“Dứt tình” là cuốn tiểu thuyết tâm lý mà theo Tràng An là “một bức tranh… phỏng theo sự thực của cuộc đời, không tô điểm cho đẹp thêm, cũng không bôi nhọ cho xấu đi”, là tác phẩm khẳng định lối hành văn khéo léo của ngòi bút tả chân Vũ Trọng Phụng.

“Dứt tình” còn có tên khác là “Bởi không duyên kiếp”, được đăng trên tờ Hải Phòng tuần báo lần đầu năm 1934.

Chuyện tình của Tiết Hằng.

Tác phẩm gồm 11 chương, xoay quanh mối quan hệ tình cảm của một người phụ nữ tên Tiết Hằng với ba người đàn ông: Đào Quân, Việt Anh và Huỳnh Đức.

Tiết Hằng là một cô gái xinh đẹp con nhà giàu, từ thuở đi học đã được hai chàng trai theo đuổi. Tiết Hằng đem lòng yêu Việt Anh, chàng trai học hành giỏi giang nhưng mang phận nghèo. Bố mẹ cô lại vừa lòng Đào Quân, anh chàng hợm đời nhưng được cái giàu có, cũng coi là môn đăng hộ đối. Để làm tròn bổn phận là một người con có hiếu, Tiết Hằng nghe lời bố mẹ lấy Đào Quân làm chồng, an phận làm một phu nhân xinh đẹp.

Nhưng đời Tiết Hằng từ khi xuất giá cũng chẳng dễ dàng gì, khi tình cũ và chồng vẫn là bạn thân, khi tình cũ vẫn đến nhà cô, mượn tiền chồng cô, và dùng ánh mắt mãnh liệt để nhìn cô. Mà chồng cô khi có được tình tiền dễ dàng thì lại hay trăng hoa ong bướm.

Biến cố xảy ra, Đào Quân yểu mệnh qua đời, vốn dĩ Tiết Hằng và Việt Anh đã được tự do mà đến với nhau. Nhưng lòng kiêu ngạo, nhu nhược và ám ảnh tâm lý phải có trách nhiệm về cái chết của Đào Quân mà cuối cùng Việt Anh đã bỏ lỡ cuộc hôn nhân sắp thành. Tiết Hằng tái giá với người luôn yêu cô là Huỳnh Đức, để trốn chạy khỏi tổn thương mà Việt Anh gây ra.

 “Nàng thấy cái lò sưởi cũng giống với cuộc đời con người ta. Miệng lò là sân khấu mà ngọn lửa là những vai trò trong tấn bi kịch. Ngọn lửa trước to, sau nhỏ dần và sau cùng thì bao giờ cũng chỉ là một nắm gio tàn khói lạnh, và hình ảnh đích xác về cái cứu cánh cuộc đời con người ta!”

Tựa đề “Dứt tình” chính là quyết định cuối cùng của Tiết Hằng đối với tình yêu bền bỉ, trung trinh và trong sạch mà cô dành cho Việt Anh.

Một cuốn tiểu thuyết tâm lý xã hội.

Vì là tiểu thuyết đầu tay, khi so sánh với “tam kiệt tiểu thuyết” được nhà văn viết liền trong năm 1936 là “Số đỏ”, “Giông tố” và “Vỡ đê”, hay “Lấy nhau vì tình” năm 1937… thì “Dứt tình” chưa đủ độ gãy gọn, chưa đủ sức căng, sức nổ và độ nhạy bén, nhưng phong cách hành văn của Vũ Trọng Phụng thì đã định hình.

Nhịp điệu và cấu trúc rất gần với điện ảnh, vẫn là qua những cuộc đối thoại và độc thoại, tác giả trao cho từng nhân vật cơ hội lý giải những căn nguyên sâu xa của hành động, để độc giả dễ dàng hình dung mặt tối sáng phức tạp của mỗi người.

Giữa bối cảnh Việt Nam những năm 30 của thế kỷ XX, giai đoạn xã hội lai căng nửa mùa, văn hóa giao thoa Á – Âu, giữa lối sống tân thời của thanh niên nam nữ bó buộc trong tục lệ phong kiến, Vũ Trọng Phụng đặt lên cán cân của ái tình và bổn phận, ái tình và trách nhiệm, ái tình và thiện lương, tự tôn và đồng tiền.

