Tao Đàn – Lớp nghiên cứu trẻ ngày nay đã vén những mảng bụi mờ trong dòng lịch sử. Bên cạnh đó, nhiều nghệ sĩ biết tìm trong vốn cổ cha ông để tạo dựng nên những tác phẩm nghệ thuật, thể hiện sự lộng lẫy của văn hóa, lịch sử dân tộc.
Ngày 13/5/2020, ca sĩ Hòa Minzy phát hành MV Không thể cùng nhau suốt kiếp trên mạng xã hội YouTube. 3 ngày sau, MV này đạt 10 triệu lượt xem, xếp vị trí số 1 thịnh hành YouTube Việt Nam khi đó. Music Video này cũng vào top thịnh hành YouTube của một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore. Sau 3 tháng phát hành, MV có 31 triệu lượt xem, cùng vô số bản cover (bản hát lại, thu âm lại). Điều đáng nói, đây là một MV cổ trang, lấy cảm hứng từ chuyện tình của hoàng hậu nhà Nguyễn. Hòa Minzy không phải là nghệ sĩ duy nhất “thăng hạng” nhờ sáng tác trên nền lịch sử. Vài năm qua, nhiều nghiên cứu, tác phẩm, sản phẩm ứng dụng đã ra đời và thành công dựa trên vốn lịch sử, văn hóa của dân tộc. Người làm ra những sản phẩm này đều ở độ tuổi 8x, 9x. Một trào lưu sáng tạo lấy cảm hứng từ lịch sử, nghiên cứu lịch sử đã ra đời và bắt đầu thu quả ngọt.
Những công trình nghiên cứu truyền cảm hứng
Quay trở lại gần 10 năm trước, mỗi lần nhắc tới lịch sử, các phương tiện truyền thông thường nêu hiện trạng người trẻ không thích học lịch sử, thuộc sử nước ngoài hơn lịch sử nước ta. Giữa năm 2013, một công trình nghiên cứu ra đời khiến công chúng trầm trồ, nhìn lại cách đánh giá về kiến thức lịch sử của người trẻ. Đó chính là cuốn sách Ngàn năm áo mũ của Trần Quang Đức do Nxb Thế giới và Nhã Nam phát hành.
Công trình dày hơn 400 trang, khảo cứu về trang phục của người Việt Nam trong khoảng 1.000 năm, từ thời Lý đến thời Trần, Lê sơ, Lê Trung Hưng, Tây Sơn và cuối cùng là thời Nguyễn. Ngàn năm áo mũ dựa trên những tư liệu khoa học lịch sử, phục dựng văn hóa ăn mặc của người Việt trong cả một nghìn năm. Ở đó, tác giả đưa ra thông tin từ tổng quan tới chi tiết về kiểu dáng, quy chế các loại trang phục, áo mũ, đầu tóc của người Việt, phân ra hai kiểu cung đình và dân gian Việt Nam.
Những kiến thức trong sách không chỉ cho thấy cha ông ta đã ăn mặc thế nào, phong tục tập quán ra sao mà còn chỉ ra những điểm sai của phục trang ở những bộ phim, những bức tranh về lịch sử đã thực hiện. Sách trở thành một hiện tượng xuất bản với 1.000 bản bán hết chỉ trong 2 tuần phát hành – điều hiếm thấy với một cuốn sách nghiên cứu thời điểm ấy. Với cuốn sách “chào sân” giới nghiên cứu, bạn đọc, Trần Quang Đức được gọi là một học giả, nhà nghiên cứu. Vào thời điểm sách ra mắt, Trần Quang Đức 28 tuổi.
