Tao Đàn – “Làm Đĩ” là một thiên tả chân tiểu thuyết mục đích hô hào nhà đạo đức và bậc làm cha mẹ lo chăm đến hạnh phúc của con cái và phải để ý đến cái sự mà những thành kiến hủ bại vẫn coi là điều bẩn thỉu, tức là cái sự dâm – Trích “Thay lời tựa” của Vũ Trọng Phụng.
Tác phẩm được Vũ Trọng Phụng viết vào năm 1936, xuất bản vào năm 1937, tức là cách đây gần một thế kỷ. Dĩ nhiên ngày nay, giáo dục giới tính – hay nói theo cách của ông chính là “sự dạy về cái dâm” – trong xã hội đã phổ biến lắm rồi, nên cũng khó tránh khỏi có người nghĩ rằng chuyện cô Huyền trong tác phẩm “Làm Đĩ” là chuyện muốn năm cũ kể chi bây giờ.
Thế nhưng, thế giới vẫn luôn đề cao việc chống mãi dâm, vì không phải chỉ bán dâm và mua dâm, mà cả việc quan hệ tình dục bừa bãi cũng đều góp phần vào truyền bệnh AIDS. Quan hệ tình dục cũng ở trong phạm vi đạo đức của xã hội loài người, xưa hay nay gì cũng thế cả. Vậy nên, tính giáo dục và tính thời sự của “Làm Đĩ” chưa bao giờ cũ.
Xem thêm: Quan điểm văn chương của Vũ Trọng Phụng
Nội dung bài viết
Một thiên tiểu thuyết phụng sự cái dâm?
“Sở dĩ tác giả không theo phái người ưa văn hoa bay bướm gọi cái sự ấy là ái tình, không theo người rụt rè gọi là tình dục, nhưng lại gọi nó ra đây bằng cái tên tục của nó, ấy là vì tác giả có quan niệm rất chắc chắn rằng cái sự ấy gần xác thịt hơn là gần linh hồn […] Nói đến ái tình lý tưởng mà không đếm xỉa đến cái dâm, đó chỉ là việc của hạng mơ mộng hão huyền.” (Vũ Trọng Phụng)
“Làm Đĩ” là một cuốn sách có trách nhiệm và đầy tính nhân đạo, nhưng ra đời vào thời con người ta còn nghi kị, lấp liếm, còn tránh né, còn giả dối đối với vấn đề quan hệ nam nữ, người ta coi những con chữ Vũ Trọng Phụng là “văn chương dâm uế”, ở đó diễn ra một cuộc chiến trên diễn đàn văn học, về cái gọi là dâm hay không dâm, và về sự mâu thuẫn giữa nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh.
Vũ Trọng Phụng khẳng định: “Nói hay im, bảo nhau biết điều hòa cái dâm để tô điểm cuộc đời, hay là cứ mặc quách để cái dâm của loài người làm loạn loài người – ấy chỉ do đó mà ra sự thịnh, suy của nòi giống.”
Chẳng nên quên rằng quyển Kiều cũng đã từng bị kết án là sách hối dâm. Những danh tác có giá trị nghệ thuật để đời dù bươn qua bao điều phán xét, bao cố kị, bao gièm pha nhưng cuối cũng vẫn tồn tại theo thời gian, vẫn vững ngôi trên diễn đàn văn học.
Ngòi bút của văn sĩ tả chân họ Vũ chưa bao giờ xa rời thực tế. Vẫn cái xã hội đang tư sản hóa cuối mùa, vẫn cái thời đại “Âu hóa” lưng chừng, cái cũ chưa qua, cái mới chưa tới, đầy rẫy sự nhốn nháo, lừa lọc, sa đọa và đau khổ. Thế nhưng, trong khi “Số Đỏ” diễn một vở hài kịch giữa một xã hội bi kịch, thì “Làm Đĩ” đơn giản chỉ là một tấm bi kịch mà thôi.
Nghề làm đĩ hơn tám thập kỷ trước
Tiểu thuyết “Làm Đĩ” của Vũ Trọng Phụng kể về cuộc đời của nhân vật Huyền. Xen giữa bốn phần nội dung chính: Tuổi dậy thì, Ra đời, Lấy chồng, Trụy lạc, là “Đoạn đầu” và “Đoạn cuối” để dẫn dắt vào câu chuyện chính và nêu triết lý câu chuyện.
Ở “Đoạn đầu”, hai người bạn “tôi” và “Quý” lâu ngày tái ngộ, rủ nhau đi xem “trình độ mãi dâm” đất kinh kỳ đã tới mức độ nào. Từ đó, bức tranh của hoạt động mãi dâm gần 100 năm trước được phơi bày.
Tú bà là con quan, nhà chứa là tòa nhà tây, bề ngoài tỏ ra chủ nhân ở trong là người lương thiện. Và tại đây, hai người bạn đã có cuộc hội ngộ đầy bất ngờ với Huyền – bây giờ là gái làng chơi, mà trước đây vốn là “con nhà lương thiện, con một ông phán, cháu một ông đốc tờ […] Chúng tôi đã ngầm tôn Huyền là nữ lang hoàn toàn.”
Dựng lên bối cảnh là một chốn mãi dâm cao cấp để kể về sự tha hóa của con nhà danh giá thành người buôn phấn bán hương, tác giả trao cho nhân vật cơ hội được giãi bày.
Nhà văn khéo léo lồng ghép nội dung sách thành những trang viết trong ba đêm thức trắng của Huyền, tự sự về quãng đời trầm luân mà cô trải qua. Và nhân vật “tôi” gọi những trang viết đó là một “phóng sự tiểu thuyết”.
