Và khởi từ sự chặt này mà nàng Thê bị phạt, bị đẩy xuống trần gian – hoặc hiểu sâu hơn là được xuống trần gian để được thử thách, học những bài học. Cặp Twin Flame thứ hai này, nhà văn định danh là linh hồn song sinh).

Cái gọi là duyên nợ trong đạo Phật ấy cứ đeo bám chúng ta trong vô lượng kiếp luân hồi. Những người mà ta gặp họ trên đời đều là có duyên: Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ/ Vô duyên đối diện bất tương phùng. Tu ngàn năm là bạn, tu vạn kiếp là vợ chồng, còn duyên thì ở lại, hết duyên thì chia xa. Có những người mà ngay khi vừa gặp, ta đã có cảm nhận được sự quen thuộc, một mối liên hệ nào đó. Trong tiểu thuyết, những nhân vật mà nàng Thê gặp gỡ đều có mối nhân duyện như vậy từ tiền kiếp . Họ cảm thấy đã biết nhau thường là do trực giác, linh giác mách bảo. Thế nên, tác phẩm xuất hiện nhiều lần những cái gọi là “tiềm thức”, “luồng điện”, “thể khí”, “luồng khí”, “mối giao hòa nhân duyên”… Chẳng hạn, trong giây phút đầu tiên nghe giọng nói của gã tiều phu, Nàng Thê đã “cảm thấy như có một luồng điện chạy khắp châu thân. Giọng nói! Tôi đã nghe giọng nói này từ đâu nhỉ? Từ trong hang sâu, trong ngục tối, trong dòng nước lạnh, bên sông, trong vườn hay trong tấm áo quan bao bọc linh hồn, trong ngàn ngàn năm trước” [2, tr.31]. Cái luồng điện ấy gieo vào chân linh tiềm thức của nàng Thê một mối tương giao mơ hồ, mặc dù nàng không thể biết được gã tiều phu kia chính là người lính cai trong tiền kiếp đã đem lòng say mê nàng dù đã phải đẩy nàng xuống trần gian theo lệnh vua Thanh Đế. Khi Nàng Thê nhìn thấy Mẫu Hậu thì “bỗng nhiên như có một luồng điện mạnh xẹt ngang trí não” [2, tr.108] và nàng mơ hồ nhìn ra một vài nét gì đó quen lắm, cái “sự quen thuộc” đó, nhà văn lấy đúng hình ảnh để người đọc hiểu bà chính là người cung nữ nước Lệ từ trong muôn ngàn kiếp trước. Khi Nàng Thê trên cõi thế gặp người đàn ông trẻ trong đoàn khảo sát địa chất thì cô đã “nhíu mày nhíu trán, tự đấm vào đầu mình” rồi tự hỏi: “Ta đã gặp anh ấy hồi nào nhỉ? Và chính người ấy khi gặp cô cũng đã tự bạch: “Tôi cảm thấy một luồng điện chạy sâu trong từng mao mạch” [2, tr.145]. Khi nghe tiếng sáo của chàng Lưới Sông, Nàng Thê đã xao động: “Sao tiếng sáo này, tôi nghe quen lắm. Như tri âm tri kỉ.” rồi ngay lập tức: “Tiềm thức tôi bật mở. Tim tôi ngừng đập.” [2, tr.47]. Cũng bằng tiềm thức, chàng Nam Mộc đã nhận ra Nàng Thê – linh hồn phản chiếu của mình từ vô lượng kiếp: “Vào kiếp đoạn này, tôi nhận ra nàng, nhờ vào giấc mơ trong tiềm thức (trong mơ tôi thấy mình được trao cho con mắt thứ ba)” [2, tr.225]. Khi Nàng Thê mới chỉ nghe giọng nói của Đức Vua Bạch Mã: “Ta đợi nàng đã hàng vạn kiếp” thì đã thấy: “Một luồng khí chạy khắp châu thân. Giọng nói, một giọng nói ấm áp quen thuộc, những thanh âm tôi đã lưu giữ hàng vạn năm. Là giọng nói của người ấy sao?” [2, tr.95]. Rồi khi kéo tấm voan lên và được nhìn thật gần ánh mắt, gương mặt của chàng thì Nàng Thê đã nhận thấy: “một mối giao hòa nhân duyên như vầng năng lượng tỏa xung quanh, ôm ấp và sáng rỡ” [2, tr. 99-100]…

