Mỗi tình tiết trong “Lấy nhau vì tình” là lịch sử giao thời, là văn hóa giao thoa, là phong kiến bó buộc, là Âu hóa bung ra, là trung dung nửa vời. Đây là cuốn tiểu thuyết tâm lý xã hội, có tả chân xã hội một cách sinh động và trung thành, có phân tích tâm lý nhân vật một cách tinh vi và sâu sắc, có yêu, có dục, có ghen… nhưng mục đích cốt ráo của văn tài Vũ Trọng Phụng là nhắc nhở một lẽ hiển nhiên: Yêu là để hạnh phúc!
Việt Nam những năm 30 của thế kỷ XX là giai đoạn xã hội lai căng nửa mùa, thanh niên nam nữ chạy theo lối sống tân thời, muốn thoát ly tục lệ phong kiến, muốn chống lại truyền thống “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, đại đa số người trẻ đó cho rằng lấy nhau vì tình mới là hợp lý và mới có được hạnh phúc vợ chồng.
Hôn nhân phong kiến trong buổi giao thời đã sinh ra không ít bi kịch, các tác giả của Tự lực văn đoàn đã lên án nó và góp phần đào thải nó. Tuy nhiên, tôn chỉ của trường phái văn học Tự lực văn đoàn vốn là bài phong kiến, bài Nho giáo, hô hào cải cách xã hội và ủng hộ Âu hóa, nên những tác phẩm của họ đắm chìm trong lãng mạn, say sưa trong diễm tình, như ru con người chứ không hề làm thức tỉnh con người.
Chỉ có Vũ Trọng Phụng với kim chỉ nam “tả chân” trong sự nghiệp cầm bút, là đủ khách quan, đủ bình tĩnh, và đủ sáng suốt để đặt ra câu hỏi: Hôn nhân vì tình yêu có phải bao giờ cũng tốt đẹp, cũng đem đến hạnh phúc hay không? Làm thế nào để dùng tình yêu mưu cầu hạnh phúc?
“Lấy nhau vì tình” ra đời năm 1937 đã trả lời cho những câu hỏi này.
Nội dung bài viết
Chuyện tình Liêm và Quỳnh.
Tác phẩm gồm 3 phần, mỗi phần chia làm 6 chương, viết về cuộc tình duyên giữa đôi trai gái vốn đã biết nhau nhờ mối quan hệ cháu cô cháu cậu – thầy giáo Liêm và cô gái xinh đẹp tên Quỳnh làm nghề buôn bán.
Mối tình được hai bên gia đình ủng hộ và chỉ chờ ngày rước dâu. Trong những lần hẹn hò, Liêm đã không kiềm chế được lửa tình mà gạ gẫm Quỳnh trao thân. Quỳnh ban đầu e ngại nhưng sau cùng đã chiều theo ý người yêu. Tình yêu đang nồng đượm thì trong Liêm bắt đầu xuất hiện những ý nghĩ ghen tuông, rằng nó đã trao thân cho mình thì cũng có thể dễ dàng ngủ với thằng khác.
Ghen tuông mù quáng gây ra những xa cách và hiểu lầm. Quỳnh nhận ra sự thay đổi của Liêm, cao trào đẩy lên trong một cuộc tranh cãi sau cưới, Quỳnh đau đớn nhảy hồ tự tử. May mắn thoát chết, họ hóa giải hiểu lầm và làm lành với nhau. Cuộc tình vượt qua sóng gió và trở lại hạnh phúc.
Cuốn tiểu thuyết có kết thúc đẹp, chỉ vì nó “may mắn” được Vũ Trọng Phụng rủ lòng thương. Nhưng hình ảnh chiếc bình cổ bị vỡ rồi được hàn lại trong lời nói của Quỳnh ở những trang cuối sách mới chính là tượng hình của một cái kết cụ thể. Vết nứt để lại trong mối quan hệ hứa hẹn một tương lai không mấy tươi sáng.
Góc nhìn đa chiều của Vũ Trọng Phụng.
