Chúng ta thường trải nghiệm cảm giác hạnh phúc như thế nào trong đời mình? Liệu hạnh phúc có phải là thứ chỉ đến khi ta xóa được hết các vấn đề mình đang gặp phải: ốm đau, mất người thân, được tự do đi lại, đủ đầy về vật chất? Hạnh phúc có phải được định nghĩa bằng sự vắng mặt của các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống chăng? Mà cuộc sống thì không ngừng thay đổi, luôn phát sinh những vấn đề cho ta đối mặt. Và sự thật thì không phải ngày nào trong đời bạn cũng bình yên, thậm chí những ngày bình yên rất ít.
Con đường mang ta đến hạnh phúc bắt đầu từ đâu, quả là một câu hỏi mơ hồ, vô định, còn có thể làm chúng ta hoang mang. Cuộc sống thì đầy rẫy khổ đau, chỉ cần ngồi xuống là ta có thể viết ra một chuỗi dài những khốn đốn đời mình. Bất kỳ ai cũng “có vấn đề”. Ai cũng có những câu chuyện của mình, những “bất hạnh” đi kèm, dù cho họ che kín đến mức nào. Bất hạnh như khuôn mặt thứ 2 của niềm vui và cảm giác thỏa mãn. Đối với nhiều người, cuộc sống có những thời điểm là không thể “chịu đựng” nổi. Nó biến con tim họ trở nên yếu đuối và sẵn sàng đầu hàng. Đối với nhiều người, hạnh phúc là một chân trời càng đi càng mỏi, là bờ bên kia của đại dương mênh mông mà con thuyền nhỏ không biết bao giờ mới có thể cập bến.
M. Scott Peck – một bác sĩ tâm lý và một thiền môn Phật giáo, trong cuốn sách vô cùng nổi tiếng: “Con đường chẳng mấy ai đi” (The Road Less Traveled) đã viết một lời dẫn nhập khiến độc giả sửng sốt: “Life is difficult” (Cuộc sống là khó khăn). Thật vậy, cuộc sống là muôn vàn thử thách đối với mỗi con người. Ngay khi chúng ta xử lý được “vấn đề” của ngày hôm nay thì những vấn đề mới lại nảy sinh, và có cảm giác nó sẽ còn bất tận trong tương lai. Chúng ta sẽ luôn gặp những vấn đề của mình dù nó đến một cách chủ quan hay khách quan, bất thình lình hay chậm rãi. Nó sẽ đến bấp chấp việc chúng ta mong muốn hay không. Bất kể hôm nay chúng ta đang cố gắng sắp xếp đời mình cho dễ chịu nhất, nhưng ngày mai mọi việc có thể lại đã “lộn nhào”. Công việc không như ý, bạn bè bội phản, người thân mất đi, thiên tai càn quét, làm ăn thua lỗ, dịch bệnh ốm đau…Như một người miệt mài trong bão gió, ta sẽ phải luôn tay luôn chân che cửa sổ này chắn cửa sổ khác, lợp lại mái nhà, vá mảng tường bị thủng. Bận rộn giải quyết các vấn đề của đời mình, liệu ta có thể cảm thấy hạnh phúc khi nào?
Thế giới hai năm vừa qua đã đổi thay khốc liệt, ngoài sức tưởng tượng của con người. Những khó khăn phải đối mặt hôm nay hầu hết chúng ta chưa từng trải nghiệm trước đó. Ở Việt Nam, con em chúng ta vừa có một ngày khai trường “chưa từng thấy trong lịch sử”. Trường học bỗng bé lại bằng chiếc màn hình điện thoại hay máy tính, còn thầy cô bạn bè thì vời vợi phía sau chiếc màn hình đó. Những tương tác gián tiếp cộng với bao ngày tháng ngồi nhà tránh dịch chắc chắn sẽ mang đến cho những đứa trẻ không ít cảm giác bó buộc, khó chịu, thậm chí là trầm uất. Chúng ta sẽ làm gì nếu không phải là cùng với các con chấp nhận và thích nghi hoàn cảnh mới, xoay sở để có được niềm an vui trong rất nhiều hạn chế thời cuộc.
