Đã đọc rải rác nhiều bài viết đa dạng của Phùng Văn Khai ở nhiều nơi, nhưng tới khi nhận cuốn sách ông mới tặng Văn học Việt Nam từ dấu mốc đổi mới 1986 chuyển động, thành tựu và bản sắc; tôi vẫn bất ngờ bởi độ dày dặn phong nhiêu.
Cuốn sách dày đa dạng về thể loại có hạn chế là khó đi thật sâu vào một mảng nào, nhưng lại lợi thế ở chỗ thực đơn phong phú khiến độc giả có nhiều món để thưởng thức. Cho thấy loại sách đi theo chiều sâu cần, mà loại sách kết hợp cả bề sâu lẫn rộng cũng cần; phụ thuộc nhu cầu và tâm trạng của bạn đọc những lúc khác nhau.
Những đề tài mà nhà văn họ Phùng đề cập trong phần đầu của cuốn sách cũng đã được nhiều cây bút lý luận phê bình chuyên hoặc không chuyên đề cập. Tôi sẽ gắng tập trung vào những gì cảm thấy đó là đóng góp của riêng ông, cũng giới hạn trong hiểu biết và góc nhìn cá nhân tôi. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi tập trung vào mảng nghiên cứu, lý luận phê bình văn học của ông.
Ông đề cập đến hai trường hợp Haruki Murakami với lượng độc giả quốc tế khổng lồ và Kazuo Ishiguro lại chỉ nhiều độc giả quốc tế biết tới sau khi được trao giải Nobel. Nguyên nhân từ đâu?
Ông trích đánh giá của Hội đồng viện hàn lâm Thụy Điển về tiểu thuyết của Kazuo Ishiguro: “vừa có tính cá biệt cao vừa có cảm giác quen thuộc sâu xa” và “luôn phát lộ cái vực sâu bên dưới những ảo tưởng của chúng ta về mối gắn kết với thế giới này”.
Chỉ mấy dòng đủ cho thấy tính thách thức đồng thời cũng là sức hấp dẫn của tác phẩm, một khi độc giả dụng công đồng thời đủ tầm tiếp nhận.
Chỉ ba từ “tầm tiếp nhận” nhưng gói trong đó cơ man là kiến thức cùng kinh nghiệm sống mà nếu không đủ dày dặn, không dễ gì có đủ để cảm thụ phần lớn (chứ trọn vẹn càng chẳng lấy đâu ra) tác phẩm!
Bản thân người viết vốn yêu thơ lắm lắm, nhưng hàng chục tập thơ chẳng hạn của các nhà thơ đàn anh như Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Bình Phương hay đàn em như Thy Nguyên, Nguyễn Thị Thúy Hạnh… cũng phải hàng chục năm sau khi ôm về; đặt lên mang xuống giá sách rồi mới viết được bài phê bình.
Viết thế nào và cho ai thuộc về cái tạng của mỗi ngòi bút, nhưng chỉ cần chùng lòng lỏng tay chạy theo sức hút của đám đông thì lập tức tác phẩm không còn nhận được sự quan tâm của các độc giả tinh tường và khắt khe. Mà theo tiến trình đi lên của nhân loại độc giả sẽ chỉ có ngày một tinh tường khắt khe hơn!
Trong khía cạnh vừa là tâm sự bản thân, vừa là mối quan tâm chung của cộng đồng người viết – đọc; ông thừa nhận một thực tế rằng “khó có thể lấy tác phẩm này đặt lên trên tác phẩm khác, cho rằng cao hơn hoặc thấp hơn”.
Là nhà văn, lại cũng là nhà báo, nên Phùng Văn Khai có khả năng đề cập đến các vấn đề “lưỡng tính” kiểu như xã hội hóa các hoạt động văn học nghệ thuật ở Việt Nam. Trong nhiều lĩnh vực tôi không rõ mức độ cởi mở tới đâu, nhưng trong lĩnh vực xuất bản sách thì dừng ở mức tác giả có thể bỏ tiền ra tự in và tự lo phát hành chứ cấp phép xuất bản là phải từ Cục xuất bản. Sự quản lý ấy vừa đảm bảo tự do sáng tạo và công bố tác phẩm, vừa ngăn ngừa các yếu tố quá trớn; thiển nghĩ cũng là cần thiết.
Nhà văn họ Phùng phân vân về hiện tượng có những nhà thơ cả đời chỉ in thơ và đem biếu tặng, tôi cho rằng chí ít nó cũng thiện lành, vô hại. Còn làm thế nào để vàng thau không lẫn lộn, chính là có phần ở trách nhiệm của các nhà phê bình cần làm chăm, làm tốt hơn nữa việc tìm ra vàng và quảng bá nó. Lại cũng là phần trách nhiệm của các nhà thơ, trước khi để nhà phê bình động bút thì trong chừng mực nào đó nên là nhà phê bình của chính mình; đừng nhất nhất đổ cho “văn mình vợ người”.
Thật thú vị khi quan sát Phùng văn gia viết về chính lĩnh vực phê bình văn học. Và tôi rất tâm đắc với chia sẻ này của ông: “Chúng ta vẫn hay phàn nàn thiếu những nhà phê bình tầm cỡ mà không biết trân quí những nhà phê bình tài hoa, tuy chỉ ở từng mảng nhưng đó mới là cuộc sống đích thực. Chưa có ngay được người đại tài để dùng thì những người tài vừa, tài ít hãy sử dụng và tôn vinh họ”.
Trên nền tư duy ấy, tôi cũng đồng tình với ông rằng để hội nhập thế giới về văn hóa và văn học: “Chúng ta không thể chỉ mãi trích dẫn người khác từ lý thuyết tới thực hành, từ sáng tác đến phê bình”.
