Tao Đàn – Dưới Gầm Trời Lưu Lạc, cuốn sách thứ 22 của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng tựa như một chân dung điêu khắc tuyệt đẹp của con người ham thích xê dịch giữa căn nhà vũ trụ tạm bợ không thể nào lãng quên.

Ai đó từng nói: “Du lịch – ban đầu nó khiến bạn không thốt nên lời, sau đó biến bạn trở thành một người kể chuyện”. Dưới Gầm Trời Lưu Lạc chính là hiện thân chân thật nhất cho câu nói ấy. Dường như không phải ai cũng có biệt tài kể chuyện hay và cuốn hút như nhà báo Đỗ Doãn Hoàng. Nó là cả một quá trình tiến từ người đứng trông rất xa lạ, bàng quang, kinh ngạc, hãi hùng chuyển sang một người kể chuyện chân ái, mượn cảnh mượn hồn gửi gắm đến quý bạn đọc những chân diện xinh đẹp nhất của cuộc sống.

Ông là người làm tôi cảm thấy vinh dự khi được đọc văn ông. Bởi nó chân thật quá. Như chất vàng ròng ngổn ngang khắp nơi, mà người sáng tạo gieo rắc không muốn thu dọn, cứ bầy bừa ra ấy, mời độc giả vào gạn lọc thay. Khi chìm vào văn chương của ông, khi lắng nghe một giọng điệu riêng biệt không lẫn vào đâu được, cứ thế như thay lời, mượn hồn từng con chữ Việt mà tỉ tê, rù rì về cảnh đẹp nước non, những miền đất lạ, những nền văn hóa khác biệt từ cổ chí kim, ta lại bất giác gặp một nửa hồn ta trong ấy. Vẫn là Đỗ Doãn Hoàng với nhiều khúc cua, bước ngoặt, sáng tạo bất ngờ trong gần 350 trang sách, lúc là “Tây Tạng, giọt nước mắt giữa lưng trời tuyết trắng”, lúc lại là “Ấn Độ, vẻ đẹp Niết bàn bên những ám ảnh buồn”, bỗng chốc lại ngoặt sang “Nữ hoàng biển Adriatic” khiến ta thích thú vô cùng. Và nó cũng để lại cho ta một người kể chuyện mang trong mình những đổi khác rất hay, mà nếu để ý kĩ, ta ngưỡng mộ nó vô cùng. Giống như mỗi một cuộc hành trình là một chất thép, cấy ghép vào tâm hồn ông những kí ức rất lạ, như đã cùng trải qua, chiêm nghiệm, lại như người dưng nước lã khát khao được gần gụi nhau hơn thế nữa. Mỗi khoảnh khắc mà Đỗ Doãn Hoàng buộc ta phải lật trang tiếp theo, ấy chính là lúc ta cảm nhận được ta đã khác xưa rất nhiều. Vì trong đó, ta ngỡ ngàng nhận ra có ba cuộc rong chơi, gặp gỡ lạ lùng đang tiệp cận lẫn nhau. Ta và tác giả. Tác giả và chuyến đi. Ta và ta.

Tôi đặc biệt cảm ngộ với “Hơi ấm ở Lục Địa Đen”, bởi lơ mơ thế nào mà tôi lại đọc nó vào lúc dễ ru ngủ con người nhất, trong tâm thái bất cẩn nhất, để rồi bị từng trang văn ấy chinh phục. Hóa ra Lục Địa Đen mà bấy giờ tôi hiểu về chỉ toàn là hư ảo, là thành kiến, là lầm lạc. Đỗ Doãn Hoàng bắt từng khoảnh khắc ở Nam Phi y hệt trong bối cảnh phim “Đến thượng đế cũng phải cười”, ấy là những trảng cỏ khô khốc, có hươu cao cổ thơ ngộ, có tê giác “lính cứu hỏa” luôn cần mẫn dập bất cứ đám lửa nào mà nó trông thấy. Nhưng lạ lùng thay, hơi ấm tình thương nơi đây lại chan hòa trong những khóe miệng cách ta ngót nghét nửa vòng Trái đất. Họ tử tể với thiên nhiên như một thứ tôn giáo khiến chúng ta vừa hổ thẹn trong lòng vừa vui vẻ học thêm một bài học quý giá về thuật làm người khi đứng trên mặt đất. Nó cũng giống tác giả, thoắt một cái đã cư ngụ trong tâm hồn, trái tim độc giả ưa xê dịch từ lúc nào. Hoặc nếu người nào không ưa, cũng dễ mủi lòng vì đấy là chuyến đi để trở về, đi để được đồng hành, được nối thêm đường bay để tiếp tục lưu lạc dưới gầm trời này nữa chứ không chỉ đơn thuần là chuyến đi để thể hiện mình.

