Trong thơ Bùi Minh Vũ, không gian văn hóa Tây Nguyên được định hình bằng những tên sông, tên núi, dòng suối, cánh rừng, buôn làng với những bến nước, mái nhà dài và cầu thang mẫu hệ. Đó không chỉ là không gian địa lý thông thường mà là không gian sinh hoạt gắn với những giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên.

Không gian văn hóa Tây Nguyên là không gian những di sản văn hóa đặc trưng một vùng mà chủ nhân của nó là 17 dân tộc thiểu số thuộc nhóm ngôn ngữ Nam Á (Austro – Asiatic languages) và Nam đảo (Austronesian), sống trên khu vực cao nguyên Trung bộ của Việt Nam. Đây là một không gian văn hóa với nhiều nét đặc sắc, là tổng hòa của không gian văn hoá cồng chiêng, không gian sử thi, không gian lễ hội, tín ngưỡng và không gian sinh hoạt đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên. Dưới những cánh rừng xanh, bên những dòng suối mát là những buôn làng Tây Nguyên chứa đựng biết bao trầm tích văn hóa trong chiều dài thăm thẳm của lịch sử, là nơi sinh sống của các cộng đồng dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên (Ê Đê, M’nông, Ba Na, Gia Rai…) với quá trình sinh tồn, đấu tranh lâu dài, khắc phục và vượt lên muôn vàn thách thức, trở ngại của thiên nhiên và xã hội để phát triển đến ngày nay. Mấy chục năm gắn bó với không gian văn hóa của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên, Bùi Minh Vũ có vốn sống và hiểu biết phong phú về thiên nhiên, đời sống và văn hóa của vùng đất này. Không gian văn hóa ấy đã trở thành chất liệu, nguồn cảm hứng lớn và cả phương thức thể hiện trong thơ anh. Nhà thơ đã thể hiện sinh động và làm nổi bật những nét đặc trưng hình tượng không gian văn hóa Tây Nguyên với nhiều trạng thái cảm xúc và suy tưởng khác nhau, xuyên suốt trong nhiều tập thơ: Dòng sông mùa xuân (2009), Chim sơn ca (2010), Chìa khoá mở vào thế giới (2018) và đặc biệt đậm nét ở hai tập: Màu thổ cẩm (2019), Nơi bắt đầu lời nguyền (2021).

Hình tượng không gian văn hóa Tây Nguyên

Trong thơ Bùi Minh Vũ, không gian văn hóa Tây Nguyên được định hình bằng những tên sông, tên núi, dòng suối, cánh rừng, buôn làng với những bến nước, mái nhà dài và cầu thang mẫu hệ. Đó không chỉ là không gian địa lý thông thường mà là không gian sinh hoạt gắn với những giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên. Những Chư Yang Sin, Sêrêpôk, Buôn Đôn, Buôn Hồ, sông Vợ, sông Chồng… là cảnh quan thiên nhiên, là sản phẩm của tạo hóa nhưng đã mang cuộc sống, tâm hồn và máu thịt của người dân nơi đây từ bao đời: Tôi được cấu tạo bằng giọt sương/Gió, biển/Và rừng Buôn Đôn thổi về… Cuộc hẹn hò giọt sương trên tàn buồm/Trên đỉnh Chư Yang Sin trắng xóa sóng (Những hạt sương); Tôi hát về sông Sêrêpôk xanh trong/ Chẳng ai nghe/Đêm chậm lắm/Trăng trên nương vàng me (Ngược nguồn). Không gian gắn với cuộc hò hẹn của những đôi trai gái, của anh và em: Mỗi chiều ngồi trên hồ Ea Kao trong trẻo/ Ngắm bầu trời, nhớ bến nước quen thân (Cùng em lên nương). Đó cũng là không gian gặp gỡ đã trở thành nếp sinh hoạt văn hoá của người dân xứ sở cà phê mà ai đã một lần đến thì không thể nào quên: Từng giọt, từng giọt đen/Cà phê Buôn Ma Thuột/Sóng sánh đôi mắt hương (Nhớ). Những địa danh được nhìn từ chiều sâu lịch sử, văn hóa, được cảm nhận bằng tâm hồn tinh tế của thi nhân, thiết tha yêu thương gắn bó như chính quê hương mình: Có những sáng đi lòng vòng quanh thị xã Buôn Hồ/Thêm yêu mảnh đất này, nơi ta khôn lớn (Có những sáng). Thiên nhiên qua cái nhìn khoáng đạt trở nên kì vĩ, bao la, mang tầm vóc vũ trụ: Phía thượng nguồn Sêrêpôk/Đêm đêm/Nhìn lên bầu trời/Những ngôi sao nhỏ li ti (Phía thượng nguồn). Đối với người Ê Đê và nhiều dân tộc thiểu số khác ở vùng Tây Nguyên, bến nước không chỉ là nơi sinh hoạt đời sống mà còn còn mang ý nghĩa văn hóa, tâm linh, là nơi linh thiêng để người dân đến cầu xin những điều mình mong muốn. Hàng năm, buôn làng vẫn tổ chức lễ cúng bến nước, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, mọi người sống vui, sống khỏe. Hình ảnh bến nước trở đi trở lại trong nhiều bài thơ như một ám ảnh: Từ bến nước, vọng reo tiếng róc rách/Có ai còn đứng đợi phía đầu nương/ Hoàng hôn xuống làn mây bay mỏi mệt/Ai bên ngoài bến nước phía mù sương (Bóng ngô vàng). Đây là một so sánh khá độc đáo: Bến nước buôn Kô Siêr Giống cây đàn guitare/Treo bên hông thành phố (Bến nước buôn Kô Siêr). Đôi khi là một cảm xúc bất chợt: Bên bến nước buổi chiều/Em ngồi trên hòn đá/ Chỉ mình em/Thương chiếc lá trôi trên bến nước (Bên bến nước buổi chiều). Có lúc lại là một niềm đau khi ngắm nhìn bến nước đang cạn kiệt, đang dần biến mất: Nước không về bến nước/Con nai khát ven rừng/Chiếc gùi khóc rưng rưng/Tiếng chiêng rơi lưng chừng (Nước).

