Ai mua cái khó, ai mua cái khó;
Mắt(1) rẻ cũng đành, tốt lành chi nó(2).
Lục cực(3) đem vào số,rành rành kinh huấn(4) chẳng sai;
Vạn tội(5) nó là đầu, ấy ấy ngạn ngôn(6) thật .
Kìa ai: bốn bức tường lau; ba gian nhà cỏ.
Trên kèo mọt trổ vẽ sao(7); trước cửa nhện chăng màn gió.
Phên tre ngăn nửa bếp nửa buồng;
Ống nứa đựng đầu kê đầu đỗ.
Bên giường tre, dế dũi quanh co;
Góc tường đất, trùn ươm lố nhố(8).
Bóng nắng dọi trứng gà(9) bên vách, thằng bé tri trô;
Hạt mưa xuyên hang chuột trong nhà, con mèo ngấp ngó.
Trong cũi, lợn nằm cắn máng, đói chẳng buồn van;
Đầu giàn chuột đánh nhào niêu chán thôi lại bỏ.
Ngày ba bữa, phổ(10) bụng rau bịch bịch, người quân tử ăn chẳng cầu no;
Đêm năm canh, yên giấc rệp khò khò(11), đời thái bình cửa thường bỏ ngỏ(12).
Ấm chè góp lá bàng lá ổi, lạ mùi chát chát chua chua.
Miếng trầu chêm vỏ quạch vỏ sim(13), buồn miệng nhai nhai nhổ nhổ.
Áo vải thô thưa rếch, lạnh làm mền,mực làm gối, nắng mưa thay đổi bấy nhiêu thôi;
Khăn gai mốc mong manh, trải làm đệm, vận làm quần, nằm đắp, đứng che chừng nấy đó.
Đỡ mồ hôi vài lá quạt mo(14);
Chống hơi đất một đôi guốc gỗ(15).
Miếng ăn sẵn cà non chuối sống, ngon quá là ngon;
Đồ tư cơ chạng nạng quoèo nèo(16) của đâu nên của.
Đồ chuyên trà ấm đất sứt vòi;
Cuộc uống rượu be sành chắp cổ.
Vật cổ khí bức tranh treo bên bếp khói bay lấm láp nét thủy mặc(17) mờ mờ;
Cửa tiểu đồng pho sách gác đầu giàn, gián nhấm dấu thổ châu(18) đo đỏ.
Cỗ bài lá ba đời cửa tướng, hàng văn hàng sách lờ mờ(19);
Bàn cờ mo(20), bảy kiếp nhà ma, chữ nhật nhật chữ điền xiêu xó.
Lộc nhĩ điền khoai thái lưng sàng(21);
Phương tích cốc thóc dành đầy hũ(22).
Tiêu dụng lấy đâu, mà phao phỏng, đắn đo ba cọc ba đồng;
Mùa màng gặt hái được bao lăm, lặt lượm, một triêng(23) một bó.
Mó lưng trông đã ngán chiều(24).
Nhiều miệng lấy chi cho đủ.
Đến bữa chưa sẵn bữa, con trẻ réo dường ong;
Qua kỳ lại hẹn kỳ, nhà nợ rây như ó.
Xoay nghề thuốc toan tìm phương đỡ đói, song tủ không có giao cầu cũng không có lấy gì cho đáng mặt lương y(25);
Dọi thầy phù toan kiếm cách làm ăn, mà mõ cũng không, tiu cảnh cũng đều không lấy chi được nổi danh pháp chủ(26).
Bói, “Dã hạc” toan nhờ lộc thánh, vỏ rùa kia đang kiếm chưa ra(27);
Huyệt chân long toan bán đất trời, tróc long nọ tìm đâu chẳng có(28).
Buôn bán toan theo phương thẳng đỏ, mà không cấy vậy gì ra nước, đành chậm chân chạy chẳng nên lời.
Bạc cờ toan lẫn mắt con đen, mà khô lưng không lẽ cối chày muốn mở bát dạm chưa ra thổ(29).
Gấp khúc lươn nên ít kẻ yêu vì;
Trương mắt ếch biết vào đâu mượn mọ.
Đến lúc niên chung nguyệt quí(30), biết lấy chi đồng nợ đồng công;
Gặp khi chân sẩy đường cùng, nên phải tới cửa này cửa nọ.
Thân thỉ(31) to to nhỏ nhỏ, ta đà mỏi cẳng ngồi trì;
Dần dà nọ nọ kia kia, nó những vuốt râu làm bộ.
Thầy tớ sợ men tìm đến cửa, ngảnh mặt cúi đầu;
Chị em e vất lấm vào lưng, trìa môi nhọn mỏ.
Láng giềng ít kẻ tới nhà;
Thân thích chẳng ai nhìn họ.
Mất việc toan giở nghề “cơ tắc”(32), tủi con nhà mà hổ mặt anh em;
Túng đường nên quyết chí “cùng tư”(33),sợ phép nước chẳng có gan sừng sỏ.
Dạy con cháu nói năng chuyện cũ, thường ngâm câu lạc đạo vong bần(34);
Gặp anh em bàn bạc sự đời, lại đọc chữ vi nhân bất phú(35).
Tất do thiên(36), âu phận ấy là thường;
Hữu kỳ đức(37), ắt trời kia chẳng phụ.
Tiếc tài cả phải phạn ngưu bản trúc, dấu xưa ông Phó ông Hề(38);
Cần nghiệp nho khi tạc bích tụ huỳnh, thuở trước chàng Khuông, chàng Vũ(39).
Nơi thành hạ, đeo cần câu cá, kìa kìa người quốc sĩ Hoài Âm(40);
Chốn lý trung, xách thớt chia phần, nọ nọ đấng mưu thần Dương Võ(41).
Đói ai bằng Mãi Thần, Mông Chánh(42) cũng có khi ngựa cưỡi dù che;
Giàu ai bằng Vương Khải, Thạch Sùng(43) cũng có lúc tường xiêu quán đổ.
Nhưng nói thì nói vậy để mà chơi;chứ đói mãi đói hoài thì cũng khổ(44).
Hàn nho mà vội phụ, nọ kim ngọc mãn đường.
Nọ muôn chung ngàn tứ(45), gặp thời ra còn lắm lúc phong lưu;
Gẫm trong phong vị mấy người hay, cũng cầm kỳ thi tửu, cũng tuyết nguyệt, phong, hoa, đành phận ấy hãy ngâm câu hàn tố.

