Khi mới vừa 17 tuổi, Chế Lan Viên đã làm rúng động cả thi đàn Việt Nam bằng tập thơ đầu tay “Điêu tàn”. Rúng động không chỉ bởi vì nguồn thơ tuôn ra từ một tư duy già trước tuổi, mà còn bởi trí tưởng tượng thần bí, giọng thơ kỳ dị và nội dung độc đáo.

“Cả Dĩ Vãng là chuỗi mồ vô tận
Cả Tương Lai là chuỗi huyệt chưa thành
Và Hiện Tại, biết cùng chăng hỡi bạn
Cũng đương chôn lặng lẽ chuỗi ngày xanh!”

(Trích “Những nấm mồ”, tập thơ “Điêu tàn”, Chế Lan Viên)

Thơ Chàm, thơ ma.

“Điêu tàn” khá mỏng, chỉ gồm 36 bài thơ, xuất bản lần đầu năm 1937, “đột ngột xuất hiện giữa làng thơ Việt Nam như một niềm kinh dị” – theo bình phẩm của Hoài Thanh trong “Thi nhân Việt Nam”.

Với “Điêu tàn”, mỗi một bài thơ, là lịch sử, là văn hóa, là khí phách, là núi thây biển máu, là nước mất nhà tan, là oan hồn, là xương trắng. Mỗi một câu thơ, như gào, như thét, như khóc, như cười. Mỗi một ý thơ, là nỗi đau vong quốc, là huyết lệ tuôn trào, là giang sơn đổ vỡ.

Có thể nói, “Điêu tàn” của Chế Lan Viên là một kỳ quan mang nhiều bí ẩn, tiếp cận đa chiều sẽ được cái nhìn đa cảnh, bởi trong quan điểm mỹ học của riêng ông, cái phi thường chính là sự độc đáo mà người đọc khó có thể hiểu được hết:

“Hàn Mặc Tử nói: Làm thơ tức là điên.

Tôi thêm: Làm thơ là làm sự phi thường. Thi sĩ không phải là Người. Nó là Người Mơ, Người Say, Người Điên. Nó là Tiên, là Ma, là Quỷ, là Tinh, là Yêu. Nó thoát Hiện Tại, nó xáo trộn Dĩ Vãng, nó ôm trùm Tương Lai. Người ta không hiểu được nó…”

Không như Hàn Mặc Tử hướng tới trăng sao, tới thế giới lung linh, tới tương lai xán lạn. Chế Lan Viên lùi về với dĩ vãng xa xưa, với những người đã chết, với bước chân giẫm lên những ngôi mộ mà hài cốt đã tiêu tan. Tuy khác biệt về hướng tiến thi ca, đôi bạn thân đã gặp nhau ở cuối đoạn đường của nghệ thuật, băng qua mọi miền của vũ trụ, của thiên đàng, của địa ngục, và rồi cùng nhau trở về thực chất của bản ngã, của thực tại.

“Điêu tàn” là tập thơ buồn, là nỗi buồn ảo não thảm thiết pha màu huyền bí của những u uất vong quốc não lòng, là nỗi ưu phiền phát sinh ở sự tàn phá của thời gian và sự chuyển di vô thường của vũ trụ, là tiếng khóc than trước những tàn tích cũ để nhớ thương về một vương quốc Chiêm Thành đã xa, về một dân tộc Chàm đã trôi về dĩ vãng.

Thi sĩ của vương quốc Chiêm Thành.

Trên báo Tràng An, số ra ngày 06/07/1937, trong bài viết giới thiệu văn tài mới nở và chào đón “Điêu tàn”, Hàn Mặc Tử gọi Chế Lan Viên là thi sĩ của vương quốc Chiêm Thành. Bút danh Chế Lan Viên vốn mang hàm ý là một bông hoa lan trong khu vườn của dòng họ Chế – một dòng họ vua chúa của dân tộc Chàm ở nước Chiêm Thành xưa.

Chiêm Thành (877 – 1693) là một trong những tên gọi của vương quốc Chăm Pa – một quốc gia cổ từng tồn tại độc lập (192 – 1832). Cương vực của Chăm Pa lúc mở rộng nhất trải dài từ dãy núi Hoành Sơn, Quảng Bình ở phía bắc cho đến Bình Thuận ở phía nam, và từ biển Đông cho đến tận miền núi phía tây của Lào ngày nay.

Chế Lan Viên lớn lên và học tập ở Bình Định, nên có thể coi đây là quê hương thứ hai của ông, nơi để lại dấu ấn sâu sắc trong hồn thơ tài ba này.

