Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ, nhà thơ, dịch giả Dương Tường là một ví dụ cho sự dấn thân trên con đường đi tìm cái mới.

“Tôi biết ông vài chục năm sau này. Trước hết, ông là người đóng góp lớn cho văn học dịch. Ông có công truyền bá các tác phẩm văn học lớn của thế giới vào Việt Nam. Ông là một người làm việc lặng lẽ, luôn hướng tới sự đổi mới, trong cả sự kiếm tìm những cuốn sách để dịch, cũng như trong sự sáng tạo của thơ ca.

Ông là một người thực sự dấn thân cả đời cho văn học, trong cả sáng tác thơ ca và dịch thuật. Cho đến tận những năm cuối đời, dù sức khỏe ông đã quá hao mòn nhưng cảm hứng sáng tạo lúc nào cũng tràn đầy”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho rằng, có một thế hệ dịch giả bắt đầu từ vốn tiếng Pháp ở trường thuộc địa rồi đi vào kháng chiến, tự học để trở thành dịch giả. Họ vốn có ý thức khi còn ở ghế nhà trường, tự trau dồi. Ông Dương Tường là một ví dụ.

“Ông chọn dịch ban đầu toàn tác phẩm lớn, khó như Bức thư của người đàn bà không quen, Cuốn theo chiều gió, Đồi gió hú… Bên trong thân hình nhỏ bé của ông là một sức sống dẻo dai cả về thể xác và tinh thần.

Hai mươi năm qua ông vẫn tiếp tục cống hiến những bản dịch mang “văn hiệu” tiếng Việt của mình cho văn chương nước nhà. Ông có những bài viết xúc động và sâu sắc cho mình, cho các bạn mình. Các bài viết của ông, từ trước và cả mới đây, thường ngắn về số chữ nhưng dài về độ chứa. Đọc chúng khoái cảm trong tôi vẫn vẹn nguyên như lần đầu”, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên chia sẻ.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nể phục nhà thơ Dương Tường vì ở độ tuổi đã lên đến nấc cao của đời người, còn tự thử thách mình bằng việc dịch “ngược” một số bài thơ nổi tiếng của các nhà thơ Việt Nam ra tiếng Pháp, đặc biệt, dịch kiệt tác Truyện Kiều ra tiếng Anh.

“Ông nói, ông làm việc đó để trả nợ tiếng mẹ đẻ thân thương đã bao bọc nuôi nấng ông đi qua những nổi nênh cuộc sống. Và để không ăn gian cuộc đời một ngày sống nào.

Dương Tường vẫn luôn thèm được ngồi với người trẻ. Ở nhà và ở quán cà phê cạnh nhà, ông nghe cuộc sống qua tiếng người ngoài phố, tiếng xe cộ trên đường, tiếng trò chuyện của các thế hệ sau bên cạnh mình”, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhớ lại.

Nhà văn Trần Thị Trường nói, bà không chỉ kính trọng dịch giả Dương Tường bởi kiến thức sâu rộng, thơ hay, dịch nhiều cuốn sách giá trị của thế giới, chinh phục nhiều thế hệ độc giả như: Cuốn theo chiều gió, Cội rễ, Đồi gió hú, Bức thư của người đàn bà không quen, Kafka bên bờ biển, Con đường xứ Flandres, Lolita, Đi tìm thời gian đã mất… mà còn là lối sống vô cùng thi sĩ của ông.

Với nhà văn Trần Thị Trường, dịch giả Dương Tường đặc biệt ở chỗ thích chọn những việc khó và khó mấy cũng làm, càng làm càng mê.

“Tôi được nghe kể, hồi đó không có máy photocopy, vớ được giấy gì có thể viết là viết, vỏ bao thuốc lá, giấy đánh máy một mặt, giấy báo ố vàng đều là những dòng đầu tiên của một bản thảo. Có lần Dương Tường mượn cuốn Phố của những cửa hiệu u tối (Patrick Modiano) ở thư viện, đọc và ngồi dịch tại chỗ. Đức tính ham học, đọc cùng nghị lực vượt khó, ham làm của ông luôn để lại ấn tượng sâu đậm trong cánh đàn em chúng tôi”, nhà văn Trần Thị Trường nói.

TÌNH LÊ