Một phần không thể thiếu là không gian đời sống, lao động và sinh hoạt tình cảm của con người Tây Nguyên. Đó là những làng buôn, bờ suối, cánh rừng, nương rẫy, những ngôi nhà sàn bếp luôn đỏ lửa mà chủ nhân là những người bình dị, hồn nhiên như cỏ cây, tâm hồn trong sáng như ánh trăng bên suối nước: Em múa say sưa/Tay đưa lên/Uyển chuyển như đôi cánh đại bàng/Dập dìu lao vút trên nền trời xanh thẳm (Em múa). Không gian của tình yêu đôi lứa: Họ yêu nhau từ lúc trước hoàng hôn/Hẹn gặp, phải qua năm đồi bảy rẫy/Nhớ thương, phải đến lễ hội trong buôn/Quấn quýt, phải ra bờ suối vắng (Màu thổ cẩm). Người đọc cảm nhận được trong thơ Bùi Minh Vũ vẻ đẹp riêng của cuộc sống nơi buôn làng, khác biệt với cuộc sống ồn ào, náo nhiệt ở nơi phố thị, đó là nét trầm lặng, thanh bình, êm đềm và giàu chất thơ: Anh uống ba sừng/Rượu trăng nghiêng/Anh uống năm sừng/Rượu trăng ngả (Bên bếp lửa nhà dài); Vườn cà phê dài tiếng chiêng K’nah/Rộng như bầu trời vuông… Những ngôi nhà dài không bao giờ đóng cửa/Hương cà phê thơm như lửa/Môi đầy/Nắm tay bền chặt trên cầu thang mẫu hệ (Những chùm sao đêm). Đối với cộng đồng người dân Tây Nguyên, nương rẫy là sự sống, không chỉ là nơi lao động sản xuất mà còn là không gian sinh hoạt đời sống và tình cảm, gắn bó suốt cuộc đời. Ở bài thơ Rẫy hồn làng, tác giả đã miêu tả sinh động cuộc sống và tâm tình của con người trên nương rẫy: Rẫy trước mặt như người con gái lấy chồng/Rẫy sau lưng như con trai lấy vợ… Họ gặp nhau từ rẫy/Sinh ra những đứa con biết chinh phục rừng/Đi rẫy như đi hội/Trên con đường gập ghềnh/Họ thương rẫy bao mùa/Ăn ở rẫy/Ngủ ở rẫy/Buồn vui ở rẫy/Họ tin không có rẫy/Những giọt sương không có linh hồn/Không đầu thai/ Cái xà gạc buồn không có nơi chia sẻ. Vì thế, họ truyền dạy cho thế hệ sau trách nhiệm và tình cảm gắn bó với nương rẫy: Không được chăn dê trên rẫy/Không được chăn bò trên rẫy/ Không được bỏ rẫy hoang/Ba ngày không đến rẫy/Bảy ngày không thấy mặt trời/Bảy đêm không thấy mặt trăng (Rẫy hồn làng)…