Bình Định thuộc đất Chăm Pa xưa – nơi những chứng tích vẫn còn đó, những cổ tháp sừng sững mà trơ vơ, lạc lõng giữa ruộng đồng núi non khô khốc của miền Trung nắng cháy, những huyền sử về Chế Bồng Nga, nàng Mỵ Ê, tháp Đồ Bàn… đã khiến nhà thơ tuổi trẻ sống dưới thời buổi mất nước như lịm đi, đớn đau vô vàn khi nhìn thấy phía sau những tàn tích là dấu vết huy hoàng rực rỡ của một dân tộc đã từng mạnh mẽ, đã từng là bậc nhất của Đông Nam Á, mà ngày nay chỉ còn trong cổ sử và huyền thoại.

Điều gì gây ra nỗi đau vong quốc?

Lòng yêu nước.

Câu trả lời là lòng yêu nước!

Theo tâm lý học, con người khi đi qua tang lễ của một người nào đó, dẫu quen hay không quen, tâm trạng đều sẽ bị chùng xuống. Bởi tang lễ tượng trưng cho cái chết, cho một người đã từng sống và đã ra đi về cõi thiên thu. Con người sẽ buồn khi nghĩ về cái chết, nghĩ về tương lai ở một thời điểm nhất định, mình sẽ khóc thương vì sự ra đi của người thân yêu và người thân yêu cũng sẽ đớn đau khi thân xác này không còn hơi ấm.

Có yêu thương thì mới có đau lòng.

Cũng vậy, có yêu nước thì mới có nỗi đau khi mất nước.

Sự diệt vong của dân tộc Chăm Pa đã dễ dàng đập mạnh vào tình cảm và trí tưởng tượng của một chàng trai trẻ yêu nước.

Chế Lan Viên cất tiếng lâm li, khóc cho nước Chiêm Thành đã mất, đặt bản thân vào hoàn cảnh của người dân Chàm khóc than cho dân tộc Chàm. Ông khổ sở, ông giãy dụa, ông mê sảng vẫy vùng nỗi đớn đau tột cùng, là khóc cho dĩ vãng của Chiêm Thành, hay khóc cho hiện tại của nước Việt?

Thức tỉnh hồn dân tộc!

“Điêu tàn” đã làm cho mọi người giật mình, khóc than dân tộc Chàm để thức tỉnh chính toàn dân tộc, làm cho tinh thần yêu nước của mọi người có một chiều sâu mới, có khả năng đi sâu chen vào giành lại chỗ đứng của nó trong tâm hồn mọi người, lắng đọng lại để có dịp bung ra thành một sức mạnh mới, như tiếng sét làm muôn tinh cầu tan vỡ dưới trời xanh – viết theo ý của nhà ngoại giao Nguyễn Minh Vỹ.

Nguyễn Minh Vỹ đối với Chế Lan Viên, là người có ý nghĩa quan trọng như một người thầy, một người anh, một người bạn tri âm tri kỷ, “người đã đưa tôi vào con đường văn học” như lời nhà thơ Chế Lan Viên đã trân trọng đề tặng trong “Bước đầu của tôi” trên báo Văn Nghệ (01/07/1986).

Nguyễn Minh Vỹ từng mở lớp dạy hè cho học sinh ở Bình Định, nói với học trò về Cách mạng tư sản Pháp, Cách mạng tháng 10 Nga, về “Những người khốn khổ” của Victor Hugo, và về chính quãng đời ông đã trải qua. Trong số học trò ấy, một người có đôi mắt luôn mở to, luôn háo hức nghe thầy kể chuyện và thường nài thầy kể thêm… Đó là Phan Ngọc Hoan, nhà thơ Chế Lan Viên sau này.

Có thể nói, Nguyễn Minh Vỹ là quý nhân trong cuộc đời và sự nghiệp của Chế Lan Viên, nên ông hiểu khá rõ về hồn thơ của chàng thi sĩ này.

Nguyễn Minh Vỹ cho rằng với một tập thơ đầu tay mà đã có thể đánh dấu cho cả một đời thơ của Chế Lan Viên, nó không đơn giản là những di tích Chàm, những ký ức về một nền văn minh đã bị mai một… mà chính là cuộc sống trước mắt lúc bấy giờ, cuộc sống của đích thân người Việt Nam, dân tộc Việt Nam, nhân dân Việt Nam, mà Chế Lan Viên là một phần tử.

Trong bối cảnh chính quyền thực dân phong kiến trước áp lực của những thắng lợi trong phong trào đấu tranh về các quyền dân sinh dân chủ của chính quốc cũng như tại chỗ, bị bắt buộc phải thực hiện một số yêu sách chính đáng của nhân dân, ban hành một số điều không thể bưng bít kìm hãm được nữa như tự do tổ chức đoàn thể, tự do hội họp, tự do ngôn luận báo chí, tự do đi lại… Nhưng vì bản chất không hề thay đổi, chúng lại nhân tình hình đó đưa ra một số biện pháp mị dân mà cái cốt lõi là tạo nên một cuộc sống phồn vinh giả tạo, thực chất là trụy lạc bê tha, nhất là ở các thành thị để đánh lạc hướng quần chúng, trong đó đối tượng chủ yếu là thanh niên, học sinh, sinh viên.