Nguồn: Nguyễn Công Trứ cuộc đời và thơ do Đoàn Tử Huyến chủ biên, NXB Lao động, 2011

Xem thêm: Thơ Nôm Nguyễn Công Trứ


* Chú thích:

Bản Hàn Nho phong vị phú này do cụ Hoàng Đức Thi đọc cho học trò chép để học, ông Phan Trọng Báu sưu tầm và chú thích, có một số chỗ khác với bản trước đây trong sách Thân thế và sự nghiệp của Uy Viễn tướng công của Lê Thước in năm 1928 và được phổ biến về sau.

(1) Mắt rẻ: đăt rẻ.

(3) Lục cực: sáu điều khổ: 1: chết non; 2: ốm đau; 3: lo buồn; 4: nghèo đói; 5: tật xấu; 6: hèn yếu.

(4) Kinh huấn: lời sách dạy.

(5) Ngạn ngôn: lời xưa truyền lại.

(6) Vạn tội: ý từ câu: “Vạn tội bất như bần”, nghĩa là “Muôn tội không gì bằng đói”.

(7) Vẻ sao; dấu mọt ăn thành lỗ như sao.

(8) Trùn: giun, lố nhố: lúc nhúc.

(9) Trứng gà: vách thủng, bóng trăng giọi vào có hình tròn như trứng gà.

(10) Phổ: vỗ (tiếng địa phương).

(11) Rệp khò khò: tiếng ngáy.

(12) Cửa thường bỏ ngỏ: từ câu: “Thái bình chi thế, ngoại hộ bất bế”, ở đấy tác giả mượn câu ý để nói nhà nghèo không đóng cửa vì không sợ kẻ trộm.

(13) Vỏ quạch vỏ sim: các loại cây có vỏ, rễ dùng ăn kèm với trầu cau (quạch còn gọi là quáu).

(14,15) Phan Trọng Báu chú cho bản Hoàng Đức Thi “Bản Lê Thước – Sự nghiệp và thơ văn của Uy Viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ, Lê Văn Tân xuất bản, Hà Nội, 1928 (LT-1928) chép: “Có võng lác quạt mo cũng chưa thật là nghèo, cho nen vài lá quạt mo thì hợp hơn, lại vừa có dép da vừa có guốc gỗ là hơi nhiều đành rằng dép da cũng chỉ là dép da trâu xỏ ngón rất bình dân”.

(16) Đồ tư cơ chạng nạng quèo nèo: các vật dụng rẻ tiền của nhà nghèo.