Nổi bật là không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên – một Kiệt tác Di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại. Đối với người Ê Đê và các dân tộc thiểu số khác ở vùng Tây Nguyên, tiếng chiêng với ché rượu cần luôn gắn bó máu thịt, đi cùng năm tháng, từ lúc sinh ra đến khi về với bến nước ông bà, thể hiện niềm vui, nỗi buồn, ước mơ, khát vọng của con người. Tiếng chiêng xuất hiện trong thơ Bùi Minh Vũ, âm vang khắp núi rừng, nương rẫy với nhiều sắc thái, nhiều cung bậc: Tiếng chiêng dài ánh mắt/ Trườn qua rẫy bắp/ Đến bến nước (Lắng nghe). Âm thanh cồng chiêng hòa quyện với ánh trăng trong liên tưởng mới lạ: Em rung tiếng chiêng đồng/ Cọp dừng chân bên suối/ Đớp miếng trăng vuông (Miếng trăng vuông). Tiếng chiêng cũng là tiếng lòng của trai gái yêu nhau: Giọt âm thanh dồn dập/Gọi về uống tháng mùa no/ Trai gái mải vui ngày ấm/ Đan dệt chiếu hoa bắt chồng (Tiếng lòng của bà con buôn làng). Tiếng chiêng say đắm như rượu cần, như ánh mắt em nồng nàn, tình tứ: Uống tiếng chiêng/ Trước khi/ Hết suối rượu cần Buôn Hồ/ Từ mắt em/ H’Bhí (Từ mắt em). Cồng chiêng còn là vật thiêng để thổ lộ tình yêu một cách tinh tế, là ước nguyện hạnh phúc, là lời cầu hôn của cô gái Ê Đê: Trên núm chiêng có in dấu vân tay/Ai nhặt được xin gửi về địa chỉ: /H’Nhi Niê kdăm, buôn Aô Dhong/Nếu anh hồi đáp sớm/Em làm lễ đưa vòng. Bài thơ Tiếng chiêng như ống lồ ô là cảm nhận của tác giả về tiếng chiêng trong ngày lễ hội: Khi tổ chức lễ hội/Người Ê Đê đánh chiêng k’nah/Rộn ràng, sôi nổi thác réo, mưa rào. Tiếng chiêng có ý nghĩa linh thiêng, kết nối con người với thần linh, gắn bó con người trong một cộng đồng, tiếng chiêng gọi mời Yang từ rừng thiêng đến/Buôn gần buôn xa tìm về/Nai trên đồi, chim trên ngọn cây cao/Ngóng cổ đứng nghe/Chim ktia ngừng rỉa bắp? Suối Ea Nuôi ngừng chảy/Tiếng chiêng là thức ăn nuôi dưỡng tâm hồn. Có thể nói, âm thanh tiếng chiêng đã thấm sâu vào hồn thi sĩ, âm vang và biến hóa kỳ ảo thành những hình ảnh lung linh sắc màu huyền thoại: Còn giọt âm thanh nào hay hơn/Từ bộ ngực tiếng chiêng đồng/Từ đóa môi rực lửa tiếng chiêng cồng/Trên nương đồi cà phê xanh bát ngát (Còn giọt âm thanh nào hay hơn). Đúng như GS. Tô Ngọc Thanh đã viết: “Bao ngàn đời nay cồng chiêng gắn với Tây Nguyên như một phần không thể thiếu trong suốt vòng đời mỗi con người và trong hầu như tất cả các sự kiện quan trọng của cộng đồng: từ lễ thổi tai cho trẻ sơ sinh, lễ cưới xin, lễ tiễn đưa người chết, lễ đâm trâu trong ngày bỏ mả… cho đến lễ cúng máng nước, mừng lúa mới, lễ đóng cửa kho, lễ mừng nhà rông mới” (Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên).

Không gian văn hóa Tây Nguyên đã sản sinh ra nhiều sử thi trữ tình và anh hùng ca nổi tiếng, như: Dam San, Xinh Nhã, Khinh Dú… Sử thi thường được diễn xướng và lưu truyền trong những đêm nhà dài bập bùng ánh lửa ở những buôn làng xa xôi nơi góc rừng, chân núi. Đó là một không gian chập chờn hiện thực và huyền thoại, nơi lịch sử xa xăm của cộng đồng bộ tộc được tái hiện qua lời kể của pô khan (nghệ nhân kể khan). Trong thơ Bùi Minh Vũ, không gian, địa danh thường thể hiện qua cái nhìn so sánh với hình ảnh huyền thoại, sử thi: Nước ngược dòng/Như mũi tên bắn mặt trời/ Dam San tắm/H’Nhí cười (Chiều Buôn Đôn). Nhà thơ thể hiện nỗi niềm và suy tư sâu lắng khi mải miết đi tìm tác phẩm sử thi: Đi tìm Lêng Kon Rung bị bắt cóc bán/Thời gian nhấn trôi vào cõi lạ/Trong thung sâu ký ức người già/Trong mỏi mòn thời gian/Chẳng thấy dấu vết Lêng Kon Rung/Lêng như gió/Nhấc tôi lên đồi mây (Đi tìm Lêng Kon Rung). Bài thơ Cặp đôi vừa đến là cảm nhận của tác giả về hoạt động diễn xướng – hình thức sinh tồn của loại hình folklore độc đáo này: Pô khan ngồi bên bếp lửa/Kể sử thi Dam San/Người lớn, trẻ em ngửa cổ nghe diễn xướng/Gà rừng gáy bên kia đồi. Hình ảnh nghệ nhân kể khan hiện lên sinh động bên ánh lửa bập bùng như hiện thân của lịch sử, như từ quá khứ xa xăm, đại ngàn huyền bí: Pô khan ngậm tẩu thuốc/Khói xanh lan tràn nhà/Tiếng kể khan chậm rãi/Đánh thức ánh trăng trên mái nhà/Khơi ngọn lửa đỏ hừng sáng buôn. Tác giả gợi lại những sự kiện, hình ảnh tiêu biểu để làm nổi bật giá trị, ý nghĩa của khan Dam San: Trời chống gậy đến thu xếp việc cưới/Làm sao cưỡng lại chuyện ba người/Chàng chặt cây linh hồn/Nỗi khóc thương có làm em phục sinh/Dam San thuần phục voi dữ/Dam San làm rẫy, bắt cá/Khi chàng đánh bại kẻ cướp hạnh phúc/Dam San cầu hôn nữ thần Mặt Trời/Từ đây, chàng đi xa (Cặp đôi vừa đến). Qua cảm nhận của tác giả, ta thấy sử thi Dam San đã chan hòa những yếu tố lịch sử, tâm linh và đời sống sinh hoạt, tình cảm của con người, tạo nên nội dung và âm điệu rất độc đáo, kết hợp chất anh hùng ca và tình ca, kết nối con người với thần linh, trời đất, nối liền quá khứ với cuộc sống con người trong hiện tại và hướng tới tương lai.