Tôi xin bổ sung thêm rằng việc tác phẩm có giá trị gặp một nhà phê bình phù hợp phần nào cũng do duyên, chẳng hạn kỳ duyên khi truyện Kiều đến tay Phan Ngọc nhằm đúng khi ông bị đặt ngoài tầm với tới nhiều sự vụ khác nên chỉ còn biết toàn tâm toàn ý vào Kiều trong nhiều năm liền rồi tạo ra tác phẩm trứ danh Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều!
Là một cán bộ quản lý, Phùng Văn Khai có tư chất và tư cách phát biểu về các vấn đề chiến lược vĩ mô mang tính toàn cầu: “Các nước lớn, các cường quốc đang tìm mọi cách áp đặt lối chơi, tự đặt ra luật lệ để o ép và trục lợi từ các nước nhỏ”. Và mặc dù công tác trong cơ quan tuyên huấn quân đội, nhưng ông công tâm khi cho rằng: “Đối với các nhà văn, nhất là các nhà văn quân đội, chúng ta phải xác định rằng, viết về đề tài chiến tranh cũng bình đẳng như các đề tài khác”.
Tuy nhiên, chỉ khi viết về tiểu thuyết lịch sử thì ngòi bút họ Phùng mới như cá vào bể lớn. Ông thẳng thắn bày tỏ quan điểm về sử gia phong kiến: “Họ đôi lúc đã sử dụng thước đo nho giáo chế áp lên tất thảy khiến trong mắt họ ngay cả các bậc anh hùng khai quốc như Trần Thủ Độ, vua Gia Long cũng bị kết tội khá nặng nề bất chấp tính thời thế, sự phi thường của những nhân vật lịch sử”.
Và có lúc ông diễn tả quan điểm ưu tiên hành động một cách vừa quyết liệt vừa tài hoa với khẩu khí đúng chất của tiểu thuyết gia lịch sử: “Chúng ta còn có những khó khăn thứ năm, thứ sáu…, nhưng kể ra nào có ích gì mà hãy kiên quyết và kiên định sáng tác những tác phẩm văn học đề tài lịch sử để góp phần xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam dân tộc và hiện đại mới là điều cốt yếu”.
Tới đây tôi nhớ hai chi tiết đáng kể trong bộ tứ tiểu thuyết Nhà Tiền Lý của Phùng Văn Khai. Một là chỉ từ chưa đầy một trang sử về nhà nước Dã Năng mà ông dựng lên cả một cuốn tiểu thuyết xấp xỉ 400 trang Lý Đào Lang Vương. Hai là ông để Triệu Việt Vương xuống tóc đi tu trong cuốn Lý Phật Tử định quốc chứ không cho phép diễn ra cuộc nội chiến tương tàn như trong chính sử.
Một điều thú vị là cơ nghiệp văn xuôi của họ Phùng phần lớn tập trung ở tiểu thuyết về lịch sử 15-20 thế kỷ trước, nhưng ông không hề lạc nhịp với thời đại mình sống. Ông có những nhận xét tinh tường về những rủi ro mà trí tuệ nhân tạo AI có thể đem lại trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, nhưng đồng thời tự tin rằng khi nhà văn có thực tài thì sự sao chép kiểu của AI (và hình như cả một số PHI AI quen đạo văn nữa) khó lòng mà xóa được dấu vết. Qua đó có thể kết luận là không viết chuyện xưa nhưng cho bạn đọc thời nay, và thực tế các trang tiểu thuyết lịch sử của ông đã chứng minh điều đó.
Với tác phẩm của các văn nhân lớn như Hoàng Quốc Hải, hẳn rất nhiều nhà nghiên cứu phê bình đã có nhiều bài viết sâu rộng. Nhưng Phùng Văn Khai vẫn có những phát hiện, đúng rút mà tôi tin rằng khá độc đáo mới mẻ. Chẳng hạn thời Trần là “tam giáo đồng nguyên”, nhưng ông lẩy ra từ trò chuyện của nhà văn ý này: “Định hướng xã hội thời đó là: Xã hội nho, Tâm linh Phật, Thiên nhiên Đạo (Lão) đã tạo nên một chỉnh thể ý thức hệ dân tộc Việt”.
Ông cũng đúc rút mẫu số chung của các nhà tiểu thuyết lịch sử là: “Viết những chuyện xưa để thổi hồn thiêng sông núi và nâng tầm khí phách của dân tộc hôm nay”.
Và ông cũng nắm bắt tinh tường “huấn thị” của nhà văn tiền bối là: “Hư cấu tới mức độ nào ư? Phải hư cấu tới mức độ chân thực”. Hành trình và đích đến dường như không nhất quán, nhưng chính điều đó mới thể hiện tài năng của nhà văn; chứ hư cấu tới mức độ như bịa thì còn nói làm gì.
Cũng trong bài viết này, ông đã bàn rộng chuyện tiểu thuyết lịch sử ra tới cả các nền văn học lâu đời khác như Trung Quốc, Pháp, Nga, Tây Ban Nha… cho thấy nhóm tiểu thuyết này cũng đóng góp rất nhiều kiệt tác tầm nhân loại có sức sống dồi dào tới tận ngày nay.
Văn gia họ Phùng đã viết lý luận phê bình với góc nhìn nghiêng về nghệ sĩ nhiều hơn là nhà khoa học, nhưng cũng đủ góp những tiếng nói quan trọng và ý nghĩa về nhiều đề tài thiết thực của văn chương Việt Nam đương đại.
SONG NGUYÊN