Nếu như trong nhiều thế kỷ, người phụ nữ Việt Nam là đối tượng bị vùi dập, khinh rẻ, là hạng người chưa từng có một vị thế trong văn học chính thống, thì với Thơ Mới, hình tượng người phụ nữ Việt Nam được vinh danh. Nó là nhân vật trữ tình trung tâm trong Thơ, được ca ngợi, được trữ tình hoá, là cội nguồn của cảm hứng. Nó đồng nghĩa với cái Đẹp, với những giá trị mới được khám phá. Hình tượng này có mặt trong tất cả những bài thơ nổi tiếng về tình yêu của Thơ Mới, được gọi là Em, là Nàng, là Thiên thần, là Ánh sáng.

1. Yếu tố lịch sử, ảnh hưởng và tác động của nó tới Thơ Mới Việt Nam 1930-1945

Đầu thế kỷ XX, sau khi thực dân Pháp về cơ bản hoàn thành công việc đô hộ Việt Nam, tuy không nhanh chóng và dữ dội, nhưng những tư tưởng tự do tư sản của Phương Tây đã thâm nhập vào Việt Nam một cách sâu sắc..

Trong khoảng những năm 20 – 30 đầu thế kỷ XX, ở Việt Nam đã hình thành một tầng lớp “Tây học”, tồn tại song song với tầng lớp Nho học. Những nhà văn, nhà thơ được coi là những nhà khai sáng cho nền canh tân văn chương đầu thế kỷ như Phạm Quỳnh, Phan Khôi, Hoàng Ngọc Phách, Nguyễn Văn Vĩnh… đã có công rất lớn trong việc truyền bá chữ quốc ngữ. Mặc dù được đào tạo một cách có hệ thống nơi cửa Khổng, sân Trình, nhưng họ lại là những người đầu tiên giương cao ngọn cờ tân học, nêu lên tính cấp thiết một sự cách tân về thi ca và ngôn ngữ.

Lần đầu tiên, với những bản dịch công phu của dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936), công chúng Việt Nam được biết đến văn học Phương Tây, đặc biệt là văn học Pháp. Họ thấy được những đặc tính ưu việt của chế độ công nghiệp và văn minh Phương Tây và họ cổ xuý không mệt mỏi cho những tư tưởng đó. Sự xuất hiện hàng loạt báo chí cấp tiến trong khoảng ba mươi năm đầu thế kỷ được coi là điều kiện quan trọng để Thơ Mới Việt Nam được thể nghiệm, công bố và đến với công chúng văn học mới.

Thế hệ công chúng văn học đó đến với văn chương mới qua những tạp chí cấp tiến như “Nam Phong” ( 1917-1934), “Phong Hoá” ( 1935) và hàng loạt báo, tạp chí khác như: “Phụ nữ Tân văn”, “Phụ nữ Thời đàm”, “Ngày nay”, “Tinh hoa”, “Hà Nội báo”, “Tiểu thuyết thứ 5”, “Hữu thanh”, “Lục tỉnh tân văn”…Giai đoạn 1930-1945 đã tạo ra những tiền đề và điều kiện hết sức thuân lợi để Thơ Mới hình thành và phát triển.

Một yếu tố khác là, chế độ phong kiến Việt Nam với vòng cương toả và những quy phạm ngặt nghèo gần chục thế kỷ của Khổng giáo, quân thần đang ở vào thời kỳ tàn lụi, bế tắc.

Phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp và sự ra đời của Đảng Cộng sản Đông dương vào những năm 30 dưới khẩu hiệu Xô viết và đặc biệt là Phong trào đấu tranh dân chủ 1936-1939 đã thúc đẩy tầng lớp trí thức Việt Nam tìm hiểu Liên Xô và các nước châu Âu. Với thắng lợi của Mặt trận Bình dân Pháp, một làn sóng đòi tự do, dân chủ lan rộng khắp các nước thuộc địa, nhất là ở Đông dương. Những trí thức, nhà văn Việt Nam càng có điều kiện hơn để tiếp xúc với sách báo phương Tây.

Tinh thần, khát vọng tự do cá nhân, tư tưởng công dân lúc này có điều kiện xuất hiện, nảy nở, và văn học là phương tiện thể hiện hữu hiệu nhất.

2. Một vài đặc điểm riêng của Phong trào Thơ Mới

Văn học cổ điển và Văn học lãng mạn Pháp đã có ảnh hưởng rất lớn không chỉ là mặt hình thức thể hiện mà còn là tư tưởng giải phóng cá nhân và tinh thần công dân tới thế hệ trẻ Việt Nam lúc này. Victo Hugo, George Sand, Anfret do Musset, Alphonse de Lamactine, Arthur Rimbaud, Paul Verlen…là những nhà văn, nhà thơ được giới trẻ yêu thích. Một vàì tác phẩm của các nhà thơ Anh như George Gordon Byron, của Nga như A.X. Puskin cũng được biết đến qua tiếng Pháp.