Phóng sự tiểu thuyết – Cuộc đời Huyền
Sinh ra trong một gia đình có cha làm việc cho Tây, trong thời đại Âu hóa nửa mùa cực kỳ hủ bại, từ nhỏ Huyền đã luôn bị người lớn nạt nộ khi cô bé thắc mắc về những vấn đề giới tính.
Thứ cô tiếp thu được chỉ là lời nói thô tục của kẻ ăn người ở và những bài “tự học” của đám trẻ thơ. Sự tò mò ấy làm bùng lên nỗi khát khao ở người thiếu nữ bước vào tuổi dậy thì, để rồi một ngày cô ngã vào vòng tay Lưu – người anh họ xa đang trọ học tại nhà – trong cái đêm mất ngủ vì “sự thị uy của ái tình” giữa cha và vợ bé chỉ cách giường cô một bức vách.
Mối tình vụng dại kết thúc bi thảm. Lưu tự tử chết, Huyền bị ép gả cho Kim. Kim mắc bệnh giang mai do thói ăn chơi bừa bãi của giới thượng lưu, vốn nên kiêng cữ thì luôn quấy rầy vợ bằng cách nửa đời nửa đoạn. Vì tiền, Kim đem vợ ra làm mồi nhử Tân, một đại gia đào hoa, giàu có.
Từ chỗ e ngại, Huyền và Tân đã trở thành đôi “gian phu dâm phụ” lúc nào không hay. Kim lật lọng, bắt Huyền thú tội và từ đó giáng cô xuống thân phận tôi đòi. Huyền tìm đến Tân nhưng Tân phũ phàng từ chối và trơ tráo thừa nhận “lúc nào anh cũng có dăm bảy cô nhân tình”. Tân tháo hai chiếc nhẫn kim cương đưa cho Huyền để trả công. Huyền ném chiếc nhẫn vào mặt kẻ bội bạc rồi bỏ chạy.
Một thời gian sau, biết Tân – kẻ đạo đức giả đang được xã hội tung hô – đang chấm thi hoa hậu ở Sài Gòn, Huyền bỏ nhà vào tìm Tân để quyết giết chết kẻ phụ tình. Không tìm thấy, tiền cạn, bước đường cùng khiến Huyền bắt đầu cuộc đời trụy lạc.
Trang trữ tình xót xa nhân đạo của Vũ Trọng Phụng
Dư luận chung của xã hội thời đó khi thấy một người con gái làm đĩ là “Tại nó hư… nó hư thì nó thế”, nhưng Vũ Trọng Phụng hỏi lại ngay, hỏi đi rồi hỏi lại: “Thế nào là hư, tại sao mà hư? Nhưng mà vì sao nó hư?” Và gần hai trăm trang sách là để thuật lại cho đời biết, kể lại cho đời nghe những gì, những ai đã đưa Huyền một người con nhà tử tế, xinh đẹp, có học, thông minh nết na đến chỗ trụy lạc.
Bằng ngòi bút của tay phóng sự bậc nhất đầu thế kỷ 20, Vũ Trọng Phụng tả con đường làm đĩ của Huyền và khẳng định tác nhân đẩy Huyền vào con đường ấy là hai kẻ đàn ông: chồng và tình nhân – hai nhân vật tiêu biểu của cái thời kỳ mà tác giả gọi là “thế kỷ đắc thắng cho chủ nghĩa cá nhân”.
Thế nhưng nói xuôi cũng phải nói ngược, gia đình và xã hội mới là nền tảng cốt yếu đưa Huyền vào cuộc đời đen tối đó.
Theo lời dẫn của Vũ Trọng Phụng, một giáo sư trường Đại học ở Berlin, ông W.Liepman đã nói: “Khi bậc làm cha mẹ cứ mãi mãi không đủ tư cách truyền lại cho con cái phần gia tài cao thượng ấy theo một quan niệm hoàn toàn đạo đức và bằng sự thấu triệt đủ cả mọi lẽ sinh lý học, tùy theo niên hạn và trí thông minh của chúng, thì sự lầm lẫn đáng ghê tởm sẽ cứ mãi mãi làm uế tạp mất cái của báu ấy mà tạo hóa đã phú cho ta, và sẽ ngăn trở bọn hậu sinh không còn biết lần đường nào để đi đến chỗ tận thiện, tận mỹ.”
“Đoạn cuối”, Huyền trao cho nhân vật “tôi” quyển vở ghi chép lại quãng đời trụy lạc của mình, hy vọng được “đem công bố cái mảnh đời tai hại ấy cho thiên hạ”. Nhờ tập bút ký này, có lẽ mà cái đời bỏ đi của Huyền cũng không đến nỗi là bỏ đi, đối với đám đàn bà con gái khác.
Ngay từ đầu, điều thôi thúc tác giả viết “Làm Đĩ” vẫn luôn là hai tiếng trách nhiệm. Trách nhiệm lên tiếng thức tỉnh đạo đức con người về sự quan trọng của công cuộc giáo dục giới tính trước đất nước buổi giao thời và xã hội đã bắt đầu loạn dâm. Và Vũ Trọng Phụng đã thật sự thực hiện tròn trịa hai chữ trách nhiệm đó.
Xem thêm: Lý lịch Xuân tóc đỏ
Giới thiệu nhà văn Vũ Trọng Phụng
Vũ Trọng Phụng là nhà văn, nhà báo có bút danh Thiên Hư, một trong những cây bút tiêu biểu, quan trọng nhất của nền văn xuôi hiện đại, quê ở Mỹ Văn, Hưng Yên. Ông từng làm nhiều nghề kiếm sống rồi làm báo, viết văn. Tác phẩm chính: “Không một tiếng vang”; “Cạm bẫy người”; “Kỹ nghệ lấy Tây”; “Dứt tình”; “Giông tố”; “Vỡ đê”; “Làm đĩ”; “Trúng số độc đắc”;…