Quả thực, cho đến nay, “tiềm thức” vẫn là một điều bí ẩn chưa được bạch hóa và hiểu rõ. Nhưng nó có thể khai tâm cho ta biết về những mối quan hệ nhân duyên sâu đậm từ vô lượng kiếp. Những giây phút mà tiềm thức tình yêu bật mở thì cũng chính là những giây phút bất tử của tình yêu. Ở đây, hợp chỗ để nhắc lại và hiểu sâu sắc hơn một câu châm ngôn rất hay: “Không có tình yêu bất tử mà chỉ có những giây phút bất tử của tình yêu”.

3. Các mối quan hệ tuân thủ quan niệm Phật giáo: luân hồi, chuyển nghiệp, giải thoát

Các nhân vật trong tiểu thuyết được xây dựng theo quan niệm của đạo Phật, nghĩa là chết không phải là hết mà là sự luân hồi, chuyển nghiệp, tái sinh ở một kiếp sống khác. Các nhân vật ấy, có kiếp là kẻ xấu ác, khi chuyển kiếp tu tập lại thành người tốt; có kiếp là kẻ giết người, có kiếp lại cứu người; có kiếp sang, có kiếp hèn; có kiếp hình hài xấu xí, có kiếp trở thành người hào hoa, đẹp đẽ; có kiếp là nô lệ, có kiếp là bà hoàng; có kiếp là kẻ thù không đội trời chung nhưng khi chuyển nghiệp lại là người có quan hệ thân thiết, gần gũi; có người kiếp trước làm cha, kiếp sau lại làm anh…

Tiểu thuyết Câu chuyện của nàng Thê cũng đã phản ánh sinh động quy luật mâu thuẫn, một trong ba quy luật cơ bản của phép biện chứng, rằng: Thế giới luôn có sự đối lập: xấu – tốt, thiện – ác, sinh – diệt và luôn song hành, tồn tại. Chúng có thể hoán đổi/ thay đổi/ biến đổi không chỉ sau mỗi lần chuyển kiếp mà thậm chí còn ngay trong cùng một con người/ một sự vật/ một cách nhìn/ một khoảnh khắc/ một sát na; trong mỗi lúc vừa là nó nhưng lại vừa là cái khác. Điều đó cũng trùng khít với quan niệm “phi nhất phi dị” trong Đạo Phật. Ví như, gương mặt của nàng cung nữ nước Lệ đã thay đổi một cách khó nắm bắt dưới con mắt quan sát của Nàng Thê: “Đôi lúc rất xấu, đen tím lại như những vết bầm. Đôi lúc lại sáng bừng như ánh tà dương…” [2, tr.13]. Ngay bản thân Nàng Thê cũng tự thấy mình: “Tôi như ánh sáng và đêm tối, nhu nhiên” [2, tr.15]; còn em gái Lưới Sông cũng ngạc nhiên trước vẻ đẹp của Nàng Thê: “Chị là ai? Chị là tiên sao? Hay là hồ ly? Chỉ có thể là tiên hoặc hồ ly” [2, tr.57];…

Tiểu thuyết cũng nhắc nhớ cho người đọc thấm thía hơn về một quy luật bất biến của đời sống. Đó là trong vui có buồn; trong thất bại có thành công; trong rủi có may; trong thất lạc, li biệt đã có mầm may mắn gặp gỡ. Cuộc sống của chúng ta sẽ thực sự trưởng thành nếu kinh qua nhiều trải nghiệm: “Đức Phật hẳn đứng trên cao mỉm cười nhắc nhở tôi. Ngài lớn lao hơn những gì ta hằng biết về Ngài. Rằng những gì ta cần gánh chịu, những gì nhục nhã ê chề, những oan khiên mờ mịt, lại là niềm hạnh ngộ” [2, tr.33].