Không gian văn hóa Tây Nguyên còn là không gian của các lễ hội truyền thống và các hoạt động tín ngưỡng. Cư dân các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên đã phát triển nhiều loại hình nghề thủ công, sáng tạo nhiều phong cách trang trí và các kiểu nhà ở truyền thống độc đáo của mình. Tín ngưỡng chủ đạo của dân cư nơi đây xuất phát từ tục thờ cúng tổ tiên, Shaman giáo và thờ cúng vật linh. Đọc thơ Bùi Minh Vũ, chúng ta như được chứng kiến và tham gia nhiều lễ hội và các hoạt động văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng các dân tộc thiểu số nơi đây. Nhiều bài thơ kết hợp miêu tả và kể lại các lễ hội như lễ hiến trâu (Đêm nghe tiếng khóc trâu), lễ cúng bến nước, cúng cổng nhà yang (Cổng nhà Yang), cúng thần Lúa (Bài ca khấn thần Lúa), cúng mùa rẫy mới (Mùa rẫy mới), lễ tuốt lúa (Anh đừng say nhé), lễ kết bạn (Cùng đào gốc mía), lễ trao vòng (Tôi và bạn không thể xa nhau), lễ tang (Quả ngọt), lễ Tor tih (Tor tih), lễ Đặt tên (Đặt tên)… Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên chủ yếu sống bằng canh tác nông nghiệp truyền thống: trồng trọt, làm nương ngô, lúa rẫy, săn bắt và hái lượm sản vật rừng. Vì thế, lúa được người dân làm nhiều lễ cúng rất trang trọng như lễ cúng thần Lúa: Lễ vật dâng lên thần/Một ché rượu cần và gà trống thiến/Một bát đồng thịt băm, tiết pha rượu cay/Đặt trên bồ lúa lớn (Vàng lúa); lễ Tuốt lúa: Nhà ta dâng con gà/Bát cơm/Bát canh/Ché rượu/Khấn thần Rẫy, Thần Lúa/Cho cả nhà tuốt lúa/Rước hồn lúa về nhà (Tuốt lúa); Hôm nay lễ tắm lúa/Họ chôn nêu sau nhà/Họ chôn cột đâm trâu/Họ đẽo cây hình người/Họ đẽo cây hình chim/Cúng khấn gà và rượu/Chạnh lòng hát khóc trâu/Ôi con trâu bắt đầu/Nằm như một hòn đá (Anh đừng say nhé).

Lễ hội của cư dân các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên thường có phần lễ trang trọng hướng về Yàng, về thần linh để chiêm bái, nguyện cầu, thời lượng chủ yếu dành cho phần hội tràn đầy niềm vui, đầy cảm xúc trong ánh lửa bập bùng, hơi rượu cần nồng say, trong âm thanh cồng chiêng và nhiều nhạc cụ độc đáo khác như: đing năm, đinh tuk, đàn bro, kèn kipah; trong làn điệu ayray trữ tình, điệu xoang duyên dáng… Người đọc có cảm giác được tắm say trong không gian lễ hội đầy màu sắc và âm thanh huyền ảo: Ánh trăng nhảy nhịp xoang/ Mắt rực lửa/Nhà dài thiên thai Giêng Hai/Trăng lốm đốm trắng da em/Ngực rung chùng sương xám/Rượu cần vít môi/Nụ cười nóng vòng tay lại/Chẳng có lửa nào hơn thế (Chẳng có lửa nào hơn thế); Cùng nhìn con trâu/Cùng nhìn một hướng/Cùng uống rượu cần, cùng ăn thịt nướng/Cùng nhảy múa bên bếp lửa (Nhảy múa bên bếp lửa). Lễ hội là nơi người lớn hướng về cội nguồn, tổ tiên, là nơi trai gái chếnh choáng trong rượu cần và tình yêu, trẻ con ăn uống, nô đùa vui chơi thỏa thích.