“Dứt tình” được đánh giá là tác phẩm mang tư tưởng định mệnh siêu hình, dòng sự việc diễn ra với niềm tin rằng tất cả đã được an bài sẵn một vận mệnh, mọi thứ sẽ trở nên cái nó được định trước. Vũ Trọng Phụng đóng vai trò là người quan sát và thuật lại, cố gắng lý giải những uẩn khúc của lòng người hay những cắc cớ của định mệnh, thông qua nỗi trăn trở về nghĩa lý cuộc đời của bản thân ông.

Dưới thời Pháp thuộc, khi thật giả lẫn lộn, khi mọi thước đo xã hội không còn ý nghĩa đích thực của nó nữa… Đã tạo ra một xã hội vô nghĩa lý, một xã hội khiến cho con người sống trong đó dễ dàng mê man, ngu muội. Sự vô nghĩa lý thấm sâu vào mọi ngõ ngách của đời sống: từ đạo lý cho tới nghĩa tình, từ tình yêu cho tới nghĩa vợ chồng.

Điển hình như Việt Anh – một con người thông minh, có chí hướng, nhưng chỉ vì thất tình mà đâm ra bê tha, hận đời. Cho đến cuối cùng vẫn cứ lửng lơ một câu hỏi không lời giải đáp: Sống để làm gì?

“Tôi đã là một kẻ khó chịu, vô nghĩa lý”.

“Hiện giờ tôi vẫn sống để thỉnh thoảng tự hỏi: Sống để làm gì?”

Nội dung “Dứt tình” không có gì mới, và cách giải quyết tình tiết cho đến cuối truyện cũng rất cổ điển. Có lẽ tình yêu không phải là tất cả, khi cuộc đời còn có thương, có nghĩa, có bổn phận và có trách nhiệm.

Văn sĩ tả chân Vũ Trọng Phụng.

Nhà văn Phùng Tất Đắc khen ngợi Vũ Trọng Phụng đã có “những công trình có thể vạch phương hướng cho văn nghệ… góp được tài liệu cho đời sau khảo sát về buổi này”.

Vũ Trọng Phụng bước vào làng văn bằng thể nghiệm các sáng tác đầu tay ở thể tài truyện ngắn và kịch, nhưng lại nổi lên với tư cách một nhà báo, một cây bút phóng sự cự phách đến mức được đồng nghiệp và độc giả đương thời tấn phong là “Ông vua phóng sự đất Bắc”, sau đó mới là một nhà tiểu thuyết tả chân.

Bởi vậy, trong tiểu thuyết của ông, cái giọng phóng sự vẫn còn. Tiểu thuyết đầu tay “Dứt tình” dĩ nhiên không là ngoại lệ. Ông sáng tạo nhân vật với những số phận khác nhau, xếp đặt thành một câu chuyện có sự góp sức chủ quan của tác giả, của trang sức văn chương, tạo nên tác phẩm có màu văn nghệ. Nhưng sự sáng tạo đó hình thành trên bối cảnh thời đại, dựa vào những điều tai nghe mắt thấy thường nhật, nhà văn chủ ý cống hiến những tài liệu thật về xã hội đương thời một cách tỉ mỉ.

Điều này không những không cản trở, mà còn là trợ lực để tạo nên đặc trưng phong cách cá nhân của nhà văn họ Vũ, dù là truyện ngắn, phóng sự, tiểu thuyết phóng sự, hay tiểu thuyết tâm lý – đứng trên lằn ranh thể loại, nhưng vẫn luôn nhất quán với kim chỉ nam “tả chân”.

Trong tác phẩm “Nhà văn hiện đại”, Vũ Ngọc Phan có lời đánh giá sắc sảo về văn tài họ Vũ: “Người ta sở dĩ ham đọc văn ông là vì ngọn bút tả chân của ông. Trong đời văn của ông ngắn ngủi nhưng ông đã để lại một lối viết riêng, gây nên được nhiều đồ đệ.”

Chân dung của Vũ Trọng Phụng hoàn thiện và tỏa sáng là người thư ký trung thành của thời đại.