Chủ nghĩa lãng mạn Phương Tây đã đem đến một luồng gió mới, gặp ngọn lửa khát vọng tự do cá nhân,” nổi loạn” vốn có sẵn nhiều thời kỳ trong văn học Việt Nam như Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, Tản Đà…sẽ được khơi dậy mãnh liệt trong thơ ca lãng mạn.

Những nhà thơ Việt Nam đã từng loay hoay tìm một hình thức phản ánh phù hợp, thay thế hình thức phản ánh mang tính quy phạm tồn tại nhiều thế kỷ. Nói đúng hơn là giờ đây nó có điều kiện mở rộng sự chọn lọc về hình thức và nội dung. Trước đây chỉ có một khả năng lựa chọn duy nhất là khuôn mẫu Trung Hoa. Có thể trích dẫn ý kiến sau đây của Trịnh Đình Rư đăng trên Phụ nữ Tân văn số 26-1929 để thấy rõ hơn sự trăn trở tìm kiếm một phương thức thể hiện mới của Thơ ca: “ Cái nghề thơ Đường luật khó đến như thế, khó cho đến đỗi kẻ muốn làm thơ, mỗi khi có nhiều tư tưởng mới lạ muốn phát ra lời, song vì khó tìm chữ đối, khó chọn vần gieo, nên ý tưởng dầu hay cũng đành bỏ bớt. Cái phạm vi của thơ Đường thật là hẹp hòi, cái quy củ của thơ Đường luật thật là tẩn mẩn. Ta nếu còn ưa chuộng mà theo lối này mãi, thì nghề thơ văn của ta chắc chắn không có bao giờ mong phát đạt được”

Sự ra đời của Thơ Mói Việt Nam đã đáp ứng được khát vọng tìm đường của những nhà thơ đầu thế kỷ, là một cuộc cách tân về mặt hình thức, và phần nào là một cuộc cách mạng về nội dung

3. Khát vọng tự do và tư tưởng công dân trong Thơ Mới

Khát vọng tự do trước hết là khát vọng tình yêu. Sau nhiều thế kỷ bị trói buộc trong khuôn phép hôn nhân, trong sự đóng khung của kỷ cương, lễ giáo, trong thơ ca Việt Nam qua nhiều thế kỷ đã từng bày tỏ một nhu cầu giải phóng cá nhân. Hồ Xuân Hương ( thế kỷ XVIII) Nguyễn Huy Tự ( thế kỷ XVIII, với tác phẩm Hoa Tiên) là những ví dụ. Thơ Hồ Xuân Hương đã thể hiện một sự bức bách, một sự khao khát thoát ra khỏi khuôn khổ ngột ngạt của sự ràng buộc. Tư tưởng tự cởi trói của bà qua những vần thơ đầy khẩu khí và phần nào mang tính dung tục. Còn thơ của Nguyễn Huy Tự đã ca ngợi tình yêu đôi lứa, vượt qua những rào cản của những luật lệ, những định kiến hẹp hòi.

Thời đại nào cũng vậy, phản ánh những tư tưởng, tình cảm cá nhân là bản chất của thi ca. Với Thơ Mới, nhiều cung bậc của tình yêu được bộc lộ: đau khổ, giận hờn, cô đơn, tuyệt vọng.

Nhân vật trong Thơ Mới khao khát sự hưởng thụ, không ước lệ trong tình yêu. Tình yêu trong Thơ Mới là tình yêu đích thực, không ước lệ, tượng trưng, gần gũi và xác thịt : Hãy sát đôi đầu, hãy kề đôi ngực- Hãy trộn nhau đôi mái tóc ngắn dài- (Xuân Diệu). Nó vượt khỏi những barie của truyền thống và muốn để lại sau lưng, không chấp nhận những khuôn hình của quá khứ.

Nếu như trong nhiều thế kỷ, người phụ nữ Việt Nam là đối tượng bị vùi dập, khinh rẻ, là hạng người chưa từng có một vị thế trong văn học chính thống, thì với Thơ Mới, hình tượng người phụ nữ Việt Nam được vinh danh. Nó là nhân vật trữ tình trung tâm trong Thơ, được ca ngợi, được trữ tình hoá, là cội nguồn của cảm hứng. Nó đồng nghĩa với cái Đẹp, với những giá trị mới được khám phá. Hình tượng này có mặt trong tất cả những bài thơ nổi tiếng về tình yêu của Thơ Mới, được gọi là Em, là Nàng, là Thiên thần, là Ánh sáng.