Anh thực hiện công trình này trong 3 năm, sau quãng thời gian học tại Đại học Ngoại ngữ Hà Nội và tu nghiệp ở Đại học Bắc Kinh. Trần Quang Đức đã tìm kiếm tư liệu ở nhiều nguồn trong và ngoài nước. Đó có thể là tư liệu Hán – Nôm, các văn tự cổ, đặc biệt là tài liệu của các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, từ đó tìm thông tin về trang phục người Việt. Ví dụ, Ngàn năm áo mũ cho rằng người thời Lê Trung Hưng thường mặc áo giao lĩnh, xõa tóc dài, đôi khi dùng khăn phủ đầu. Thông tin này dựa trên tư liệu của Triều Tiên (khi Phùng Khắc Khoan đi sứ nhà Minh, đã được sứ thần Triều Tiên là Lý Toái Quang miêu tả: Xõa tóc dài, dùng một tấm khăn phủ lên đầu trông tựa nhà sư).
Sau Ngàn năm áo mũ, một số công trình nghiên cứu lịch sử khác của giới trẻ cũng ra đời. Lịch sử thư pháp Việt Nam của tác giả Nguyễn Sử dựng nên diện mạo nghệ thuật thư pháp Hán – Nôm ở nước ta. Đi vào đề tài nghiên cứu này, tác giả gặp nhiều khó khăn khi bút tích của các thư pháp gia trung đại bị mai một nhiều, nếu không muốn nói là mất mát gần hết. Tác giả khảo cứu sử liệu Việt Nam và một số quốc gia khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc; tìm hiểu một số bản chép tay thư pháp của một số văn nhân còn sót lại.
Trong quá trình tìm tư liệu, tác giả phải đi thực địa ở nhiều nơi, tìm hiểu và dập lại các bản thư pháp còn lưu giữ trong các đền chùa, bia đá, vách núi, hang động… Nhà nghiên cứu văn hóa Phan Cẩm Thượng nhận xét về công trình này như sau: “Cuốn sách không chỉ làm cái việc liệt kê thư pháp Việt Nam mà còn có những ý tưởng riêng về chỗ đứng của thư pháp Việt Nam ở Đông Á, cái nhìn về nghệ thuật thư pháp và các tác giả – thư pháp gia trong lịch sử, cùng mối quan hệ, sự học hành của họ với các nhà thư pháp nổi tiếng nước ngoài.”
Nhà nghiên cứu Trần Trọng Dương (sinh năm 1980) cũng trình làng một số công trình nghiên cứu về lịch sử, văn hóa như: Nguyễn Trãi quốc âm từ điển (in lần đầu bởi Nxb Từ điển Bách khoa, 2015), Lí thuyết và thực hành chữ Nôm (Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2016), Việt Nam thế kỉ X – những mảnh vỡ lịch sử (Nxb Đại học Sư phạm, 2019). Di sản Hán – Nôm để lại không chỉ là lịch sử, văn chương mà còn là những văn bản, tư liệu về định chế, tôn giáo, y dược…
Người nghiên cứu phải có kiến thức liên ngành. Các công trình nghiên cứu của Trần Trọng Dương do đó không giới hạn ở một địa hạt. Với Việt Nam thế kỉ X – những mảnh vỡ lịch sử, Trần Trọng Dương đưa ra những kiến giải riêng, khác biệt về những nhân vật, sự kiện quen thuộc trong lịch sử như: Đường Lâm và Ngô Quyền, Loạn 12 sứ quân, Dương Vân Nga với Đinh Bộ Lĩnh và Lê Hoàn…
Với công trình Nguyễn Trãi quốc âm từ điển, Trần Trọng Dương nghiên cứu về chữ Nôm và dựng nên hệ thống từ điển chữ Nôm trong tập thơ Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi. Ở công trình này, Trần Trọng Dương soạn ra 2.500 mục từ và khảo sát 12.000 lượt âm tiết trong tập thơ, đồng thời sưu tầm toàn bộ từ ngữ mà Nguyễn Trãi vận dụng trong tập thơ Nôm. Trần Trọng Dương chỉ ra Nguyễn Trãi chỉ sử dụng 30% chữ Hán trong tập thơ; còn các tập thơ Nôm thời Lê Trung Hưng có tới 60% dung lượng chữ Hán. Qua đó có thể thấy vào thế kỉ XV (thời Nguyễn Trãi viết tập thơ), sự Việt hóa diễn ra rất mạnh trong ngôn ngữ – một cuộc cách tân về ngôn ngữ văn học và chức năng của tiếng Việt.
