Nhà lý luận, phê bình văn học Trần Đình Sử (bút danh khác: Sử Hồng, Trần Minh ), sinh ngày 10.8.1940. Quê quán: xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Thủa nhỏ, theo gia đình đi kháng chiến, học ở Quảng Trị. Sau 1954, tập kết ra Bắc, tiếp tục học ở Hà Tây rồi Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp Khoa Trung văn tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội, ông được giữ lại Trường làm cán bộ giảng dạy. Năm sau, ông đi tu nghiệp 4 năm tại khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Nam Khai, Trung Quốc. Về nước, từ 1966 đến 1976, ông giảng dạy tại khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Vinh, rồi được đi học nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Kiep. Trở về nước, với học vị Phó tiến sỹ (nay gọi là Tiến sỹ ) từ năm 1981 đến khi nghỉ hưu ( 2005), ông giảng dạy Lý luận văn học tại Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, từng làm Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn ( 1990 – 1995), được phong Giáo sư ( 1996), Nhà giáo Ưu tú.
Trần Đình Sử là hội viên Hội Nhà văn ViệtNamtừ 1990. Từ 2003 đến nay, ông là Ủy viên Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương.
Với ông, hoạt động giảng dạy Lý luận Văn học được kết hợp và gắn bó chặt chẽ với công tác nghiên cứu khoa học về văn học, hoạt động thực tiễn lý luận, phê bình. Ông trở thành một trong những chuyên gia lý luận – phê bình hàng đầu, thúc đẩy quá trình phát triển và hiện đại hóa chuyên ngành nghiên cứu Lý luận, phê bình Văn học ở Việt Nam trong khoảng ba mươi năm gần đây.
Cầm bút tham gia vào đời sống văn học trong nước ở tuổi 35, nhưng đến đầu những năm 80, các tiểu luận đầu tay của ông mới chứng tỏ sự mới mẻ và bản lĩnh khoa học chắc chắn.
Với Thời gian nghệ thuật trong “Truyện Kiều” và cảm quan nghệ thuật của Nguyễn Du ( 1981) và Cái nhìn nghệ thuật của Nguyễn Du trong Truyện Kiều ( 1982 ), Trần Đình Sử được dư luận chú ý bới ông đã mở ra hướng nghiên cứu – thực tiễn về “ thi pháp học “. Tiếp sau các bài báo trên, ba công trình công phu, tập trung triển khai vận dụng lý thuyết “ Thi pháp học” vào xem xét tác giả, tác phẩm và thời đại văn học được xuất bản: Thi pháp thơ Tố Hữu ( 1987), Một số vấn đề thi pháp văn học Trung đại Việt Nam ( 1998 ), Thi pháp Truyện Kiều (2002 ). Qua đó, ông khẳng định chỗ đứng mới của Thi pháp học với tư cách là một trong những phương pháp nghiên cứu đầy triển vọng, năng sản. Tuy không phải là người đầu tiên nói về Thi pháp học, nhưng Trần Đình Sử có đóng góp ở chỗ vận dụng lý thuyết vào thực tiễn nghiên cứu văn học dân tộc, thuyết phục về mặt ưu trội của góc độ tiếp cận mới do tiếp thu thành tựu của Lý luận văn học nước ngoài. Ông làm rõ Thi pháp học hiện đại xuất phát từ phương diện bản thể của văn học ( chất liệu ngôn từ nghệ thuật, cấu trúc văn bản tác phẩm, các yếu tố của hình thức) để khám phá tài năng và sự độc đáo của chủ thể sáng tạo, tiềm năng, ý nghĩa và giá trị nội sinh của cơ cấu chỉnh thể tác phẩm khi nó đi vào sự tiếp nhận không cùng của công chúng. Từ hướng nghiên cứu này, những năm gần đây, Trần Đình sử tiếp tục mở rộng sang hướng nghiên cứu Tự sự học. Ông cùng các đồng nghiệp ở Tổ bộ môn Lý luận Văn học Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức các Hội thảo Khoa học về Tự sự học, viết những bài nghiên cứu tổng quan đặt nền tảng lý thuyết cơ bản của bộ môn khoa học mới, từng bước đưa nó vận dụng vào nghiên cứu và học tập từ nhà trường ra ngoài xã hội. Cơ cấu tác phẩm tự sự, các thủ pháp đặc thù của diễn ngôn tự sự và cách kể chuyện… được Tự sự học soi tỏ, đem lại nhiều hiệu quả từ một lối tư duy và phương pháp thực chứng, giàu sức thuyết phục.
Làm cơ sở thuyết minh cho những luận điểm khoa học lý thuyết mới mẻ mà ông hăng say truyền bá, góp phần nâng cao bồi bổ kiến văn, tư duy về lý luận văn học hiện đại ở nước ngoài, với vốn tiếng Hoa và tiếng Trung thành thạo, Trần Đình Sử bỏ công ( cùng đồng nghiệp ) chuyển ngữ các công trình lý luận nổi tiếng trong ngành của các học giả M. Bachtin, N. Poxpelốp, I. Lixevich, Lý Trạch Hậu, Cao Hữu Công, Mai Tổ Lân… Những công trình lý luận văn học này cùng với Giáo trình dẫn luận về thi pháp học ( 1998 ) do ông biên soạn là những tài liệu tham khảo, học tập rất có ích cho bạn đọc.
Gắn bó và đồng hành với đời sống lý luận văn học nước nhà, ông đã viết hàng trăm bài báo là những tiểu luận phê bình có nhiều tìm tòi, tâm huyết bàn bạc, giải quyết các khía cạnh từ các vấn đề lý luận đặt ra cho văn học Việt Nam lúc này; phê bình kịp thời các tác phẩm, tác giả, các công trình lý luận, phê bình bằng một thái độ khách quan, cầu thị và góc nhìn đổi mới tư duy học thuật mà ông bền bỉ thực thi ( thi pháp học, tự sự học, so sánh văn học… ) Ông thành tâm và đầy trách nhiệm khi bàn về nâng cao tính chuyên nghiệp, hiện đại hóa ngành lý luận – phê bình văn học ở nước ta để có thể hội nhập, cập nhật với thành tựu của thế giới. Các bài viết đó được tập hợp vào các tập: Những thế giới nghệ thuật thơ ( 1995 ), Lý luận phê bình văn học ( 1996, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1997 ), Văn học và thời gian ( 2000 )…
Với sự uyên bác và độ chín của tư duy, ông kỳ khu biên soạn mới các loại sách công cụ như như Từ điển thuật ngữ văn học ( đồng chủ biên, 1992 ), Giáo trình Lý luận văn học ( 1986 – 1987 – 2008 ), hơn 50 đầu sách sách giáo khoa văn học theo chương trình cải cách của Bộ Giáo dục cho bậc Trung học Phổ thông… Ông cũng là người đầu tiên phác họa khá rõ nét bức tranh toàn cảnh về diễn tiến, diện mạo và đội ngũ tác giả của Lý luận phê bình văn học Việt Nam thế kỷ XX ( Phần VII bộ sách Văn học Việt Nam thế kỷ XX – Những vấn đề lịch sử và lý luận, viết chung 2004 )
Trong hơn 30 năm cầm bút, Trần Đình Sử đã có nhiều đóng góp xuất sắc vào sự phát triển và hiện đại hóa lý luận, phê bình văn học Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Ông đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và công nghệ năm 2000 cho cụm công trình nghiên cứu về Thi pháp học.