Nabokov đã quá nổi danh với tiểu thuyết Lolita, nhưng truyện ngắn của ông lại như kết tinh những gì tinh túy nhất của tư duy nghệ thuật, con người tác giả trong suốt quãng thời gian Nabokov lưu vong từ Châu Âu sang Châu Mỹ. Mà Mỹ nhân Nga, tập truyện ngắn nằm trong Tổng tập truyện ngắn Nabokov là một điển hình như vậy.
-
Những tiền đề tạo lên kiểu nhà văn song ngữ trong sáng tác của V. Nabokov.
Theo nhà nghiên cứ Phạm Gia Lâm, “Các khái niệm song ngữ, song văn hóa (tiếng Anh: bilingualism, bicultaralism), gắn liền với lĩnh vực giao tiếp liên/ xuyên văn hóa. Trong các từ điển ngôn ngữ học và văn hóa học, các khái niệm này tuy được diễn giải ở những mức độ khác nhau nhưng đều có nội hàm thống nhất: song ngữ/ song văn hóa là trỏ tình trạng một cá nhân hay một cộng đồng (nhóm xã hội, tộc người,…) có khả năng sử dụng thành thạo ngôn ngữ thứ hai, ngoài tiếng mẹ đẻ/ thuộc về nền văn hóa thứ hai, ngoài nền văn hóa thuộc về tộc người của mình. Trong thế kỷ XX, sự di cư và nhập cư diễn ra ở nhiều khu vực trên thế giới đã tạo điều kiện cho sự phát triển song ngữ/ song văn hóa”.
Những tác giả song ngữ, họ là những người rời xa quê hương, cố quốc đến một đất nước mới, vùng đất mới. Ở đây, họ tiếp xúc với ngôn ngữ mới và hướng đến lớp độc giả bản địa. Những tác giả đó, họ sử dụng thành thạo và sáng tác được bằng cả hai ngôn ngữ, ngoài tiếng mẹ đẻ còn có ngôn ngữ nơi họ đang sống. Và trong sáng tác của họ, ngoài cảm thức về quê hương còn là sự giao thoa văn hóa giữa một bên là đất nước nơi họ ra đời với một bên là đất nước nơi họ hiện sống. Có thể kể đến một số tên tuổi tác giả song ngữ tiêu biểu của thế kỷ XX như: Josept Conrad, Thomas Mann, Samuel Beckett, Cao Hành Kiện… và Vladimir Nabokov.
Vladimir Nabokov thuộc nhóm nhà văn Nga hải ngoại trong Cộng đồng Nga hải ngoại, xuất hiện và hình thành sau Cách mạng tháng Mười Nga. Trong tình trạng lưu vong, các nhà văn Nga kiều bị tách khỏi không gian văn hóa xã hội quen thuộc, cảm thấy lạc lõng nơi đất khách đồng thời thấy con đường trở về cố quốc ngày càng mờ mịt. Số phận, tâm trạng, ý thức sáng tạo, chủ đề Tổ quốc đã thống nhất họ thành một đội ngũ, tập hợp những nhà văn thuộc cả 3 làn sóng di tản.
Văn học Nga hải ngoại tồn tại trong lòng xứ người, khi mà văn hóa ngoại bang không cùng chiều kích và có phần lấn át văn hóa Nga. Bởi thế việc gìn giữ nước Nga trong tâm thức giúp họ nhận thấy sứ mệnh của mình. Họ sử dụng tiếng Nga làm ngôn ngữ sáng tạo.
Nhưng khác với những nhà văn như Ivan Bunin, dẫu cũng thuộc làn sáng di tản thứ nhất từ 1918 đến hết Chiến tranh thế giới thứ Hai song V. Nabokov thuộc lớp những người trẻ bị lãng quên. Ông rời nước Nga khi còn trẻ, chưa có danh tiếng và thành danh ở nước ngoài.
Nabokov lưu vong sang nhiều nước, nhờ vậy, ông có một vốn ngoại ngữ phong phú. Nabokov biết tiếng Nga, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức mà như ông nói: “Tôi là một nhà văn Mỹ, sinh ra ở Nga, học tập tại Anh, nơi tôi đã nghiên cứu văn học Pháp trước khi chuyển sang Đức sống mười lăm năm. Đầu tôi nói bằng tiếng Anh, tim tôi cảm bằng tiếng Nga và tai tôi nghe bằng tiếng Pháp”.