Con người trong Thơ Mới muốn vươn tới vũ trụ, muốn bứt phá và hoà nhập với đất trời., muốn ngẩng đầu lên, muốn được chắp cánh thoát khỏi cõi trần thế. Mặc dù ở đây chưa có sự “đội trời, đạp đất”, nhưng nó là sự vươn dậy của những tính cách cá nhân mãnh liệt.( Thơ Huy Cận)

Một thế kỷ trước, thơ của Nguyễn Công Trứ, và sau đó là thơ Tản Đà đầy sự phóng túng và muốn khẳng định cái tôi đối lập với thực tại: “Kiếp sau xin chớ làm người- Làm cây thông đứng giữa trời mà reo” ( Nguyễn Công Trứ)

Đặc biệt, nhân vật lãng mạn trong Thơ Mới luôn tìm cách khẳng định cái Tôi, thậm chí sùng bái cái Tôi, đưa chủ nghĩa cá nhân lên vị trí độc tôn, tự ngã. Trong lịch sử thơ truyền thống, cái Tôi hầu như không bao giờ có mặt. Nó bị lấp sau cái chung, cái ta rộng lớn, nó dường như chưa hề có mặt, đặt tên. Sự có mặt của cái Tôi trong thơ mới bắt đầu bằng sự ngỡ ngàng, nhưng nó lại là sự tự tin và khẳng định, là sự nhận chân của một giá trị. Không bài thơ nào của bất cứ một tác giả nào mà không có mặt của cái tôi, hoặc là phát ngôn trực tiếp, hoặc là gián tiếp sau những ngôn từ và hình tượng. Nhưng sự sùng kính cái Tôi đã có lúc dẫn đến trạng thái cực đoan : “ Cái bay không đợi cái trôi- Từ tôi phút ấy, sang tôi phút này” . Hoặc: Ta là Một, là Riêng, là Thứ nhất- Không ai chi bè bạn nổi cùng Ta” (Xuân Diệu). Ta ở đây không phải là chúng ta, mà cái Tôi chủ quan này nó xa rời cái chung nhân dân trong giai đoạn đầy lửa máu.

Khát vọng tự do trong Thơ Mới cũng biểu hiện qua tư tưởng xê dịch, thoát mọi vòng cương toả và nổi loạn. Ý nghĩa tích cực của tư tưởng xê dịch, nổi loạn là thái độ phủ định, vứt bỏ, không thừa nhận trật tự xã hội đương thời. Vào thời điểm trên văn đàn Việt Nam lúc này không thiếu những hạng văn nô, quỳ gối thực dân, một thái độ như vậy cũng thực sự đáng được ghi nhận. Tuy nhiên yếu tố bi quan, thậm chí là tuyệt vọng của những bài thơ này có tác động khá tiêu cực tới tâm trạng một bộ phận thanh niên, nhất là sau khi những cuộc khởi nghĩa, phong trào đấu tranh bị thất bại và bị khủng bố; nó làm cho những thanh niên mất phương hướng, thậm chí là bất cần :“Lũ chúng ta đầu thai nhầm thế kỷ… Lũ chúng ta lạc loài năm bảy đứa – Bị quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh- Bể vô tận sá gì phương hướng nữa – Thuyền ơi thuyền theo gió hãy lênh đênh” (Vũ Hoàng Chương). Một số tác phẩm coi sự giải thoát cá nhân bằng con đường truỵ lạc, nghiện ngập bê tha, ca ngợi nàng tiên nâu và ca ngợi phản kháng vô chính phủ. Đó là những tư tưởng thái quá, đi chệch hướng thời đại, nó không được coi là khát vọng giải phóng cá nhân lành mạnh.
Vào những năm bảy mươi, thập kỷ trước, nhiều tác phẩm nghiên cứu và giáo trình giảng dạy thường hay rơi vào hội chứng một chiều, nhìn Thơ Mới bằng con mắt có phần thiếu khách quan, thiếu sự đánh giá công bằng những đóng góp của nó. Ý kiến của ông Trường Chinh là một trong những ý kiến khá xác đáng, khi ông cho rằng “văn học lãng mạn là tiếng thở dài… của những trí thức trong bối cảnh nước mất, nhà tan”. Nhưng đằng sau tiếng thở dài ấy vẫn là những nỗi niềm yêu nước, thương nòi và vẫn mang một tinh thần công dân không phủ nhận được.

Ở Nga, vào đầu thế kỷ XIX, khi Phong trào cách mang Tháng Chạp, một dòng thơ lãng mạn tích cực được ra đời gọi là thơ Công dân. Thơ công dân Nga là những tác phẩm thơ lãng mạn, nhưng có tính chiến đấu quyết liệt. Những câu thơ của A.Puskin lúc này có tác dụng như những khẩu hiệu kêu gọi thế hệ trẻ lên đường tranh đấu: “Khi trong ta lửa tự do rực cháy- Khi tim ta còn sống cho thanh danh- Thì bạn hỡi hiến dâng cho Tổ quốc- Những ngọn triều kỳ diệu của lòng anh…”.

