Tao Đàn – Mượn một đề tài quen thuộc, viết nên những rung động sâu sắc, từ trải nghiệm chân thật của chính người cầm bút. “Làng” của Kim Lân là lòng yêu làng, yêu quê hương, nhưng trên hết thảy là tình yêu nước nồng nàn, là tinh thần kháng chiến chống nội gian và chống ngoại xâm, một lòng ủng hộ cụ Hồ của nhân dân Việt Nam.

Truyện ngắn “Làng” được viết và đăng lần đầu trên tạp chí Văn nghệ năm 1948 – thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp.

Làng của ông Hai.

Câu chuyện về người nông dân tản cư, yêu làng với những trăn trở khi nghe làng theo Tây, đầy chân thực và sinh động.

Vốn là người nông dân sống ở làng Chợ Dầu, bởi chiến tranh mà gia đình ông Hai phải đi tản cư theo lệnh của chính phủ. Dù ở nơi đâu, làng luôn là niềm tự hào và là “của báu” để ông khoe với mọi người. Rồi tin làng Chợ Dầu theo giặc ập xuống không một lời báo trước, cổ ông lão nghẹn ắng hẳn lại, da mặt tê rân rân, xấu hổ tới mức cứ cúi gằm mặt xuống mà đi. Suốt mấy ngày sau đó, ông chẳng dám đi đâu, trong lòng là nỗi tủi hổ ám ảnh nặng nề, đau đớn, bế tắc, tuyệt vọng. Ngày ông chủ tịch làng Chợ Dầu mang tin cải chính đến, ông Hai sung sướng đi khắp để lại khoe về làng mình. Ông lão hạnh phúc khoe Tây nó đốt nhà mình.

Ông Hai vừa khoe nhà bị Tây đốt, vừa sung sướng bao nhiêu, thì độc giả vừa đọc “Làng”, vừa thương xót lại tự hào bấy nhiêu.

Kim Lân đã khai thác một thứ tình cảm bao trùm và phổ biến trong lòng người dân Việt Nam thời kỳ kháng chiến.

Một thể nghiệm miêu tả tâm lý nhân vật xuất sắc.

Ông Hai yêu làng Chợ Dầu bao nhiêu?

Hầu như cũng biết!

Vì gặp ai ông lão cũng khoe, mà có lẽ rõ nhất là bác Thứ, vì tối nào ông lão cũng sang ngồi trên chiếc chõng tre vén quần lên tận bẹn mà nói chuyện về cái làng của mình.

Ông lão vốn không muốn đi tản cư đâu, chỉ mong ở lại quê cha đất tổ cùng anh em chống giặc. Dẫu biết tản cư theo lệnh của chính phủ cũng là kháng chiến. Nhưng rứt ruột bỏ làng đi tản cư đau xót biết bao. Mà xác định là kháng chiến trường kỳ, biết bao giờ mới được về quê hương bản quán? Ngặt một nỗi ba đứa con dại, một mình bà Hai đèo bòng thì gieo neo quá, nên ông phải đi.

Người xa quê nhưng lòng chẳng cách trở, ông lão vẫn một lòng hướng về nơi chôn nhau cắt rốn qua từng mẫu chuyện lặp đi lặp lại. Ấy vậy mà dòng người tản cư mang theo tin tức cả làng Chợ Dầu theo Tây rồi.

Ông lão sững sờ! Làm sao có thể? Làng Chợ Dầu tinh thần lắm cơ mà? Lời người đàn bà tản cư như cái tát vào niềm tin nơi ông lão. Ông cúi gằm mặt xuống mà đi, vì tủi nhục. Ông rít lên:

“Chúng bay ăn miếng cơm hay miếng gì vào mồm mà đi làm cái giống Việt gian bán nước để nhục nhã thế này!”

Nhưng rồi ông lại ngờ ngợ, cảm thấy lời vừa thốt ra không đúng lắm. Ông điểm lại từng gương mặt quen thuộc trong làng, toàn người có tinh thần cả! Nhưng không có lửa làm sao có khói? Sự đấu tranh nội tâm giữa tin yêu làng và thù làng làm ông lão đau khổ quá.

Nhưng dẫu yêu làng bao nhiêu thì ông lão cũng có sự lựa chọn cho mình rồi. Sinh ra giữa thời chiến loạn, trong một làng có tinh thần, một gia đình có tinh thần, ông dạy cho con mình lòng yêu nước: “Ủng hộ Cụ Hồ Chí Minh muôn năm!” – Lời thằng con út làm nước mắt ông chảy dài. Làng thì yêu thật, nhưng đất nước vẫn ở trên đầu quả tim.

“Anh em đồng chí biết cho bố con ông. Cụ Hồ trên đầu trên cổ xét soi cho bố con ông. Cái lòng bố con ông là như thế đấy, có bao giờ dám đơn sai. Chết thì chết có bao giờ dám đơn sai.”

Rồi tin cải chính về, cái mặt buồn thiu mọi ngày bỗng tươi vui, rạng rỡ hẳn lên, mồm bỏm bẻm nhai trầu, cặp mắt hung hung đỏ, hấp háy… Nom ông Hai làng Chợ Dầu như trẻ đi chục tuổi, vì làng ông không có theo Việt gian! Láo hết, chẳng có gì sất, toàn là sai sự mục đích cả! Làng ông vẫn tinh thần lắm! Ông phải thông báo cho tất thảy mọi người cái tin vui này mới được.