Như vậy, với Nabokov, dù đi đến đâu và không trở về Nga kể từ ngày lưu vong, thì nước Nga vẫn luôn tồn tại trong trái tim ông, trong cách ông cảm nhận sự vật, hiện tượng, trong cách ông xây dựng, diễn giải bằng ngôn từ. Vì thế, các sáng tác của Nabokov luôn tồn tại những mảng kí ức được gìn giữ về một nước Nga trước cách mạng, ý thức tự tôn dân tộc, giá trị văn minh tinh thần Nga; mong muốn tác động đến đời sống xã hội trong nước để có được những đổi thảy về chính trị; suy ngẫm về kinh nghiệm bi kịch của các sự kiện xảy ra ở nước Nga.
Đồng thời, trong văn chương ông cũng có sự tiếp thu văn hóa Châu Âu và tạo nên những mảng màu phức tạp ở văn chương cũng như hình tượng tác giả song ngữ/ song văn hóa thể hiện trong sáng tác của ông.
-
Hình tượng Nabokov với tương quan văn hóa Nga trong tập truyện ngắn Mỹ nhân Nga
Là một nhà văn hải ngoại, là lớp trẻ bị lãng quên thuộc làn sóng di dân thứ nhất nhưng luôn đau đáu bóng hình cố quốc, với Nabokov, văn hóa Nga ở tập truyện ngắn Mỹ nhân Nga, trước hết là hình ảnh cố quốc của ông trước cách mạng, cùng với đó, là ý thức của nhà văn, trong việc gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống.
Cảm thức đó, được nhà văn gửi gắn trong bóng hình một cô gái Nga thuần chất, xinh đẹp cùng sự luyến tiếc quá khứ những ngày còn sống trong đời quý tộc. Dẫu lưu vong nhiều nước khác nhau nhưng tâm trí vẫn hướng về nước Nga, để rồi cô đã cưới một người Đức gốc Nga ở truyện ngắn cùng tên. Qua đó, ta thấy bóng hình một Nabokov lưu vong hải ngoại ở cô gái Mỹ nhân Nga tên Olga Alexseevna.
Hay sự khắc họa nước Nga truyền thống với những hình ảnh thiên nhiên xinh đẹp của tuổi thơ, những cánh rừng với cây linh sam đen, cây bạch dương trắng… trong truyện ngắn Ma Cây. Hình ảnh bướm xuất hiện phảng phất trong tác phẩm: Lễ giáng sinh gợi về một Nabokov có thói quen, sở thích, niềm đam mê bất tận với loài bướm từ khi còn nhỏ. Hay hình ảnh tôn giáo xuất hiện trong các tác phẩm như một sự cứu rỗi tâm hồn. Hoặc truyện ngắn Mối tình đầu là những mảng hồi ức miên man của tác giả về tuổi thơ với nước Nga tươi đẹp, sau này được ông đưa vào cuốn tự truyện: Nói đi, ký ức.
Như vậy, với một nhà văn hải ngoại như Nabokov, ông vẫn giữ mãi hình bóng nước Nga trong trái tim. Một nước Nga với những vẻ đẹp cổ kính. Đây cũng là điểm chung giữa hình ảnh Nabokov với các nhà văn Nga hải ngoại khác nói chung, với những nhà văn phải chịu cảnh lưu vong trong làn sóng di tản thứ nhất nói riêng
Chiến tranh không phải là đề tài chủ đạo trong những truyện ngắn của Nabokov ở tập truyện Mỹ nhân Nga. Song nó vẫn hiện lên như một cảm thức, ám ảnh nhức nhối với một nhà văn như Nabokov, một nhà văn lưu vong sau Cách mạng tháng 10 Nga và không quay trở về nước Nga một lần nào nữa. Đó là nỗi ám ảnh tâm lý thời hậu chiến của đại úy Ivanov trong truyện ngắn Dao cạo về việc bị hỏi cung, bị nghi ngờ, bị trục xuất khỏi đất nước… Hay hình ảnh chiến tranh thoáng qua trong tác phẩm Lá thư gửi nước Nga: tám năm đã trôi qua nhưng hình ảnh ngọn lửa bạc ở Tavricheski cùng “tiếng hô sảng khoái, khát khao của người lính tiến bước theo lệnh” vẫn không thôi thiêu đốt tâm can con người.
Và cuối cùng, tái hiện nước Nga của quá khứ, chinh để tác giả nói tới hiện tại, với mong muốn phần nào tác động tới đời sống xã hội trong nước. Như trong truyện ngắn Ma cây là khát vọng được đổi thay những sự tàn phá của con người Nga trong thì hiện tại lên chính những kí ức, thiên nhiên nước Nga tươi đẹp mà V. Nabokov luôn gìn giữ.
Nhà nghiên cứu Phạm Gia Lâm viết: “Thước đo “chất Nga” trong sáng tác của V. Nabokov trước hết là sự hiện hữu hình ảnh Tổ quốc Nga. Cũng như nhiều nhà văn Nga hải ngoại khác, tất cả những gì từ Tổ quốc còn lại với ông khi sống ở xứ người là tiếng mẹ đẻ và hồi ức”. Và trong Mỹ nhân Nga, ta đã thấy được một Nabokov trân trọng những hình ảnh đó như thế nào.