Thơ mới Việt Nam chưa có đủ dũng khí đó, nhưng nó không phải là những vần thơ nhu nhược, đớn hèn, mà bằng cách này hay cách khác, nó đã tỏ một thái độ không cam chịu. Cũng như những dòng thơ khác, Thơ Mới cũng đã nói lên nỗi đau của một người dân mất nước, lo sợ cho sự tồn vong của dân tộc, phủ định xã hội đương thời.

Thơ Chế Lan Viên lấy tiếng khóc của ma Hời, như là một mối lo cảnh báo. Qua những hình ảnh ghê rợn, những phế tích đổ nát, những ám ảnh kinh dị của một vương triều phế tích, Chế Lan Viên dường như muốn ngụ ý, đối ảnh, lo sợ cho xã tắc một ngày mai. Đó là nỗi niềm, là tâm trạng, nhưng là một quan điểm, một cách nhìn nhận, như ý kiến của một phê bình gia cho rằng “ những vần thơ gây shock cho nhiều người. Nhưng thật ra nó chỉ là sự giải quyết những bế tắc trong tư tưởng mà thôi”( Bình định FFC): “ Trong thơ ta, dân Chàm luôn sống mãi- Trong thơ ta, xương máu khóc không thôi” ( Chế Lan Viên-Điêu tàn- 1937). Mặc dù nó mang tính thụ động, xót xa đi chăng nữa, nhưng nó là nỗi đau của một nhà thơ Việt bất lực, nhưng trong huyết quản là niềm quốc sự.

Thơ Mới 1930-1945 được coi như một góc bảo tàng vinh danh, bảo tồn những nét đẹp của làng quê, truyền thống Việt Nam. Không có tình yêu quê hương, xứ sở, khó có được những bài thơ đẹp như “Bức tranh quê” : “Mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng- Đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi- Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng-Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời; Hay “ Hoa mướp rụng từng đoá vàng rải rác- Lũ chuồn chuồn nhớ nắng ngẩn ngơ bay ( Anh Thơ).

Bất cứ một nhà thơ lãng mạn trong giai đoạn này đều cống hiến cho nền thi ca Việt Nam những áng thơ hay nhất về thiên nhiên, về làng quê, về truyền thống dân tộc. Những Bàng Bá Lân, Đoàn Văn Cừ, Huy Cận…đã thổi vào hồn thơ Việt Nam nhưng nét đẹp muôn đời, bất tử.

Đặc biệt, với Nguyễn Bính, hình ảnh đồng bằng Bắc bộ, hình ảnh của người con gái, của tình yêu và những nét đẹp dân dã được thể hiện bằng ngòi bút tài hoa, tinh xảo. Khi mà sự tân thời, lai căng đang từng bước lên ngôi, được lăng xê, nét bình dân bị coi là cổ hủ, thì những vần thơ quê mùa của Nguyễn Bính được coi là lòng tự tôn, tự trọng dân tộc.(Chân quê, Tâm hồn tôi…)

Ở một góc độ khác, nhiều tác phẩm khát khao được mở lối, phá cũi, sổ lồng thoát khỏi khung cảnh trói buộc và ngột ngạt. Mượn lời một con hổ nhớ rừng:“ Nơi thênh thang ta vùng vẫy ngày xưa- Nơi ta không còn được thấy bao giờ- Có biết chăng trong những ngày ngao ngán- Ta đang theo giấc mộng ngàn to lớn” (Nhớ rừng-Thế Lữ); hay một chuyến tàu rời bến (Tế Hanh)… các nhà thơ muốn cất cao một tiếng nói đòi tự do, giải thoát. Tuy mức độ khác nhau, nhưng khát vọng Tự do, tính Công dân cũng là đặc điểm chung của Thơ Lãng mạn Châu Âu như thơ Nga và Pháp, Anh (Anfret đơ Musset ( 1810-1857), G. Byron (1788-1824), A.Puskin 1799-1837), Iu.Lermontov 1809-1841)…

Ngoài những đóng góp tích cực về mặt cải cách thể loại, mở đường về mặt hình thức, Thơ Mới Việt Nam 1930-1945, còn thể hiện một niềm trăn trở, một giấc mơ, một khát vọng mãnh liệt của thân phận những cá nhân vươn tới mặt trời trong đêm trường nô lệ. Tư tưởng tự do, tư tưởng công dân cao nhất của dân tộc ta trong những năm đầu thế kỷ XX là tư tưởng giải phóng dân tộc, tự do cho dân tộc. Dù chưa đạt được điều đó, nhưng những gì mà những nhà thơ Lãng mạn Việt Nam, phong trào Thơ Mới đã làm được, là những đóng góp có ý nghĩa và đáng trân trọng.

Nguyễn Huy Hoàng