Có phải trong mỗi một thử thách của đời sống lại mang đến cho chúng ta một cơ hội mới, một bài học mới, ít ra là có thể cải thiện chính mình và giúp cho đời sống của những người thân xung quanh mình được tốt hơn. Bạn có thể nhìn vào chính những đứa con của mình để hiểu vấn đề. Khi chưa có dịch bệnh, chúng ở trường từ sáng đến chiều, còn bạn cũng từ sáng đến chiều ở công sở. Bạn ít có cơ hội nhìn rõ con cái mình như khi chúng ở nhà, học tập và sinh hoạt 24h mỗi ngày bên cạnh bạn. Cự ly gần đó sẽ là thuận lợi hoặc khó khăn cho mỗi người làm cha mẹ. Trong những ngày giãn cách, có không ít gia đình đã trở nên xung đột nhiều hơn nhưng cũng không ít gia đình trở nên bình tâm và hiểu nhau hơn. Những khác biệt đó đều bắt đầu từ cha mẹ, những người có thực sự suy ngẫm hay không, về việc tìm kiếm niềm vui sống ngay cả trong những hoàn cảnh ngặt nghèo. Những người muốn con cái mình học thêm bài học bổ ích về việc thích nghi với sự thay đổi của hoàn cảnh bên ngoài.
Ở một khía cạnh nào đó, dịch bệnh đang trả về cho chúng ta ý nghĩa cần thiết của giáo dục gia đình. Chúng ta chưa bao giờ đánh giá thấp giáo dục gia đình, nhưng khi các con không thể đến trường trong một thời gian dài thì vai trò của gia đình trong việc hình thành nhân cách và phát triển trí tuệ, cảm xúc của các con cần phải được đề cập đến với một tầng bậc mới. Đây là lúc chúng ta thực hành để trở thành những người cha, người mẹ hạnh phúc với tâm thức bình an, tĩnh tại nhất có thể. Chúng ta phải thực hành điều này, bởi vì trước đó chúng ta ít có khả năng là những người cha, người mẹ hạnh phúc. Chúng ta quá bận rộn và càng ngày càng gặp nhiều vấn đề hơn để giải quyết. Chúng ta tham vọng, hiếu chiến, bạo lực, sẵn sàng nổi cáu, ít kiên nhẫn và chẳng mấy khi tự thấy hài lòng. Chúng ta mệt nhoài lo đời mình và phó mặc con cái cho trường học. Chúng ta tin rằng thừa mứa vật chất và tiến bộ khoa học, công nghệ sẽ kết nối bọn trẻ, cũng như mang chúng đến với thành công, hạnh phúc. Ngoài kia có rất nhiều phụ huynh làm vậy, và chúng ta tin mình đang đi con đường đúng. Chúng ta nói rất nhiều nhưng thực chất chúng ta chẳng có mấy vai trò trong sự tiến bộ tinh thần của con cái mình. Chúng ta lo cho những đứa trẻ một đời sống nhìn bề ngoài đầy đủ và chúng ta yên trí với điều đó.
Nhưng điều gì đã xảy ra. Tình trạng trầm cảm và tự tử ở trẻ nhỏ với rất nhiều áp lực học hành, cha mẹ không chia sẻ ngày một gia tăng. Bạo lực học đường gia tăng và hàng loạt vấn đề trước đó khiến chúng ta không khỏi hoài nghi, rằng thế nào là đầy đủ thực sự với một đứa trẻ. Chúng ta chưa đủ kiên nhẫn để nhìn vào những khoảng trống trong tâm hồn những đứa con của mình. Chúng lớn lên với nhiều sự bỏ mặc mà nếu chúng ta còn mải chạy theo hoàn cảnh bên ngoài, chúng ta sẽ khó mà nhìn thấy. Xu hướng của chúng ta là phục vụ con cái vô điều kiện, đáp ứng mọi yêu cầu của chúng rồi đồng thời cũng lấy mất đi của chúng cơ hội được học hỏi, thích nghi.
Đại dịch Covid đã lấy đi sinh mạng của hơn 5 triệu người trên toàn thế giới, Ở nhiều nước chịu ảnh hưởng nặng nề như Ấn Độ, Indonesia đang có hàng ngàn trẻ em mồ côi và con số chưa dừng lại ở đó. Tại Việt Nam, chưa có thống kê, nhưng từ những gì chúng ta thấy về tình trạng số người nhiễm và số người qua đời vì covid ở Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và một số tỉnh phía Nam những ngày qua có thể biết rằng, có không ít trẻ em rơi vào hoàn cảnh mồ côi cha mẹ. Những mất mát đột ngột như sóng thần ấy, là nỗi đau ám ảnh mỗi cuộc đời các em. Nhiều trong số các em không thể chấp nhận sự thật, mới đó thôi mình còn được cha mẹ lo cho từng bữa ăn giấc ngủ, giờ đã không còn ai và phải tự lo cho mình. Những đứa trẻ ấy, sau nỗi đau, chúng còn lại gì, liệu có phải là còn lại chính những gì đã được cha mẹ giáo dục trước đó, để có thể mạnh mẽ đối mặt với sóng gió cuộc đời?