Cả Trần Trọng Dương, Trần Quang Đức và Nguyễn Sử đều nghiên cứu lịch sử nhưng không khái quát các mốc thời gian nhằm thể hiện những diễn biến của chính trường. Họ đi vào những lát cắt nhỏ, có thể là lịch sử của ăn mặc, lịch sử của nghệ thuật chữ viết, lịch sử của ngôn ngữ… Họ đều được đào tạo bài bản trong nước, có người còn tu nghiệp ở nước ngoài, biết tiếng Anh, tiếng Trung, do đó có thể khai thác tư liệu nước ngoài làm phong phú thêm việc nghiên cứu, đối sánh; đồng thời vận dụng, kết hợp tư liệu Đông – Tây phục vụ nghiên cứu của mình. Tuy ra sách ở tuổi trên dưới 30, nhưng những công trình của họ đều chững chạc, dựa trên những tài liệu gốc, tư liệu đáng tin cậy. Họ đại diện cho một thế hệ nghiên cứu vừa nhạy bén vừa cẩn trọng, thổi một làn gió mới vào địa hạt nghiên cứu lịch sử.
Thành công rực rỡ khi sáng tác trên nền lịch sử
Không chỉ công tác nghiên cứu về lịch sử đạt thành tựu, những nghệ sĩ sáng tác trên nền lịch sử dân tộc cũng đạt những thành công nhất định.
Bộ truyện tranh dã sử Long thần tướng (Thành Phong, Mỹ Anh vẽ, Khánh Dương kể) lấy bối cảnh thời hiện đại và thời Trần trước cuộc kháng chiến chống Nguyên – Mông lần thứ hai. Tác phẩm kể lại một truyền thuyết liên quan đến vua tôi nhà Trần, ở đó có sự xuất hiện của những nhân vật lịch sử như Trần Hưng Đạo, Chiêu Quốc Vương, Trần Quốc Toản… Không chỉ vì kể một câu chuyện hấp dẫn, tác phẩm được yêu thích còn bởi tôn trọng tối đa lịch sử, văn hóa.
Các tác giả tìm hiểu, chi chút cho từng lời kể, khung tranh. Ở đó, có thể thấy người thời Trần nhuộm răng đen, quan quân ăn mặc thế nào, gia nô xăm mình ra sao… Tác phẩm còn khiến độc giả ngạc nhiên khi cho thấy gần 800 năm trước, quý tộc thời Trần đã chơi bóng da, mã cầu (trò polo hiện đại). Tác phẩm dựng lại một không gian lịch sử qua nét vẽ truyện tranh. Bản vẽ trong truyện có các chi tiết như cửa Đại Hưng, cửa Dương Minh, cửa Vân Hội, phủ Thái Úy, điện Tập Hiền, sứ giả quán… cho thấy kinh thành Thăng Long thời Trần rộng lớn hơn Hoàng Thành ngày nay.