Ông phải qua nhà hàng xóm, ngồi trên chiếc chõng tre vén quần lên tận bẹn mà nói chuyện về cái làng của mình.

Viết “Làng”, Kim Lân đã tập trung tất cả bút lực để theo dõi, phân tích, mô tả những thay đổi trong lòng của chỉ một nhân vật – ông Hai – qua độc thoại và đối thoại. Tác giả chẳng kể gì về ngoại hình cả, nhưng điều đó chẳng quan trọng, quan trọng chỉ duy một điều, ông Hai là một con người yêu làng, yêu quê hương, yêu đất nước, yêu cụ Hồ. Và ông đặt tình yêu nước lên trên hết thảy. Cái tình cảm mà ông Hai thể hiện dễ dàng lay động người đọc, bởi nó là tình cảm bao trùm cả dân tộc, trong mỗi người dân Việt Nam chảy trong mình dòng máu Lạc Hồng.

Tinh thần yêu nước của nhân dân ta.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói:

“Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta.”

Ông Hai trong “Làng” là một trong những điển hình của truyền thống ấy, dẫu con tim khối óc mỗi người Việt Nam đều chứa chan tinh thần này, thì ông Hai may mắn biết bao vì được nhảy múa trong con chữ của Kim Lân để bộc bạch lòng yêu nước của mình.

“Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù.”

Ông Hai yêu làng Chợ Dầu bao nhiêu?

Hầu như cũng biết!

Ấy vậy mà ông vẫn thù làng, nếu làng theo giặc.

Đối với ông Hai, tình cảm với làng Chợ Dầu là tình cảm tự trong tim, ngấm sâu vào máu thịt, trưởng thành theo tháng năm, thay đổi theo dòng thời đại.

Kháng chiến nổ ra, mang theo tư tưởng mới chiếu rọi tâm hồn ông, đó là ánh sáng của Đảng, của cách mạng, là lý tưởng đi theo cụ Hồ. Ông căm thù cái lăng cụ Thượng, dù nó thuộc làng nhưng nó làm khổ dân làng, nó bắt dân làng phục dịch. Tư tưởng vì nhân dân lớn dần trong ông lão, niềm tin về làng lúc bấy giờ là những ngày khởi nghĩa dồn dập, những buổi tập quán sự có cụ râu tóc bạc phơ cũng vào gậy tham gia, là niềm tin về một ngày đất nước thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà.

Ông vẫn yêu làng, nhưng trên làng còn có đất nước. Nước mất thì nhà tan, lúc đó dĩ nhiên làng cũng không còn. Bởi vậy mà tình yêu làng của ông gắn liền với tình yêu đất nước, và lấy lòng yêu nước làm quyền chủ đạo, như lý giải về cội nguồn của lòng yêu nước theo quan điểm của nhà thơ, nhà văn, nhà hoạt động xã hội Nga Xô Viết Ilya Ehrenburg (1891 – 1965):

“Lòng yêu nước ban đầu là lòng yêu những vật tầm thường nhất… Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc.” (Trích tùy bút “Lòng yêu nước”)

Lòng yêu nước nâng cao tự tôn dân tộc, gắn kết mọi người lại với nhau, ai cũng vui lây khi ông lão cứ múa tay lên mà khoe cái tin cải chính. Đến ngay cả mụ chủ nhà ngày thường có chút gian manh tham lam cũng tỏ vẻ rất vui sướng. Trước lòng yêu nước, những thành kiến hằng ngày hoá ra nhỏ bé tầm thường.

Kim Lân đã xây dựng được tình huống truyện có thể khiến cho tình yêu làng – thoát kén hóa đẹp xinh – nổi bật lên tình yêu đất nước, mà theo chia sẻ của tác giả, đó cũng là câu chuyện của chính ông.

Viết để khẳng định niềm tin và minh oan cho làng.

Ngày 19/12/1946, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương phát động toàn quốc kháng chiến.

Ngày 31/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra sắc lệnh số 05/SL về việc thành lập Ủy ban Trung ương tản cư và di cư. Người nói:

“Ở tiền tuyến, chiến sĩ hy sinh xương máu để bảo vệ non sông, ở hậu phương, toàn thể quốc dân hy sinh mồ hôi nước mắt để giúp việc kháng chiến. Các đồng bào tản cư cam chịu cực khổ, chứ không chịu đội trời chung với quân thù. Tôi biết đồng bào trước lúc tản cư, giao hết lương thực cho bội đội ta, cho khỏi lọt vào tay địch. Nhiều người tự đốt nhà mình, cho khỏi để quân địch dùng. Thế là đồng bào đã oanh liệt tham gia kháng chiến”.

Nhà văn Kim Lân chia sẻ:

“Hồi ấy gia đình tôi cũng đi sơ tán. Trên khu ở mới, có tin đồn làng tôi là làng Việt gian. Mọi người đều nhìn những người dân làng với con mắt chế giễu, khinh thường. Tôi yêu ngôi làng của tôi và không tin làng tôi lại có thể đi theo giặc Pháp. Tôi viết truyện ngắn “Làng” như thể để khẳng định niềm tin của mình và minh oan cho làng tôi.”

“Làng” ra đời trong hoàn cảnh lịch sử ấy, và tâm lý nhân vật chính được lấy nguyên mẫu từ trải nghiệm của nhà văn. Câu chuyện bởi vậy chân thực và mang đến những rung động sâu sắc.