Nhiều bậc phụ huynh thường có cách đối xử với con như thể chúng ta sẽ sống mãi và lo được mãi cho bọn trẻ. Chúng ta quên mất sự vô thường của đời người. Cuộc sống của chúng ta là một bức tranh vẽ trên bờ cát, chắc chắn một ngày sóng sẽ xóa đi. Chẳng bao giờ là quá sớm để nói với con về sự đổi thay không ngừng của thế giới. Nhận thức điều này để xây dựng tinh thần độc lập cho chính mình và con cái, để phát triển sức mạnh nội tâm từ bên trong, trở nên vững trãi không bám víu hay nương tựa quá vào một điều gì. Bọn trẻ cần được giáo dục khả năng đi một mình trên đường không cần vịn quá nhiều vào cha mẹ, và đến lượt mình cha mẹ cũng học bài học ấy, không quá trông đợi vào con cái. Chúng ta yêu thương mà không dính mắc, bởi yêu thương mà quá nhiều dính mắc là tạo ra gánh nặng, tạo ra áp lực cho người thân của mình.
Dịch bệnh khiến những ngôi nhà phải đóng cửa. Nhưng từ trong những ngôi nhà đóng cửa ấy, chúng ta lại thấy cần thiết hơn bao giờ hết việc phải dạy con bài học nhìn ra bên ngoài. Thế gian rộng lớn ra sao có trách nhiệm của mỗi chúng ta trong đó. Muốn hay không chúng ta đều chung tình trạng với nhau, phải biết lo cho nhau, chăm sóc cho nhau. Thế giới là sản phẩm do hành động chúng ta tạo ra, muốn nó tốt đẹp lên, mỗi người phải trở thành một người “đưa nước cho kẻ khát”, nghĩa là với tinh thần cho đi, tinh thần cống hiến. Từ lâu chúng ta là những cha mẹ ích kỷ và đã tạo ra nhiều đứa trẻ ích kỷ, sống chỉ biết chính mình. Nhưng dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu là cách chúng ta “trả nợ” cho sự ích kỷ đó với bà mẹ thiên nhiên. Chúng ta thực sự cần đến một sự thay đổi từ sâu trong tâm thức, để sống với một trách nhiệm mới không chỉ cho bản thân mà đồng thời giúp con cái mình tìm kiếm, thực hành lòng từ bi ngay từ khi còn nhỏ. Tình thương mến của con người đã chứng minh sức mạnh hàn gắn, kiến thiết lại thế giới trong đại dịch vừa qua và rất nhiều biến cố trước đó. Nỗ lực vì hạnh phúc của người khác trở thành nguồn năng lượng quan trọng cho hạnh phúc cá nhân.
Kiến thức nhân loại dễ tìm trong thời đại 4.0, nhưng hạnh phúc thì luôn khó tìm. Trong cuộc sống ngày càng phải đối mặt nhiều vấn đề, con người không thể hạnh phúc bằng cách lảng tránh hay chạy trốn. Quanh ta, có không ít người dù gặp vấn đề lớn vẫn hạnh phúc an lạc, và có cả những người có mọi lợi thế mà tâm vẫn đau khổ. Mỗi chúng ta chính là một kiến trúc sư kiến thiết lên số phận của mình.
Tập làm cha mẹ hạnh phúc tức là giữ cho mình sự lạc quan, bình thản, tích cực, để con cái luôn nhận được lợi lạc từ đó. Những đứa trẻ cần được dạy rằng, chúng sinh ra trên đời để được hạnh phúc, dù cho cuộc sống có muôn vàn đổi thay khó lường. Trách nhiệm của chúng ta là truyền cho con cái mình cảm giác dù thế giới không hoàn hảo nhưng bằng sự hiểu biết sâu xa trong nội tâm, chúng ta có thể tìm thấy mọi thứ, ngay cả hạnh phúc.
BÌNH NGUYÊN TRANG