Một thực tế là không gian văn hóa Tây Nguyên đang bị tàn phá, bị mai một dần vì những chuyển biến kinh tế, lễ nghi xã hội đã làm thay đổi mạnh mẽ cuộc sống của các cộng đồng nơi đây, vì những nghệ nhân cao tuổi hiểu biết về phong tục, tri thức dân gian lần lượt qua đời, nhiều người không hiểu hết các nghi lễ truyền thống, thế hệ trẻ ít hoặc không quan tâm đến văn hóa truyền thống (do sức hút của cuộc sống hiện đại và văn hóa du nhập). Bùi Minh Vũ đã thể hiện vấn đề bảo vệ sinh thái, bảo vệ văn hóa rừng trong nhiều bài thơ: Đất vàng, Điền dã, Trả nợ, Qua bảy mùa uống tháng, Heo rừng, Cát, Những cành rễ mục, Nước, Hỏi… Đó là niềm trăn trở, là nỗi day dứt không nguôi về thực trạng thiên nhiên bị tàn phá, môi trường sinh thái bị hủy diệt và sự xâm thực của văn hóa hiện đại, văn hóa ngoại lai đối với văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên. Anh bộc lộ nỗi xót xa, đau đớn của người trong cuộc trước sự tàn phá môi trường tự nhiên, như: nạn phá rừng, săn bắn thú rừng, khai thác tài nguyên một cách cạn kiệt: Người ta dí điện/- được bao nhiêu cá, thưa anh/- Gần mười cân/- Ôi, dòng sông quê em (Cá trắng mây); Con voi nhớ rừng gào rống/Hoàng hôn/Ai nhổ những cọng lông đuôi/Cuối cùng/Cô gái bị hất văng ngày cuối tháng (Ngà). Nhìn dòng nước lũ tàn phá buôn làng, nhà thơ gợi lên suy nghĩ về mối quan hệ giữa việc phá rừng và thảm họa thiên nhiên: Lũ như cây chổi quét nhà cửa, mùa màng/Cây chổi ai cầm, ai giữ/Thảng thốt đêm cháy sém/Rừng, rừng ơi… (Ngỏ ý). Bùi Minh Vũ đau nỗi đau của con voi Buôn Đôn mất bạn tình vì không gian sống bị thu hẹp dần: Như thể bây giờ anh là con voi Buôn Đôn/Nhổ cọc chạy tứ tung/Phun nước lên trời khấn Giàng/Quờ cái vòi vào hốc đá tìm em/Qua bảy mùa uống tháng/Anh thành con voi điên (Qua bảy mùa uống tháng). Nhà thơ đã thốt lên những câu hỏi nhức nhối về trách nhiệm của con người đối với thiên nhiên: Cây rừng đi đâu?/ Dòng suối về đâu?/Con thú hoang ở đâu?/Em đã hỏi/Mặt trời trốn sau đồi/Bầy chim rừng ngậm mấy giọt trăng rơi (Trả nợ); đôi khi lại là một lời tự vấn: Khi bến nước trườn vào sách vở/Tôi hỏi tôi, bến nước ở đâu, đi đâu/…/Bến nước đâu rồi, tôi hỏi tôi (Bến nước). Nhà thơ thể hiện nỗi buồn nuối tiếc khi chứng kiến người nghệ nhân dân gian tuổi gần trăm mùa rẫy, chỉ còn chút sức tàn mà không có người kế tục công việc lưu truyền văn hóa: Đêm nhà dài lặng lẽ/Bếp lửa than tối dần/Giọng khan khô lá úa/Tiếc ánh trăng sắp tàn (Năm tháng già). Bùi Minh Vũ còn nhiệt tình khai thác và phổ biến những giá trị nhân văn, ý nghĩa bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống trong luật tục của cộng đồng các dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên như ở các bài: Cha dạy con, Luật ca, Hôm nay em đi xúc cá… Tình cảm, trách nhiệm của mỗi người đối với rừng, đối với môi trường sống là tình cảm và ý thức công dân, ý thức cộng đồng đã được nhà thơ chuyển hóa đầy sức thuyết phục thành tình cảm gia đình qua lời người cha khuyên dạy con cái: Cha dạy con/Không được chặt cây trong rừng/Không được phát rẫy làm nương trong rừng/…/Chặt một cây phải trồng bảy cây/… /Cha dạy con/Không được chặt cây con/Chặt cây con như chặt cổng buôn làng/Như chặt bến nước/…/Cha dạy con/Không được mang lửa vào rừng/Rừng sáng lửa, nhà dài tăm tối… (Cha dạy con). Tác giả cũng thể hiện niềm vui, sự biểu dương đối với những việc làm có ý nghĩa đối với môi trường: Họ trồng mới cánh rừng/Như trồng mới khát khao/Trong vô tận của ngày và đêm/Cây như những đứa con cần bàn tay/Và sữa mẹ (Họ trồng mới cánh rừng).

Bảo vệ rừng, bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ không gian văn hóa, bảo tồn và phát huy những di sản văn hóa truyền thống đặc sắc của cộng đồng các dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên là thông điệp bằng thơ, có ý nghĩa sâu sắc của Bùi Minh Vũ. Chủ đề lớn và bao trùm là văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên nhưng lại gắn chặt và thống nhất với vấn đề môi trường sinh thái. Nhà nghiên cứu văn học sinh thái Vương Nặc (Trung Quốc) đã viết: “Một số tác phẩm thậm chí có thể hoàn toàn không miêu tả cảnh vật tự nhiên, thể hiện tình yêu tự nhiên của nhà văn nhưng chỉ cần thể hiện thái độ không đồng tình với các hành vi phá hoại sinh thái, phơi bày căn nguyên văn hóa tư tưởng của nguy cơ sinh thái, là có thể được xem là văn học sinh thái”. Với ý nghĩa đó có thể nói, những tập thơ viết về Tây Nguyên của Bùi Minh Vũ cũng đã là tác phẩm văn học sinh thái. Thơ anh đã làm nổi bật vẻ đẹp tâm hồn con người thuần hậu, chất phác, phóng khoáng và những nét đặc sắc của không gian văn hóa Tây Nguyên – một vùng văn hóa nguyên sơ mà vô cùng độc đáo và huyền bí. Anh đã thể hiện sự cảm nhận sâu sắc, cảm xúc chân thành và sâu lắng về giá trị của những di sản văn hóa quý báu, đồng thời gợi lên những tình cảm tốt đẹp, ý thức bảo tồn và phát huy những tinh hoa văn hóa của vùng đất này.