“Thêm nữa, nước Nga của Nabokov – đó còn là văn học cổ điển Nga, là văn hóa quý tộc Nga”. Điều đó cũng đã được thể hiện trong 17 truyện ngắn ở tập truyện Mỹ nhân Nga. Nơi mà văn hóa quý tộc được biểu hiện một cách tinh tế trong hình ảnh người Mỹ nhân Nga Olga, nơi mà văn học cổ điển Nga được thể hiện qua chất huyền thoại ở truyện ngắn Một truyện đồng thoại.
Và có thể nói, với hình ảnh nước Nga của riêng Nabokov, nước Nga trong tâm trí ông, Nabokov hiện lên là một nhà văn không tách rời khỏi đời sống văn học Nga đương thời. Dẫu rằng, sau khi rời nước Nga từ năm 1919, chưa một lần ông quay lại cố quốc.
-
Hình tượng V. Nabokov với tương quan văn hóa Châu Âu.
Những câu chuyện cá nhân, những câu chuyện vụn vặt không đầu xuất hiện như một hiện tượng bất thường của xã hội được nhắc tới tại các truyện ngắn: Dấu hiệu và biểu hiệu, Lễ giáng sinh, Cuộc ẩu đả… là minh chứng cho sự ảnh hưởng của văn hóa phương Tây mang lại ở sáng tác của Nabokov. Khi trong tác phẩm của ông không chỉ thể hiện “sự cá nhân hóa tối đa” mà còn tái hiện “không gian cá nhân trong cuộc sống con người mới chính là cuộc sống đích thực”, “khác hẳn tính nguyên tắc, tính nhân dân, tính cộng đồng thường gặp trong văn hóa Nga”.
Hay những miêu tả, cảm xúc của con người về đời sống ở nơi xứ người: đời sống tại Đức trong Cẩm nang du ngoạn Berlin, Lá thứ đến từ nước Nga, Một cuộc ẩu đả… Cho thấy, trước một cuộc sống mới tại một xã hội mới, Nabokov lại hòa nhập, có cách nhìn nhận, đánh giá riêng; không cố cựu, bảo thủ như Ivan Bunin.
Và trong tương quan văn hóa phương Tây, mang thân phận một tác giả lưu vong; hiện lên thấp thoáng trên từng truyện ngắn ở tập Mỹ nhân Nga, chính là chủ thể con người cô đơn, người mà qua rất nhiều xứ sở nhưng vẫn thấy “thiếu quê hương”. Như hình ảnh người hành khách, lữ hành vô định trong truyện ngắn Hành khách. Hay Ma cây thì là tiếng nói tiếc thương quá khứ cùng cảm thức đau đớn của con người khi nhớ lại một phần tuổi thơ. Hoặc xúc cảm của Erwin trước một bé gái 14 tuổi trong Một chuyện đồng thoại như một tiền đề để tác giả V. Nabokov tạo lên mẫu hình Humbert trong cuốn tiểu thuyết gây nhiều tranh cãi: Lolita sau này.
Lưu vong nhiều quốc gia, mang trong mình cảm thức về một nước Nga cổ điển và sự hiện đại khi tiếp xúc với văn hóa Phương Tây. Song đến tận cùng, Nabokov vẫn là một nhà văn Nga hải ngoại với nỗi cô đơn, sầu nhớ, nỗi hoài vọng của một người lữ hành khi đã đi rất nhiều nơi, nhưng tới cuối đời vẫn chẳng một lần trở về cố quốc.
“Thế giới nghệ thuật của V. Nabokov khởi phát từ những sáng tác bằng tiếng Nga, dựa trên nền tảng tinh thần của văn hóa Nga, đồng thời chịu ảnh hưởng của văn hóa Đức, Pháp, Anh và Mỹ” (Nhà nghiên cứu Phạm Gia Lâm). Chính bởi thế, hình tượng tác giả song ngữ, song văn hóa trong văn xuôi của Nabokov nói chung, trong tập truyện ngắn Mỹ nhân Nga nói riêng hiện lên đầy phức tạp: giữa một bên là tương quan với văn hóa Nga truyền thống, một bên là tương quan với văn hóa Phương Tây ở những đất nước mà ông đã từng sinh sống, học tập. Nhưng thẳm sâu con người Nabokov, ông vẫn là một nhà văn Nga, một nhà văn Nga hải ngoại, một cầu nối giữa Thế kỷ Bạc với chủ nghĩa hậu hiện đại.
Mọt Mọt