Hạ sang tàn lửa càng cao,
Khúc ca giải phụ(1) lựa vào năm dây.
Vận ống Lữ(2) tiết vừa sang hạ,
Bính Đinh(3) về hiệu gọi Chúc Dung(4).
Quanh ngọn tường lửa lựu(5) phun hồng,
Trên mặt nước tiền sen(6) nảy lục.
Trì đường tịnh trưởng ông tôn trúc,
Ly lạc tề khai tỷ muội hoa(7).
Buổi thời huân(8) mấy khúc cầm ca,
Với trời đất cũng sinh sinh trưởng trưởng.
Hé mành ngọn nam phong thoang thoảng,
Người Hy Hoàng(9) dáng cũng dường nầy.
Thú sao dễ mấy ai hay.
Nguồn: Nguyễn Công Trứ cuộc đời và thơ do Đoàn Tử Huyến chủ biên, NXB Lao động, 2011
* Chú thích:
(1) Giải: gỡ ra; phụ: nhóm lại. Khúc ca giải phụ: khúc Nam phong của vua Thuấn: “Nam phong chi thời hề, khả dĩ phụ ngô dân chi tài hề; Nam phong chi huân hề, khả dĩ giải ngô dân chi uấn hề” (“Gió nam phải thời kia, có thể nhóm thêm của cho dân ta; gió nam hòa ấm kia, có thể giải lo phiền cho dân ta”).
(2) Trọng Lữ: một trong “Thập nhị luật” của âm nhạc cổ Trung Hoa, cũng là ống luật (nhạc khí) bằng tre dùng hòa nhạc hay đo khí trời. Ống Trọng Lữ dùng về mùa hạ, chỉ mùa hạ.
(3) Bính Đinh: Người xưa cho rằng, Thiên Can hợp Ngũ Hành thì Bính Đinh thuộc hỏa nên người ta gọi lửa Bính Đinh.
(4) Chúc Dung: Theo thần thoại Trung Quốc là thần lửa, trông coi mùa hạ.
(5) Lửa lựu: hoa lựu đỏ như lửa.
(6) Tiền sen: lá sen mới mọc tròn như đồng tiền.
(7) Bờ ao trúc mọc như ông cháu; Bờ giậu hoa nở tựa chị em.
(8) Thời huân: chữ từ bài ca Nam phong nói trên, thời tiết hòa ấm.
(9) Hy Hoàng: Vua Phục Hy và vua Hoàng Đế thời thượng cổ Trung Quốc; chỉ người chất phác sống trong cảnh tươi đẹp thiên nhiên.