Vài nét về thi pháp thơ

Có thể thấy, không gian văn hóa Tây Nguyên không chỉ ảnh hưởng mà còn chi phối phương thức thể hiện của Bùi Minh Vũ. Quan niệm về thơ của anh được khái quát trong bài thơ chỉ có một câu: Thơ/ là/một cánh rừng (Thơ). Đọc những tập thơ này, tôi nhận thấy: Thơ anh đa dạng, tự do, phóng túng và cũng “rậm rạp” như cánh rừng. Trong khoảng vài chục năm sáng tác, anh đã có 14 tập thơ dày dặn với hàng nghìn bài, chỉ riêng hai tập Màu thổ cẩm và Nơi bắt đầu lời nguyền đã có đến 279 bài thơ dài ngắn khác nhau, có cảm giác anh “viết dễ như lấy chữ từ trong túi ra”(1). Thơ anh không chỉ phong phú về số lượng mà còn có độ dài ngắn khác nhau, phần lớn là những bài trên dưới mười câu thơ nhưng có những bài rất dài, như: Rẫy hồn làng (197câu), Ama ngồi bên hồ mặt trăng (129 câu) và cũng nhiều bài rất ngắn chỉ một, hai hoặc ba câu như: Thơ, Màu sắc, Ví dù… Mạch thơ đôi khi dàn trải, miêu tả, trần thuật, kể lể dài dòng (Mùa rẫy mới, Cha dạy con, Rẫy hồn làng, Ama ngồi bên hồ mặt trăng, Hát trên nương…), có khi lại ngắn gọn, cô đúc bằng một suy niệm đầy chất triết lý hoặc một ý nghĩ lướt qua trong đầu được ghi vội (Thơ, Con đường, Sơn cước, Mảnh vỡ…). Hiện thực đời sống, hiện tượng xã hội và nhân sinh, những cảnh vật, con người và sinh hoạt văn hóa truyền thống tràn vào thơ anh như dòng Sêrêpôk cuộn chảy. Chỉ cần đọc tên một bài thơ ta đã thấy cái ngổn ngang bề bộn của hiện thực và cảm xúc: Từ hình ảnh thiên nhiên, cảnh vật (Bến nước, Trăng, Vầng trăng lẻ, Giọt nắng, Vườn em, Vườn hoa, Đường về nương rẫy… ); sự vật, con người (Amí, Ama, Thợ săn, Cặp đôi vừa đến, Đám tang sau nhà, Xà gạc, Cỏ, Ktuỗn, Lá dừa, Bông lúa, Chuồn chuồn, Tiếng gà, Tiếng chim, Lưng con rùa…), đến hoạt động (Đặt tên, Bắt cá, Gùi măng, Lên núi, Rửa chân, Nuôi mẹ, Cùng em đi bẻ măng, Họ trồng mới những cánh rừng, Hát trên nương, Về núi, Bước chân, Em múa, Em xòe tay nhung, Mở mắt, Uống rượu cùng em…); trạng thái cảm xúc (Ngớ ngẩn, Lại nhớ, Khoảnh khắc, Giấc mơ, Những đêm mất ngủ…), hay một suy niệm (Mảnh vỡ, Thơ, Màu sắc, Toả sáng, Tôi cảm ơn…).

Sáng tác trong không gian văn hóa truyền thống Tây Nguyên, Bùi Minh Vũ chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi “không quyển” văn hóa ấy từ thể thơ, cấu tứ đến giọng điệu, hình ảnh, ngôn từ. Anh làm thơ tự do theo lối hiện đại nhưng đọc kỹ lại thấy nhiều bài có cấu tứ và giọng điệu rất gần gũi với các thể văn học dân gian Tây Nguyên, như: lối kể khan (sử thi), những điệu ay ray, điệu xoang, hay kết cấu và âm điệu của những bài khấn trong lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên, nổi bật là những bài: Nghe cây hát, Anh đừng say nhé, Rẫy hồn làng, Hát trên nương, Bài ca khấn thần lúa, Cha dạy con, Lời từ chối làm rể. Điều đó được thể hiện rõ nét qua ngôn ngữ và âm điệu của nhiều đoạn thơ: Ơ em/Chòi lúa anh biết dựng/Cây lúa đã biết trồng/Biết lấy vỏ cây làm tấm lót bành voi/Bẫy chim, săn thú, đánh chiêng/Nếu em không ngại thì nghiêng vai vào (Hát trên nương); hoặc: Ơ thần/Này đây/Râu vót bằng lát tre/Thắt vòng que lát tre thành vòng đeo tay/…/ Ơ thần/Không ai khấn hộ/Ơ thần/Không ai khấn giúp (Bài ca khấn thần Lúa), hay: Ơ yang/Không còn gì hơn/Không còn gì hơn/Không còn gì hơn nữa (Ama ngồi trên hồ mặt trăng). Rẫy hồn làng là một bài thơ dài có hình thức và âm điệu như một trường ca, gồm 197 câu thơ được cấu tạo thành 16 khúc ca dài ngắn khác nhau, mỗi khúc có nội dung tương đối độc lập nhưng tất cả đều thống nhất về chủ đề, cảm hứng và âm hưởng trong một chỉnh thể nghệ thuật. Thơ Bùi Minh Vũ không nhiều vần nhưng giàu nhịp điệu, giàu nhạc tính nhờ việc sử dụng phổ biến đến mức dày đặc hình thức điệp từ, điệp ngữ, điệp cú pháp theo cấu trúc của những điệu dân ca, khan và những bài văn khấn của người Tây Nguyên. Người đọc dễ dàng nhận thấy điều đó trong nhiều bài thơ: Hạt cà phê, Tiếng mẹ ngoài khoảng xa, Từ mắt em, Đất vàng, Anh đừng say nhé, Nhảy múa bên bếp lửa, Những thanh điệu cũ, Nàng công chúa trở về, Rẫy hồn làng, Ama ngồi bên hồ mặt trăng… Bài thơ Đất vàng tiêu biểu cho việc sử dụng kết hợp phong phú các hình thức điệp kể trên: Rừng bảo vệ đất/Sông bảo vệ đất/Suối bảo vệ đất/Rẫy nương nuôi sống con người/Đất rừng nuôi sống con người/Ai làm rẫy phá rừng/Ai vào rừng phá rừng/Ai trồng rừng phá rừng/Ai chặt cây đầu nguồn/Ai chặt cây rừng thiêng/Ai chặt cây ven sông/Ai chặt cây ven suối/ Ai chặt, ai?/… /Có nghe đất khóc/Có nghe cây khóc/Có thấy nước mắt tổ tiên/Như giọt mưa nhỏ xuống ròng ròng (Đất vàng).