Tiểu thuyết này cũng phản ánh sâu sắc quan điểm của đạo Phật: trong nhân có quả, trong quả có nhân và ý thức buông xả mọi thù hận thông qua nhiều chi tiết sống động. Có thể đơn cử một dẫn chứng: vì sao nàng cung nữ nước Lệ đã quyến rũ chồng nàng Thê (kiếp là công chúa nước Trang, mà chồng nàng là hoàng tử nước Cổ Nộ), tiến đến sát hại nàng Thê để rồi về sau chiếm được ngôi hoàng hậu khi hoàng tử lên ngôi vua? Có lẽ nguyên nhân sâu sa là bởi nàng ta (một cung nữ “đẹp như giọt lệ, kiêu hãnh như giọt lệ”) đã phải quỳ bên chân giường nhiều đêm, như một thây ma, như hóa đá thành một bức tượng vô hồn cam chịu sau khi phải hầu hạ và chứng kiến những cuộc ái ân của vợ chồng Nàng Thê. Và khi hình dung lại cảnh huống xưa thì chính linh hồn Nàng Thê đã tha thứ và buông xả: “Trong sát na đó, tôi thốt nhiên bừng tỉnh. Lòng không còn hiu quạnh và căm hờn. Tai không còn nghe tiếng của loài sói tru dài trong những đêm hoang tìm kiếm gian dối và thù hận. Tôi bay đi, nhẹ như gió và vô hình vô ảnh.” [2, tr.19]. Chỉ có sự buông xả, chỉ có tình yêu thương mới có thể thay đổi đời sống, làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.

Tinh thần của đạo Phật là muốn có hạnh phúc thì phải biết tự giải thoát, buông bỏ và lãng quên những cái cần quên vì sướng khổ đều tại tâm: “Nhân gian được ban một phép lạ, duy nhất mà hết thảy không hề biết để tạ ơn Vũ Trụ, đó là sự quên lãng.” [2, tr.148].

4. Ngôn ngữ, hình ảnh trong tiểu thuyết mang cảm quan của tinh thần thiền

Tinh thần thiền ở đây được hiểu là hướng tới cõi an yên trong tâm trí; hủy diệt cái Bi để kiến tạo cái Đẹp; vượt qua đau khổ để mơ ước hướng  đến được cảnh giới của “cõi tiên, cõi thiên đường” trong vũ trụ.

Tiểu thuyết Câu chuyện của Nàng Thê có hai cõi sống: cõi tiên/ cõi mộng và cõi trần/ cõi thực. Hai cõi là hai thái cực, nhưng cõi tiên/ cõi mộng kia chiếm ưu thế, lấn át cõi trần/ cõi thực. Cõi thực là cõi được bộc lộ hết sự đẹp đẽ và xấu xa, mà tình yêu ít có sự giao thoa gặp gỡ hoàn mĩ; là cõi của ghen tuông, ô nhục, muộn phiền hoặc những cảnh huống trớ trêu (như của nàng Điển, Nàng Nương, Nàng Thê trên cõi thế). Nhưng cõi tiên/ cõi mộng lại là thế giới của trí tưởng tượng thăng hoa nên tất cả đều lấp lánh sắc màu, tràn đầy âm nhạc, mùi thơm và ánh sáng.

Không gian cổ tích, mộng ảo ấy có nhiều mùi thơm lắm: đó là mùi “thơm nức xạ hương” [2, tr.109] của tấm thảm lông cừu vàng; là mùi của “nến thơm và hoa cỏ” [2, tr.108] trong cung Thiên Lệ; là “mùi hương hoa quyện với hương Ngọc Am đã kết rắn thành lũa” [2, tr.115] trong vườn thượng uyển, là “mùi hương kì ảo”, “mùi hương át hết các mùi hương phai nhạt khác” toát ra từ thân thể của Nàng Thê, hậu duệ của “dòng tộc Nước Thơm” được nhắc lại nhiều lần [2, tr.87, 91, 113, 183,…]; là “mùi hương xạ giới” [2, tr.127] của đất; là “mùi thơm dịu” của kiệu hoa nơi có công chúa nước Ngọc Đảo nằm [2, tr.123], là “mùi hương trầm buồn của thân xác” [2, tr.126]; là “làn hương thơm thoang thoảng” [2, tr.218] của cơ thể Thiên Xuân Hoàng Hậu qua ký ức của chàng Nam Mộc; là “thứ hương như mùi gỗ bồ đàn” [2, tr.12] của Hoàng tử nước Cổ Nộ;…

