Nếu nói về sự chí thú với các thuần phong, mĩ tục ở làng quê thì Nguyễn Bính không thể so với nhà thơ đồng hương Đoàn Văn Cừ. Thi nhân họ Nguyễn không có một bài thơ nào nghi ngút khói hương, vang rền chiêng trống như thi sĩ họ Đoàn. Tuy nhiên, cái tâm, cái tình của Nguyễn Bính với chốn cửa thiền, chỗ cửa thánh và nơi bàn thờ gia tiên, cũng đủ làm thành một góc tâm linh riêng có trong thơ ông.

Tiếng chuông “giải thoát” nơi cửa thiền

Trong bài thơ “Quê tôi, có ý nhắn gửi “một người phồn hoa” nào đó đang “đi nghỉ mát những đâu/ Đồ Sơn, Tam Đảo, nhà lầu xe hơi”, Nguyễn Bính viết “Quê tôi có gió bốn mùa/ Có giăng giữa tháng, có chùa quanh năm/ Chuông hôm, gió sớm, giăng rằm/ Chỉ thanh đạm thế, âm thầm thế thôi”.

“Quê tôi” tiêu biểu cho làng quê đồng bằng xứ Bắc, vừa duyên dáng, lãng mạn lại vừa cổ kính, cổ điển. Duyên dáng, lãng mạn vì ở đó có rất nhiều giăng gió, cổ kính, cổ điển vì còn có chùa quanh năm. Có lẽ viết thế, ngoài chuyện kín đáo khoe quê hương mình, Nguyễn Bính còn như bảo khéo với “người phồn hoa” rằng, ông cũng “thanh đạm”, “âm thầm”, kín đáo, duyên dáng như quê ông, chứ có đâu rộn ràng phô trương như người nơi “Đồ Sơn”, “Tam Đảo” với những nhà lầu, xe hơi thời thượng. Đang mê đắm với những “Chuông hôm, gió sớm, giăng rằm”, sực nghĩ đến cái ngày sớm “Đem thân đi với giang hồ/ Sân ga phẳng lặng, bến đò lênh đênh”, Nguyễn Bính chợt như nấc lên “Mai ngày tôi bỏ quê tôi/ Bỏ trăng bỏ gió chao ôi bỏ chùa”.

Vì sao trong ba cái tiêu biểu cho quê mình là trăng, gió và chùa, thì “bỏ chùa” lại khiến ông day dứt, đau đớn thốt lên “chao ôi” như vậy?

Ai cũng biết, cái bộ tam “đình-đền-chùa” chẳng biết tự bao giờ đã là chốn tâm linh của người dân quê làm ruộng, trồng lúa. Đền thờ người có công với làng với nước, được xem như là Thánh. Đình thờ Thành Hoàng làng, cũng là nơi diễn ra sinh hoạt của cộng đồng cư dân làng. Chùa là nơi thờ Phật (Bụt) “Chuông làng nào làng ấy đánh/ Thánh làng nào làng ấy thờ”, “đẩt Vua, chùa làng, phong cảnh Bụt” đã thành tục ngữ, thành ngữ, như tín điều khó suy suyển của mỗi cộng đồng làng xã xưa. Bỏ chùa là bỏ cái hương hỏa, cái linh thiêng nhất, vậy nên mới nghĩ đến “bỏ chùa” mà tác giả quê tôi đã phải đau xót mà nức lên hai tiếng “chao ôi”.

Chùa là nơi ký thác linh hồn, gửi gắm đức tin, mong tìm giải thoát. Đi lễ chùa là hướng thượng, hướng thiện, tịnh hóa thân tâm, nên người đi lễ, thường là đàn bà con gái, rất chú ý đến lễ phục. Cũng do tôn thờ cái đẹp, cái gia đạo như thế mà chàng trai trong bài thơ “Chân quê” mới đau khổ khi phải hạ mình mà “Van em hãy giữ nguyên quê mùa/ Như hôm em đi lễ chùa”. Giữ nguyên quê mùa là em cứ giữ cái yếm lụa sồi, cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen truyền thống để cho “vừa lòng anh”. Cái “chao ôi” ở bài thơ trên, cũng như cái “van em” ở bài thơ này, tuy khác nhau về hoàn cảnh song cùng phản ánh tâm thế giữ gìn nét đẹp truyền thống, có tính chất “hương đồng gió nội” của Nguyễn Bính. Nếu mất nó, hay để nó mai một đi thì, nói dại, sẽ như có tội với quê hương, đất nước.