(17) Cổ khí: đồ cổ; thủy mặc: tranh vẽ bằng nước mực.

(18) Thổ châu: son đất.

(19) Ba đời cửa tướng: ở cửa tướng đã ba đời, ý nói đã rất lâu; hàng văn hàng sách: tên các quân bài Tổ tôm.

(21) Lộc nhĩ điền: lộc (hoa lợi) ruộng của anh/ mày;

(22) Phương tích cốc: trữ đầy lúa.

(23) Triêng: gánh.

(24) Mó lưng trong đã ngán chiều: chưa thật rõ nghĩa, có thể là sờ lưng (tìm tiền) mà ngao ngán (vì không còn).

(25) Tủ, giao cầu: đồ nghề của người làm thuốc.

(27) Dã hạc, vỏ rùa: Dã hạc là sách bói; vỏ rùa để cho người khách gieo quẻ.

(28) Huyệt chân long: Huyệt rồng, đất tốt; Tróc long; bắt rồng; ở đây chỉ cái địa bàn để tìm long mạch.

(29)  Khô lưng: không lưng vốn; cối chày: cù nhầy; mở bát là bát đánh xóc đĩa, dạm chưa ra thổ: tìm chưa ra nơi để vay; đây chỉ việc đánh xóc đĩa, một loại cờ bạc.

(30) Niên chung nguyệt quí: năm cùng tháng tận.

(31) Thân thỉ: nài nỉ; ngồi trì: ngồi đợi lâu.

(32) Cơ tắc: đói thời làm bậy.

(33) Cùng tư: lấy ý từ câu “Tiểu nhân cùng tư lạm hĩ”, nghĩa là “Kẻ tiểu nhân cùng khốn thì làm bậy”.

(34) Lạc đạo vong bần: vui đạo quên sự nghèo khổ.

(35) Vi nhân bất phú: làm người (tốt) thì không giàu.

(36) Tất do thiên: ắt bởi trời; do câu “Phú quý tất do thiên mệnh” (Giàu sang ắt bởi mệnh trời).

(37) Hữu kỳ đức: có được do đức, lấy ý từ câu: “Hữu kỳ đức tất hữu kỳ phân” (có đức thì có phần).

(38) Phạn ngưu: chăn trâu; bản trúc: xây đắp; ông Phó: Phó Duyệt, người đời Thương, thủa hàn vi gánh đất đắp thuê, sau làm tướng giúp vua nhà Thương thành nghiệp vương; ông Hề: Bách Lý Hề, người đời Chiến quốc, lúc nghèo đói chăn trâu thuê để nuôi thân, sau giúp vua Tần nên nghiệp bá.

(39) Tạc bích: đục vách; chàng Khuông: Khuông Hành đời Hán, nhà nghèo, đêm không có dầu, thường đục lỗ ở vách để nhờ ánh đèn nhà người khác giọi sang mà học; tụ huỳnh: nhặt đom đóm; chàng Vũ: tức Xa Dận, tự Vũ Tử, người đời Tấn, không có đèn, bắt đom đóm bỏ vào chai để có ánh sáng mà đọc.

(40) Hoài Âm: Chỉ Hàn Tín, một trong “Tam kiệt” nhà Hán, quê ở đất Hoài Âm, khi còn nghèo khổ, thường đi câu cá ở dưới thành.

(41) Lý trung: trong làng; Dương Võ: chỉ Trần Bình, cũng danh thần đời Hán, quê ở đất Dương Võ, lúc còn nghèo phải coi việc chia phần cho người làng.

(42) Chu Mãi Thần: người đời Hán; Lã Mông Chính: người đời Tống; hai người đều nghèo sau làm nên sự nghiệp.

(43) Vương Khải, Thạch Sùng: hai người nhà rất giàu đời Hậu Tấn, sau đều sa cơ nghèo đói.

(44) Phan Trọng Báu chú cho bản Hoàng Đức Thi: “Hai câu cuối của bản LT-1928 thì bản này không có, nhưng lại có một đoạn đến 5 câu từ Nhưng nói thì vậy… đến hết, mà phong cách rất Nguyễn Công Trứ với phong cách pha chút hài hước và ít nhiều chua chát ngậm ngùi, trong cảnh “đói mãi đói hoài” đành phận nghèo, nhưng nghèo mà trong sạch (hàn tố)”.

(45) Kim mãn ngọc đường: vàng ngọc đầy nhà; muôn chung ngàn tứ: vạn hột thóc, ngàn cỗ xe; ý nói rất giàu.