Trong truyện, bạn đọc còn được thấy phủ Thiên Trường, thái ấp Vạn Kiếp của Trần Hưng Đạo, phủ Chiêu Quốc Vương với học đường nổi tiếng (được thể hiện trong nhiều phân đoạn khi đưa nhân vật Long về nuôi dạy). Các tác giả đã bỏ nhiều công sức tìm hiểu lịch sử. Để có được vài trang thể hiện cảnh Trần Quốc Toản giáp mặt nhân vật Long và thành viên Tử Mộc hội, nhóm tác giả đã tìm hiểu về cách tổ chức đơn vị hành chính ở kinh thành. Để có vài trang cảnh nhân vật Long tới nương náu ở chùa Yên Khánh, các tác giả tìm hiểu kĩ và tái hiện các chi tiết một ngôi chùa, qua đó cho thấy Phật giáo phát triển cực thịnh thời Trần. Long thần tướng trở thành một “tượng đài” mới trong làng truyện tranh Việt hiện nay. Tác phẩm được độc giả góp quỹ hàng trăm triệu đồng để xuất bản, tạo ra trào lưu crowdfunding (góp vốn cộng đồng) trong làng xuất bản ở nước ta. Tác phẩm đã đoạt giải Bạc Truyện tranh quốc tế tại Nhật Bản, có phiên bản tiếng Anh, được xuất bản tại Tây Ban Nha, được một công ti đặt vấn đề bản quyền để dựng phim. Một cộng đồng người yêu thích Long thần tướng đã hình thành. Từ truyện tranh, Long thần tướng đi ra các sản phẩm khác như tượng nhân vật, sổ in hình nhân vật, xuất hiện trên quần áo, ốp điện thoại… Sự thành công của Long thần tướng không chỉ ở cốt truyện hấp dẫn mà còn ở chất lượng nghệ thuật cao và hàm lượng lịch sử, văn hóa dân tộc lớn.
Nếu như Long thần tướng sử dụng lịch sử, văn hóa làm bối cảnh cho một câu chuyện thì Họa sắc Việt (nhóm Sriver), Hoa văn Đại Việt (nhóm Đại Việt cổ phong) lại lấy chất liệu từ trong di sản nghệ thuật cha ông. Họa sắc Việt nghiên cứu màu sắc, tạo hình trong tranh Hàng Trống, từ đó đưa tranh Hàng Trống tới đông đảo công chúng, đặc biệt tiếp cận thế hệ những nhà thiết kế trẻ – những người sẽ đưa họa sắc cha ông vào những sản phẩm hiện đại. Hoa văn Đại Việt sử dụng công nghệ vector để vẽ lại toàn bộ hoa văn cổ của Việt Nam. Bộ vector hoa văn có tính ứng dụng cao khi cung cấp cho cộng đồng sáng tạo Việt Nam sử dụng ở những dự án cổ trang mang tinh thần Việt như trang phục, kiến trúc, hội họa, minh họa… Khi thực hiện dự án này, nhóm tác giả xác lập mục tiêu rõ ràng là tạo ra nguồn tư liệu phong phú cho những người làm văn hóa, sáng tạo nghệ thuật ở Việt Nam với hi vọng thời gian tới Việt Nam sẽ có những tác phẩm đặc trưng văn hóa dân tộc có tầm vóc, chống lại sự xâm lăng văn hóa (thông qua văn học, phim điện ảnh…) của các nước trong khu vực.
Vượt khỏi khuôn khổ những trang sách, các tác phẩm sáng tạo trên nền văn hóa, lịch sử dân tộc đã ra đời. Ỷ Vân Hiên là một công ti chuyên về cổ phục được thành lập năm 2018 bởi Nguyễn Đức Lộc (thuộc thế hệ 9x). Đơn vị này có tham vọng nghiên cứu, phục dựng trang phục truyền thống, các nghi lễ trong cung đình và dân gian, tái hiện kết quả nghiên cứu, phục dựng qua nghệ thuật sân khấu, điện ảnh, văn học và trình diễn, cung cấp các sản phẩm văn hóa truyền thống. Tới nay, thành công nhất của Ỷ Vân Hiên là phục dựng được những trang phục cổ, đậm nét văn hóa Việt. Đơn vị này có thể sản xuất, đưa những bộ trang phục xưa