“Các nhà thơ và các nhà tiểu thuyết là những đồng minh quý báu của chúng ta, và các bằng chứng của họ phải được đánh giá thật cao, bởi lẽ giữa lưng chừng thinh không họ biết được nhiều điều mà túi khôn học đường của chúng ta còn chưa dám mơ tới. Về kiến thức tâm lý, họ là bậc thầy của chúng ta, những kẻ tầm thường, bởi họ đã đắm mình trong những mạch nguồn nơi chúng ta còn chưa đưa khoa học lại gần được”. (S.FREUD, DRG, 127)
Phân tâm học tính đến nay đã được ba phần tư thế kỷ, tức là đã lâu hơn môn vật lý về thuyết tương đối của Einstein một vài năm. Người ta có quyền tin rằng với tất cả mọi người tính chất phong phú, giàu sức sinh sôi của các giả thuyết phân tâm học là không thể bác bỏ, rằng ngày nay không còn có ai trách móc cái bà già ấy là đã mặc những bộ đồ lót hấp dẫn để khêu gợi những kẻ mất hướng trong một xã hội Thanh giáo nghiêm cách.
Dù người ta có vui vẻ chấp nhận phân tâm học hay không, thì Freud đã bắt nhân loại phải gánh chịu điều mà trong Một khó khăn của phân tâm học (1917, EPA) ông gọi là “vết thương thứ ba của lòng tự ái” của con người. Copernic đã buộc con người phải thừa nhận rằng hành tinh nhỏ bé của nó không còn là trung tâm của thế giới nữa, còn với Darwin, con người chỉ còn là một động vật may mắn hơn những động vật khác chứ không phải là một tạo vật có nguồn gốc thần thánh; bản thân Freud đã chứng minh rằng “cái tôi không phải là chủ nhân trong chính ngôi nhà của nó” (146). Sức mạnh của những xung năng khoái lạc trong ta lớn đến mức ta không thể tính đến chuyện thuần hóa chúng hoàn toàn, và chẳng hơn gì ý chí, trí năng của ta cũng không giữ vai trò thống trị, bởi vì một bộ phận đáng kể những hoạt động tinh thần của con người thoát khỏi sự canh chừng của ý thức. Bị tước mất vị trí cao siêu trong vũ trụ và trong sinh quyển, chúng ta cũng bị mất luôn cả địa vị ấy trong lĩnh vực tâm lý mà mới đây còn tạo ra niềm vinh quang và nguồn an ủi của chúng ta: một cái gì đó trong ta nghĩ suy và điều khiển những hành động và tư tưởng của chúng ta mà chính ta cũng không biết được là có những hiện tượng ấy xảy ra. Việc con người cảm thấy bị xúc phạm trong niềm kiêu hãnh của nó – trong thói tự si của nó – cũng không phải là điều quan trọng nhất trong vụ việc này, anh ta từng thấy những chuyện khác. Cần phải chiến thắng bao nhiêu những chống đối, của truyền thống và của tôn giáo, để thúc đẩy vết thương ấy mau liền sẹo.
Nỗ lực của Freud ở đây và hiệu quả sự khám phá của ông là không tính xuể. Phong trào phân tâm học ngay từ đầu đã kinh nghiệm rằng việc thâm nhập những bí mật của người bị tâm thần phân liệt còn dễ dàng hơn là gạt bỏ những định kiến dương dương đắc thắng của các bè nhóm khoa học và thời lưu. Những kiểm duyệt của hệ tư tưởng có hiệu quả hơn và ngoan cố hơn sự dồn nén ở bên trong mỗi cá nhân. Những áp lực của gia đình, trường học, tôn giáo, thể chế, sức nặng của xã hội được tổ chức thành chế độ kinh tế, trọng lượng của một thứ triết học mơ hồ mà người ta đặt tên là “kinh nghiệm”, hay ảnh hưởng của lương tri hợp lý và duy lý, nhưng không bao giờ lý luận; với tất cả những điều đó, chúng ta vừa là nạn nhân vừa là kẻ hưởng lợi, chúng ta là những kẻ mù quáng vì ta thỏa mãn và là những kẻ lợi dụng vì ta bị mù quáng. Tất cả điều đó ẩn trú trong chúng ta, trong tư tưởng của chúng ta, trong ngôn từ của chúng ta.
