Taodan.com.vn – Sống mòn là một quyển tiểu thuyết kiểu tự thuật, khi viết ở ở ngôi thứ ba, nó như một độc thoại dài, với những dằn vặt, day dứt, với những câu hỏi lớn về cuộc sống, gợi đến “Sống hay không sống”; từ chương này đến chương khác. Thứ, nhân vật trung tâm, khao khát sống cho ra sống, lùi lại, hè nhát, lại ước mơ, hy vọng một cuộc đời có ý nghĩa. Kết thúc hơn hai trăm trang quyển tiểu thuyết nội quan này, là một câu hỏi lớn: “Thứ đã làm gì chưa?”.

Sống mòn là một tiểu thuyết kiếm tìm, Thứ kiếm tìm bản thân mình, tra vấn, lùng sục tâm hồn mình, khảo tra, mổ xẻ con người mình; Thứ đi đến tận cùng của sự thật về một con người; Sống mòn là sân khấu của những xung đột bên trong một con người, một thế giới ẩn sâu; nó gây nhức nhối, xao động, gây bão táp, nó gây bất an cho người đọc, Nam Cao khuấy động những tình cảm, những suy tư, gạt bỏ cái bên ngoài giao đãi, giả dối, cái mờ đục và phơi ra ánh sáng cái chân thật, cái thực, sự thật. Cái xung đột mờ đục/ sáng trong làm nên sức sống và giá trị lâu bền của Sống mòn.

Nam Cao có cái nhìn thấu suốt vào con người, vào những uẩn khúc rối ren của một tình cảm, một hành động và biểu đạt cái nhìn ấy bằng một văn phong điềm đạm, trở đi trở lại nhiều lần một vấn đề, bằng cấu trúc truyện khi lan tỏa, khi tập trung, tất cả xoay quanh một quãng đời day dứt, ngày càng xuống cấp. Hai mươi chương của truyện kết thành một tâm trạng khắc khoải, giãy giụa, không có lối ra. Không gian sống ngày càng thu hẹp. Câu văn của Sống mòn quẩn quanh, thành những “dích dắc”, tiến lên, lui lại, rẽ ngang, lại lùi và mất hút trong cái vô vọng, cái trống không, cái hư vô của cuộc sống.

Cái không gian sống của Thứ là một không gian o bế; cuộc hành trình của Thứ trong hai mươi chương truyện, là con đường từ nhà quê lên Hà Nội, rồi quay về quê, từ những chuyến tàu hỏa, từ nơi nghèo đói, mỗi ngày vài lưng cơm, ăn củ chuối, tối tăm như hũ nút, thù hằn, ghen tức, nhỏ nhen, đến một vùng ngoại ô xơ xác, nơi chứa đựng rác rưởi của đô thị, cũng tối mò mò, cũng nhỏ nhen, tính toán chi li, cũng ghen tuông, “chim chuột” nhau, đánh nhau, cướp vợ chồng của nhau. Cuộc đời Thứ ngày càng giụp xuống. Những căn nhà cậu giáo Thứ ở ngoại ô ngày càng xuống cấp; thoạt tiên, Thứ cùng bạn là San phải sang trường ở chung với Oanh, người đàn bà cầu lợi, chắt bóp, lắm mồm. Lần thứ ba, Thứ dọn đến một căn buồng tối om, nóng nực, xung quanh nhà là những đống rác lù lù, cống rãnh, cạnh một cái chuồng ngựa hôi hám: “Không gian xám màu tro”… “trên nền trời, mấy vết máu đỏ chết”. Cuối cùng trường Thứ phải đóng cửa vì không có học trò; ở chương XX, chương cuối Sống mòn, Thứ ở trên con tàu – con tàu trả lại Thứ về “một xó nhà quê”; cái không gian di động này mang Thứ đi, không cưỡng lại được, Thứ “để mặc con tàu mang đi”, Thứ “đang ở trên con tàu đó”. Thế là hết, đời anh “còm nhom”, “sẻn so” sẽ mốc, sẽ gỉ, sẽ mục ra, và anh “sẽ chết mà chưa sống”, “sống”, “sống”, biết bao lần Thứ mong ước cuộc sống, “làm thế nào được sống”, sống “ngước mắt lên”, “hít thở tự do”.