Đi lễ chùa còn là một thi ảnh nhiều lần xuất hiện trong thơ Nguyễn Bính, mà lần nào xem ra cũng đẹp, cũng tươi tắn, gợi cảm, dù có phảng phất một chút buồn dịu nhẹ của “những người muôn năm cũ”: “Trên đường cát mịn một đôi cô/ Yếm đỏ khăn thâm trẩy hội chùa/ Gậy trúc dắt bà già tóc bạc/ Tay lần tràng hạt miệng Nam mô” (Xuân về); “Có những ông già tóc bạc phơ/ Rượu đào đôi chén bút đề thơ/ Những bà tóc bạc hiền như Phật/ Sắm sửa hành trang trẩy hội chùa (Thơ xuân).

Cùng với cảnh chùa, thì tiếng chuông chùa cũng không chỉ một lần vang vọng trong thơ Nguyễn Bính. Trên bước giang hồ vô định, mỗi khi nghe tiếng chuông, nhà thơ như tìm thấy ở đó một sự đồng cảm, một niềm an ủi xoa dịu đi phần nào nỗi cô đơn của kẻ tha hương, nhất khi bóng chiều buông, lòng người chùng xuống: “Trăng chiều rụng xuống lòng sông/ Có nhà sư nữ đi trong chuông chiều” (Hai buổi chiều); “Gió chiều cầu nguyện đâu đây/ Nắng chiều cắt đoạn một ngày cuối thu/ Sư già quét lá sau chùa/ Để thiêu xác lá trước giờ lên chuông (Chùa vắng). Thiếu tiếng chuông từ bi quen nghe, nhà thơ bồn chồn vào ra như mất một cái gì trân quý lắm “Mấy chiều vắng bặt hơi chuông/ Sư bà khuyên giáo thập phương chửa về” (Trời trở gió). Thậm chí có lần Nguyễn Bính còn trách (mà cũng có ý thầm ghen) với “con nhà nho cũ” Bùi Hạnh Cẩn, khi ông anh bên ngoại này đang giữa chừng giang hồ với mình đã bỏ cuộc về quê yên phận làm một “Uyên Minh họ Bùi”: “Cắm sào sông Mã xứ Thanh/ Tôi buồn khi biết đò anh quay về/ Cát lồng nước lạnh trăng khuya/ Sông Vân bến cũ nằm nghe chuông chùa”.

Ở truyện thơ “Cây đàn tỳ bà” (1944), dài 1548 câu, kể về chuyện tình buồn giữa nàng Triệu Ngũ Nương và chàng Thái Bá Giai, thì chùa cùng tiếng chuông xuất hiện nhiều lần, song mỗi lần là mỗi biến thái. Ở phần đầu truyện, đoạn Thái sinh chuẩn bị vào kinh ứng thi, cảnh chùa xuất hiện vẫn với dáng vẻ truyền thống, rất Nguyễn Bính “Tháng Giêng vừa Tết đầu xuân/ Xanh um lá mạ, trắng ngần hoa cam/ Mưa xuân rắc bụi quanh làng/ Bà già sắm sửa hành trang đi chùa”. Nhưng rồi lần theo mỗi bước truân chuyên của Ngũ Nương đi tìm chồng, thì hình ảnh chùa cùng tiếng chuông cũng mang nhiều sắc thái, cung bậc.

Ấy là “Chuông chùa ràn rạn xa nghe/ Đinh nghinh tân chủ khách về song song” như điềm báo một điều không hay sắp xảy ra, khi Thái sinh đỗ trạng và được mời đến dinh quan thừa tướng đương triều. Ấy là cảnh “Mưa bay đồi núi phai nhoà/ Tiếng chuông sơn tự, canh gà ải quan” nghe như phảng phất cái cảnh “Canh khuya thân gái dặm trường” của Thúy Kiều trốn khỏi nhà Hoạn Thư ngày nào. Thế rồi “Trống chiêng rộn rã nẻo xa/ Dường như ở đó người ta hội chùa” ấy là khi Ngũ Nương đang có mặt ở kinh đô Tràng An. Bị chồng, bây giờ là quan lớn phụ tình, Ngũ Nương trong tận cùng đau khổ:

Nàng đi trong bóng chiều mờ

Nàng đi trong tiếng chuông chùa ngân nga

Nàng đi với chiếc tỳ bà…

Nàng đi hạc nội mây ngàn

Bóng đêm vùi lấp bóng nàng rồi thôi

Tiếng chuông từ bi, tiếng chuông cứu khổ tắt dần và nàng Ngũ Nương cũng từ từ biến vào hư vô, như một tiếng thở dài không có hồi kết của một kiếp tài hoa, nết na, mà mệnh bạc.