Và đây là vế thứ hai của nhị thức (phân tâm học và văn học – ĐLT) của chúng ta: văn học. Chính qua văn học mà ta thức nhận được tính người của ta, nó suy nghĩ, nói năng. Bởi lẽ, ngôn ngữ được rèn giũa trong các quan hệ thường ngày với cha mẹ và bạn bè chỉ để hành động: hỏi, trả lời, để mà sống. Đại thể là, chỉ nhờ vào một cái gì đó như văn học (dù là văn học truyền miệng trong những kỷ nguyên và những nền văn minh không chữ viết) mà con người tự vấn về bản thân mình, về số phận vũ trụ của mình, lịch sử của mình, hoạt động xã hội và tinh thần của mình. Những quan niệm “cao quý” của con người, cái nhìn thế giới của anh ta được củng cố qua tiếp xúc với các truyền thuyết – những cái cần phải đọc -, rồi những huyền thoại tôn giáo, những sử thi thế tục, những chuyện kể gương mẫu, truyện cổ tích, kịch, tiểu thuyết, những chuyện tâm tình xúc động, bằng văn xuôi hay văn vần. Ngôn từ thông tri cho chúng ta, chữ viết hình thành nên chúng ta. Và chữ viết biến đổi chúng ta một cách thiết yếu, bởi lẽ cái gì đã được viết ra đều đến với chúng ta từ nơi khác, xa hoặc gần trong sự vắng mặt và từ một thời gian khác, xưa kia hay vừa mới đây: không bao giờ là ở đây và bây giờ, ở đó nói đã là đủ.
Nhưng văn học, cũng là một cái gì khác hơn cái xác được ướp ít hay nhiều của những tư tưởng có sẵn, những tư tưởng này hình thành ở ngoài bối cảnh trực tiếp, nơi mỗi người đang vật lộn: văn học không chỉ là một tổng thể những diễn ngôn được ghi nhận trước chúng ta và xa chúng ta, mà còn là một diễn ngôn đặc biệt. Từ lâu rồi người ta đã bảo và đã tin rằng nó “hữu ích và dễ chịu”; hữu ích là do nó mang tới sự khoái lạc, dễ chịu là bởi nó vẫn cứ không dùng được để sống. Diễn ngôn văn học là loại diễn ngôn chênh vênh về hiện thực. Đấy là cái đẹp của nó, là bi kịch của nó, và là vận may kỳ diệu của nó.
Hiểu được rằng những tác phẩm tạo thành văn học dần dần lắng đọng lại để tạo nên một lĩnh vực rắn chắn và mặc cho bụi bặm bay lên trước ngọn gió của cái không cốt yếu, rồi thì dòng cát chảy xuôi sườn dốc của cái thực dụng – cái mà người ta gọi là tiếng nói thông thường và văn giáo huấn – tìm ra được những lý do khiến các tác phẩm này vượt qua tác giả của chúng, thời đại của chúng, khu vực ngôn ngữ của chúng, điều này cũng không được hoàn thành trong ngày một ngày hai. Cũng như việc thừa nhận phân tâm học, và cũng một phần nhờ văn học, việc thẩm định tính độc đáo của văn học đã thật gian nan. Ở đây chúng ta hãy đành lòng nói rằng cần phải chấp nhận ý tưởng về một hành ngôn khác không chỉ nói không chính xác và cũng không đích thực cái điều mà hình như nó nói. Cũng giống như tâm thần không phải là một khối thuần nhất giản đơn với những tầng lớp và những sự phân phối các năng lực, lối viết của những tác phẩm lớn không thể được coi là sự chuyển tải một thông điệp mang một nghĩa hiển nhiên duy nhất. Những từ ngữ thường ngày được tập hợp lại theo một cung cách nào đó sẽ có được quyền năng gợi ra cái không thấy trước, cái chưa từng biết, và các nhà văn là những người trong khi viết là họ đang nói song chẳng ngờ rằng mình nói về những cái mà theo nghĩa đen “họ không hề biết”. Bài thơ biết nhiều hơn nhà thơ.