Bùi Minh Vũ sử dụng có ý đồ nghệ thuật với mật độ khá dày đặc những hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng của văn hoá truyền thống các dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên: Mùa uống tháng ăn năm, cầu thang mẫu hệ, bến nước phía mù sương, sắc màu thổ cẩm, tiếng chiêng dài ánh mắt, tiếng chiêng trườn trên rẫy bắp, bếp lửa nhà dài, tiếng mang kêu giữa trăng xanh, hình ảnh nương rẫy, cái xà gạc, tiếng khóc trâu… Nhà thơ thường dùng nghệ thuật so sánh, vật chất hóa hoặc dựa vào đặc điểm giống nhau giữa các sự vật theo lối nói, lối tư duy cụ thể, đơn giản của người dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên với quan hệ từ “như” trong nhiều bài thơ: Làm sao ta có chiêng, ché nhiều như bầy mối (A ma ngồi bên hồ mặt trăng), Con hãy làm cọng cỏ uốn lượn, dẻo dai/Như vầng trán mẹ, nơi đó những hạt sương (Những hạt sương tinh khiết); Tiếng lòng của bà con buôn làng/Gần gũi như cây ngô, cây sắn, rẫy nương (Tiếng lòng của bà con buôn làng); Vườn cà trái đỏ như môi/Lặng lẽ giấu mình trong lá (Vườn cà phê); Nước ngược dòng/Như mũi tên bắn mặt trời (Chiều Buôn Đôn); Em như mặt trời chín/Trên đất ông bà/Như trứng gà vừa lọt ổ/Trên chòi rẫy trăng thơm (Trái ngọt); Trước mặt anh/ Mặt đất như lưng con rùa (Lưng con rùa)…

Thơ Bùi Minh Vũ là sự gặp gỡ giữa hình thức so sánh quen thuộc của người dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên và thủ pháp nghệ thuật siêu thực của thơ ca hiện đại. So sánh siêu thực được tác giả sử dụng như một một phương tiện, ở một chừng mực nhất định và khá hiệu quả trong việc xây dựng hình tượng thơ. Đó là những liên tưởng dựa trên những nghịch lý, bất ngờ, kì lạ, tác động mạnh vào trí tưởng tượng của người đọc, là cách thể hiện một sự vật hữu hình bằng những liên tưởng vô hình và ngược lại. Reverdy, một nhà thơ siêu thực đã nói: “Những quan hệ của hai thực tại được đặt cạnh nhau càng xa nhau và càng thích đáng, thì hình ảnh sẽ càng mạnh mẽ – nó sẽ càng có sức mạnh cảm xúc và sức mạnh về thực tại thơ”. Bùi Minh Vũ có một số bài thơ siêu thực như: Dấu chân trăng, Chiếc xe cổ, Những thanh điệu cũ, Tiếng chim hoá thạch, nhưng chủ yếu, anh sáng tạo những hình ảnh siêu thực kết hợp trong nhiều bài thơ: Trăng như con rắn/Mổ gùi lúa cái/Những hạt lúa tủm tỉm cười (Tỉnh thức). Em không đến/Trăng đỏ như mào con gà trống/Mổ vào tiếng đàn réo gọi đêm nay? (Tiếng đàn Bro), Ngày anh đến như mặt trời ghé lại/ Hân hoan quên mang theo các vì sao (Ngày anh đến), Hạt cơm đẹp như nếp nhăn trán mẹ (Tiếng mẹ ngoài khoảng xa), Em choàng sợi dây bạc/Cười như tháng Giêng (Dùng dằng)… Nhiều hình ảnh trong thơ Bùi Minh Vũ không đơn giản như so sánh trong thơ truyền thống, bằng sự liên tưởng phong phú, anh sáng tạo những hình ảnh chuyển đổi cảm giác. Đó là sự chuyển đổi từ cảm giác không gian sang cảm giác về thời gian: Qua rẫy dài như ngày voi đi (Mang theo hoa rừng); chuyển từ âm thanh thành hình ảnh không gian: Tiếng chiêng trầm như nương rẫy (Hát trên nương); chuyển từ hình khối thành âm thanh, ánh sáng, màu sắc: Tượng đài như nốt nhạc/Nắng chuỗi ngọc xanh (Nốt nhạc reo); chuyển từ âm thanh thành sự vật, hình khối, hương vị và màu sắc: Ơ điệu nhạc lên rẫy/Như nước trườn qua lỗ tai/Hít vào hương thơm/Thở ra một làn khói trắng/Tiếng gió lòng trải ra ngút ngàn (Em thổi đing năm). Chất suy tưởng sâu sắc được thể hiện bằng những so sánh có tính chất siêu thực tạo thành những hình ảnh thơ lung linh, đa nghĩa, tác động mạnh đồng thời vào nhiều giác quan, vào trí tưởng tượng, liên tưởng của người đọc.