Sau này, tức là sau thời Thơ Mới, tiếng chuông từ bi, giải thoát còn đôi lần đồng vọng trong thơ Nguyễn Bính. Ấy là cái “giọng chuông mờ” đầy ẩm ướt trong bài “Mưa xuân II”: “Bãi lạch bờ dâu sẫm lá tơ/ Làng bên ẩm ướt giọng chuông mờ/ Chiều xuân lưu luyến không đành hết/ Lơ lửng mù sương phảng phất mưa”. Trong bài “Tiếng trống đêm xuân”, giữa đoạn diễn tả cái náo nức của “hội xuân gió loạn đuôi cờ”, ông vẫn không khỏi chạnh lòng “Thương nàng Thị Kính oan khiên/ Đã nương cửa Phật chưa yên tội đời”.

Tiếng chuông “cứu rỗi” nơi giáo đường

Ngoài tiếng chuông “giải thoát”, nơi cửa thiền, thì có một lần trong thơ Nguyễn Bính tiếng chuông “cứu rỗi” nơi giáo đường đã được gióng lên, đúng lúc 12 giờ trưa – “Chuông ngọ”.

Bài thơ mở đầu bằng “lạy Chúa” (Jê-su-ma, lạy Chúa tôi!), vốn là câu cửa miệng của mỗi con chiên ngoan đạo: “Lạy Chúa con xin chúa một giờ”. Vì sao lại phải xin chúa cái giờ ấy? Vì “Mười hai giờ ngọ của tình xưa/ Chúng con hai đứa Uyên và Bính/ Thường hẹn hò nhau mỗi buổi trưa”. Hai đứa hẹn hò nhau cái gì ở mỗi buổi trưa ấy? “Khi bóng cây xanh trước ngõ tròn/ Là giờ hắn sẽ nhớ thương con”. Thì ra, đây là câu chuyện của “tình xưa” tác giả hồi tưởng lại. Theo đó, Bính hẹn hò với người yêu tên Uyên, cứ đến giờ ấy, tức giờ Ngọ, giờ “bóng tròn” chuông đổ, là hai đứa giáp mặt nhau. Còn nếu không gặp được thì cũng “nhớ thương nhau”, dành tình cảm cho nhau, cùng ngước nhìn lên nơi cao xanh mà cầu nguyện cho linh hồn của một tình yêu đã tan vỡ.

Vấn đề ở đây là, tại sao họ lại hẹn nhau ở 12 giờ trưa giữa thanh thiên bạch nhật, mà không phải là lúc đêm buông. Khi bóng tối (không với nghĩa vụng trộm), chẳng đã là, vẫn luôn là, và muôn thuở là “đồng minh” đáng tin cậy của tình yêu!

Bất cứ ai, nhất là dân xứ đạo cũng biết rằng, nơi nào có nhà thờ, nơi đó có tiếng chuông. Tiếng chuông nhà thờ, cũng như tiếng chuông chùa, được người có đạo xem là rất linh thiêng và tôn quý. Vì nó hằng nhắc nhở tín hữu Ki-tô hãy hướng tới Thiên Chúa, hãy mến Chúa – yêu người, yêu như Chúa yêu. Hãy tin tưởng rằng Chúa vạn năng sẽ ra tay cứu rỗi, nếu ai đó gặp chuyện khúc mắc trên đường đời. Ba lần mỗi ngày, đã thành lệ chuông nhà thờ sẽ vang lên vào đầu buổi sáng, giữa buổi trưa và cuối buổi chiều, ứng với ba lần báo giờ Kinh Truyền Tin. Còn như lời Thánh Vịnh trong kinh Cựu Ước thì “Sớm trưa chiều, tôi than sầu rên rỉ, Người sẽ nghe tiếng tôi”. Với người con trai trong bài thơ này, nỗi đau tình yêu tan vỡ như là cộng hưởng với nỗi đau của Chúa Jêsu khi chịu nạn treo mình trên cây thập giá: “Khi ấy là giờ Ngọ, mà cả và trời đất liền tối tăm mù mịt, mặt trời xem chẳng đang, Chúa sinh nên muôn vật chịu nạn cùng chịu xấu hổ dường ấy” (Lời kinh ngắm nguyện mùa thương khó).

