Haruki Murakami có lẽ là một cái tên không xa lạ gì với độc giả Việt Nam với một số cuốn tiểu thuyết nổi tiếng và có sức ảnh hưởng, trong đó không thể không kể đến Kafka bên bờ biển. Và nếu độc giả vẫn chưa có cơ hội tiếp xúc nhiều với các tác phẩm của ông thì chỉ với cuốn sách này thôi cũng đủ để cảm nhận được văn phong và hiểu được lý do vì sao ông lại giành được tiếng tăm cả ở phương Tây lẫn ở quê nhà.
Nội dung bài viết
Cuốn sách dị thường giữa cuộc sống đời thường
Nếu dùng một từ để miêu tả cuốn sách này thì ắt hẳn “dị thường” sẽ là một tính từ thích hợp. Dị thường ở đây là sự hòa trộn giữa những thứ quái dị, hoang đường với những điều giản dị, bình thường. Cuốn sách chứa đựng những yếu tố siêu thực mà dường như ý nghĩa của nó vượt lên trên những gì hiện hữu trên trang giấy, ngôn từ ở đây cũng trở thành một cái gì đó hoàn toàn siêu hình.
Ngay từ những chương đầu tiên, tác phẩm đã thể hiện cái “lạ” khi để hai tuyến nhân vật với hai chuyến hành trình được chia đôi rõ rệt, Kafka ở những chương lẻ và những chương chẵn còn lại dành cho lão Nakata. Tưởng như khi bỏ cách một chương, đọc các chương lẻ với nhau, rồi các chương chẵn với nhau, chúng ta sẽ có hai câu chuyện hoàn toàn khác vậy. Ấy thế mà như sợi dây thừng với những sợi riêng rẽ mà bện lại, câu chuyện của hai con người này đan xen vào nhau và xuất hiện những điểm giao thoa nơi xảy ra những trùng hợp ngẫu nhiên đến kì lạ. Họ có chung điểm xuất phát, chung chuyến hành trình và thậm chí cùng hướng đến một điểm.
Hai cuộc đời “tưởng chừng” như riêng biệt…
Tác phẩm là hai câu chuyện tưởng như riêng biệt với hai cuộc đời của hai con người mà chẳng quen biết nhau hay có bất cứ mối quan hệ nào ràng buộc họ với nhau. Một bên là cậu học sinh trung học đang vào tuổi mới lớn, chập chững vào đời thì bên kia là ông già lẩm cẩm, đang ở bên kia sườn dốc của cuộc đời.
Kafka Tamura, một học sinh trung học, bỏ nhà ở Tokyo vào sinh nhật 15 tuổi của mình, để chạy trốn thực tại, chạy trốn lời nguyền khủng khiếp mà người cha đã giáng xuống đầu mình.
Có một yếu tố rất hay khi tác giả miêu tả Kafka, đó chính là ở nội tâm của cậu. Ở con người này chính bản thân cậu thì hoàn toàn mộc mạc và thực tế, nhưng những mối quan hệ xung quanh cậu, những câu chuyện về quá khứ của cậu thì lại luôn bí ẩn, chứa đầy những điều kì lạ. Từ một cậu bé với người cha vô tâm, bị mẹ bỏ rơi ngay từ khi còn nhỏ, cậu lớn lên như một học sinh cá biệt. Cậu luôn vịn vào “cái thằng cu tên Quạ” để trốn tránh những tình huống khó phản ứng trong cuộc sống.
Nakata, một ông lão luôn tự nhận mình không được sáng dạ cho lắm, không biết đọc, sống nương nhờ vào trợ cấp hàng tháng và tưởng như chẳng bao giờ ra khỏi cái quận Nakoto.
Với con người này thì có lẽ mọi sự kì lạ đã xuất hiện ngay từ thời điểm bắt đầu khi từ một cậu bé thông minh, sáng dạ, ông gần như đã chết trong 3 tuần để rồi khi tỉnh lại trở thành một con người hoàn toàn khác, quên hết tất cả, mất một nửa cái bóng của chính mình, như một bản thể ở thế giới song song này vô tình lạc sang thế giới kia trong lúc dòng thời gian nhiễu loạn vậy. Nhưng ở Nakata có sự khoan thai từ tốn mà có thể khiến người ta đến ghen tị. Lão sống chẳng cần để tâm tới thời gian, lão tham gia vào cuộc hành trình mà chẳng hề biết điểm đến hay phải làm gì tiếp theo. Những gì xảy ra với lão tựa như thoi đưa, tất cả đều tự nhiên mà không phải bận tâm hay toan tính điều gì. Thật là một cách du lịch kì lạ! Đời người bây giờ liệu rằng có còn được như thế khi mà guồng quay của cuộc sống cuốn ta đi, như cơn sóng dữ dội cuốn trôi những gì ta để lại trên cát?
Kafka bên bờ biển và… nồi lẩu thập cẩm?
Kafka bên bờ biển không chỉ đơn thuần là cuốn tiểu thuyết giả tưởng, mà ở đó là sự kết hợp của những yếu tố trừu tượng trong triết học, của những hình tượng tâm linh trong các câu chuyện thần thoại, cũng có những yếu tố kinh dị kì bí, nhưng cũng có những câu chuyện của hiện thực, của đời sống hàng ngày. Vì thế quả là không ngoa khi người ta ví đây như một nồi lẩu thập cẩm!
Nhưng điểm hay là ở chỗ mặc dù câu chuyện chứa đầy những yếu tố giả tưởng, đầy những điều phi thường, thực tại và mộng ảo đan xen lẫn nhau, nhưng qua khung cảnh được tái hiện, qua ngòi bút của Murakami, tất cả những thứ ấy, mặc dù huyền bí nhưng vẫn vô cùng thuyết phục. Có thể độc giả sẽ có lúc hoài nghi rằng đâu đó trong cuộc sống thực tại sẽ xuất hiện những mê cung, những phiến đá cửa vào,…như thế.
Điều gì tạo nên Kafka bên bờ biển?
Hình ảnh trung tâm của tác phẩm, cũng chính là tiêu đề, Kafka bên bờ biển, đó vừa là bức tranh với hoài niệm về quá khứ, cũng là bản nhạc nơi khởi nguồn của khát khao lưu giữ hiện tại.
Ngay từ khi cái tên bản nhạc được nhắc tới, dòng chảy của tác phẩm như cơn sóng trào lên và cuốn theo cái tên Kafka bên bờ biển từ giây phút đó, một điệp khúc chỉ với hai hợp âm, như mọi vật đều mang hai nghĩa.
Đây là câu chuyện với đầy những ẩn dụ, là hành trình với đầy những mê cung, nơi quy tụ những cuộc đời với đầy những bản ngã, tác phẩm thực sự là cuốn tiểu thuyết sâu sắc nhưng như tác giả đã nói, chưa chắc đã có thể hiểu hết được ngay từ lần đầu. Với cuốn tiểu thuyết này, chắc chắn xứng đáng để quay lại đọc lần 2, và cả những lần khác nữa, khi ấy, khi đã trải nghiệm rồi, khi đã bị những cơn sóng của cảm xúc cuốn trôi, đã lạc những mê cung của cuộc sống, có thể độc giả sẽ chiêm nghiệm được nhiều điều hơn nữa, và biết đâu, sẽ bắt gặp chính bản ngã của đời mình!