Như vậy, sức năng động của Sống mòn, chính là sự xung đột giữa không gian xã hội (“xó nhà quê” và ngoại ô Hà Nội nhem nhuốc) và không gian tinh thần, mơ ước, không gian hồi tưởng, không gian khát vọng; Thứ đã vào Sài gòn, nuôi giấc mộng đi Pháp, đến Mác xây. Thứ học, lúc nào cũng đọc sách, đọc để mở rộng tầm mắt ra không gian thế giới, để nhìn sâu vào tâm hồn con người. Thứ “sẽ đi bất cứ đâu”, “sẽ ra đi”, “sẽ đi liều”; song, hiện tại, anh đang ở trên con tàu, mang anh về “làng mạc xo ro” và “Hà Nội vẫn lùi dần, lùi dần”, Hà Nội “vẫn lùi”. “Sống tức là thay đổi”; một tia sáng mong manh, một hy vọng xa xôi nhưng Thứ “đang ở trên tàu”. Cái không gian khắc nghiệt của xã hội giống như một định mệnh bám dai dẳng cuộc đời anh, chống lại cái không mơ ước. Có điều đáng chú ý là, mở đầu một tác phẩm, một buổi sáng đầy ánh nắng rực rỡ, với những vùng nắng màu vàng cháy” và đoạn kết thúc cũng là một buổi sáng đẹp, ánh nắng chan hòa, “trời xanh ngắt và mở rộng quanh”. Cái không gian ngời sáng ấy tương phản với cuộc sống của Thứ, đầy những lo âu, cuối cùng mất việc, bị Hà Nội đuổi về xó quê; anh nhà quê trở lại thành anh nhà quê, sống bám vợ. Ở đây, có khía cạnh xứ thuộc địa đô thị hóa một cách tàn nhẫn; Thứ, San, Đích, Mô,… và cả xóm ngoại ô ấy, gồm những cô sen, cậu nhỏ, anh kéo xe, – cái xã hội nước máy ấy, và u em và bà ở căn nhà lá với hai đứa con gái…, tất cả xã hội ngoại ô ấy đều bị đuổi về quê cũ, hoặc chết (Đích, bà Hà), hoặc lụn bại, rồi kéo nhau đi nơi khác, hay chết đói. Phải nói đến những bức tranh sinh hoạt sôi nổi, đầy sức sống của Nam Cao miêu tả vùng ngoại ô này; một phố nhem nhuốc, lổn nhổn đủ hạng người nghèo; bỗng mọc lên cái dinh thự kỳ quái của cụ Hải Nam với cổng kín tường cao, hòn non bộ nhởn nhơ mấy cô gái tuổi dậy thì, một bức tượng đàn bà khỏa thân to tướng. Trung tâm miêu tả cái xóm dân tứ chiếng nghèo khổ ấy, là cái máy nước, ở đấy người ta chen chúc nhau, ở đấy hình như những cuộc tình duyên mộc mạc, đau khổ, ở đấy ẩn náu những người vợ bị bỏ rơi, ở đấy qua lại bóng “cô áo tím” xinh đẹp, cô Tư, ước mơ thoáng qua của Thứ.

Sống giữa đám người cục mịch bị số phận xô đuổi từ thôn quê ra thành thị ấy, là một nhóm bốn người có đôi chút học vấn, mở một trường tư cấp tiểu học. Đích, hiệu trưởng cũ, đã đi làm xa, để lại cái trường học xộc xệch cho người yêu là Oanh trông nom; Thứ và San, hai người cùng quê với Đích, bỏ nông thôn lên Hà Nội kiếm sống, song việc kiếm ăn quá khó khăn; cuối cùng, hai người cũng như nhiều nhân vật khác trong truyện, bị đô thành sai thải. Nhân vật trung tâm của Sống mòn là Thứ, không phải quyển tiểu thuyết này chỉ miêu tả cuộc đời mòn mỏi, ngày càng đen tối; nó còn miêu tả cuộc sống bên trong của Thứ, với ước mơ đẹp, có khi táo bạo. Như đã nói, Sống mòn của Nam Cao gợi nhớ “Sống hay không sống”. Mặt khác, Sống mòn của Nam Cao là một quyển truyện khác thường, trong thời gian nó được viết, không bao gồm những biến cố đầy kịch tính, những số phận chìm nổi, mà những diễn biến tình cảm suy tư của thế giới bên trong, tạo nên những nàn sóng ngầm gây cho người đọc những giày vò, nhức nhối, với nhiều văn phong: Thứ khi oán trách bản thân mình, khi dằn vặt, khi mắng mỏ, khi chua chát, đắng cay. Nó muốn đi đến tận cùng cái nhìn quay về bên trong, nó gạt bỏ cái mờ đục che lấp con người nó và nhìn thấu suốt bản thân nó. Phong cách của Nam Cao, trong tiểu thuyết này, gần gũi với phong cách của Môngtenhơ, Rutxô (Les Confession – Tự thú), Gide, những nhà văn chà xát, soi mói, sục sạo con người mình một cách chân thành, không thương xót. Vì vậy, các nhân vật khác, San, Oanh, Tư, cả đến Mô, ông Học,… có chức năng làm rõ thêm tâm linh một con người. Phân tích mối quan hệ của Thứ, nhân vật trung tâm, với các nhân vật khác, là một điều cần thiết.