Vì đã hẹn ước với nhau như vậy, nên nay đúng giữa trưa khi nghe thấy “Chuông ngọ, từng hồi chuông ngọ đổ/ Từng hồi chuông ngọ đổ chơi vơi”, thì cái nỗi đau xưa lại như sống dậy. Cụm từ “chuông ngọ” được tác giả láy đi láy lại nhiều lần, khiến ta như liên tưởng đến cảnh chuông nhà thờ đổ liên hồi, hết lớp này đến lớp khác dội vào lòng kẻ thất tình. Thế nên trong giây phút “cách mặt khuất lòng” tuyệt vọng ấy, chàng trai tìm đến với Chúa “Con nghe chuông đổ rồi con khóc/ Cứu rỗi linh hồn con Chúa ơi!”. Vừa cầu Chúa trong đau xót, luôn thể anh ta cũng thầm trách móc đấng bề trên tối cao “Cái hôm hắn bước lên xe cưới/ Khóc lả người đi Chúa biết không?”. Chúa lòng lành, chúa vạn năng, sao Chúa lại không biết đến nỗi đau bị đoạn tình của chúng con mà ra tay cứu rỗi?

Bài thơ kết thúc bằng hai câu cùng với một dấu than “Chúng con ngoại đạo hay ngoan đạo/ Vẫn biết và tin có “Chúa lòng!”. Tình yêu của đôi trẻ chớm nở ở buổi ban đầu với phép màu của nó đủ vượt qua mọi khác biệt tôn giáo và văn hóa nhưng không vượt qua được thành kiến của người đời. Ở bài thơ này, có thể hiểu là cha mẹ Uyên đã ép nàng phải lấy người nàng không yêu, vì chắc người đó giàu sang, danh vọng hơn Bính. Vậy nên mới có cảnh nàng “khóc lả người đi” lúc nên xe cưới về nhà chồng.

Tuy nhiên, cứ theo văn cảnh bài thơ thì dù bị đoạn tình, nhưng hai người vẫn dành cho nhau một khoảng tình cảm, ấy là giờ Ngọ “là giờ hắn sẽ nhớ thương con”. Bính là kẻ ngoại đạo, song cũng như Uyên người có đạo, vẫn “biết” và “tin” có “Chúa lòng”. Chúa lòng là “Chúa lòng lành” mà cũng có thể hiểu rằng đó là Chúa trong lòng của hai ta. Vì như ai đó bảo rằng, tình yêu cũng là một thứ tôn giáo mà “em”, hay “nàng” chính là Chúa tể của tôn giáo ấy. Ngẫm ra cũng thấy có lý.

Hồi chuông ngọ, gióng lên một lần duy nhất trong thơ Nguyễn Bính, từ lâu đã tắt tiếng. Bính và Uyên thì từ lâu cũng đã thành người thiên cổ. Song dư âm, cùng dư chấn của nó thì còn đồng vọng mãi trong thơ và lan tỏa trong lòng bạn đọc. Tiếng chuông ấy chẳng những thi vị hóa mà còn thiêng liêng hóa tình yêu – cái thứ tình cảm cao đẹp nhất, mà Thượng đế đã ban cho con người. Không thể không tin rằng lời nguyện cầu hợp nhất trong cùng một đức tin, cũng như tình cảm chan chứa, chân thành, trong trắng của đôi trẻ, nhất định sẽ nhận được sự thưởng thưởng xứng đáng, cùng sự an ủi, cứu rỗi nơi Thiên giới.

Bài thơ “Chuông ngọ” chẳng biết đích xác Nguyễn Bính viết khi nào, ở đâu, em Uyên có phải là nàng Tú Uyên trong “Người con gái ở lầu hoa không”? Song, ở bài “Trường hận ca”, viết cuối năm 1943, Nguyễn Bính vẫn không thôi “khóc” nàng: “Cây nào cũng đứng bóng trưa/ Chuông nào cũng đổ trúng giờ mười hai/ Rừng nào cũng nở hoa mai/ Nơi nào cũng có hai người yêu nhau/ Nhưng mà bất cứ ở đâu/ Riêng tôi vẫn đắp mối sầu thành non/ Vẫn hằng khóc phấn than son/ Vì trong thiên hạ không còn Tú Uyên”. Không còn Tú Uyên, không còn người con gái ở lầu hoa, thì chỉ có nhà thơ khóc người trong mộng, chứ thiết nghĩ thiên hạ vốn vô tâm, vô tình, như nàng Thúy Vân năm xưa trách chị Thúy Kiều là “nực cười” vì “khéo dư nước mắt khóc người đời xưa”!