Không gian mộng ảo đó cũng tràn đầy âm nhạc: tiếng sáo, tiếng đàn, tiếng thơ và tiếng hát. Nhiều câu thơ đẹp, đậm chất ngôn tình được xen lồng vào những trang văn và thậm chí còn được điệp lại mấy lần đã trở thành “nhịp mạnh” thực sự ấn tượng: “Ngoài trời sương hoa bay lất phất. Nàng sẽ cho ai tất cả tình yêu. Để lòng ta lệ rơi chua xót. Xin hẹn nàng một kiếp phù du…” [2, tr.45].

Không gian cõi tiên ấy còn có rất nhiều sắc màu lộng lẫy, óng ánh, sặc sỡ, rực rỡ: màu vàng óng của nắng, màu hồng đào của váy áo cung đình vương giả, màu của những tia ngũ sắc, màu của những đài hoa; màu của những hạt kim sa, màu của ngọc biếc, của ánh sao; của những cánh bướm, của chim loan chim phượng… Có thể dẫn ra một số ví dụ sau: Nắng lên như một tấm thảm vàng óng, lại chất chứa bao hạt kim sa khiến nhân gian lầm tưởng đã được đặt chân lên cõi thiên đàng [2, tr.167]; Vạt áo sa kim màu hồng đào bùng lên như thoáng vụt bay của cánh hạc [2, tr.170]; Váy áo tung lên vô hồi như cánh chim loan chim phượng [2, tr.171]; Một manh áo mỏng bay lên theo gió, óng ánh và sặc sỡ y như cánh bướm [2, tr.192]; tôi chợt nhớ ra mẹ như cánh bướm sặc sỡ của cõi Tiên [2, tr.196]; (Cũng cần nói thêm rằng, bướm mang nhiều biểu trưng riêng của các nền văn hóa khác nhau nhưng nhìn chung, loài vật này đại diện cho sự thay đổi và biến đổi. Nó bắt đầu cuộc sống của mình trong một hình thức này và kết thúc vòng đời trong một hình thức khác)…

Những đối tượng được đem ra so sánh trong tiểu thuyết này có một điều đặc biệt, chúng thường liên quan đến những hình ảnh của vũ trụ. Chẳng hạn: như thiên hà, như cõi thiên đàng [2, tr.167]; như vì tinh tú, [2, tr.75, 95]; như vệt sao băng [2, tr.14]; như ánh sao băng [2, tr.108]; như ánh tà dương [2, tr.13]; như vầng dương [2, tr.10, 91]; như vầng năng lượng [2, tr.99]; như búi mây trắng [2, tr.138]; như tiểu thiên thần [2, tr.195]; như những tia vàng soi rọi nhân gian [2, tr.45];… Có thể đưa ra một số dẫn chứng: Gió thổi từng cơn nhẹ xuyên qua cánh đồng, lao xao như muôn vàn vì tinh tú đang giao hòa [2, tr.75]; Trăm ngàn nụ (hoa) nhú lên như những ánh sao [2, tr.73]; Gương mặt mẹ xanh một màu xanh của thiên hà phiền muộn” [2, tr.192]; …