Đó là thời kỳ phát triển cao độ của thứ văn hóa lãng mạn, văn học lãng mạn, thơ ca tiểu thuyết lãng mạn… dưới danh nghĩa tự do, tiến bộ hòng giành giật tâm hồn của mỗi người, không để họ đi theo con đường cách mạng chân chính.

Làm sao vạch trần, tố giác, phản ánh được bản chất hành động kể trên của thực dân? Làm sao cho người đã bị lôi cuốn vào cuộc sống đó dừng lại trước ngưỡng cửa tha hóa do kẻ địch giăng bẫy? Đó không phải là công việc dễ dàng.

“Điêu tàn” đã thành công góp phần đánh bại những thủ đoạn của thực dân làm lạc hướng nhân dân ta, nhất là thanh niên trong thời điểm lịch sử lúc bấy giờ. Mà đối với nhà thơ, vào thời điểm đó có thể chưa hẳn là một ý thức thực sự rõ nét.

Chế Lan Viên với “Điêu tàn” đã uốn nắn quan điểm về yêu và tình yêu đang phổ cập tràn lan. Thời đó, dưới ảnh hưởng của chính quyền mị dân, trai gái lớn lên đi vào đời chỉ thấy có tình yêu là lớn nhất, thậm chí là sống và chết cũng chỉ vì tình yêu, còn tổ quốc, nhân dân, tự do, độc lập, hạnh phúc con người nói chung, con người lao động nói riêng… đều không bằng tình yêu trai gái. Họ sa vào cái bẫy của kẻ thù dân tộc mà không hay biết, không chút gì ân hận.

“Điêu tàn” của Chế Lan Viên đã đưa ra một nội dung yêu, một động cơ yêu khác. “Em” trong “Điêu tàn” không phải là người yêu tầm thường, cô tình nhân nào đó khiến những gã si tình chỉ sống và chết vì đôi mắt huyền của “em”. “Em” của Chế Lan Viên là cô gái Chiêm Thành, cô em mất nước, vì mất nước mà nhớ nước, vì nhớ nước mà thêm yêu nước sâu lắng, đậm đà đến mức không còn cười được, không còn vui được.

Nỗi niềm suy tư, yêu, ghét, nhớ nhung, thương tiếc trong “Điêu tàn”, trong Chế Lan Viên có một cơ sở khác, một nguồn gốc khác, một nội dung khác, chiều hướng khác, đó là yêu nước. Tuy chỗ yếu của nhà thơ lúc ấy là chưa thấy được con đường đấu tranh chân chính nhưng Chế Lan Viên đã có được ý thức bẩm sinh của nòi giống con rồng cháu tiên, quyết không để cho những tư tưởng phản động quyến rũ.

“Điêu tàn” như niềm kinh dị, khiến người ta giật mình sửng sốt, để bỏ ra dăm ba phút nghĩ về lối sống chính đáng trong cảnh đời rối bời giả tạo mà bọn thực dân cố bôi trét lên. Đó là thành công của tác giả.

Vài nét về cuộc đời và sự nghiệp của nhà thơ Chế Lan Viên.

Chế Lan Viên (1920 – 1989) tên thật là Phan Ngọc Hoan, nguyên quán ở Quảng Trị, lớn lên và đi học ở Quy Nhơn, Bình Định, là nhà thơ, nhà văn hiện đại Việt Nam.

Tập thơ đầu tay nhan đề “Điêu tàn”, có lời tựa đồng thời là lời tuyên ngôn nghệ thuật của Trường thơ Loạn. Từ đây, cái tên Chế Lan Viên trở nên nổi tiếng trên thi đàn Việt Nam. Ông cùng với Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Quách Tấn được người đương thời gọi là “Bàn thành tứ hữu” của Bình Định.

Phong cách thơ của Chế Lan Viên trưởng thành theo hai giai đoạn trước và sau cách mạng tháng tám. Giai đoạn đầu mang màu sắc kinh dị, thần bí, bế tắc với những hình ảnh tang thương, đúng theo văn phong của Trường thơ Loạn. Giai đoạn sau đề cập đến cuộc sống nhân dân và đất nước, thấm nhuần ánh sáng của cách mạng, những năm cuối đời lại mang thêm màu sắc mới, với những áng thơ sử thi hào hùng và đậm tính thời sự.

Nhà thơ Chế Lan Viên được nhà nước Việt Nam truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật (1996).