Song, cho dù Uyên là ai, thì điều đó có gì quan trọng. Chỉ biết rằng, với Chuông ngọ, ta được thấy thêm một góc thơ tình nhuốm màu tâm linh Thiên chúa giáo khá độc đáo của Nguyễn Bính.

Nếu như nhà chùa, nhà thờ, là chốn tâm linh của cả cộng đồng làng, thì bàn thờ gia tiên là góc tâm linh của mỗi gia đình người Việt. Đã là người Việt thì ở đâu, đi đâu cũng có ban thờ gia tiên, dù đó là sơn son thếp vàng của người có điều kiện, hay đơn sơ giản dị của người nghèo khó. Ngay cả ở những gia đình Công giáo thời nay, bên cạnh bàn thờ Chúa thì vẫn có bàn thờ gia tiên. Đấy chính là biểu hiện của triết lý “nhập gia tùy tục”. Nghĩa là để ngự tại bền vững thì Công giáo của trời Tây cũng phải thích ứng với tín ngưỡng bản địa phương Đông, phía trời Nam. Chốn thừa tự, hay góc tâm linh này, cũng có mặt trong thơ Nguyễn Bính không phải chỉ một lần.

Trong bài thơ dài “Lỡ bước sang ngang” không phải vô tình mà Nguyễn Bính lặp lại hai lần lời người chị dặn dò em trước khi giã biệt gia đình bước chân về nhà chồng “Em ơi em ở lại nhà/ Vườn dâu em đốn mẹ già em thương”. Trong cái “trăm đường xót xa” của người chị thì cái xót xa nhất là “Miếu thiêng vụng kén người thờ/ Nhà hương khói lạnh chị nhờ cậy em”.

Vì sao người chị lại phải hạ mình nhờ cậy em như vậy?

Là người Việt, ai cũng biết rằng giữ gìn mồ mả và thờ cúng người thân đã khuất được xem là việc hệ trọng và thiêng liêng vào hàng bậc nhất. Vậy nên bàn thờ gia tiên, nơi diễn ra “hương khói” là góc thiêng của mỗi gia đình. Hương khói cùng những lời cầu khấn trong ngày giỗ, tết hay tuần tiết, là sợi dây vô hình chắp nối, cộng thông giữa cõi dương và cõi âm, giữ người trần với thần linh. Vậy nên nếu để bàn thờ lạnh hương khói trong ngày tuần tiết, giỗ tết là chuyện không thể chấp nhận, là vô phúc, là đại bất hiếu.

Chuyện hương khói nơi bàn thờ ấy thường là do người mẹ lo liệu. Song, nay mẹ đã già yếu vì đã trải qua nhiều “một nắng hai sương” thì đương nhiên sẽ là bổn phận của chị. Ấy thế mà nay chị lại “sang ngang”, nên muốn ký thác lại cái nghĩa vụ, cái bổn phận lẽ ra là của mình cho em. Ngoài chuyện chăm vườn dâu, phụng dưỡng mẹ già thì em sẽ thay chị săn sóc, phụng thờ cái “miếu thiêng” ấy. Thiết nghĩ, tâm trạng chị dặn em này chẳng khác mấy với tâm trạng “trao duyên” của nàng Kiều xưa, dù khác nhau về hoàn cảnh, về duyên cớ. Nàng Kiều xưa “Dùng dằng khi bước chân ra/ Cực trăm nghìn nỗi dặn ba bốn lần”, còn người chị nay thì cũng dùng dằng không kém vì “Một vai gánh lấy giang san/ Một vai nữa gánh muôn ngàn nhớ thương”. “Giang san” ở đây là giang san nhà chồng mà mình sẽ ghé vai vào, muôn vàn nhớ thương là ngoái nhìn lại nhà mình, lo cho chuyện hương khói nơi cửa nhà mình.