Có thể nói thêm điều này: Văn của Võ Thị Xuân Hà có nhiều so sánh đẹp và lạ, mang dấu ấn phong cách riêng. Cái lạ đôi khi không hẳn do đối tượng được đem ra so sánh lạ, mà lạ ở những định ngữ kết hợp mở rộng cho đối tượng ấy, chẳng hạn: Hàng ngày tôi luôn lắng nghe, nhưng tịnh không nghe được một khúc nhạc sáo nào giống như xưa, giống như làn gió thổi qua, như vệt sao băng, xẹt ngang qua bầu trời, đọng lại muôn tiếng hư hình hư ảnh, khiến cõi lòng nhớ nhung lưu luyến mà chẳng thể phân định được vì sao lại nhớ nhung lưu luyến [2, tr.14]; Sương như những giọt nước mắt của những nàng tiên, ánh lên muôn vàn tia ngũ sắc, ngái ngủ và bừng tỉnh, trễ nải mà vội vàng xốc dậy tất cả vạn vật [2, tr.53]; Sương dăng trên những đài hoa đăng kết rực rỡ, sượng đọng li ti như những viên ngọc sa xuống nhân gian, ánh lên sắc màu hạnh ngộ [2, tr.99]; …

Trong cảm quan thẩm mĩ của nhà văn Võ Thị Xuân Hà, miêu tả sự sống hay cái chết, sinh thành hay hủy diệt cũng đều phải đẹp. Không gian mà Nàng Điển sinh ra Nàng Thê phải là “một đêm ngập tràn ánh sao sa” [2, tr.186]. Hoặc Nàng Thê là một thực sinh từ hàng vạn năm trước cũng được thoát thai “khỏi vỏ bọc với cái màng trong suốt như dệt từ tơ”. Và khi Nàng Thê kết thúc một kiếp đoạn thì thời khắc đó cũng đẹp như một giấc mơ: “Sự sống bay khỏi tôi như một giấc mộng huyền hồ” [2, tr.17]. Còn tư thế chết của các cô dâu nhảy từ lầu cao xuống tự tử cũng được chị miêu tả bằng một so sánh rất liêu trai: “Các tư thế khi gieo mình đều như một cánh bướm trắng khổng lồ, bay xuống và nằm úp sát trên đất” [2, tr.176]. Cái chết của Nàng Thê khi cứu chàng Lưới Sông – người lính lệ muôn kiếp trước – cũng là một hình ảnh so sánh lãng mạn, đẹp đẽ và ngoạn mục: “Tôi dang tay ra chắn mũi tên đang lao thẳng vào ngực Lưới Sông. Mũi tên xuyên qua tim tôi ngọt như cánh diều mà chàng Bạch Mã Hoàng Tử đã thả bay trên bầu trời vào ngày Đại Hỉ để đón tôi” [2, tr.134].

Không chỉ miêu tả sinh nở đẹp, chết đẹp mà chị còn miêu tả vết thương (được băng bó) cũng phải đẹp, đẹp một cách siêu thực: “Tôi bó gót chân rớm máu của mình bằng những cành hoa lưu ly tím” [2, tr.194].

Trong thế giới huyền ảo đó, nhiều từ ngữ kết hợp với từ “linh”  xuất hiện;  linh là một từ để chỉ tinh thần con người, tin vào những điều kỳ diệu, thần kỳ chưa lý giải được. Đó là: linh hồn phản chiếu, linh hồn thứ hai, linh hồn u hoài vọng tưởng, linh hồn yêu thương [2, tr.226]; Đấng Linh Thiêng [2, tr.159]; đấng hằng linh [2, tr.23]; linh cảm [2, tr.21], linh thú [2, tr.52], linh khí [2, tr.78], châu linh [2, tr.79], linh châu [2, tr.120], linh diệu [2, tr.28], linh tự [2, tr.8, 240]; linh thảo, linh ngân, linh giới, thiên linh [2, tr.231, 232, 235];…

Sự tưởng tượng phong phú của nhà văn đã cho ra đời nhiều đoạn miêu tả đẹp. Chẳng hạn: “Tôi thấy mình đang bơi trong nước như một linh thú. Nước rào rạt hai bên mang tai. Những hạt nước trong veo như những hạt châu làm thành chiếc vương miện tuyệt đẹp. Vườn thượng uyển rực rỡ những loài thủy sinh đang rì rào trong bản nhạc đệm bất tận của nước.” [2, tr.52]. Đoạn văn này khiến tôi liên tưởng tới bộ phim viễn tưởng Dòng chảy của nước (tiếp phần hai của bộ phim Avatar hiện đang ăn khách) với những hình ảnh 3D thật sống động, lung linh.