“Nhìn vào tác phẩm Vũ Trọng Phụng, thì thấy. Thấy cả một xã hội. Thấy những người ông ghét, thấy những người ông khinh, thấy những người ông thương, thấy cả những người ông không thương không ghét, nhưng họ sống.” – Nhà thơ Thanh Thảo.
Nội dung “Lấy nhau vì tình” không lạ, thậm chí là quen thuộc và nghe có vẻ mòn tai. Nhưng cái hay của cuốn tiểu thuyết nằm ở văn phong tài tình và góc nhìn phổ quát của tác giả.
Nhịp điệu và cấu trúc của tiểu thuyết này rất gần với điện ảnh. Qua những cuộc đối thoại và độc thoại, tác giả trao cho nhân vật cơ hội lý giải những căn nguyên sâu xa của hành động. Làm cho độc giả dễ dàng hình dung mặt tối sáng phức tạp của nhân vật, khiến dàn nhân vật “sống” một cách sinh động và tinh tế, nội tâm họ không đơn thuần đứng hẳn về một tuyến nào, không đơn thuần thiện hẳn hay ác hẳn – đó vốn là bản chất của người.
Câu từ đắt, bút lực dồi dào, lúc hóm hỉnh, lúc gợi tình, lúc triết lý, không ngại nhắc đến những điều còn cấm kỵ, suy tư về con người và lo nhiều về con người luôn là những đặc điểm nổi bật của Vũ Trọng Phụng – cái danh một trong những khuôn mặt độc đáo nhất của văn học tiền chiến quả là không ngoa.
Trong tác phẩm “Lấy nhau vì tình”, tác giả thể hiện góc nhìn đa chiều của mình một cách rõ rệt, ông phơi bày được cả ba lối suy nghĩ về hôn nhân thời ấy: một là cực đoan hủ lậu theo lệnh cha mẹ, hai là cực đoan hư hỏng tân thời vì tình vì dục, ba là trung dung cả hai lối ấy.
Cái lối suy nghĩ thứ ba là tác giả nghiêng về hơn hẳn. Nhưng khác với Quỳnh trong câu chuyện, Quỳnh trung dung nửa vời – khát khao một cuộc hôn nhân vì tình yêu lại được cha mẹ sắp đặt nhưng nàng không đủ sáng suốt để bảo vệ bản thân.
Trung dung của Vũ Trọng Phụng đưa ra là kết quả sau khi xem xét trên bình diện phổ quát để bảo vệ cho phái yếu giữa cái xã hội vẫn còn trọng nam khinh nữ, ông không chê trách việc tìm hiểu nhau trước hôn nhân, nhưng cũng không ủng hộ tiền dâm hậu thú – tức là tình dục trước hôn nhân, mà khuyên nhủ nam nữ phải biết giữ gìn cho nhau.
Tiền dâm hậu thú.
“Lấy nhau vì tình” đề cập đến vấn đề khá tế nhị là tình dục trước hôn nhân.
Ở thời đại cởi mở ngày nay, nhìn chung vấn đề này được nhìn nhận khá thoáng, miễn là tình dục an toàn và biết bảo vệ sức khỏe bản thân.
Nhưng ở những năm 30 của thế kỷ trước, khi những giáo điều phong kiến vẫn còn đó, thì chữ trinh còn là việc hệ trọng, để đánh giá sự đoan chính và danh dự của một người con gái.
Khi được Quỳnh quá tin, quá yêu mà trao thân cho, Liêm đã vô tâm lạm dụng cả tin lẫn yêu của nàng. Những sự chàng được hưởng đáng lẽ chỉ nên coi là đặc ân, thì chàng cho ngay là mình có quyền, quyền sai khiến, quyền bắt bẻ, quyền giận dỗi.