Cái sự linh thiêng của bàn thờ gia tiên trong ngày tết còn được Nguyễn Bính khắc họa trong hình ảnh bà mẹ quê trong bài “Cái tết của mẹ tôi”. Nếu để ý ta thấy hình ảnh người mẹ xuất hiện trong thơ Nguyễn Bính lần nào cũng đẹp, song ấn tượng nhất là những ngày xuân tết. Bà tiêu biểu cho sự đảm đang, chu đáo, của người phụ nữ Việt truyền thống đã thành chuẩn mực. Để chuẩn bị cho ngày tết, từ lâu mẹ đã nuôi lợn, trữ gạo, mo gói bánh, rồi thì lau rửa bàn thờ, đi chợ tết, đồ xôi, giết gà, làm cỗ, dặn con…

Nguyễn Bính chỉ kể, chỉ tả, song với bút pháp tự sự bậc thầy, mà hình ảnh bà mẹ quê hiện lên mới đẹp làm sao. Đẹp ngay trong dáng vẻ tất bật tần tảo chợ búa, bếp núc. Đẹp trong cái nền nếp đạo đức cổ truyền Á-đông: “Suốt đêm giao thừa, mẹ tôi thức/ Lẩm nhẩm câu kinh Đức Chúa Ba”. Nhưng đẹp nhất là hình ảnh bà vào sáng mồng một Tết Nguyên đán, thể hiện trong cái đi nhẹ nói khẽ, rất mực giữ gìn, thành kính trước bàn thờ gia tiên nhà chồng, cũng là nhà mình:

Mẹ tôi thắt lại chiếc khăn sồi,

Rón rén lên bàn thờ ông tôi

Đôi mắt người trông thành kính quá

Ngước xem hương cháy đến đâu rồi

Hình ảnh của ông bố cũng cũng rất đẹp, song vì đây là “cái tết của mẹ tôi” nên “thầy tôi” chỉ xuất hiện trong một khổ thơ với vai trò khá khiêm tốn của người “giải quyết khâu oai”. Là trụ cột tinh thần của gia đình, lại là người có chữ nghĩa, mà là thứ chữ của Thánh hiền, nên việc của ông là “lấy một tờ hoa tiên/ Bút lông dầm mực, viết lên trên/ Trên những gì gì, tôi chẳng biết/ Giữa đề năm tháng, dưới đề tên”. Có lẽ đây là một bài thơ “khai xuân” viết theo lối chữ thảo, có cả dòng “lạc khoản” để dán lên cột, hay đặt ở ban thờ cạnh mâm ngũ quả, cặp bánh chưng.

Ta sẽ càng trân trọng, yêu quý tác giả cái tết của mẹ tôi, nếu biết được rằng Nguyễn Bính mồ côi mẹ từ khi ông mới ba tháng tuổi “Còn tôi trời bắt làm thi sĩ/ Mẹ chết khi chưa kịp bạc đầu”. Ông sống được và làm thơ là nhờ sự bú mớm, cơm cháo của người thân và hàng xóm “Còn tôi sống sót là may/ Mẹ hiền mất sớm trời đầy làm thơ”. Vậy nên, không lạ gì khi hình ảnh mẹ ông là sự “tổng hòa” hình ảnh của các bà mẹ Việt truyền thống, đẹp người đẹp nết, đầy chất lý tưởng. Phải là những người yêu quê, yêu cội nguồn, giàu tâm linh lắm mới có thể khắc họa lên hình ảnh người mẹ bình dị mà giàu sức chứa, sức gợi, làm rung động lòng người lâu dài đến vậy. Cứ mỗi khi năm mới đến, người ta lại “thỉnh” Nguyễn Bính, thỉnh Đoàn Văn Cừ về trên những trang báo Xuân, trong đó thế nào cũng có bài “Cái tết của mẹ tôi” và “Chợ Tết”.

***

Nguyễn Bính không là Phật tử, không có thơ thiền. Nguyễn Bính cũng không phải là một Ki-tô hữu, không rành Thánh kinh. Vậy mà trong thơ ông đã nhiều lần xuất hiện tiếng chuông từ bi cứu khổ, và hơn một lần tiếng chuông thánh thiện cứu rỗi. Ông xa quê, xa gia đình từ sớm, song không xa bàn thờ gia tiên trong tâm tưởng. Điều này chứng tỏ trong Nguyễn Bính thường trực có một cõi tâm linh ẩn sâu, chỉ chờ có dịp chạm đến là nó thức dậy, ngân lên, cộng hưởng.

Thiết nghĩ, người đời yêu Nguyễn Bính, thuộc thơ Nguyễn Bính vì nhiều lẽ, song trước nhất bởi ông là “thi sĩ của thương yêu”, mà tâm linh là cái góc trong trẻo, thánh thiện và nhân văn nhất trong thơ ông.

PHẠM CÔNG TRỨ