Tôi thực sự ấn tượng với vẻ đẹp thiên nhiên trong tiểu thuyết “Câu chuyện của Nàng Thê”. Những nghệ sĩ lớn thường sáng tạo ra cái đẹp từ vô thức. Võ Thị Xuân Hà cũng từ vô thức duy mĩ mà đã sáng tạo ra những tên hoa lá cỏ cây rất lạ lẫm, gợi liên tưởng, có gì đó quyến rũ và ma mị: cỏ linh thảo, cỏ dạ minh anh, cây sa kim, cây nam mộc, cây sứa đam, cây cầm hộ vĩ, cành giang thố, cây An (cây Ngọc Thụ); hoa linh ngân, cành phong hương,… Còn nếu là loài cây có thực thì cũng là những loài mà linh hồn thường trú ngụ; đó là hình ảnh những búp chuối non (nơi có những “linh hồn hài nhi bám vắt vẻo” [2, tr.154] hoặc là “bông gạo bung nở và bay đi theo gió” [2, tr.144] (gợi liên tưởng cây gạo có ma, cây đa có thần) hoặc “ngàn lau trắng chảy bên dòng” [2, tr.201] (gợi nhớ loài cây hoang dại, biểu tượng của sự an yên trong tác phẩm Thả một bè lau của Thiền sư Thích Nhất Hạnh);…

Vì thế, có thể nói văn phong của Võ Thị Xuân Hà trong tiểu thuyết Câu chuyện của Nàng Thê là thứ văn rất giàu chất thơ, lãng mạn và duy mĩ.

Ngoài những độc đáo trên, tôi còn nhận thấy tiểu thuyết Câu chuyện của Nàng Thê có một cấu trúc đặc biệt. Các chương vừa có sự liên kết mạch lạc vừa có sự độc lập, riêng rẽ. Đó là một kiểu cấu trúc linh hoạt tự do. Sau khi đọc phần Vĩ thanh, bạn có thể đọc bất kỳ một chương nào trong tiểu thuyết mà không thấy hụt hẫng, khó hiểu.

Cuốn tiểu thuyết này ít đối thoại mà nhiều tưởng tượng, điểm nhìn của người kể chuyện trùng khít với điểm nhìn của nhân vật chính xưng tôi. Đây là ngôi kể khiến nhân vật có thể đi sâu vào từng ngõ ngách của tâm hồn mình để giãi bày, đào xới nội tâm một cách chân thực nhất và rất phù hợp với nội dung của truyện là sự truy tìm bản thể của chính mình.

5. Kết luận

Có thể nói, tác phẩm Câu chuyện của Nàng Thê đã cho người đọc tiếp cận với quan niệm của đạo Phật một cách rất tự nhiên, sinh động, sâu sắc. Đó là quan niệm về “duyên nợ”, “luân hồi”, “giải thoát”. Ngôn ngữ, hình ảnh trong tiểu thuyết này mang cảm quan của tinh thần thiền, đó là tự mình hướng tới cõi an yên trong tâm trí; hủy diệt cái Bi để kiến tạo cái Đẹp. Phép so sánh của chị mang dấu ấn cá nhân, mang phong cách riêng rõ nét: đối tượng đem ra so sánh thường là những hình ảnh đẹp đẽ mang chiều kích của vũ trụ.

Tác phẩm được kể ở điểm nhìn ngôi thứ nhất xưng tôi của nhân vật chính Nàng Thê nhưng đồng thời nó cũng song trùng với điểm nhìn của chính tác giả. Trong đời sống hiện đại, người có ý định truy tìm bản thể của mình tức là đã quan tâm đến đời sống tinh thần hơn những vấn đề vật chất tầm thường. Và như vậy, nhân vật cũng như nhà văn đã thực sự đứng ở một cảnh giới khác, một cảnh giới cao mà người nào có duyên với đạo Phật mới được thụ hưởng.

PGS-TS HOÀNG KIM NGỌC