Những nhân vật đồng tính, hay nói rộng hơn là những cá nhân thuộc cộng đồng LGBT+, xuất hiện trên màn ảnh không phải chuyện mới. Chẳng nói đâu xa, mỗi năm Tết đến xuân về, “cô” Đẩu lại được dịp bung lụa trước hàng chục triệu khán giả xem truyền hình; nhân vật “chị” Hội do diễn viên Thái Hòa thủ vai cũng từng một thời khuynh đảo phòng vé, đưa “Để mai tính 2” trở thành bộ phim Việt Nam ăn khách nhất mọi thời đại (vào thời điểm công chiếu) kéo theo loạt biến tướng phim đồng tính Việt thảm họa một thời.
Điểm chung của những nhân vật trên là gì?
Họ đã luôn ở đó như những bóng đen gây hài dễ dãi, không có đam mê, không có khát khao, chỉ có lố lăng, bung xòe, diêm dúa. Thử hỏi, bố mẹ, ông bà bạn, những người không có cơ hội được tiếp xúc với tài liệu về cộng đồng LGBT+ như giới trẻ chúng ta, xem phải những thước phim đó, họ sẽ nghĩ gì? Liệu bạn đã từng nghĩ gì về những con người đó?
Rằng họ là những thằng, những con “trai không ra trai, gái không gái”, tô son bóng lộn, áo quần mười màu lòe loẹt?
Rằng họ là những con người “chợ búa”, ăn nói thiếu văn hóa, hành xử như một lũ “đầu đường xó chợ”?
Rằng họ là những đứa “không có giống như người bình thường”, không có tình yêu, chỉ có gạ tình, có dụ dỗ, có những cử chỉ hành vi biến thái?
Hoa hậu Chuyển giới Quốc tế Hương Giang trong một lần chia sẻ trên sóng truyền hình từng nói:
“Người chuyển giới họ luôn cố gắng chứng tỏ mình là nữ, trong khi họ quên mất rằng, phụ nữ họ không có áp lực đó.”
Muốn không bị kỳ thị, muốn con người ta không có cái nhìn tiêu cực của mình, trước tất, chúng ta phải hòa mình vào tập thể cái đã. Chúng ta càng làm lố bao nhiêu, chúng ta càng thu hút những sự chú ý tiêu cực từ phía những người xung quanh.
Cho đến khi nào những tờ báo hàng đầu không còn giật tít: “Ca sĩ A kết hôn cùng người tình đồng tính”, “Người yêu đồng giới của diễn viên X …”, nghĩa là lúc đó, chúng ta thành công.
Cho đến khi nào người ta không còn phân biệt tình yêu đồng giới, tình yêu khác giới,…, sau tất cả, chỉ còn tình yêu thôi, nghĩa là lúc đó, chúng ta thành công.
Cho đến khi nào, phim ảnh của chúng ta bình thường hóa những mối quan hệ, khi hai từ “đồng tính” không còn được mang ra để lấy những tiếng cười dễ dãi, khi tình yêu của họ cũng đẹp như bao bộ phim tình cảm diễm lệ dị tính khác, nghĩa là lúc đó, chúng ta thành công.
Và đó chính xác là những gì bộ phim điện ảnh “Thưa mẹ con đi” sắp ra rạp vào ngày 16/8 này làm được. Không còn gào hét thảm thiết, không còn gây hài rẻ tiền, chỉ có câu chuyện về chàng kỹ sư Văn và người yêu Việt Kiều Ian về quê gặp gỡ họ hàng. Cái “bất thường” đặt giữa một tổng thể “cũ kỹ”, liệu có “bình thường”?
Với tất cả khả năng của chúng mình, hỡi 5000 followers của Wise Thoughts Việt Nam, chúng ta hãy cùng nhau ra rạp xem “Thưa mẹ con đi” để ủng hộ một bộ phim đồng tính Việt Nam chỉn chu, ủng hộ những con người tâm huyết và trên hết là kiến nghị các đơn vị phát hành cho phim có nhiều suất chiếu hơn, gần những rạp trung tâm hơn, để tiếp cận được nhiều thành phần khán giả hơn. Đừng để tác phẩm này rơi vào quên lãng, đừng để nó bị chèn ép bất công như hiện tại, đừng cho con người ta có cơ hội thờ ơ với nó, hãy biến nó thành phát súng mở màn cho một nền điện ảnh bình đẳng cho cộng đồng LGBT+.
ĐẶT VÉ “THƯA MẸ CON ĐI”, ỦNG HỘ LGBT+
Xem thêm: Nửa thẳng – nửa cong