Thứ phơi bày ra ánh sáng nhiều khía cạnh phức tạp đời sống bên trong của con người mình: Ý nghĩa cuộc sống, tình trạng tâm hồn hiện nay, tình yêu vợ và ghen, tình yêu ước vọng, xử thế với bạn, với mọi người xung quanh, cả chiến tranh đang đe dọa tiêu diệt loài người. Tình trạng hiện nay của Thứ là tình trạng dở ông dở thằng, nửa tỉnh nửa quê “một kiếp lỡ dở”. Đối thoại của Thứ với San, sự thật là độc thoại nội tâm của Thứ. Theo tôi hiểu, nhân vật San là hình bóng của Thứ: cùng quê, cùng số phận – vợ con ở quê, hai người cố học hành, cố thoát “xó quê” lên Hà Nội dạy học, đau khổ vì ghen tuông. Nghệ thuật xây dựng nhân vật của Nam Cao ở đây, (San là cái bóng của Thứ) để Thứ bộc lộ rõ hơn con người toàn diện của mình, thông qua đối thoại. Trong đối thoại, hai nhân vật chất vấn nhau, có kho hòa hợp, có khi khích bác nhau, có khi bàn luận, có khi chọc tức nhau, thách đố nhau; ở mỗi trường hợp, Thứ bộc lộ một khía cạnh tâm tính mình. Và độc thoại của Thứ nhiều khi cũng là để tranh luận bên trong giữa những tình cảm trái ngược, những dự định hão huyền bị bác bỏ, những ước mơ viển vông bị chế giễu, những, những hối hận, hối tiếc. Vậy, qua đối thoại của Thứ và San, người đọc biết những ngóc ngách tâm hồn Thứ, những khát vọng chân chính, những ước mơ đẹp, những ghen tuông, những yếu hèn, do dự, trong “cái đời tù túng, chật hẹp”. Miếng ăn hằng ngày đẩy Thứ đến khổ sở, nhục nhã, làm “mòn mỏi tài năng, trí óc, giết chết những mong muốn tốt đẹp, những hy vọng cao xa”. Thứ nghĩ: “Sống là để làm cái gì đẹp hơn, cao quý hơn”. “Sống là để phát triển đến tận độ những khả năng của loài người” và “mỗi người chết đi phải để lại chút gì cho nhân loại”. Và Thứ buồn rầu nghĩ đến cái thân phận “đớn hèn” của mình. San thì “buồn buồn”, “mặt tối sầm những lo âu”. Ở một đoạn khác, hai người bạn bàn về vấn đề “sống là gì?”. Theo Thứ, sống là cảm giác và tư duy; và là hành động. Anh nói với San, như tự nói với mình: “Sống không phải là cái lối sống vô tri vô giác của cỏ cây”. Anh cho rằng cái học thức bé nhỏ của anh “quý hơn cái giàu, cái sướng” của người dốt nát. Và lúc nào anh cũng học; ở căn buồng bên chuồng ngựa, tối tối anh đọc sách trong màn bên ngọn đèn dầu nhỏ. Anh còn nghĩ: “Sống tức là thay đổi” và anh “sẽ ra đi”, “sẽ đi bất cứ đâu”.