Sau cuộc chinh phục quá dễ dàng, Liêm đã quên ngay rằng khi bắt đầu yêu thầm người thiếu nữ mà “cuộc đời là một bài thơ” ấy, trong những thời kỳ quên ăn bỏ ngủ, bị cái khát yêu giày vò tàn nhẫn, chàng đã từng nghĩ rằng nếu được hưởng chỉ một cái cười vô tình, một câu đáp ngọt ngào, hay một thái độ nhã nhặn của thiếu nữ ấy, chàng cũng đã đủ sung sướng vô cùng để xem những điều lặt vặt ấy là những sự to tát đáng để nhớ ơn suốt đời…
Sự đời đã không khó khăn như Liêm đã tưởng, làm cho cái tôi của chàng bành trướng ra, ngày càng tham lam và độc đoán. Liêm chỉ còn nghĩ đến cái quyền của mình chứ không kịp nghĩ đến cái ơn của người yêu. Những nguyên do đó làm nổi lửa lòng ghen vô lý trong Liêm và đẩy cuộc tình vào cơn giông bão.
Ông phán Hòa đã cắt nghĩa cho Liêm rằng:
“Tại sao anh ghen? Tại Quỳnh đã đi chơi với anh, đã thơ từ cho anh. Cho nên anh thường tự nhủ: “Mình mà chim được nó thì hẳn cũng có thằng khác chim được nó!” Nếu thí dụ hai người đã trót… bậy bạ với nhau, thì anh lại càng ghen lắm nữa, vì anh lại sẽ thường tự nghĩ: “Nó đã cho mình ngủ với nó, thì biết đâu nó lại không có thể cho thằng khác ngủ với nó được?” có phải thế không?”
Vũ Trọng Phụng đã vẽ ra một bối cảnh hết sức chi tiết, cụ thể đến từng sự thay đổi nội tâm, để người đọc có thể hiểu được cái tai hại của tình dục trước hôn nhân vào thời bấy giờ, khi tư tưởng văn minh tân thời và cổ hủ phong kiến còn tồn tại song song, đôi khi còn buộc chung trong não bộ của nhiều người, đã đẻ ra nhiều sự luân lý nửa vời, mà nếu không biết giữ gìn, chịu thiệt thòi cuối cùng cũng chỉ có người con gái mà thôi.
Yêu là để hạnh phúc!
Đọc văn của Vũ Trọng Phụng – một bông hoa lạ trong làng văn chương đơn phương đi ra ngoài quỹ đạo chính thống, độc giả sau gần thế kỷ vẫn phải gục gặc đầu mà đồng ý, mà tưởng thưởng vì lối tư duy hết sức sâu rộng của ông.
Đặt trong bối cảnh xã hội lúc đó, tác giả bác bỏ tiền dâm hậu thú là điều hết sức nhân đạo dành cho người con gái, người phụ nữ. Nghe có vẻ lạc hậu, có vẻ xuôi xuôi theo phong kiến, nhưng nhà văn lại không tỏ thái độ phản cảm gì với việc yêu trước cưới sau.
Quan niệm của văn sĩ họ Vũ hết sức rõ ràng: Xin hãy nhớ mục đích của tình yêu là hạnh phúc. Yêu để mà khổ thì đừng yêu nữa có hơn không? Hãy dùng tình yêu để mưu cầu hạnh phúc. Yêu nhau trước cưới hay lấy nhau vì tình đều tốt. Nhưng người đàn ông phải đứng đắn, phải tôn trọng và giữ gìn cho người mình yêu, phải kiềm chế cái lòng dục của mình lại, đừng có lợi dụng. Mà đàn bà thì phải khôn ngoan, đừng có cả nể, đừng có quá tin.
Tác phẩm “Lấy nhau vì tình” đặt vào bối cảnh ngày nay thì không còn hợp thời nữa, khi tư tưởng hiện đại đã không còn bị bó buộc và nửa vời như những năm 30 của thế kỷ trước, nhưng thông điệp hướng tới hạnh phúc là mục đích cốt ráo trong tình yêu của Vũ Trọng Phụng thì vẫn đúng và luôn luôn đúng với mọi thời đại.