 “Không phải ai lang thang cũng là đi lạc”(JRR Tolkien). 

Có những cái lang thang sinh ra vốn dành cho con người. Đi không phải để tìm kiếm một ai, một điều gì mà chỉ đơn giản là đi để tìm đến chính bản ngã thực tại của mình mà thôi. Bởi vậy, tôi thấy thương xót vô ngần cho những người chưa từng đi xa. Bởi vì họ chưa tìm được chính họ, chưa tìm được chân diện thật của thế giới, chưa được mở mang đầu óc, mở mang tầm nhìn, chưa từng được một lần là người kể chuyện đúng nghĩa. Kể những câu chuyện tưởng như của họ, lại như của mình. Rồi thoát một cái, nó lại biến thành một sản vật vô giá trong trái tim một ai đó chưa từng hạnh ngộ.

Khi một nửa bán cầu mở mắt sau một giấc ngủ nồng say, bên kia bán cầu lại đang không ngừng cầu nguyện hi vọng một ngày mai rực rỡ rồi khép mi. Có bao giờ chúng ta lạc vào giấc mơ của nhau. Kì thật, Đỗ Doãn Hoàng đã chiêu đãi người đọc những cảm giác rất chân thật và mỹ miều mà trước giờ tôi chưa tìm thấy ở một “người lưu lạc” nào như thế. Cứ gieo trong đầu óc ta những cảnh đẹp, những bầu trời khát vọng, để đôi chân không chịu được sự ước thúc của đầu óc nữa, không chịu đứng yên, cứ muốn đi cho thỏa cơn thèm cái đã. Kể ra, viết đến chân xác như thế thì đúng là kì công đáng ngưỡng mộ của một đời kể chuyện thật. Vì xét đến cùng, vũ trụ to lớn, huyền bí này chỉ là một căn nhà tạm bợ cho những linh hồn thích xê dịch, thích khắc tên mình lên cát, để gió cuốn đi và âu yếm từng chút một bức tranh điêu khắc thiên nhiên gói ghém lại ban tặng con người mà thôi. Đi để kịp giã từ trước khi bức tranh điêu khắc xinh đẹp ấy biến mất.

Ông để lại một nỗi trăn trở, nghi hoặc cho người luôn khép mình trong bốn bức tường, khép tâm hồn mình trong những tòa địa ốc, văn phòng héo rũ người sau biết bao bề bộn của cuộc sống. Vì ngưỡng mộ cái “đi” chân thật không ngừng nghỉ ấy của ông, mà khi cầm cuốn sách trên tay, ta không nỡ buông nó xuống, vì sợ một chút nới lỏng nó thôi, sẽ làm hồn ta treo lủng lẳng, lả lơi ở một phương trời xa xôi, không về nổi thực tại. Hóa ra trên đời có những cuộc đi như thế. Đi để chơi đùa với cái tâm sơ thích khám phá, tò mò bản năng của một đứa trẻ thơ khát khao làm chủ vũ trụ.Tựa như Pierre Bernardo từng nói: “Đi chính là để tiến hóa”. Con người bắt đầu tiến hóa từ khi biết đi. Nhưng hiểu được “đi” như thế nào để là “đi” đúng nghĩa lại là một chuyện khác. Giá mà mỗi chúng ta ai cũng thấm nhuần cái đạo lí ấy để đi cho thật đúng chất con người. Đi để có thể tự tạc khắc một bức phù điêu cho chính mình giữa căn nhà tạm bợ mang tên vũ trụ giống như điều mà Đỗ Doãn Hoàng trong “Dưới gầm trời lưu lạc”- đứa con tinh thần thứ 22 của mình đã thực hiện trong suốt chiều dài từng con chữ vậy.