Về cái chết, Thứ nói: “Chết là thường. Chết ngay trong lúc sống mới là nhục nhã”. Đi/ ở lại, tự do/ vợ con, đạo lý/ hèn mọn, giả dối/ chân thành, sống mục/ sống mòn/ mộng ngày xưa bay bổng – đó là những cặp phạm trù tư tưởng tương phản, mà Nam Cao đã phơi bày, phân tích ngọn ngành giày vò con người Thứ. Cuối cùng, Thứ nhận thấy mình “hèn mọn”, “nhỏ nhen”, “ti tiện”, cam chịu một cuộc sống “trì trệ”, “phong bế”, “ao tù”,… Song kết thúc truyện vẫn là một “hy vọng vu vơ”, “một tia sáng mong manh”, và một câu hỏi rắn đanh: “Y đã làm gì chưa?”. Truyện không có kết thúc; đời sống con người không bao giờ kết thúc, nó mở. Đó là một đóng góp mới của Nam Cao lúc đương thời về cấu trúc tiểu thuyết.

Để biểu đạt những giằng xé đau đớn trong tâm trạng Thứ, Nam Cao sử dụng một cách trùng lặp sơ đồ: cái khẳng định, những lý lẽ nhiều mặt để phủ định, rồi cuối cùng quay trở lại ý định đầu tiên. Ở cái cảnh “hãi người”, Thứ “nhất quyết” đến nhà ông Hải Nam tìm chỗ trọ; suốt ba, bốn trang, Nam Cao miêu tả Thứ băn khoăn, do dự, nào tự động viên mình, nào so sánh cuộc đời khả ố của lão Hải Nam với cuộc đời trong sạch của mình, nào tính toán sẽ đối đáp ra sao, nào Thứ đến sát cổng, định bấm chuông… Cuối cùng cái nhút nhát, cái hèn kém, cái “hãi người” trong Thứ đã thắng. Về nhà, anh hối hận, tự bào chữa, tự mắng mỏ, hậm hực, tức tối với bản thân mình. Thế mà một lần, kẻ “hãi người” ấy đã tát Liên, vợ anh, chỉ vì ghen vu vơ và nghe những lời xúc xiểm bóng gió. Anh lại hối hận, tự dằn vặt trở lại thương yêu Liên. Nhưng mối tình bị rạn vỡ. Cũng với mô hình ấy, Nam Cao kể chuyện Thứ mơ ước yêu Tư, “cô áo tím”, mười sáu tuổi, xinh đẹp; nó ám ảnh anh, song mỗi lần anh lại tự nhìn mình, nào nghèo, nào già, “bụng chưa toàn rau muống luộc”, cuối cùng không dám mơ ước hão huyền nữa. Đối với Đích và Oanh, vẫn những suy tư, do dự ấy: chọc tức Oanh, rồi tự thấy mình “tàn nhẫn”, “thô tục”, “nhỏ nhen”, “đê hèn”; viết thư trách Đích thì viết, lại xé, lại viết và gửi thư đi, rồi hối hận, đau đớn. Rõ ràng, xây dựng hai nhân vật này, Nam Cao nhằm mục đích soi rọi hơn nữa tâm trạng Thứ trong mối quan hệ với “người khác”. Cả Mô, ông Học, Lân, vân vân, đều là những nhân vật/ gương soi, để Thứ tự soi mình, nhận định, khảo sát mình về các phương diện đời sống: tình yêu Liên và ghen, bạn bè, xử thế trong xã hội và “sống, sống để làm gì?”. Như vậy, thứ được soi rọi từ nhiều điểm nhìn: Thứ đối thoại với số phận, với bản thân, với xã hội để nhận thức bản thân mình. Đó là một đóng góp của Nam Cao vào tiểu thuyết hiện đại Việt Nam.

Tiểu thuyết kiểu tự truyện này gợi người đọc nhớ đến Rút xô, nhà văn Pháp đầu tiên viết tự truyện Tự thú, gợi nhớ đến Gide, nhà văn đa dạng có ảnh hưởng sâu rộng trong văn xuôi Việt Nam 1930 – 1945: “Xê dịch”, “Bướm trắng”, “Cái đẹp thuần túy”, “Sống là đổi thay”, và ở Sống mòn, sự phá vỡ cái tầm thường, cái sáo mòn, cái đóng kín, cái tù hãm trong bản thân mỗi người, về một phương diện, tác phẩm Gide là văn chương của người trí thức đi tìm bản thân mình trên con đường vô tận. Sống mòn gây xáo lộn, gây tình trạng bất ổn trong tâm tư con người, nó hé mở cuộc sống tự do, chân chính của người trí thức.

Đỗ Đức Hiểu

Tham khảo: Thời gian, không gian nghệ thuật trong sáng tác của Nam Cao