vào phim, lên sân khấu, và quan trọng nhất là ứng dụng được trong đời sống. Kiểu dáng, hoa văn, nét đẹp trong thiết kế trang phục của người xưa giờ đây được người trẻ tìm hiểu; họ thích thú chụp những bộ hình với áo Giao lĩnh, áo Nhật bình, nhiều bạn trẻ đặt may trang phục xưa để mặc trong lễ cưới… Trang phục của Ỷ Vân Hiên cũng đi vào bộ phim Phượng khấu mới lạ ra mắt đầu năm nay. Phim dự kiến có 3 phần, phát trên mạng POPS, với phần một đã phát dài 11 tập. Nội dung phim xoay quanh cuộc đời Hiệu Nguyệt (Từ Dụ thái hậu) từ khi còn là phủ thiếp của hoàng tử Miên Tông tới khi trở thành người phụ nữ quyền lực bậc nhất triều Nguyễn. Được xây dựng theo hình thức cung đấu (những đấu đá hậu cung), bộ phim ngoài tính giải trí còn đưa ra những lát cắt lịch sử, văn hóa triều Nguyễn. Thông qua tác phẩm hư cấu, phim lí giải về một triều đại lịch sử qua góc nhìn của những người phụ nữ. Đạo diễn, nhà sản xuất phim Huỳnh Tuấn Anh (sinh năm 1982) kể, khi tới kinh thành Huế, anh sững sờ về một triều đại có kiến trúc, văn hóa đẹp như vậy mà vẫn chưa thể “mở mày mở mặt” trên lãnh địa nghệ thuật. Nhìn sang các nước trong khu vực, những bộ phim cổ trang của Hàn Quốc, Trung Quốc đã thành công biết bao khi thể hiện lại lịch sử. Anh bày tỏ: “Phượng khấu xuất phát từ hai chữ: tự ái và tự trọng. Người Việt Nam đã tạo ra những giá trị văn hóa không thua kém bất cứ nước đồng văn và thế giới.” Theo Huỳnh Tuấn Anh, một quốc gia có ba tài nguyên lớn: thiên nhiên, con người và văn hóa lịch sử. Đạo diễn chia sẻ: “Văn hóa là thứ hồi môn còn mãi mà ông cha để lại, dùng từ ngày này sang ngày khác. Nó là thứ hồi môn không ai đánh thuế. Chúng ta có thể dùng hồi môn đó để mang Việt Nam đi xa. Bộ phim Phượng khấu được thực hiện với mong muốn khơi dậy ngọn lửa yêu văn hóa dân tộc Việt Nam.” Ngoại trừ một số ý kiến đánh giá thấp Phượng khấu ở góc độ điện ảnh, phim trường, thì trên bình diện chung, phim được đánh giá cao ở yếu tố có khả năng kích hoạt và lan truyền tình yêu đối với văn hóa dân tộc. Bộ phim cho thấy sự tinh tế trong không gian kinh thành: từng vật dụng, món ăn, những bộ trang phục lộng lẫy của cung tần, vua hậu, lễ nghi phong tục cung đình…
Nhà nghiên cứu Lê Văn Lan cho biết ông từng tới Hoàng thành Thăng Long và gặp nhóm bạn trẻ làm cổ phục Việt tại đó. Họ đến để tìm hiểu di tích, qua đó mong có cái nhìn, sự cảm nhận đúng đắn hơn khi phục dựng trang phục của cha ông. Theo nhà sử học, cách làm của người trẻ không chỉ xuất phát từ tình yêu, sự nhiệt huyết mà còn rất cẩn trọng, khoa học.
Về ý nghĩa của việc nghiên cứu, sáng tác trên nền lịch sử, nhà nghiên cứu lịch sử Lê Văn Lan nhận định: “Nhiều ý kiến phàn nàn về lớp trẻ quay lưng với lịch sử dân tộc, giới trẻ chỉ chăm chú vào lịch sử nước ngoài… Nhưng tôi thấy những nghiên cứu, tìm tòi, ứng dụng của lớp trẻ hiện nay chính là điều cải chính lại những phàn nàn, chê trách đó. Đây là tín hiệu đáng mừng của xã hội.”
Dệt gấm, thêu hoa trên nền lịch sử dân tộc, thế hệ trẻ hôm nay đã bước đầu tạo lập được vị thế của mình dựa trên vốn cổ của cha ông.
Hiền Đỗ