Không gian văn hóa Tây Nguyên còn tác động và ảnh hưởng đến cách sử dụng ngôn từ của Bùi Minh Vũ. Nhà thơ đã dùng với mật độ khá dày đặc những từ ngữ chỉ sự vật, hiện tượng mang nét đặc trưng của Tây Nguyên:

– Từ ngữ chỉ các loại nhạc cụ: chiêng đồng, chiêng bằng, chiêng núm, đing năm, đing tuk, kèn kipah, tù và, mõ king kông, trống h’gơr…

– Từ ngữ chỉ các loại hình văn nghệ và tín ngưỡng dân gian: cổ tích, khan (sử thi), ay ray, xoang, các bài khấn thần Lúa, khấn cổng nhà Yang, khấn bến nước, mùa rẫy mới…

– Từ ngữ chỉ vật dụng sinh hoạt, lao động: xà gạc, chòi lúa, tấm lót bành voi, ché tuk, ché tang, ché ba, ché yăng gri, ché jũ, nồi kbung, nồi bảy, bát đồng, chậu bạc, chiếc gùi, chiếc vòng tay, cái khiau (cái giỏ đan bằng tre hoặc mây, đeo quàng thắt lưng)…

– Từ ngữ chỉ các loài chim, thú: chim kwei, mling, chim cu, chim kéc, chim têt dê, chim riêng, chim jông, chim rkêt, chim giâng, chim djêt, chim pũt, chim ktuk, kwao, voi, hổ, nai, khỉ, trăn hoa, rắn đất, ngựa, rùa, tắc kè, các loại cá sông suối…

– Từ ngữ chỉ các loại cây, hoa: lúa dro, lúa bla, cây tiêng, cây knôk, cây ktuỗn, lá arĩng, cây bông buê, cây ê nao, quả guih, cây kpang, cây hrên, me rừng, bằng lăng, cây si…

Như vậy, cùng với cảm hứng chủ đạo và việc thể hiện hình tượng không gian văn hóa, những yếu tố nghệ thuật ngôn từ như trên đã góp phần tạo ra một bầu không khí đậm đặc sắc màu văn hóa Tây Nguyên trong thơ Bùi Minh Vũ. Có người cho rằng thơ Bùi Minh Vũ là “tiếng thơ siêu thực chính ngọ”(2),nhưng ở những tập thơ này, tôi nhận thấy thơ anh không phải là thơ siêu thực mà chủ yếu là thơ trữ tình hiện thực. Anh vận dụng những phương thức tự sự, miêu tả khá phổ biến, kết hợp với phương thức biểu cảm, vì vậy trong thơ có rất nhiều chi tiết, sự kiện, tư liệu văn hóa và đời sống (như đã phân tích ở trên). Thơ anh nổi trội ở chất suy tưởng lắng đọng, triết lí sâu sắc, nhưng ở nhiều bài cảm xúc chưa thật chín. Xúc cảm trong thơ anh không thể hiện thiết tha, mãnh liệt, nồng cháy như nhiều nhà thơ khác mà thể hiện ở sự kìm nén, trầm lắng, kết hợp với chất suy tưởng, tạo nên chất thơ khá độc đáo, một lối nói, một giọng điệu riêng dễ nhận ra. Cũng vì thế, thơ anh không dễ đọc, không dễ cảm, nhất là đối với những người đọc thích thơ lãng mạn, âm điệu mượt mà, ngôn từ bóng bẩy, mướt mát.

Bùi Minh Vũ có nhiều bài thơ hay, giàu ý nghĩa và giá trị nghệ thuật, lại có những bài dễ dãi, thiếu cảm xúc tạo cảm giác khô khan, chưa đủ sức lay động lòng người như những bài: Nước mắt, Tor tih, Nam châm, Lời răn, Thợ săn, Bắt cá, Về núi, Tiếng cười tiếng khóc, Sắc màu, Ví dù, Mưa. Ở một số bài, sự liên tưởng giữa các sự vật quá cách xa, khác biệt nhau tạo ra sự bí hiểm, khó hiểu, buộc người đọc phải mơ hồ phỏng đoán, có khi gây cảm giác ức chế: Phía bên kia dòng chảy, Lời khấn cái xà gạc, Hạt ngọc, Lúc không giờ, Tỉnh thức, Vầng trăng lẻ. Tôi đồng cảm với gợi ý khéo của nhà phê bình Lê Thành Nghị về sáng tác của Bùi Minh Vũ: “… cần một sự lắng đọng hơn, hàm súc hơn, tiết chế hơn, cần “bay” một chút, cần “bớt rõ rệt’ đi một chút, để “nhoè mờ” hơn một chút, để câu thơ “nhẹ nhõm” hơn một chút (3). Với sự trải nghiệm sâu sắc, tài năng và tâm huyết của mình, Bùi Minh Vũ thực sự là nhà thơ của Tây Nguyên, “như nắng gió cao nguyên”(4) với nhiều tác phẩm thành công.

NGUYỄN PHƯƠNG HÀ


(1)Mượn ý của nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát  nói về  việc sáng tác nhạc của Trịnh Công Sơn. 

(2)Xem: Du Tử Lê, Tiếng thơ siêu thực chính ngọ, ChưYang Sin, số 333, tháng 5. 2020.

(3,4)Lê Thành Nghị, “Như nắng gió cao nguyên”, Thời báo Văn học Nghệ thuật, số 35 (58), ngày 2.9. 2021.