Nếu ý nghĩa là dư thừa trên văn bản, thì ở đâu đó có một sự thiếu vắng ý thức. Hành động văn học chỉ lo tàng trữ trong nó một phần của cái vô ý thức hoặc của cái vô thức. Nhiệm vụ mà phê bình văn học trong mọi thời đại đã tự xác định cho mình là phát hiện ra cái thiếu vắng hoặc dư thừa đó. Tóm lại, vì văn học mang trong lòng nó cái không – ý thức và phân tâm học thì mang lại một lý thuyết về cái thoát khỏi ý thức, nên người ta dễ dàng đi đến chỗ ghép chúng lại, thậm chí nhập chúng vào một cục. Tổng thể các tác phẩm văn học cung cấp một điểm nhìn về hiện thực của con người, về môi trường trong đó con người tồn tại cũng như về cách thức con người nắm bắt môi trường ấy đồng thời nắm bắt những quan hệ mà nó duy trì với môi trường ấy. Tổng thể này là một loạt những diễn ngôn và một quan niệm về thế giới: nối liền một mạch những văn bản và văn hóa. Học thuyết phân tâm học biểu hiện ra cũng gần giống như vậy: một bộ máy khái niệm để tạo dựng lại tâm lý chiều sâu, và các mô hình giải mã. Nếu như thực thể văn bản và bộ công cụ lý thuyết thuộc về những phạm trù khác nhau của hiện thực (một vật liệu đối với những dụng cụ thăm dò), thì không được quên rằng cái nhìn thế giới của văn chương và sự dò tìm ra những tác động của vô thức, cùng hoạt động theo một cách thức: đó là hai kiểu diễn dịch, hai kiểu đọc, ta hãy gọi là những cách đọc. Văn học và phân tâm học “đọc” con người trong nghiệm sinh thường nhật cũng như trong số phận lịch sử của nó. Sâu hơn nữa, chúng giống nhau ở chỗ chúng cùng loại trừ mọi siêu ngôn ngữ: không có sự khác biệt giữa diễn ngôn đề cập đến chúng và những diễn ngôn hợp thành chúng. Ta biết rằng không bao giờ ta có thể thật sự tách ra khỏi cái mà ta nói đến, ấy vậy mà người ta tự xác định cho mình mục tiêu đạt tới những sự thật khi nói về người đang nói.
Việc khám phá ra cái vô thức đặt lại vấn đề tri thức mà chúng ta có được về tâm lý con người, cái tri thức mà chúng ta sống từng giây từng phút. Cái đã được viết ra và còn viết nữa, cái mà tôi đọc đã được làm ra mà tôi không biết bởi những năng lượng phi thường (và hoang đường): cách đọc của tôi hôm nay ra sao đây? Mặt khác, phân tâm học tiến hành trên hành ngôn, nhân tố của sự thật và sự tha hóa trong những quan hệ giữa các cá nhân với nhau và trong chính nội tâm của mỗi cá nhân: phân tâm học cho biết điều gì đây về cái vùng hoạt động ưu tiên của hành ngôn, nó chính là tổng thể của văn học, ở đó hiện thực thầm kín của cá nhân thể hiện rõ hơn bất cứ nơi nào khác? Đấy là những câu hỏi có vẻ thực. Như vậy, mục tiêu của cuộc điều tra sẽ là mục tiêu sau đây: mô tả những nguyên lý và toàn bộ những phương tiện mà phân tâm học cung cấp cho chúng ta để giúp chúng ta đọc văn học tốt hơn.
Vậy là chúng ta sẽ phải khám phá, không chỉ trong sự đa dạng, mà cả trong lịch sử của chúng, những xu hướng khác nhau của cái mà ta có thể đặt cho một cái tên chung “tiếp cận phân tâm học đối với trường văn học”. Bởi lẽ, mỗi xu hướng đã rộ nở vào từng thời điểm khác nhau, với những thời vận khác nhau, những cường độ không như nhau.
Sau khi những ý định thử nghiệm của Freud đã được trình bày theo trình tự xuất hiện của chúng, chúng ta sẽ chuyển qua rà soát các bước đi và những kết quả mà những thử nghiệm đó đã mang lại cho đến thời kỳ hiện nay. Mục tiêu của chúng ta sẽ đạt tới nếu như, trong một sưu tập đụng chạm đến một công chúng rộng lớn, tất cả những trí óc tò mò đều đã có được một quan niệm ít nhiều rõ ràng về những phương thức can thiệp của cái nhìn phân tâm học trước vô số dạng vẻ dưới đó văn học hiện diện sống động, tích cực cho một số người mà ta mong muốn không ngừng được mở rộng.
Để kết luận, chúng ta hãy nêu lại công thức của Freud, trong đó không phải là không có chút hài hước:
“Công việc phân tích là tế nhị và khó chịu; người ta không thể sử dụng nó như sử dụng một chiếc kính kẹp mũi mà người ta kẹp vào để đọc sách và bỏ ra khi bắt đầu đi tản bộ” (NCP.201).
Vậy thì chúng ta hãy đi tản bộ để tìm kiếm nếu không phải là cái kính kẹp mũi tốt nhất để đọc cho giỏi, thì chí ít cũng một cái kính kẹp mũi tốt để đọc cho tốt hơn.
Đỗ Lai Thúy dịch
Xem thêm:
1. Phân tâm học và văn học: Đọc từ khi có phân tâm học
2. Phân tâm học và văn học: Đọc cùng Freud
3. Phân tâm học và văn học: Đọc cái vô thức
4. Phân tâm học và văn học: Đọc con người
5. Phân tâm học và văn học: Đọc một người
6. Phân tâm học và văn học: Đọc văn bản
7. Phân tâm học và văn học: Kết luận